Đỗ Việt Khoa người hùng thất bại? Bài cuối

Đỗ Việt Khoa người hùng thất bại? Bài cuối
TP - Chúng tôi không đề cập chuyện kiện tụng mà muốn nói vấn đề khác, đó là cách phản ứng của một số cao thủ trước việc làm của thầy Khoa. Thế nhưng, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, bị tổn thất cũng là chuyện thường.

>> Bài 1: Tôi tỉnh ngộ
>> Tâm sự của người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ
>> Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục
>> Muốn bỏ nghề, thầy Đỗ Việt Khoa được Bộ GD&ĐT tiếp
>> Nỗi niềm của người thầy chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa
>> Tân Bộ trưởng GD&ĐT thăm thầy Đỗ Việt Khoa tại nhà riêng

Hơn nữa, cũng không thể mong sự khoan hòa, tử tế từ một số người không muốn làm việc tốt, vì nếu thế thì đã chẳng có cuộc chiến nào xảy đến. Có chút nuối tiếc là, chuyện xảy ra trong ngành giáo dục, nơi đáng ra việc được xử lý có giáo dục hơn.

Đỗ Việt Khoa người hùng thất bại? Bài cuối ảnh 1


Không gồng mình?

Tôi thử trao đổi với anh Khoa: Không một hiệu trưởng nào lại yên tâm khi trong ngôi trường của mình luôn có người săm soi sơ suất, sai sót rồi hô hoán cho xã hội biết. Sao không chọn cách góp ý với lãnh đạo để sửa sai? Có phải cái xấu nào, cái tiêu cực nào cũng đáng phơi ra cho thiên hạ xem mới sửa chữa được. Nếu anh cùng nhà trường cải tạo cái xấu thành cái tốt thì chắc là tốt hơn việc dùng sự nổi tiếng để ép, mặc cả với lãnh đạo. Anh nổi tiếng và được yêu quý khắp nơi nhưng nếu bị ghét, bị cô lập ở cơ quan, đơn vị thậm chí ở quê nhà thì có gì hay ho chứ? Người ta bảo anh có phần quá đà...

Anh Khoa cười và nói rằng, anh không hề bị hào quang Người đương thời, và những hào quang khác từ dư luận che lấp con người thật của mình. Ngay cả khi ứng cử Đại biểu Quốc hội, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có nhiều người ghét mà cay độc: Ông Khoa quá tự đại, đi quá xa cái ranh giới của mình. Thế nhưng, đó lại là quyết định rất đặc trưng Đỗ Việt Khoa.

“Sau khi anh Khoa được mọi người biết đến, có một vị đang công tác trong Quốc hội gọi điện đặt vấn đề là nên ứng cử đại biểu Quốc hội để làm cái gì đó đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Ông ấy động viên, khích lệ nên anh Khoa liều mình ứng cử, chứ không phải tự đại, tự cao” – Thầy Khoa nói. Được biết, lần lấy ý kiến tại trường Vân Tảo, thầy Khoa không được ai ủng hộ việc ứng cử Đại biểu Quốc hội.

Thầy Khoa cho rằng, tại trường mỗi khi phát hiện những cái sai, cái chưa hợp lý anh đều góp ý với lãnh đạo nhưng đều bị quy là chống đối. Sự khác nhau trong suy nghĩ đã đẩy anh Khoa và lãnh đạo xa nhau, cực đoan hơn, thách thức hơn... Anh Khoa không muốn nói sâu về nội bộ nơi mình công tác mà cho rằng chỉ là anh không phù hợp với môi trường hiện tại nữa.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khóc trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong. Ảnh: Nguyễn Dũng
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khóc trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong.
Ảnh: Nguyễn Dũng.


Chuyện hài?

Nhân chuyện từ chức, xin kể câu chuyện mà anh Khoa nhận là họ nhằm vào mình. Trong rất nhiều kiểu phản ứng với anh Khoa, xin lấy chuyện này làm điển hình, vì được nâng lên tầm nghệ thuật (những chuyện như chuyện anh Khoa bị cô lập, bị hành hung... báo chí cũng đã phản ánh nhiều).

Một tờ báo Trung ương mở cuộc thi truyện ngắn, bút ký viết về ngành giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cuộc thi ấy đăng truyện: Có bệnh. Truyện này có lối viết hài hước về người thầy có tên là Bệ trong cuộc chiến chống tiêu cực. Mở đầu truyện, tác giả miêu tả công năng cái điện thoại di động mà thầy Bệ mới tậu, rồi bắt đầu câu chuyện:

Bệ nhận được điện thoại hiệu trưởng gọi lên phòng Hội đồng. Hiệu trưởng trang trọng trao tờ giấy mời lên văn phòng Bộ nhận Huân chương “Dũng cảm bội tinh” kèm lời chúc xã giao “Mừng đồng chí” và cái bắt tay hờ hững, mềm oặt như có ý ngầm bảo “Mày chỉ là thằng giáo viên xoàng thôi, vinh dự của mày đổi bằng bao nhiêu vinh dự của người khác đấy, rồi mày phải trả nợ đủ”... (trích Có bệnh).

