Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và thương hiệu nước mắm Vạn Vân

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và thương hiệu nước mắm Vạn Vân
TP - Trong nhiều bài viết về cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, đôi khi người đọc mới thấy có bài nhắc qua ông là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng đất Kinh kỳ những thập niên đầu thế kỷ 20. Vậy nhạc sĩ tài danh họ Đoàn có duyên nợ gì với hãng nước mắm Vạn Vân… là câu chuyện mà đến nay còn ít được biết.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và thương hiệu nước mắm Vạn Vân ảnh 1


Từ tấm hình quảng cáo

...Trước nay, ngôi nhà số 9 phố Cao Bá Quát (Hà Nội) được biết đến là nơi ở của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, ông vua của những tình khúc mùa thu nổi tiếng. Tuy nhiên khi đến đó, tôi mới biết ngôi biệt thự này còn là nơi thờ của gia tộc họ Đoàn với thương hiệu nước mắm Vạn Vân vang bóng một thời, mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là một thành viên. Trong câu chuyện không dứt về người nhạc sĩ tài hoa tôi được anh Đoàn Đức Liêm, con trai nhạc sĩ cho biết: “Thời ấy, gắn liền với những bản nhạc của cha tôi luôn in kèm quảng cáo về Hãng nước mắm Vạn Vân”.

Đây là thông tin khá mới về cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mà không phải ai cũng biết. “Tiếc thay, qua thời gian, những bản nhạc của cha tôi in quảng cáo Hãng nước mắm Vạn Vân gia đình đều không giữ lại được. May mắn đến năm 2002, một người quen cũ là Nguyễn Ngọc Khôi đã tìm được một bản và gửi cho chúng tôi với lời đề tặng: Kính tặng gia đình cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Khi gia đình nhận được bản nhạc này, cha tôi mới mất năm trước” - anh Liêm cho biết.

“Nhận được một bản nhạc như vậy là quý lắm rồi, nhưng nó còn đặc biệt hơn nữa vì đây là sáng tác đầu tay của cha tôi”- Đến đây, anh Liêm cho tôi xem bản nhạc Ánh trăng mùa thu mà gia đình được gửi tặng, phía dưới bản nhạc nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có ghi: Viết ở Đống Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc Thu 47. Thông tin này đã xác định Ánh trăng mùa thu được viết năm 1947 khi nhạc sĩ ở Đống Năm (Đông Hưng, Thái Bình), trước cả Tình nghệ sĩ viết năm 1948 vốn trước đây được xem là tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Phía sau bản nhạc Ánh trăng mùa thu có in quảng cáo của Hãng nước mắm Vạn Vân, trong đó đề cập những thông tin quan trọng như xuất xứ, nơi sản xuất, các đại lý của hãng (tại Hà Nội, Hải Phòng và đặc biệt có cả ở Paris, Pháp)... Bản nhạc này được in tại nhà in Continentale (Hải Phòng), ghi rõ tác giả giữ bản quyền.

Vậy nguyên cớ nào khiến một người có máu nghệ sĩ và trước nay vẫn được cho là không quan tâm mấy đến chuyện kinh doanh của gia đình như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lại đưa quảng cáo nước mắm vào những bản nhạc trữ tình của mình? Anh Đoàn Đức Liêm trầm ngâm: “Khi còn sống, cha tôi không nói với chúng tôi điều này nên không được rõ. Muốn hiểu, giờ chỉ có thể hỏi cô ruột chúng tôi”.

Các thành viên gia đình Hãng nước mắm Vạn Vân: (từ trái sang, hàng trước) Đoàn Chuẩn, cụ Lê Thị Yến, Đoàn Thị My; hàng sau, từ trái sang: Đoàn Đức Trình, Nguyễn Thị Huấn (vợ ông Trình), Đoàn Thị Tề
Các thành viên gia đình Hãng nước mắm Vạn Vân:
(từ trái sang, hàng trước) Đoàn Chuẩn, cụ Lê Thị Yến,
Đoàn Thị My; hàng sau, từ trái sang: Đoàn Đức Trình,
Nguyễn Thị Huấn (vợ ông Trình), Đoàn Thị Tề .


