Dưới sắc cờ thiêng Lũng Cú

Dưới sắc cờ thiêng Lũng Cú
TP- Từ bãi đỗ xe giữa lưng chừng núi, gò lưng thót bụng leo trọn 286 bậc đá, tôi cố ghìm nhịp thở để đứng thẳng người trên độ cao 1.700 mét của đỉnh núi có địa danh là Lũng Cú này.

Mây hay mù thoắt giăng thoắt tan bởi sức gió vẹo cả người. Mây ấy, mù sương ấy là đang tản đang tụ của vĩ độ 23 độ 15 phút bắc được coi là cái đỉnh chóp nón của bản đồ Việt Nam.

Trên đỉnh non cao được ngắm thứ mây nõn vào ngày trời quang tạnh tôi chợt bâng khuâng nghĩ ngay đến lão tiên chỉ làng văn Tô Hoài. Non mươi năm trước, ông ngỏ ra cái quyết chí lên lại Đồng Văn với Mèo Vạc và nhất là Lũng Cú. Tôi tường trình lại với một người quen.

Đó là ông Vương Quỳnh Sơn, cháu kêu Vua Mèo Vương Chí Sình bằng chú ruột khi ấy đang là chuyên viên hay cố vấn về mảng dân tộc của Chính phủ. Lão Vương nghe ra có chiều đắc ý.

Lại xui tôi lấy cái công văn của chủ trùm Hội nhà văn Việt Nam khi ấy là ông Hữu Thỉnh gửi cho Chủ nhiệm UB Dân tộc của Chính phủ là ông Hoàng Đức Nghi cho chắc. Mọi thủ tục suôn sẻ cả.

Bên UB sẽ cấp cho cái xe tốt nhất khi ấy UB có để chở nhà văn Tô Hoài ngược cao nguyên đá Đồng Văn. Đùng cái, buổi chiều của sáng hôm sau xuất hành, cụ bà Tô Hoài nghiêm sắc mặt với tôi rằng, được đi Đồng Văn sẽ có nhiều cái thuận trong đó tiện cho việc viết lách thứ nữa ghé thăm cô con gái nuôi người Mông ở Sà Phìn bởi lâu cha con không gặp... Nhưng kẹt nỗi ông lão yếu với lại đang bệnh không leo Đồng Văn như mọi bận được đâu!

Tôi bối rối ngước sang vị tiên chỉ làng bằng cái nhìn cầu cứu thì cụ nhà chả nói chi mà chỉ thường trực cái cười mủm mỉm muôn thuở ấy thì tôi biết mọi sự đã nhỡ cả rồi!

Nhưng bù lại lần ấy ngược Hà Giang leo cao nguyên Đồng Văn mà không có nhà văn Tô Hoài, tôi được bám gót ông cháu Vua Mèo. Ông Sơn như một cuốn từ điển sống về vùng biên viễn đá này vốn là nơi chôn nhau cắt rốn.

Sau khi thăm lại ngôi biệt thự đá của nhà Vương ở Sà Phìn, Vương lão dẫn tôi bằng những nhịp lắc lư oặt người bởi đường khi đó đang còn rất xấu để vào Lũng Cú theo lối mòn Lũng Táo. 

Từ mãi xa, Vương lão đã đấy đấy liên hồi... Tôi phải căng mắt mãi mới thấy một chấm son bé tẹo lấp lánh trên đỉnh Lũng Cú này. Hồi ấy chưa có cột cờ hình lục lăng bề thế sáu mặt ốp hình trống đồng Đông Sơn và trên đỉnh đang phần phật ngự một sải cờ bề ngang 6 mét bề dài 9 mét như bây giờ!

Mà đâu chỉ là một sải cờ với kích cỡ bình thường được các chiến sĩ trạm biên phòng Lũng Cú dựng tạm bằng cây cột gỗ cắm trên đỉnh.