Tôi hỏi: Sao lại nghĩ truyện này viết về anh? Anh Khoa nói, người ta phô tô từng xấp, phát cho học sinh tất cả các lớp. “Người ta cười nhạo tôi, chuyện này có ai mà nghĩ đó không phải là anh Khoa chứ”.

Tôi có được truyện ngắn ấy từ bản phô tô khổ A3, ghi dưới là 10A3 bằng bút bi màu xanh (có lẽ là bản phát cho lớp 10A3?).

Truyện miêu tả việc thầy Bệ mua điện thoại di động chỉ để xem phim sex, nào là Vàng Anh, Yến Vi... Từ cái điện thoại ấy mới có cảnh quay giải bài tập thể trong kỳ thi rồi nổi tiếng khắp nơi. Mấy hôm sau đoạn phim của Bệ được phát trên truyền hình thật. Hàng chục tờ báo lấy ảnh từ cảnh quay ra phụ vào bài viết về chất lượng thật của giáo dục, nó rất xa với những báo cáo trăm phần trăm tốt của các trường, của cả ngành và của các địa phương các cấp.

Bộ trưởng lập tức tiếp thu dư luận, cho kiểm tra lại việc coi thi ở trường hai và đề nghị Chính phủ cho trường hai thi lại, có sự giám sát đặc biệt của Bộ trước khi có lời đáp chính thức với dư luận. Kết quả thật buồn, chỉ có gần một nửa đủ điểm tốt nghiệp. Bộ trưởng lập tức có biện pháp về việc học thật, thi thật, nói không với bệnh thành tích cho những năm học tới. Đó là lý do Bệ được nhận Huân chương “Dũng cảm bội tinh”. Cuộc sống của Bệ vô tình bước sang trang mới. (trích Có bệnh).

Nếu bây giờ gặp sự kiện như năm 2006 anh làm ngơ hay tiếp tục làm như đã làm? “Tôi vẫn làm nhưng làm theo cách khác. Cách khôn ngoan hơn”.  

Đọc đến đoạn này khó mà không nghĩ đến thầy Khoa. Truyện ngắn như một bài báo phiếm chỉ, còn nội dung miêu tả sát đến mức kiểu trẻ con đố nhau con gì kêu meo meo... (quá dễ để trả lời là con mèo, giống như rất dễ để liên tưởng thầy Bệ với thầy Khoa). Một cách phản ứng có nghề và kể cả thầy Khoa hay ai đó nhận ra mình trong tác phẩm này mà đùng đùng nổi giận, kiện cáo thì chẳng những mắc mưu không khảo mà xưng mà còn phí sức đấm vào không khí, vì đó là truyện ngắn, là văn chương, là hư cấu...

Tôi nói với anh Khoa, nếu nhân vật Bệ là anh thì quả là người ta đang chọc cười một vấn đề nghiêm túc trong đó có Bộ trưởng với cuộc vận động hai không (người ta cho rằng, cuộc vận động này chỉ xuất phát từ sự kiện Đỗ Việt Khoa với cú ăn may quay cảnh tiêu cực từ điện thoại di động vốn dùng để xem phim sex!).

Anh Khoa nói thẳng, có người chửi Bộ trưởng GD&ĐT rất nặng, tôi ghi âm được và chuyển cho các cơ quan chức năng còn chẳng làm được gì họ nữa là chửi kiểu này. Anh có biết ai viết truyện này không, tôi hỏi. “Tôi nghĩ là người quen”.

Truyện ngắn miêu tả tỉ mỉ cảnh người thầy chống tiêu cực bị phụ huynh ghét, cộng đồng ruồng rẫy. Đây là cảnh tại một đám cưới: Bệ ngồi chết trân, ngóng mãi chẳng có người đến ngồi cùng. Gia chủ co kéo thế nào cũng không ai đến. Khó xử quá. Toàn khách lạ, Bệ không biết làm sao để có lý do rút lui. Đi ăn cỗ không có người muốn ngồi cùng hỏi có gì ớn bằng... (trích Có bệnh).

Thầy giáo chống tiêu cực trong truyện ngắn đoạn bị hắt hủi này có giống anh không? Thầy Khoa nói, ngoài đời anh không như thế. Tại trường cũng nhiều người yêu quý, vì anh nói những điều họ nghĩ nhưng họ không dám nói. Thế nhưng sợ bị trù dập, ảnh hưởng công việc nên họ đành xa lánh thôi nên anh bị cô lập. Còn bà con làng xóm họ tốt với anh và anh tốt với họ. Còn bạn bè cũ thì rất tốt.

