Quận chúa biệt động

Kỳ 4: Giết tỉnh trưởng ác ôn và lấy chồng vì... nhiệm vụ

Kỳ 4: Giết tỉnh trưởng ác ôn và lấy chồng vì... nhiệm vụ
TP - Sau khi học ngành y ở Pháp về, bà Đặng Hoàng Ánh (tên gọi lúc đó là Ngọc Diệp) được phân về một bệnh viện ở Sài Gòn. Bắt đầu tham gia các hoạt động trở lại, bà được tổ chức bố trí, dàn dựng để giết tên ác ôn tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long Khưu Văn Ba một cách... hợp pháp.

>> Kỳ trước

Dưới đây là một đoạn bà Ánh nhớ lại trận đánh này.

Kỳ 4: Giết tỉnh trưởng ác ôn và lấy chồng vì... nhiệm vụ ảnh 1
Hôn lễ của cô dâu Phạm Ngọc Diệp và chú rể ĐàoTuấn Kiệt tháng 8/1959

Khưu Văn Ba đang ngồi trên ghế bành, trước một cái bàn làm việc rộng, bày biện rất sang trọng, xa hoa. Vừa thấy tôi, mắt ông ta như sáng lên, đứng bật dậy, chạy ra tận ngoài, vồn vã đón khách:

- Ô, chào “ma đam”! Mời “ma đam” ngồi. Tôi có thể giúp gì cho người đẹp đây?

Tôi mỉm cười và nói:

- Thưa Tỉnh trưởng, tôi là Léna Phạm, vừa tốt nghiệp “đốc tờ” ở bên Pháp về. Ông Bộ trưởng Bộ Y tế đã chấp nhận cho tôi ở Sài Gòn, nhưng tôi muốn làm việc ở Vĩnh Long để được gần họ hàng, gia đình...

Nói rồi, tôi mở chiếc ví đầm, lấy ra tấm bằng đưa cho Khưu Văn Ba, ông ta chẳng cần xem, xua tay và bảo:

- Thôi người đẹp cất tấm bằng đi! Tôi hứa sẽ giúp em mà!

Tôi chỉ cười cười, rồi vờ liếc mắt đưa tình...

Chỉ đợi có thế, Khưu Văn Ba buông lời tán tỉnh ngay:

- Nói thật nhé: Tôi chưa có “ma phăm” (vợ) đâu. Hình như Chúa trời xui khiến, đưa em đến làm “ma phăm” tôi phải không? Em đồng ý nha?

Thấy tôi lúng túng, Khưu Văn Ba dời ghế đứng dậy, lại gần, rồi bất ngờ vuốt tóc tôi một cách sàm sỡ:

- Cho tôi... hun em một cái đã nha. Chao ơi, người đâu mà xinh đẹp và dễ thương quá trời vậy!

Tôi giận run người, theo phản xạ bản năng con gái, tôi né tránh ông ta rồi đứng bật dậy, chạy vòng qua bàn. Nhưng vô tình lại đứng trước cánh cửa phòng ngủ khép hờ kế bên của Khưu Văn Ba. Ông ta lao đến, dùng sức đẩy tôi vô trong.

Khi tôi còn đang lúng túng chưa biết thoát thân bằng cách nào, thì “Ngài Tỉnh trưởng” đã lộ diện và biến thành gã “yêu râu xanh”. Ông ta cởi phăng chiếc áo đang mặc, để lộ bộ ngực trần, đầy lông lá như người châu Âu, đôi mắt vằn lên thèm khát. Ông ta từ từ tiến lại, còn tôi thì hoảng hốt lùi dần, lùi dần cho tới khi tôi vướng vào chiếc giường ngủ. Ông ta đẩy tôi ngã ngửa ra giường. Nhưng cũng lúc đó, tôi đã né người lấy được khẩu súng ngắn (1) ra khỏi ví, giơ lên và quát to:

- Nếu ông còn tiến lại, làm bậy, tôi bắn đó nha!

Khưu Văn Ba cười nhăn tụt nốt cái quần dài, trên người chỉ còn độc mỗi cái xilíp nhỏ xíu, có cột dây bên hông. Tôi vừa mắc cỡ, vừa bực mình, ngồi dậy và chạy vòng qua chiếc bàn nước nhỏ trong phòng, tay vẫn lăm lăm khẩu súng nhỏ đã lên đạn.

Khưu Văn Ba giọng năn nỉ tức cười:

- Thôi mà người đẹp! Đằng nào em cũng là vợ anh, không thoát được đâu. Lại đây chiều anh đi mà! Rồi em muốn gì sẽ được đấy.

Nhìn đôi mắt lim dim, khuôn mặt đờ đẫn của Ba, tôi bình tĩnh tiến lại gần. Tưởng tôi đã xiêu lòng, bất ngờ, ông ta túm lấy nòng súng kéo sát vào ngực mình:

- Đây là trái tim anh. Em cứ bắn đi, anh không hề ân hận và oán trách nửa lời. Còn nếu không bắn, thì em hãy chiều anh đi...