Ngày tôi ở Lũng Cú và nhiều ngày trước đó nghe nói hệ thống ròng rọc chi đó để thượng và hạ cờ bị hỏng, anh em phải nghĩ ra cách buộc cờ cho khéo, nghĩ ra cách chiến đấu với những sức gió mạnh yếu khác nhau dùng phương cách thủ công mà thượng lẫn hạ cờ khá là vất vả.

Ngồi ngẩn ra mà ngó cờ Lũng Cú tươi rờn phần phật reo trong nắng mai, tôi lẩn thẩn nghĩ đến cái công sức trần tục nói đúng hơn là chiến công của những người làm cái việc giữ cờ- hồn thiêng sông núi...

Mỗi đận lên Lũng Cú đầu óc cũng như kiến văn như thông thoáng như nới rộng ra bởi được phơi phóng trong độ gió khoáng đạt hào phóng của cao nguyên đá cộng với cái duyên được gặp những người biết việc.

Ông cháu Vua Mèo, vốn thông thạo tiếng Pháp tiếng Hoa, sức đọc cũng gớm, lần ở chân Lũng Cú đã ngước cặp mắt thường lên phía vòi vọi có chấm son cờ kia mà tỉ mẩn lý giải cho tôi rằng, Lũng Cú chả phải là cái thung lũng có nhiều cú như có người tưởng mà là đọc chệch âm Hán sang âm H’ Mông từ Long Cổ nghĩa là trống của nhà vua.

Nguyên do là thế này, Vua Quang Trung (có sách chép rằng trước nữa là thời Lê Lợi) sau khi đại phá quân xâm lược đã cho treo cái trống thực to ở trạm gác vùng biên viễn này.

Mỗi lúc cầm canh, âm thanh chủ quyền ấy lại gióng lên ba hồi đĩnh đạc cách mấy dặm còn nghe được! Bữa nay, vừa lấy tay sờ sẫm cái mặt thô ráp của hình trống đồng Đông Sơn đắp nổi lại ngẫm thêm câu chuyện vội vàng hồi nãy với trung tá Vũ Ngọc Lâm, Đồn phó kiêm Chính trị viên đồn Biên phòng Lũng Cú.

Câu chuyện về sự tích rồng thiêng đến ở tại ngọn núi thiêng Lũng Cú. Lũng Cú cũng là cách đọc chệch âm từ Long Cư (nơi rồng ở) mà ra.

Tôi không được mục sở thị, nhưng nghe nói gần đỉnh Lũng Cú có hai vũng nước mà trên độ cao chót vót này không bao giờ cạn cả. Nông thôi nhưng nước rất trong. Hai vũng ấy được dân ở đây coi như hai cái giếng, hơn thế nữa là Long nhãn, hai mắt rồng! Thủy bất thâm, sơn bất cao hữu long tắc linh (nước không cứ sâu, núi không cứ cao, nhưng có rồng đến ở đều ắt  linh thiêng!).

Nếu cứ chiểu theo câu nói của người xưa như trên thì điểm chót vót cực bắc của Tổ quốc này ắt hẳn linh thiêng mọi nhẽ!

Lũng Cú chỉ là một điểm của đường biên dài 25,5 cây số áp Trung Quốc  mà các chiến sĩ biên phòng đồn Lũng Cú có nhiệm vụ phải coi sóc trấn giữ đêm ngày.

Nhưng có lẽ cái điểm Lũng Cú ấy ngó như cái chóp nón trên bản đồ Tổ quốc, điểm cao nhất của cực Bắc nên đã mang một sắc thái khác chăng?

Dưới sắc cờ thiêng Lũng Cú ảnh 1
Phiên chợ dưới chân Lũng Cú  Ảnh: Xuân Ba

Lũng Cú, cái đỉnh của hình na ná như tam giác cân mà một góc là Sa Vĩ của Móng Cái, Quảng Ninh và góc kia là Tây Trang của mạn Điện Biên hết thảy đều là đất thiêng của Tổ quốc cả nhưng Lũng Cú trước nay vẫn nổi trội hơn trong tâm linh lẫn tâm thức của con dân Việt về cương vực lẫn chủ quyền quốc gia?

