Tạ Duy Anh - kẻ bước chưa qua lời nguyền

Tạ Duy Anh - kẻ bước chưa qua lời nguyền
TP - Từ lâu gã không còn quan tâm đến thời sự văn chương. Mặc ai khen, ai chê, gã cứ sống và viết theo cách của gã. Gã không ghét người chê gã. “Chê người khác là quyền tối cao của công dân và phải để cho họ thực thi cái quyền ấy” - Gã thường bảo vậy. Và cười khẩy với mọi đố kỵ.
Tạ Duy Anh - kẻ bước chưa qua lời nguyền ảnh 1
Tạ Duy Anh   Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nói chuyện về trẻ con hàng giờ không chán

Bước qua mảnh sân hẹp những xe máy quay ngang xoay dọc, tiến vào cầu thang om om tối của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi đã giật mình bởi tiếng cười ha ha dội từ trên gác xuống.

Tiếng cười quen quen xả hết mọi xì-trét, kèm theo những cú vỗ đùi phành phạch. Phòng Biên tập Văn học trong nước chỉ có mình Tạ Duy Anh đang ngồi.

Hình như gã vừa tiễn ai ra khỏi phòng, mà cũng có thể vừa đọc được điều gì thú vị. Cả nhà xuất bản khả kính chỉ có gã và nhà văn Nguyễn Khắc Trường là có cái cười đặc sắc.

Nguyễn Khắc Trường cười thì người ta vẫn cảm thấy sự oai vệ của cây đa cây đề. Tạ Duy Anh cười thì thấy thoải mái của sự buông thả trắng phơ, tự do và không có gì phải giữ gìn.

Gã mặc áo chim cò hơi khác với ngày thường, ngồi sau chiếc bàn công vụ bình thường, máy vi tính bình thường, ghế xoay tròn, tủ tài liệu bình thường và chồng bản thảo đang làm… chắc cũng bình thường nốt.

Sạch sẽ và tự tin, gã giống như mọi công dân trong vai vị viên chức nhiều trách nhiệm và lương tâm. Gương mặt sáng sủa, mọi đường nét dường như xung đột thái quá. Sắc nét. Nhưng điềm tĩnh có được do sự rèn luyện chật vật nào đấy. Nhưng toát lên sự yên lòng và tin tưởng ở nơi gã. Dù có thể ai vô tình không đẹp, thì hẳn gã cũng không xấu chơi.

Vầng trán thông minh nhưng rộng quá. Tóc hơi ít quá. Mũi hơi thẳng quá, mày rậm, ánh mắt nhanh, sắc và trực diện quá. Ánh mắt như muốn cởi toang lớp lang che đậy của người ta ra rồi lại làm vẻ như chưa biết gì. Nhiều khi tôi cũng ngài ngại bị ánh mắt ấy chiếu trực diện.

- Ô, ông đấy à, ngồi đi.

Một câu đáp đượm tinh thần trung dung, bảo nồng nhiệt cũng được, nói nhạt nhẽo cũng có phần đúng. Gã ngáp dài, vươn vai, văng một bâng quơ vô nghĩa (nếu như ta là chỗ quen biết lâu lâu).

Gã loay hoay một vòng, xốc xốc quần, thao tác pha chè và  trong khi vẫn tìm gói chè vứt ở chỗ nào đã vống lên:

- Mẹ khỉ, số ông may thế, vừa kiếm được mấy ấm chè ngon hôm qua.

Đẩy chén nước về phía tôi, ánh mắt gã sắc lẻm quan sát suốt lượt không thèm che đậy.

- Ông xuống đây có gì việc gì dạy dỗ anh em không ? Làm ăn ra sao? Viết lách thế nào ? Bọn trẻ con ngoan và học tốt chứ ?

Ý cuối của câu hỏi, được gã nhấn mạnh với chất giọng đặc biệt. Hình như gã hỏi thăm đến con người khác cũng như là đang nói về con mình. Lạ lùng Tạ Duy Anh, trong các câu chuyện, dù là chuyện phiếm mà có liên quan đến trẻ con thì bao giờ cũng khiến gã say sưa, thiên chân, mắt ngời veo veo trong.

