Làng cây thế có tuổi đời ông Bành Tổ

Làng cây thế có tuổi đời ông Bành Tổ
TP - Cách TP Nam Định chừng 5km về phía đông, nằm ven sông Hồng là làng hoa, cây cảnh Vị Khê (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định). Vị thế ấy, từ gần 800 năm trước, Vị Khê đã có nghề trồng hoa, cây cảnh và trở thành làng nghề cổ nhất nhì đất Việt.

Gió sông Hồng cuối đông làm dậy lên mùi ngai ngái của đất và hương của hoa lá đang độ ngóng xuân. Theo lối hàng rào trồng bằng cây được uốn tỉa, tôi đặt chân lên đình làng Vị Khê, được UBND tỉnh Nam Định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách đây bảy năm.

Trên hai cột ngoài cổng đình là đôi câu đối: Tài thụ, chủng hoa, Tô tướng thủy/Nguyễn trang, Vỵ xã, hiệu chi tiên (Tạm dịch: Trồng cây, ươm hoa là nghề do tướng công họ Tô khởi đầu; Trang ấp họ Nguyễn ở thôn Vỵ là tên gọi thuở trước).

Cụ Sung, Hội trưởng Hội Người cao tuổi Vị Khê, sau khi đọc cho tôi nghe đôi câu đối, say sưa kể về những tích xưa, về lịch sử của vùng quê trù phú, được Nguyễn Công Thành khai trang lập ấp cách đây đã 1.072 năm (năm 938) cho đến khi Tô Trung Tự - Thái úy phụ chính của nhà Lý đến lập hành cung, truyền nghề trồng hoa, cây cảnh (năm 1211). Đến nay, làng Vị Khê đã có 799 tuổi nghề trồng hoa, cây cảnh.

Minh chứng còn lại của làng nghề, ngoài văn tự, bia đá, còn có đôi sanh thế trực 15 tán được trồng ở trụ sở UBND xã gắn liền với chuyện năm 1924, cụ Nguyễn Việt Lã đã gánh của gia bảo ấy vào Huế thi Hội Hoa xuân và đoạt giải cao.

Và hơn hết, những dáng cây, thế cây, nghệ thuật trồng cây được truyền lại qua bao đời con cháu đã khẳng định Vị Khê là đất tổ nghề trồng hoa, cây cảnh của Việt Nam.

Thế cây và triết lý nhân sinh

Ra khỏi đình làng, bước vào những khu vườn, nghe các nghệ nhân giới thiệu về từng dáng, thế cây, tôi cảm nhận được hồn phách, sức sống của từng loài cây và ẩn chứa trong đó là những triết lý sâu sắc của ông cha.

Ông Vũ Minh Châu, Chủ tịch xã Điền Xá: Tại Điền Xá, thu nhập từ trồng hoa cây cảnh đạt 13 tỷ đồng, bình quân doanh thu từ nghề này đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 – 20 triệu đồng/ người/ năm.

Nhiều người thưởng lãm trầm trồ thán phục với sự khéo léo của các nghệ nhân khi uốn tỉa ra những khuôn hình chim thú, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh,… tài tình, như thiên nhiên đang cô lắng lại.

Cây thông dáng trực siêu. Cây bỏng nổ dáng hạc lập. Những cây xanh dáng mẫu tử tương thân hay phụ tử tương tùy... Nghe tên gọi, ngắm thế cây, hiểu được phần nào triết lý nhân sinh của ông cha mình thuở trước, chuộng sự thanh cao (hạc lập), cương trực (trực siêu) cùng nếp sống gia đình hòa thuận, với tình cảm mẹ con ôm ấp thân thương (mẫu tử tương thân), với sự dìu dắt của người cha đối với con trai đang rụt rè dấn bước trên đường đời đầy chông gai, cạm bẫy (phụ tử tương tùy)...

Và dù có tỉa, có uốn theo dáng nào đi nữa, với những triết lý thổi hồn vào từng thế cây, ông cha ta cũng luôn hướng đến chân – thiện – mỹ, cái gốc trường tồn của sự sống bao đời. Tâm hồn thanh khiết của bậc tiền nhân được lưu giữ trên mỗi góc vườn, nhành cây nhắc nhở con cháu về tính nhân văn của nghề truyền thống.

Làng cây thế có tuổi đời ông Bành Tổ ảnh 1
Nghệ nhân trẻ hết lòng vì nghề truyền thống

Từ làng nghề thành vùng nghề 

Làng cây thế có tuổi đời ông Bành Tổ ảnh 2"Cái quý của nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống ở chỗ, không phải ai có tiền cũng chơi được. Ví như với thế cây Trực, gia đình nào phải là gia đình có cách sống trung trực, có trước có sau với làng xóm láng giềng. Hay với bộ tam đa, biểu hiện cả dòng họ cùng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau …”. Với triết lý nhân sinh ấy, đến với Vị Khê, không phải cứ đưa ra bạc triệu là có thể mua được bất cứ cây cảnh nàoLàng cây thế có tuổi đời ông Bành Tổ ảnh 3 - Cụ Nguyễn Văn Tuyến, nghệ nhân cao niên nhất làng Vị Khê, giảng giải.

Vị Khê không chỉ được biết đến là một làng nghề mà trở thành một trong những xã nghề, vùng nghề đầu tiên trong cả nước. Diện tích trồng hoa cây cảnh qua hàng trăm năm lịch sử của làng không những giữ nguyên mà còn được mở rộng.

“Với hơn 700 ha đất nông nghiệp, xã dành hơn 400 ha để trồng hoa và cây cảnh” - Ông Tuấn, Phó Chủ tịch xã Điền Xá cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Vị Khê cho biết, không chỉ gần 600 hộ dân làng Vị Khê mà, đến nay, 3.500 hộ dân Điền Xá đều tham gia trồng hoa, cây cảnh.

Ông Vũ Minh Châu, Chủ tịch xã Điền Xá, tự hào: “Ở Vị Khê nói riêng và Điền Xá nói chung, từ lâu nay đã là cánh đồng 200 triệu”.

Ngoài đôi sanh không thể định giá tại UBND xã, trong làng còn không ít cây có giá trị lên đến vài tỷ đồng. Bộ ba cây tùng la hán của gia đình họ Nguyễn với hơn 250 tuổi được coi là lâu đời nhất, cách đây 10 năm đã được thương gia Thái Lan hỏi mua với giá hơn 1 triệu USD để về trưng bày tại vườn Hoàng gia Thái Lan, nhưng chủ nhân của nó từ chối.

Nhiều gốc tùng, sanh, lộc vừng,… tỏa đi khắp trong và ngoài nước có giá từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Vị Khê vinh dự khi đôi cây Nguyệt Quế và hàng Vạn Tuế của làng được chọn để trồng bên Lăng Bác. Nhiều nơi quan trọng như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Ba Đình, đều có sự hiện diện của hoa, cây cảnh Vị Khê.

Những ngày áp Tết, con đường làng vào Vị Khê tấp nập, nhộn nhịp hơn, quất đang trổ hoa, đào thắm nụ. Nơi đây đang hối hả chuẩn bị cho lễ hội hoa xuân, cây cảnh nghệ thuật vào 12 đến 26 âm lịch hàng năm để giao lưu, quảng bá đồng thời giữ gìn bồi đắp cho nghề truyền thống.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).