(Cũng xin mở ngoặc một chút, lần về Lũng Cú này, tôi mới hay cái bản có tên là Lô Lô Chải nghe đâu mới là điểm cao nhất, nhọn nhất của hình chóp nón ấy. Lũng Cú mới là nhì thôi. Cái điểm xanh tít mù mà mắt thường ngó được nằm dọc đường biên kia là Lô Lô Chải có 80 hộ với 400 khẩu). Mà có lẽ phần nổi trội ấy, ấn tượng ấy là lá cờ với diện tích 54 m2 đang sải phần phật trên đỉnh cột cờ Lũng Cú kia.

Thì đã đành nhiệm vụ của các anh em cán bộ chiến sĩ Trạm Biên phòng do trung úy Nguyễn Ngọc Minh phụ trách cắm ở Lũng Cú này phải đảm nhận nhiều công việc trị an ở vùng biên viễn gồm 9 bản với gần 2.000 dân gồm nhiều dân tộc Mông, Lô Lô, Tày, Giáy, Pu Péo... Nhưng tôi cứ mạo muội mà rằng, công việc chính yếu nhất của cái trạm biên phòng ấy là lo làm sao giữ cho được 24/24 sắc cờ lúc nào cũng tươi, cái khối cờ 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em quần tụ trên đất Việt ấy lúc nào cũng phải lành lặn!

Trước nhất nói đến sự lành lặn nguyên vẹn của cờ. Tôi không có thông số trên độ cao 1.700 mét ấy sức gió nó là bao nhiêu, mỗi xăngtimét vuông hay mỗi mét vuông cờ phải chịu áp lực gió tác động lên là bao nhiêu tạ, bao nhiêu tấn..., nhưng nghe chuyện của anh em thường một hoặc hai tuần, nhiều nhất những kỳ lặng gió được đến 4 tuần thì phải thay cờ.

Đứng dưới chân núi dùng ống nhòm (cứ cho là loại đặc chủng đi) để kiểm tra, để săm soi xem có vết rách nào ư?

Cũng là một cách nhưng nghe anh em nói lại, kiểu ấy không chính xác vì nếp cờ luôn uốn lượn luôn xao động mà ta quen gọi là phần phật hoặc có thời khắc có lúc cờ không reo thì khó mà biết gió đánh toạc ở vị trí nào?

Vì thế mà phải thay nhau gò người leo lên ở độ cao 1.700 mét ấy đứng dưới chân tháp cờ dùng mắt thường mà dõi mà săm soi từng phân cờ một!

Không biết có quốc gia nào trên thế giới lại có kiểu giữ cờ độc đáo như người dân nước Việt?

Tôi thoắt nhớ đến cột cờ ở sông tuyến Hiền Lương bằng phi lao dài 12 mét đỡ lá cờ 15,36 mét vuông, rồi sau đó kiếm thứ vật liệu chi đó cỡ 34 mét dài để đỡ sải cờ gồm 108 mét vuông để đáp ứng niềm mong ngóng của người dân bờ Nam sông tuyến trong những ngày đất nước cắt chia.

Trong những lần ra Bắc để thăm lại cố hương lẫn việc quyết định một dự án làm ăn ở Tuần Châu Hạ Long, ông Nguyễn Cao Kỳ một lần nghe đâu đi bằng đường bộ đã dừng lại ngó nghiêng rất lâu cái cột cờ sông tuyến Hiền Lương.

