Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 3

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 3
TP - Hai năm sau sự hy sinh anh dũng của Phùng Chí Kiên, trên báo “Cờ Giải Phóng” - Cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 2 ra ngày 26/8/1943, đã đăng một bài điếu nhan đề “Gương hy sinh - nhớ tiếc anh Phùng” của tác giả Sóng Biển (Có ý kiến cho là bút danh của Trường Chinh - PV).

>> Kỳ trước

III - Đương đầu với “Thủ tục Hành chính”

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 3 ảnh 1
Nguyễn Vỹ (Phùng Chí Kiên) ở Trung Quốc

“Anh Phùng hay Lý đã vĩnh biệt chúng ta được hai năm rồi...”. Sau khi sơ lược quá trình hoạt động cách mạng của Phùng Chí Kiên, tác giả viết tiếp: “... Thôi! Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ.

Anh Phùng! Chỉ vì Tổ quốc, đồng bào... nên, trong mười mấy năm lận đận anh phải vật lộn với bao sự thế biến thiên, trên đường đời đầy cát bụi, và rốt cuộc anh phải gửi tính mạng trên bãi sa trường!

Than ôi! Rồi đây trong những đêm trường lặng lẽ, văng vẳng bên tai những tiếng dế kêu, cú rúc của núi rừng, khác nào như những bản đàn luyến tiếc một chiến sĩ bất hạnh đã hy sinh trên trường cứu quốc giữa tuổi thanh xuân chứa chan hy vọng.

Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí.

Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông cây cỏ!...”

Có thể nói, kể từ sau bài điếu trên, trải qua hai cuộc kháng chiến và hàng chục năm sau khi nước nhà thống nhất vẹn toàn, việc làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho vị tướng đầu tiên, đã bị lãng quên.

Như đã biết, Nguyễn Vỹ - Phùng Chí Kiên rời khỏi nhà khi mới 15 tuổi, sau ra nước ngoài hoạt động cách mạng khi mẹ cha vẫn còn sống, cho đến khi trở về nước và hy sinh, vẫn chưa một lần được về lại quê hương thăm gia đình, họ tộc.

Cũng đã có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với giọng xúc động: “... Hiện nay ở quê anh Kiên còn có gì nữa không? Không vợ con gia đình, không nhà cửa tài sản, không bàn thờ, hương tự...”

Trong dòng họ tại quê cũng có một số người cháu dù chưa một lần được biết mặt nhưng vẫn luôn luôn nhớ về bậc tiền nhân của mình, trong đó có Nguyễn Văn Việt, thượng tá quân đội, cháu ruột gọi Nguyễn Vỹ là chú.

Ngay từ thuở còn cắp sách tới trường, nghe các thầy cô, các cụ trong làng kể về sự hy sinh bi tráng của chú Vỹ, anh cảm phục vô bờ và coi đấy như thần tượng của mình. Ngay sau khi nước nhà thống nhất, anh cất công lên Bắc Cạn, lần tìm đến những nơi trước đây chú Kiên từng hoạt động để tìm hiểu xem trước lúc hy sinh, chú có để lại di vật nào đặng đem về quê thờ tự.

Bao nhiêu bận đi lại, sưu tầm khắp nơi, cuối cùng anh cũng có được một tấm ảnh đen trắng mà chú Kiên chụp từ khi còn hoạt động bên Trung Quốc. Tấm ảnh đó rất mờ, cho nên anh phải thuê người truyền thần lại rồi trân trọng đặt trên bàn thờ.

Hàng năm cứ đến ngày 18/5 (Ngày sinh của Phùng Chí Kiên - PV), một số cháu trong dòng tộc lại làm mâm cơm nho nhỏ, rồi thắp mấy nén nhang, khấn vái, mời người chú cô đơn ghé về quê cha đất tổ.

Cứ mỗi lần thắp hương, mấy người cháu không khỏi mủi lòng bởi cái bàn thờ nho nhỏ cũng cô đơn như người trên đó: Không một tấm huy chương hay một tấm bằng ghi nhận nào đó...

Vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của chú Nguyễn Vỹ, ngày 18/5/1981, mấy người cháu bàn với nhau phải tìm cách đề nghị cấp trên xem xét cấp bằng tổ quốc ghi công để công nhận chú Kiên là liệt sĩ.

Có người phân vân: “ Quy định của nhà nước là chỉ có cha mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mới được quyền đề nghị. Liệu mình có được phép kiến nghị không?” Anh Việt bảo: “Mình đề nghị ở đây không phải đòi quyền lợi vật chất cho các cháu, mình chỉ đề nghị nhà nước chính thức công nhận chú Kiên là liệt sĩ, có cái bằng để lên bàn thờ cạnh di ảnh của chú Kiên cho vong linh của chú đỡ tủi phần nào...”.

Kể từ khi có ý tưởng đó, hết năm này sang năm khác, nguyện vọng chính đáng của mấy người cháu vẫn chưa được đáp ứng mặc dù chính quyền từ các cấp từ xã - huyện - tỉnh đều ủng hộ.

Cho đến cuối tháng 2/1990, anh Việt nghe một tin vui lớn, ấy là Nhà nước đang chuẩn bị đưa hài cốt của chú Phùng Chí Kiên về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Ngày 3/3/1990, buổi lễ rước di cốt của Phùng Chí Kiên từ Nghĩa trang huyện Ngân Sơn về Nghĩa trang Mai Dịch được tổ chức long trọng, với sự có mặt của các vị lão thành cách mạng Hoàng Quốc Việt, Chu Huy Mân, lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh Nghệ An, dưới sự chủ trì của Phó ban Tổ chức T.Ư Đảng Nguyễn Đình Hương...

Anh Việt cảm động lắm và thầm nghĩ rằng, như vậy là nhà nước không quên và đã ghi nhận công lao của chú Kiên. Cũng nhân đó, anh Việt lại tiếp tục thực hiện ý tưởng của dòng họ.

Anh nghĩ những năm trước, có lẽ do chưa biết thủ tục, mấy người trong dòng họ cứ lặng lẽ đi gõ cửa một số cơ quan nên họ chẳng có cơ sở nào để giải quyết. Nay rút kinh nghiệm, sau khi thảo đơn, anh Việt tới gặp chính quyền xã đề đạt nguyện vọng.

UBND xã rất hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ, đồng thời soạn cả công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị giải quyết. Sau đó, anh Việt lại gặp lần lượt đủ mọi cấp từ huyện đến tỉnh, lòng vòng tới mấy năm sau cũng không đạt được kết quả gì.

Mãi tới giữa năm 1994, một hôm, có người báo đi nhận phần thưởng to lắm do Chủ tịch nước ký. Anh Việt vui mừng khôn xiết, tắm gội đâu ra đấy, thay quần áo mới, nghĩ rằng cuối cùng mong mỏi của dòng họ đã được đáp ứng. Nhưng cho đến khi tiếp nhận phần thưởng thì mọi người thấy đó chưa phải là tấm bằng công nhận liệt sĩ mà là Huân chương Chiến công Hạng III do Chủ tịch nước Lê Đức Anh truy tặng.

Vui thì có vui, nhưng trong lòng anh vẫn còn một nỗi buồn rồi tự hỏi mình: “Vì sao chú Kiên vẫn chưa được công nhận liệt sĩ?”. Anh tự hỏi nhưng không thể tự trả lời được, và rồi anh đi hỏi các nơi khác trên huyện trên tỉnh thì nhận được sự trả lời khá chung chung, không rõ ràng, rằng: ... chú Phùng Chí Kiên sinh ra ở quê nhưng không hoạt động và cũng chưa có hồ sơ thể hiện sự hoạt động ở quê nên địa phương không có căn cứ để giải quyết; và địa phương cũng không có cơ sở nào để xác nhận lý lịch của chú Kiên. Hơn nữa, chú Kiên là diện thuộc Trung ương quản lý.