Gã yêu trẻ con, yêu con gã khó mà tưởng tượng. Khi gã nói về các con gã, tôi luôn có cảm giác áy náy là mình không yêu các con mình được như là gã yêu các con gã. Tôi luôn luôn ghen tị với gã về thứ tình yêu này. Dường như là tôi yêu các con mình chưa đủ…

Nếu được lắng nghe, được kích thích, gã có thể nói hàng giờ về các con với tinh thần như đang được nhận thứ ánh sáng từ thiên đường chiếu rọi và tắm gội tự tâm hồn. Gã như rên lên, khi bắt đầu bằng những câu mở đầu: “Hôm qua, thằng Tôm nhà này, con Nhím nhà tôi…” hoặc bất kỳ một hình dung nào khác để chỉ đứa con: ông oắt, thằng lỏi, thằng nhóc, con trời. Và toàn bộ gương mặt gã bừng lên nụ cười rạng rỡ.

Tạ Duy Anh - kẻ bước chưa qua lời nguyền ảnh 2
Tạ Duy Anh (thứ hai từ trái sang) và các kỹ sư dầu mỏ trên giàn khai thác Đại Hùng,cách đất liền 250 km

Khi kết câu chuyện con trẻ, gã gằn giọng:

- Tôi không hiểu tại sao có những người lớn lại ghét trẻ con ông ạ. Không hiểu những con người đó họ cấu tạo bằng thứ vật chất gì mà lại quái đản như vậy. Người không quí yêu trẻ con chắc chỉ là quái vật…

Tôi biết một lão già thích viết hồi ký, nhà ở cuối ngõ nên có khoảng sân chung tương đối rộng, đủ chỗ cho trẻ con chơi bóng nhựa gôn tôm và đá cầu mỗi khi tan học. Có lẽ cần yên tĩnh, lão ta đã đổ nước đái ngâm bốn góc sân chưa đủ lại còn đập cả vỏ chai rượu Lúa Mới rải mảnh thủy tinh khắp sân.

Gã bỗng tái mặt, nghiến răng, tay nắm xiết, lập bập như muốn xông tới sống mái một phen.

- Thằng cha khốn nạn đó ở đâu?

- Ở đâu thì ông làm gì được lão ta nào? Chẳng lẽ ông định đánh lão ta. Lão vừa có tiền vừa có quyền. Lão chỉ ghét trẻ con chứ chẳng có lỗi nào hết…

- Thì cũng phải chơi lại chứ… ai lại để nó ác thế được. Lộn phải tay tôi mà bắt khi nó đang làm việc đó, thì sống chết tôi phải nhổ vào một bãi vào mặt hoặc tống cho một quả. Rồi muốn đi đâu thì đi…Chẳng qua là cái tiểu cộng đồng quanh đó nhu nhược…và cũng vô cảm nốt…Thế ông ở đâu? Làm gì ? Mà lại chỉ kêu ca suông…

Viết như là sợ không còn cơ hội

Tôi nghĩ thầm: Dào ôi, thì ông viết bao nhiêu trang sách lên án thói tật người đời đấy, liệu có giá trị thực tiễn nào không hay chỉ có giá trị với chính ông và một nhúm bạn nghề, bạn đọc. Thôi thì chẳng qua viết văn cũng là một cái nghề, mà chúng ta buộc phải chọn lựa khi số phận không cho chúng ta cách lao động khác. Đánh nhau tay chân với thiên hạ cũng thua. Đánh bằng chữ thì cũng thua nốt. Loại ấy có bổ đầu nó ra cũng không nhét được chữ vào.

Không, điều đó chắc chỉ đúng với tôi. Là người nổi tiếng, gã có cái quyền hành xử của người nổi tiếng, tôi bì sao được.

Hình như tôi nhớ không lầm, đã nghe gã thổ lộ, bút hiệu Tạ Duy Anh như rơi từ trên trời xuống. Gã viết xong cái truyện đầu tay năm 20 tuổi, trong một căn nhà gạch thủng tứ tung, lại tối om và cứ tự nhiên đề Tạ Duy Anh ở bên dưới. Gã tin vào thiên chức và sứ mệnh nhà văn của mình.