Có lẽ trí nhớ ông hẳn còn sâu đậm thời khắc chiếc AD6 Thập Tự Quân bị dính đạn của dân quân Vĩnh Linh mà ông phải nhao vội ra biển đáp lên tàu sân bay của Mỹ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Đó là buổi trưa ngày 8/1/1965, ông cho máy bay sà thấp định dùng bom tiện đứt lá cờ lẫn cột cờ Hiền Lương nhưng không thành. Mãi đến năm 1967, cờ sông tuyến mới thôi bay vì một trận oanh tạc dữ dội của không quân Huê Kỳ.

Người ta tính từ ngày 19/8/1956 đến 28/10/1967 đã 267 lần phải thay cờ các cỡ ở cột cờ Hiền Lương vì bị rách do gió, do bom đạn kẻ thù. Riêng năm 1967 ác liệt ấy đã 42 lần phải thay cờ do bom đạn. Hơn 300 trận đánh lớn nhỏ để bảo vệ cờ Hiền Lương.

Huyền thoại mẹ Nguyễn Thị Diệm nhiều năm trụ lại bên bờ bắc Bến Hải bom đạn bời bời để chỉ làm mỗi việc vá cờ!

Những sải cờ nay bay, nay reo mang một thông điệp khác của thời sẵn sàng làm bạn với mọi quốc gia nhưng vẫn là âm hưởng chủ đạo vẫn là sự nổi trội của chủ quyền nước Việt. Dường như đã nhẹ thênh đi việc giữ cờ. Và cả trọng lượng cờ theo nghĩa đen nữa chứ?

Tôi nghĩ đến trọng lượng của 122  mét vuông vải pôpơlin nhuộm đỏ và 12 mét vuông nhuộm vàng của lá cờ có diện tích lớn nhất trên cột cờ sông tuyến Hiền Lương ngày ấy tổng cộng đâu như 16 kg.

Đưa được trọng lượng ấy lên tầm cao ấy vào những ngày gian nan ấy, khó nhọc đến thế nào? Rồi lẩn mẩn nghĩ thêm đến mấy kilôgam trọng lượng cờ thiêng Lũng Cú bây giờ được chế bằng thứ vải nilon nhẹ và mát... Thứ vải làm khăn quàng đỏ cho các em thiếu nhi.

Nhưng hình như vẫn y nguyên sức nặng chủ quyền quốc gia trong biểu tượng hồn thiêng sông núi.

Tôi quên khuấy chưa hỏi mỗi bận cờ rách do gió như thế, anh em ở trạm Lũng Cú có vá víu chi không nhưng được biết tại trạm đâu như lúc nào cũng dự trữ sẵn 5-6 lá cờ suốt từ thời điểm năm 2000 Lũng Cú có cột cờ mới.

Hình như bữa nay khách thăm đứng dưới chân cột cờ lâu hơn khi được giới thiệu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước Tết Mậu Tý đã từng sải những bước chân qua 286 bậc đá rồi đứng hồi lâu dưới sắc cờ thiêng Lũng Cú.

Anh thư ký người Mông ở UBND xã Lũng Cú lúc đưa tôi đi thăm lớp học mẫu giáo ngay dưới đỉnh Lũng Cú cao 1.700 mét của các cháu lớp 5-6 tuổi có kiểu giải thích từ Lũng Cú có khác.

Anh nói Lũng tiếng Mông là ngô. Lũng Cú là thung lũng ngô. Vậy thôi! Cô giáo Dương Thị Ngọc Hà người Bắc Kạn đang hướng dẫn 22 cháu tất thảy đều là người Mông, người Lô Lô đang học đánh vần.

Ngó những gương mặt đứa thì đen nhẻm đứa thì hồng hào và tất thảy đều có cặp mắt rất sáng kia, tôi chợt nghĩ, biết đâu thế hệ măng tơ này sẽ lại thêm cho mảnh đất biên viễn này không ít những huyền thoại về Lũng Cú theo cái cách của chúng?

Tiết Cốc Vũ năm Tý

MỚI - NÓNG