Khi địa phương có công văn gửi Bộ Quốc phòng thì Bộ Quốc phòng giao cho Tỉnh đội Nghệ An thực hiện, song, ông Việt (thời gian trôi qua, nay phải chuyển từ “anh” sang “ông” - PV) đặt vấn đề thì nhận được câu trả lời là không giải quyết được vì chú Kiên không thuộc đơn vị nào của quân đội!

Tiếp đó, ông Việt lại được nghe những hồi âm kiểu như bên quân đội thì bảo chú Kiên là người thuộc địa phương quản lý, vì chú ấy chết trước khi có quân đội hơn ba năm ?!

Trong khi đó, nhiều tài liệu và nhân chứng sống khẳng định rõ ràng chú Kiên là chỉ huy Đội Du kích Bắc Sơn, chỉ huy Cứu Quốc Quân, không những thế lại là vị chỉ huy quân sự đầu tiên đồng thời là vị tướng đầu tiên. Vậy chú không phải là người của quân đội thì là người của ai?

Ông Việt chịu thua. Mệt mỏi, buồn bã, về đến nhà, ông thắp một nén hương rồi thì thầm trước bàn thờ người chú họ Nguyễn Vỹ: “Chú ơi, còn một hơi thở, cháu cũng sẽ không bỏ cuộc. Nếu không làm được thủ tục liệt sĩ cho chú, cháu có chết cũng không nhắm mắt được”.

Cho đến một hôm vào khoảng cuối năm 2002, có một đoàn nhà báo từ Hà Nội vào công tác ở Nghệ An và dừng chân tại Huyện ủy Diễn Châu.

Chả là trước đây, các nhà báo này đã mất khá nhiều thời gian công sức, đấu tranh gay gắt với đối thủ có tên là “Thủ tục hành chính” để đem lại danh phận liệt sĩ cho 36 thanh niên xung phong hy sinh ngày 28/4/1966 khi đang làm nhiệm vụ ở Mỏ đá Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An).

Trong lúc trò chuyện, các đồng chí Bí thư Huyện ủy và Trưởng ban Tuyên giáo có gợi ý đoàn nhà báo về thăm quê và thắp hương tưởng nhớ bác Phùng Chí Kiên.

Nơi đoàn nhà báo đến thăm chính là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Việt (lúc đó đã nghỉ hưu) đang thờ chú Phùng Chí Kiên. Tại đây, các nhà báo đã được nghe kể về  hành trình đi làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho chú Phùng Chí Kiên.

Trước lúc chia tay, đại diện lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện, cũng như dòng họ đã đề đạt đại ý rằng: - Từng biết các nhà báo đã đóng góp công sức giúp cho 36 TNXP hy sinh ở Mỏ đá Hoàng Mai được công nhận là liệt sĩ. Về việc làm thủ tục công nhận liệt sĩ đối với chú Phùng Chí Kiên, địa phương đã tiến hành hơn chục năm nay nhưng không hiểu ách tắc ở chỗ nào, khâu nào. Cho nên, địa phương đề nghị các nhà báo cùng chung tay, góp sức...

Sau khi trao đổi với nhau, nhóm nhà báo thống nhất rằng, một mặt địa phương (xã - huyện - tỉnh) cùng với Quân khu IV có công văn đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý kiến về việc công nhận liệt sĩ đối với bác Phùng Chí Kiên; mặt khác, các nhà báo sau khi tập hợp đủ tài liệu thể hiện Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng khóa I, nhà chỉ huy quân sự đầu tiên, vị tướng đầu tiên ...v v, rồi cử một nhà báo xin gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó là tướng Phạm Văn Trà để trình bày sự việc và nguyện vọng của dòng họ cũng như kiến nghị của địa phương...

Sau khi tiếp nhận ý kiến và tài liệu của nhóm nhà báo (tháng 4/2003), Bộ trưởng Phạm Văn Trà giao cho Cục Chính sách giải quyết trong thời gian sớm nhất... Ít lâu sau, cùng với ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, công văn của Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ - TBXH..., vị tướng đầu tiên Phùng Chí Kiên đã chính thức được công nhận là liệt sĩ theo Quyết định 1228/QĐ - TTg ngày 10/11/2003 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký.