Tôi phục văn chương gã chứ không yêu. Đọc gã tôi bị căng thẳng. Bị hành hạ vì những điều quái đản của con người. Chỉ những con người hành hạ con người. Cảm xúc bị áp đặt và kéo căng ra. Y như tiếp xúc với các tác phẩm của Dostoevsky vậy. Bởi chưởng lực gã mạnh. Hầu hết các tác phẩm ấn tượng của gã đều thấy rõ ràng dấu vết nghiệm sinh từ đời sống thực của cả dòng họ đến sự trải nghiệm đau đớn của chính bản thân. Sự ác của con người.

Gã ngạc nhiên trước cái ác, trước người ác và đi cắt nghĩa lý do. Quyết liệt với cái ác. Văn của gã hừng hực, xoắn vặn ào ạt cuốn băng đi các sự kiện bởi cảm xúc sôi trào trong cơn lên đồng từ lúc mở đến kết cuốn sách. Một độc thoại khó nhọc vận hết khí lực mỗi câu chữ cứ triền miên cắn cấu. Viết như là sợ không còn cơ hội viết văn nữa.

Tôi biết gã lần đầu là do theo người bạn. Cũng đã hơn mười lăm năm. Dạo đó hình như gã bị xuất huyết dạ dày. Người bạn cùng học Viết văn Nguyễn Du đã đại diện một số bạn bè cùng lớp mang đồ vào thăm gã. Bạn gã và cũng là bạn tôi giới thiệu sơ sơ :

- Một tay chơi được mặc dù khó chơi, làm ở Sông Đà, cũng đi lính về, lắm lời đến mức kiêu ngạo, uống rượu giỏi, học giỏi cỡ thủ khoa, và cười thoải mái nhất trên đời. Chắc đang chán đời, xuất huyết dạ dày lần này là thứ tư…

Tôi ngày đó cũng chẳng hơn cọng đu đủ xanh, nhưng cái gã nằm dưỡng bệnh trên chiếc giường khung sắt lốm đốm chấm gỉ đen và drap ngả màu vàng vàng cũng lấm chấm lỗ thủng và những vệt cặn bẩn ố vàng nồng mùi thuốc tẩy thì đúng là cọng đu đủ già héo quắt, võ vàng. Gã nằm bẹp, thở dốc, thiêm thiếp, mong manh giữa những dây truyền dịch.

Không có câu chuyện nào cả. Người bạn ấy đã nắm bàn tay xương xẩu như đọt tre khô của gã như muốn truyền sự chia sẻ gánh đỡ chút ít của những người viết văn thuần tuý về mặt tinh thần nhiều hơn là chiếc phong bì mỏng xẹp.

Tôi đứng bên ái ngại và yên lặng chuẩn bị quay lui.

Thì chính lúc ấy gã cố gắng mở mắt, cái đầu nhúc nhích hướng về bạn tôi, tay chắp trước ngực run run, ánh mắt sáng rực, bạo liệt, ngoan cường đến nóng rẫy. Tôi thầm nghĩ cái tai nạn gã đang gánh chẳng là muỗi gì với những điều gã đã trải. Gã sẽ bình phục bởi tinh thần và nghị lực quyết sống chứ không phải thể chất ọp ẹp kia được bồi bổ dưỡng chất.

Và cái ánh mắt gã hôm ấy, còn ám ảnh tôi mỗi khi đi thăm một ai đó ốm đau. Ánh mắt của con bệnh hình như sẽ quyết định sự sống chết, sự lâu, mau trong điều trị. Chắc bây giờ khi tôi có cơ hội viết ra điều này thì gã mới biết, tôi đã từng theo bạn học của gã đến cái bệnh viện gã đã nằm cấp cứu…

Bẵng đi mấy năm, do những lí do trời ơi đất hỡi mà văn chương làm duyên cớ, tôi xui tôi đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn thì đụng gã ngồi lù lù ở chiếc bàn biên tập vô cùng quan trọng. Mà hình ảnh gã thì quý vị đã diện kiến phần đầu câu chuyện.

Nhưng tôi với gã không có duyên làm việc bản thảo với nhau. Một quan hệ song phương lúc đậm lúc nhạt. Tuỳ theo đề tài ngẫu nhiên nào đó. Thường là gã đưa ra những lời bàn sáng suốt và khôn ngoan. Nhưng là của riêng gã. Và không thiếu sự chân thành.