Vừa rên rỉ như người lên đồng, Khưu Văn Ba vừa vòng một tay qua eo kéo tôi lại gần hơn. Rồi bất ngờ, một tay ông ta vuốt mông tôi, tay kia thô bạo luồn dưới chiếc váy đầm, định kéo chiếc quần con của tôi...

Những tiếng súng nổ vang. Nòng súng quá gần mục tiêu, khiến cho đôi tai tôi như ù đi, kêu ong ong. Tôi đã bóp cò ba phát liền, mà chẳng nhớ mình đã hành động như thế nào. Khưu Văn Ba đổ gục xuống, máu xối ra đầy ngực, thấm đỏ cả chiếc gối ngủ.

Sau mấy giây đã trấn tĩnh lại, tôi vội vàng giật chiếc quần xilip của Khưu Văn Ba ra khỏi người ông ta, rồi tự cởi cả chiếc quần lót của mình vứt cạnh vũng máu. Tôi nhặt khẩu súng cho vào ví, rồi bình tĩnh đi ra ngoài. Dường như căn phòng tôi vừa hành động quá kín, nên tiếng súng không lọt được ra ngoài, trong dinh Tỉnh trưởng chưa ai biết chuyện gì.

Tôi bình tĩnh ra xe nổ máy, gật đầu chào tên lính gác rồi lái thẳng đến Đồn Cảnh sát gần đó, theo đúng kế hoạch đã được các anh lập ra trước. Vừa vào tới phòng trực ban, tôi vờ hớt hải kêu to:

- Tôi xin gặp ông “Cò”! Tôi có chuyện khẩn cấp trình báo nhà chức trách!

Tiếp tôi là ba người, trong đó có một sĩ quan cảnh sát nhìn quen quen, nhưng tôi không nhớ là mình đã gặp ở đâu. Tôi kể lại toàn bộ sự việc, rồi nhấn mạnh: Ngài tỉnh trưởng đã sàm sỡ, cưỡng bức tôi, súng đã cướp cò và vô tình tôi đã giết ông ta... Biên bản ghi lời khai đã làm xong. Được đọc lại, rồi cùng ký bên dưới.

Ông “Cò” tiễn tôi ra tận cửa, rồi nói nhỏ:

- Cô nhớ phải giữ nguyên lời khai như vừa rồi với bất cứ ai. Mọi việc ở đây đã có chúng tôi lo...

*

Tôi nhận được giấy triệu tập của Tòa án tỉnh Vĩnh Long, với tư cách là người bị kiện vì đã giết người. Mà người đó nguyên là Tỉnh trưởng Vĩnh Long.

Anh Hai Xô động viên tôi:

- Cô Út cứ yên tâm. Tổ chức đã tính toán kĩ và bố trí rồi, kể cả việc thuê “thầy cãi” nữa. Cô cứ bình tĩnh giữ đúng lời khai trước sau như một. Mình bị kiện, nhưng cũng là người bị hại, vì bảo vệ danh dự, phòng vệ chính đáng mà vô tình giết người, lo gì chứ. Nhất định mình sẽ thắng kiện trong vụ này!

Được lời của anh Hai Xô, tôi cũng yên tâm hơn.

Phiên tòa diễn ra khá trật tự. Tôi nhớ người ngồi ghế quan tòa xét xử vụ án của tôi hôm đó là ông Cao Minh Hoàng, dáng vẻ oai vệ, nói năng khúc triết và đầy vẻ quyền uy.

Sau khi lần lượt làm tất cả các thủ tục theo đúng luật, nghe hai bên luật sư trình bày, Tòa nghị án rất nhanh, rồi quan tòa Cao Minh Hoàng dõng dạc tuyên án:

- Xét thấy, bị cáo khi bị cưỡng bức đã phòng vệ chính đáng, vì bảo vệ thân thể mà hành động theo đúng pháp luật, được Tổng thống cho phép... Như vậy, hành động đó là vô tội. Bản chức truyền tha bổng!

Sau này, tôi được biết trong vụ tiêu diệt tên ác ôn “yêu râu xanh” Khưu Văn Ba, tôi đã được tổ chức và gia đình hỗ trợ rất nhiều, từ trước khi vụ án diễn ra, cho đến khi kết thúc.

Thứ nhất, là “Ông Cò” đã lấy lời khai hôm tôi hành động là anh Nguyễn Thế Vĩnh, một người anh họ bên ngoại của tôi, đồng thời cũng là người của ta cài vào trong lực lượng cảnh sát của địch ở Vĩnh Long.