Cuối chuyện là cảnh học sinh phản pháo thầy giáo Bệ tại một giờ giảng văn. Tác giả kết: Thế là ngay cả học trò cũng muốn hắt nước dưa vào mặt thầy rồi. Bệ trầm tư một mình, trong lòng muốn nói: “Nếu đổi được cái “Dũng cảm bội tinh” lấy sự bình yên vốn có thì tôi xin đổi ngay, nào ai muốn đổi cho tôi không? Có ai muốn đổi cho tôi không? Có ai muốn đổi cho tôi không?

Câu hỏi: Có ai muốn đổi cho tôi không? điệp ba lần, có gì đó khiến người ta nghĩ đến cảnh Chí Phèo đến nhà Bá Kiến (tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao) và kêu lên điệp khúc: Ai cho tôi lương thiện? Cuộc đấu tranh chống tiêu cực của thầy Bệ trong truyện ngắn hóa ra đáng cười, toàn bộ đáng cười, tuyệt không có cái gì nghiêm túc, đáng ghi nhận? Cái huân chương Dũng cảm bội tinh (cách nói ẩn ý một danh hiệu) hóa ra chẳng đáng giá gì (và cướp mất bình yên của thầy Bệ) khi thầy Bệ muốn đem huân chương ấy đổi lấy bình yên mà không ai thèm.

Đây là câu chuyện mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT nên đọc, càng nên đọc hơn khi nó tham gia cuộc thi viết về ngành giáo dục và có thể xuất phát từ một câu chuyện có thật (?). Có đáng buồn cười không?

Thầy Đỗ Việt Khoa đón bộ trưởng vào thăm nhà mình ngày 12/7/2006.(Ảnh : Tuổi trẻ)
Thầy Đỗ Việt Khoa đón bộ trưởng vào thăm nhà mình ngày 12/7/2006.(Ảnh : Tuổi trẻ).

Khi nghe tin thầy giáo Đỗ Việt Khoa bỏ nghề nhiều người gọi điện đến chia sẻ, động viên. Một người nói: Một hệ thống, mạng lưới chống tiêu cực được trang bị đầy đủ còn chiến đấu vất vả, bở hơi tai với tiêu cực trong ngành giáo dục còn chưa dám nói là có hiệu quả, nói chi anh Khoa. Sự kiện Đỗ Việt Khoa là một sự lãng mạn thỏa mãn nhất thời mong muốn của dư luận trong cuộc chiến chống tiêu cực thôi.

Cái gì làm nên một người hùng Đỗ Việt Khoa? Điều gì biến anh Khoa thành người mắc lỗi để giờ trở về thấp hơn xuất phát điểm cuộc chiến chống tiêu cực? Một người trong ngành giáo dục cho rằng, đó là sự đụng độ của một bên là cái tốt thô mộc, sự hồn nhiên đến ngây ngô và cách đấu tranh chống tiêu cực đơn sơ - với một bên là sự phản kháng, che chắn có lớp lang, đầy nghệ thuật của những người khôn ngoan. Đỗ Việt Khoa bỏ cuộc, bỏ nghề là kết cục mà nhiều người nhìn thấy trước. Đỗ Việt Khoa, người hùng thất bại hay là xã hội thất bại trong cuộc chiến chống tiêu cực?

Giờ thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã quyết rời khỏi sân khấu nơi anh là người hùng vừa là anh hề, tránh xa đám đông hò reo, trở về nhà với người vợ hiền và 2 đứa con. “Anh Khoa không cay cú, không bao giờ tiêu cực. Anh Khoa muốn thanh thản thôi. Anh Khoa đã hiểu...”.

GS Văn Như Cương thất hứa?

Mới đây, trên báo mạng, GS Văn Như Cương đã từ chối nhận thầy Đỗ Việt Khoa về công tác tại Trường PTTH Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) như đã hứa cách đây ba năm. Sau sự kiện năm 2006, thầy Khoa nổi lên như người hùng chống tiêu cực, GS Văn Như Cương khi đó đã nói, nếu thầy Khoa có mệnh hệ gì ông sẽ nhận về công tác tại trường. Nhưng khi thầy Khoa thất thế, viết đơn xin rời khỏi trường THPT Vân Tảo, GS Cương lại nói, giờ đã nghĩ khác và cho rằng: Anh Khoa không bình thường...

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 26-5, thầy Khoa nói: “Tôi buồn lắm! Tôi rất sùng kính thầy Văn Như Cương. Ai dè thầy trả lời thế. Tôi nghĩ thầy và nhiều người thiếu thông tin về những gì tôi đang chịu đựng và vì sao tôi phải lên tiếng...”.

MỚI - NÓNG