Tôi ngưỡng mộ và trọng thị tài năng, sự nổi tiếng của gã là đương nhiên rồi. Bởi gã đã có những cuốn sách gây tranh cãi trong hậu trường lẫn ngoài thị trường. Hầu như cuốn nào cũng bị cái gọi là “có vấn đề” nhưng rồi phần lớn vẫn ra được. Gã thuộc số ít nhà văn sống được bằng nhuận bút.

Thi thoảng tôi có dịp ghé Hà Nội ngồi với gã, trong không gian bữa trưa kiểu công chức mỗi suất năm mươi nghìn cùng với mọi người. Gọi một chai rượu. Uống đưa đà. Gã cầm trò nói những câu chuyện vui. Và văng tục lem lẻm, ráo như hành bóc. Nhưng lạ, sắc vẻ mặt gã cho thấy rõ ràng sự tục ấy chỉ diễn ra ở bên ngoài miệng gã chứ chẳng liên quan đến con người thực. Tục để cho vui, cho bớt xì-trét cái sự nhàm mòn đời công chức. Nói tục nhưng ngẫm nghĩ sâu xa thì lại thấy thanh, gã hoàn toàn tự chủ về ngôn ngữ.

Ngay cả trong những lúc tràn trề hoà đồng thì gã vẫn có khoảng cách tự tách mình khỏi đám đông ở phía bên trong, ngay cả lúc gã xả cái cười ha ha khơ khơ. Gã sợ đám đông. Dư luận của đám đông có thứ vị kỷ a dua tốt xấu lẫn lộn, gã thấm hơn bao giờ.

Nghề gì cũng đòi hỏi cái đạo của nghề ấy

Hơn một lần tôi thắc mắc, khi thấy gã vẩn vơ gác chân lên bàn. Lổn nhổn những tập sách bìa cứng, chữ nhũ sang trọng phía sau. Cuốn mỏng gió thổi bay, cuốn có thể rơi gãy chân. Và một chồng thư mời họp còn nguyên.

- Này ông, cái cuộc họp quan trọng thế sao không có ông nhỉ?

- Quan trọng với người ta nhưng không quan trọng với tôi.

- Nhưng hôm đó bàn về nghề hay lắm…

- Kính các bác. Nhà cháu không có chuyện gì ở đấy cả.

- Cái gì quan trọng với ông?

- Con. Và những việc mình thích…

- Ngay cả đại hội nhà văn ông được mời mà cũng không đi…

- Thì tôi thấy chẳng có lý do gì để tôi đi dự thêm nữa sau hai lần. Đi dự tôi viết văn hay hơn, sống có ích hơn thì hẳn là tôi sẽ đấu tranh để đi bằng được. Tôi đi chật chỗ người khác.

- Có cực đoan không…

- Ai muốn nghĩ gì thì mặc họ, tôi không quen thanh minh về bất cứ điều gì…

- Cà phê nhé.

- Không.

- Trưa, ngồi với nhau một tí chứ.

- Tôi bận đi đón con. Khỉ thế. Chiều tối ông còn ở lại thì qua nhà tôi lai rai…

- Thôi vậy, tôi ngược vậy.

Bận khác, gặp nhau chốc lát tôi lại phải về. Nhưng chưa kịp quay ra cửa thì gã đã níu lại ấn cho một lô những đống sách bìa cứng chữ nhũ.

- Này biếu ông …

Không chuẩn bị nhận quà, ôm rơi lụp bụp xuống sàn tôi nhặt lên đọc lướt bìa thì rặt là sách đặt hàng. Chẳng hiểu thế nào nữa, gã cho rằng tôi xứng đọc những cuốn sách dầy đặc thành tích sản xuất chiến đấu xây dựng hay là gã muốn dọn cho chỗ làm việc quang đãng hơn…

Không nhận thì phụ mà nhận thì thực tôi cũng không biết để làm gì với những cuốn sách nặng như đá kia. Nên một bên cố ấn, một bên cố từ. Cuối cùng thỏa hiệp là gửi lại tại chỗ, khi nào có điều kiện tôi sẽ rước đi.

Rồi bỗng nhiên gã sung sướng vỗ lên cái trán siêu thực của mình.

- A ha thật may, tôi có cuốn vừa ra ở nhà Kim Đồng, ông mang về cho bọn trẻ nhé.