Thứ hai là, trước khi phiên tòa diễn ra, ngoại tôi đã sai cậu Trương Gia Quế đến kêu với mẹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bà này cho gọi ngay ông Diệm lại, nói rõ đây là dịp để trả ơn gia đình tôi, trước đây từng giúp đỡ ông Ngô Đình Thục, giờ lại thường xuyên chữa bệnh, chăm lo sức khoẻ cho gia đình bà cụ. Ông Diệm là người bảo thủ, vốn chúa ghét chuyện trai gái, đã chỉ đạo không kết tội tôi.

Thứ ba là, quan toà Cao Minh Hoàng lần lại gốc gác lại là người cháu kêu tôi bằng cô họ, nên ông công khai bênh tôi. Bởi thế, khi xét xử mọi người đều biết là tôi đã cầm chắc phần thắng kiện rồi.

Kết hôn theo... lệnh của

tổ chức

Một lần, sau khi rào trước đón sau chuẩn bị tư tưởng cho tôi, anh Hai Xô nói:

- Hôm nay anh giao nhiệm vụ cho em, vừa là đại diện cho tổ chức, vừa là tình cảm anh em. Chuyện là thế này... Tổ chức muốn em phải lấy chồng. Và kết hôn ngay trong tháng này.

Tôi tròn mắt, tưởng mình vừa nghe nhầm, lắp bắp hỏi lại:

- Em... em... phải lấy chồng hả? Nhưng mà... ai lấy? Và sẽ... lấy ai?

- Chú rể là Giáo sư, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt. Anh ấy biết em từ lâu và cũng rất mến em. Đây là yêu cầu của Đảng, cũng là nhiệm vụ: Đồng chí phải kết hôn với nhà trí thức yêu nước Đào Tuấn Kiệt! Đó là người cùng nghề y, lại rất có uy tín. Chỉ làm như vậy, tổ chức mới dễ bề nới rộng mạng lưới hoạt động chính trị, xã hội và kinh tài... Cách mạng đang rất cần tranh thủ những trí thức như Đào Tuấn Kiệt. Mà nhiệm vụ này chỉ có đồng chí mới hoàn thành được.

Tôi được 10 ngày để suy nghĩ.

Qua anh Hai Xô, tôi được biết Giáo sư, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt từng du học tại Pháp và là bạn đồng môn với các Giáo sư nổi tiếng như Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Phấn... Đặc biệt, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt chơi rất thân với anh Ba Nghĩa - tức Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (2); họ là bạn đồng niên, đồng tuế với nhau.

Hai người cũng chơi rất thân với anh Hai Phạm Hùng. Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt từng là Giám đốc các Sở Y tế ở Gia Định, Thủ Đức, Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long, Long Xuyên... (Sau này, ông còn là một nhà hoạt động từ thiện xã hội nổi tiếng Sài Gòn, với việc lập nhà tình thương nuôi hàng ngàn lượt trẻ em mồ côi, tật nguyền).

Tuy nhiên, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt hơn tôi tới hai “giáp”. Nghĩa là khác tôi cả một thế hệ! Tôi cố tưởng tượng, hình dung, gò ép, cố tìm mọi cách tự điều chỉnh bản thân, nhưng vẫn không hề có được một chút tình cảm nào với người mà tổ chức yêu cầu tôi phải lấy làm chồng.

Tôi lo nghĩ nhiều quá tới độ ù cả tai, hoa cả mắt... Thậm chí uất ức quá, không biết làm thế nào, tôi đã cầm súng đặt vào mang tai, với ý định tự sát mà không thành. Tổ chức biết tư tưởng của tôi rất phân vân, nên lúc nào cũng cử người theo dõi sát, đề phòng tôi dại dột, thiệt thân.

Và cuối cùng, cái đám cưới tôi không hề mong đợi ấy vẫn đến với tôi vào ngày 29 tháng 8 năm 1959.

Tôi kết hôn với Giáo sư Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt mà không có tình yêu.

Ngay sau lễ cưới, tôi bỏ về nhà mình. 7 ngày sau chú rể chưa được động phòng. Để tránh tai tiếng và cũng để giải quyết tình huống, anh Kiệt bố trí rồi thuyết phục tôi đi tuần trăng mật ở Nhật Bản.

Cho đến giờ, tôi vẫn không quên được “lần đầu tiên” ấy với anh. Sau khi đã hết cách thuyết phục mà tôi không thuận, anh Kiệt đã mở cửa ra đứng ở ban công nhà cao tầng và tuyên bố sẽ tự vẫn nếu tôi vẫn không chịu.

Tôi hiểu là một trí thức Tây học, trọng danh dự và lịch lãm như Đào Tuấn Kiệt, anh không thể nói đùa.

Chúng tôi chính thức làm vợ chồng với nhau từ ngày đó.

Mười lăm ngày sau, chúng tôi trở về Việt Nam.

Cũng trong chuyến đi này, tôi đã có thai. Không biết là nên vui hay nên buồn nữa?

(1) Để thực hiện trận này, Ngọc Diệp đã xin được giấy phép đặc biệt được mang súng.

(2) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996): Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.