Vậy là tròn 62 năm sau ngày hy sinh, liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An long trọng tổ chức lễ báo tử.

Cầm tấm bằng trên tay, sau hàng chục năm trông đợi, ông Việt nghẹn ngào không nói nên lời. Gần hai năm sau, ông lên đường theo chú Phùng Chí Kiên...

*
*      *

Trước khi ông Việt qua đời, có người nói với ông: “Lẽ ra, với tầm vóc của bác Phùng Chí Kiên, phải có hẳn một khu tưởng niệm tại quê hương chứ không để cụ an nghỉ ở nơi chật hẹp như nhà ông...” Ông Việt đáp: “Nhà nước không lãng quên chú Kiên, đã công nhận chú là liệt sĩ. Tôi hàng ngày được hương khói cho chú là vinh hạnh và mãn nguyện rồi”.

Ông Việt không đề đạt nhưng, năm sau, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh liệt sĩ Phùng Chí Kiên, Tỉnh ủy Nghệ An quyết định để các cơ quan chức năng lập thủ tục đề nghị Trung ương cho phép xây dựng khu tưởng niệm nhà cách mạng Phùng Chí Kiên.

Sau khi có công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thông tin, Tỉnh ủy Nghệ An và Quân khu IV cũng gửi thư tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau khi nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Quân khu IV, Đại tướng viết thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh với nội dung: “Tôi vừa nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu IV đề nghị vấn đề làm nhà lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên và cho biết trước đây đã có công văn gửi đến Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa - Thông tin...”.

Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một lãnh đạo cao cấp của Đảng, được Bác và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi hòa mình với đồng chí đồng bào, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bác và Trung ương.

Đồng chí Phùng Chí Kiên đã có công lao to lớn đối với Đảng ta, quân đội ta. Năm 1947 Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên cho đồng chí.

Do khuyết điểm về công tác chính sách nên đến năm 2004 (chính xác là 10/11/2003 - PV) đồng chí mới được công nhận liệt sĩ, nhận Bằng Tổ quốc Ghi công và chỉ truy tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba. Đồng chí ra đi làm cách mạng từ nhỏ, không vợ con gia đình, nay chưa có nơi thờ tự”.

Tiếp đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu ba đề nghị tóm tắt như sau:

1 - Chính phủ cấp kinh phí giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu IV, Tỉnh ủy Nghệ An tiến hành xây dựng khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên.

2 - Tổ chức hội thảo để tôn vinh công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên...

3 - Đề nghị đi tìm phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên...

Kể từ khi Tỉnh ủy Nghệ An có chủ trương xây dựng khu tưởng niệm Phùng Chí Kiên, mặc dầu các công văn đi - lại khá nhiều, song, cũng phải mất mấy năm trời mới hoàn tất mọi thủ tục và hiện tại. Khu tưởng niệm bắt đầu được xây dựng trên một khuôn viên rộng khoảng 1.500m2 - nơi Nguyễn Vỹ chào đời.

 (còn nữa) 

Trong lịch sử quân đội ta có hai vị tướng được gọi tướng khi chưa có sắc lệnh phong hàm: đó là Phùng Chí Kiên và Lê Thiết Hùng.

Theo một số cán bộ lão thành, khi quân đội Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam, Bác Hồ đã phong đồng chí Lê Thiết Hùng hàm thiếu tướng để phụ trách “Tiếp phòng quân”.

Còn Phùng Chí Kiên được truy phong hàm tướng nhưng không ghi rõ bậc bằng Sắc lệnh số 89/SL, do Bác Hồ ký ngày 23/9/1947. Điều này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định nhiều lần trong các bức thư gửi cơ quan chức năng về trường hợp đồng chí Phùng Chí Kiên.

Nguyễn Thị Giang
Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 4

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.