Đề tặng nắn nót, chữ ký bác Tạ to đùng phóng khoáng. Hắn bảo chỉ có trẻ con là đáng để cho hắn kính trọng. Dĩ nhiên là tôi thích.Vì Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn mà các con tôi đọc cùng với Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều...Chúng cũng chẳng phải là những đứa trẻ đặc biệt nhưng say mê đọc các vị này từ năm bảy tám tuổi, một cách hồn nhiên…

Và đặc biệt gã khiến cho tôi tự hào phổng mũi trước vợ con, khi giới thiệu đây là nhà văn Tạ Duy Anh đã có văn tuyển trong giáo khoa thư. Những cuốn sách viết về trẻ con của gã thì ai cũng có thể đọc. Con tôi đọc vì câu chuyện và trực giác tin cậy vào gã, còn tôi đọc vì thấy trái tim nhạy cảm của gã phập phồng loạn nhịp.

Bỗng gã hứng lên rủ tôi đi đâu đó ngồi tào lao. Hết chuyện con cái, văn chương, thế sự rồi đàn bà. Dường như chuyện yêu đương gã chỉ thích thầy dùi người khác thực hiện để gã quan sát chơi chứ cũng chẳng cần để lấy tài liệu viết lách. Bởi gã không mặn mà với thứ văn chương cần đi thực tế. Gần 30 năm nay gã không tham gia bất cứ trại viết nào. Và tình ái thì cũng vậy. Chay tịnh. Gã thề sống chết thề chết, theo thói quen ngoa ngôn. Tôi tin vì đã nghe trực tiếp. Người khác thề tôi ngờ, nhưng không hiểu sao với gã tôi tin như là một lẽ tự nhiên.

Tạ Duy Anh - kẻ bước chưa qua lời nguyền ảnh 3
Từ trái qua: Các nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, Tạ Duy Anh, Sao Mai, Nguyễn Khắc Trường

Hồi mới tập lái xe, gã mê ô tô như rồ. Hễ có cơ hội là nhót sang bên kia Hãng phim Hội Nhà văn bàn về ô tô với Hà Phạm Phú. Gã không sợ ô tô. Kể cả loại đại xa, nếu có dịp, gã cũng nhảy lên lái thử. Tôi chỉ còn nhu cầu lái thử xe tăng nữa thôi-có lần gã bảo. Gặp tôi cũng vậy những là tiến, là lùi, là vào cua vòng tránh, vượt lên. Chưa biết “trình” tay lái của gã thế nào, nhưng thi thoảng gã vẫn lấy le:

- Nếu ông về Hà Nội mà có khó khăn trong việc lái xe vào phố thì cứ a lô. Tôi sẽ giúp.

Tôi không hy vọng gã cũng như bất kỳ ông bà nhà văn nào lái xe giúp vào thành phố giờ cao điểm. Đầu giờ sáng điện thoại lôi được các vị ra khỏi giường thì thà thuê luôn taxi. Nhưng chính yếu là  chúng tôi đều “ hờn căm” giá xe ô tô trên trời ở Việt Nam. Thi thoảng gã lại giãy lên:-“Ôi trời, mẹ khỉ hôm kia tôi thấy con X6 đẹp long lanh. Nhìn đã thấy sướng, chắc ôm vô lăng phải sướng lắm”. Có lần gã tâm sự rất thích lái xe trên đèo, một bên là núi bên kia là vực thẳm. Không thể tả được cái cảm giác sướng rợn người lúc ấy.

Ngỡ tưởng gã là người chỉ quan tâm những thứ cao siêu, thì ra cũng có lúc trần tục đam mê thói thường như tôi. Tôi cho rằng lùi là việc khó nhất. Bất kể việc gì, tiến xong rồi lùi đều khó. Còn gã, thi tay bo với máy vi tính ngay lần đầu đã vút kim điểm chuẩn, thì lại bàn hay hơn.

- Vấn đề không phải lùi hay tiến, mà ở cái đạo của người lái xe. Nghề gì cũng đòi hỏi cái đạo chuẩn mực của nghề ấy. Vì nghề nào thì cũng phải ngoặt trái, ngoặt phải, tiến, lùi, dừng từ từ, tăng tốc, đủng đỉnh… phanh gấp. Biết cái nhịp của mình…

Đúng là gã tự tin trong văn chương và cũng tự tin đến liều mạng trong sự lái xe. Người dạy gã kể, buổi sáng gã còn chưa biết vị trí các số, vậy mà chiều tan tầm gã đã lái vào một con ngõ cực đông của đường Thanh Xuân. Ngay cả “thầy dậy” ngồi bên cạnh cũng lắc đầu không còn biết nói gì.

Nhận bằng lái hôm trước thì hôm sau gã đã ôm vô lăng con Kia 1.3 đưa nhà văn Nguyễn Khắc Trường từ Hà Nội, qua Việt Trì vòng lên huyện núi Thanh Sơn, thăm nhà văn Sao Mai và tiện thể chuyển tuyển tập cho ông.

Ba trăm cây số đường đô thị, trung du và miền núi mà gã phóng veo veo như tay đua công thức I. Ngồi bên cạnh thấy gã bặm môi méo miệng, nhíu mày, trán lổn nhổn mồ hôi hạt, tôi chết cứng lo sợ. Trong khi Nguyễn Khắc Trường vẫn vô tư khà khà thưởng thức những câu chuyện vui dọc đường.

Nhưng giờ thì ô tô không còn là mối quan tâm của gã. Nhắc đến lái xe bây giờ gã sẽ uể oải như người ta vừa trải qua bữa trưa lỡ nhồi nhét quá nhiều chất đạm. Gã bảo, lái xe ở Hà Nội khiến người ta thiền nhanh hơn là ngồi kiết già! Muốn thấy gã sinh động thì tốt nhất là nói về trẻ con, đàn bà, những tật xấu của người Việt, thói vụ lợi, giả dối của một bộ phận trí thức Việt...

Với tư cách nhà văn trong người biên tập, gã đã hành xử một cách công bằng tinh tế, trong những hoàn cảnh khác nhau. Bài khen mình thì đặt ra ngoài, bài chê thì đàng hoàng để in, dù gã có quyền chủ động. Điều tưởng giản đơn này không phải ai cũng có gan đi tới cùng.

Tạ Duy Anh là ai nhỉ ? Thỉnh thoảng vẫn cợn lên trong tôi câu hỏi như vậy mỗi khi có cớ nghĩ về gã. Một nhà văn tài năng quyết liệt (gã quyết liệt với chính gã) một gã tử tế chơi được nhưng là người lãng mạn vừa phải. Bởi gã quá yêu con trẻ, và sự bình yên của một gia đình. Gã có những lời nguyền bước qua được trong văn chương đã lên án, cắt nghĩa, truy đuổi cái ác tận cùng mỗi trang sách. Nhưng hơn ai hết trong chúng ta, gã biết từ văn chương đến đời sống thực còn cần bao nhiêu là cây cầu bắc qua các dòng sông tăm tối. Mà gã cũng chỉ là một cây cầu...

Tôi gõ cửa bước vào phòng biên tập Văn học trong nước, thì đúng lúc Tạ Duy Anh đi ra. Tôi chưa kịp gì, gã đã xem đồng hồ:

- Bỏ mẹ, đến giờ đi đón bọn trẻ rồi. Hẹn chiều nhé… - Gã nắm tay giật giật - Ôi sao hôm nay bố cháu đẹp giai nhỉ. Ngon lắm! Ông không tin à, tôi thề đấy…

Tạ Duy Anh lại thề. Trong trường hợp này, dù gã không thề thì tôi cũng vẫn muốn tin.

Hồi gia đình Tạ Duy Anh còn ở Tân Mai, có tên trộm trèo tường vào tháo chiếc công-tơ-mét chiếc Cúp 81. Phát hiện tên trộm, gã hắng giọng. Kẻ cắp cuống cuồng nhảy qua tường hòng thoát thân, nhưng tường quá cao không thoát ra nổi, thì gã bỗng hài hước mách nước: “Ngốc ạ, phía sau có bậc đấy, cứ từ từ mà bước qua!”. Vợ gã chạy ra, trách sẵn đá đấy (đống đá to do bọn trẻ thu nhặt về chơi) sao không cho nó một phát. Ôm vai vợ gã cười ha ha:” Người ta đến có rượu thì mời, không thì thôi, sao lại đưa đá ra. Mà nhà mình rượu còn không ấy nhỉ?”.
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".