Đến thương hiệu nổi danh

Bà Đoàn Thị My, em gái nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nay đã 80 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Nhắc lại chuyện xưa, bà cho biết: “Người sáng lập ra thương hiệu nước mắm Vạn Vân là cụ thân sinh ra tôi - nhà doanh nghiệp Đoàn Đức Ban. Bố và mẹ tôi có 4 người con. Anh cả Đoàn Đức Trình và chị thứ hai Đoàn Thị Tề sau theo nghề của cha, còn anh trai trên tôi Đoàn Đức Chuẩn (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) lại say mê âm nhạc. Các anh chị tôi giờ đã mất cả...”.

Về chuyện những tấm hình quảng cáo được in trên bản nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, bà My cho rằng, do sức nặng truyền thống của một dòng tộc nhiều đời làm nước mắm đã khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn không thể quên trách nhiệm của mình. Không phải ngẫu nhiên nước mắm Vạn Vân trở nên nổi tiếng, mà là sự kế thừa truyền thống của dòng tộc có từ nhiều đời.

Bà My cho biết, gia tộc họ Đoàn có cụ Đoàn Thượng là một danh tướng đời Lý. Khi quyền lực từ nhà Lý chuyển sang nhà Trần, cụ Đoàn Thượng chống lại triều đình mới. Sự việc thất bại, một số con cháu cụ Đoàn Thượng phải rời bỏ quê hương Thái Bình đến đảo Cát Hải (Hải Phòng) ẩn tích và mang đến đây những món ẩm thực cung đình cùng một số gia vị đặc biệt như nước mắm trắng, mắm tôm điềm… Thời điểm này, người dân đảo Cát Hải chỉ sinh sống bằng nghề làm muối và chài lưới.

Con cháu họ Đoàn đã tận dụng lợi thế của vùng đảo sẵn cá và muối để xây dựng nghề làm nước mắm tại đây. Họ đã nghiên cứu, cảm nhận cái nắng cái gió rất đặc trưng của một vùng đảo cát để tạo ra một bí quyết làm nước mắm có hương vị riêng của Cát Hải.

Ban đầu, nước mắm Cát Hải chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ để dùng trong họ tộc rồi được bán trong vùng. Đến cuối thế kỷ 18, con cháu họ Đoàn theo các thương thuyền buôn muối mang nước mắm đến bán tại Thị Cầu (Bắc Ninh), sau đó buôn vải, tơ lụa, thóc gạo, ngô khoai, củ nâu… về Cát Hải. Bến Thị Cầu thời đó là bến đỗ của các thương thuyền từ những vùng duyên hải, vùng phụ cận Kinh Bắc nên còn được gọi là vạn. Gần bến Thị Cầu có làng Vân nấu rượu ngon nổi tiếng thời đó với câu ca dao: Vạn Thị Cầu bến sông tấp nập/ Rượu say người có rượu làng Vân.

Bản nhạc “Ánh Trăng mùa thu” với quảng cáo của Hãng nước mắm Vạn Vân
Bản nhạc “Ánh Trăng mùa thu” với quảng cáo của Hãng nước mắm Vạn Vân .

Ngành kinh doanh nước mắm tại Vạn Thị Cầu dần phát triển. Sau đó, một người xuất sắc trong dòng tộc họ Đoàn là Đoàn Đức Ban xuất phát từ câu ca dao trên đã lấy tên Vạn của Thị Cầu ghép với tên Vân thành tên hiệu Vạn Vân để kỷ niệm nơi bắt đầu ngành kinh doanh nước mắm của dòng họ.

Năm 1916, sau những năm kinh doanh nước mắm Vạn Vân tại Vạn Thị Cầu, doanh nhân Đoàn Đức Ban là người đầu tiên nghĩ tới việc phát triển nước mắm Vạn Vân ra kinh kỳ Thăng Long. Ông thuê một cửa hàng bán nước mắm ở phố Hàng Nâu (phố Trần Nhật Duật ngày nay) vì đây là vị trí gần cầu Long Biên và sông Hồng thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa; phía sau lại là chợ Bắc Qua và Đồng Xuân - nơi người mua kẻ bán tấp nập của đất Hà Nội 36 phố phường.

Theo tài liệu trong thư tịch của Pháp, hãng nước mắm Vạn Vân là cơ sở sản xuất nước mắm lớn, với 10.000 chum loại 400kg đựng chượp để lâu năm mới đem nấu. Nước mắm Vạn Vân được chế biến từ 3 loại cá: Cá quẩn (một loại cá sác-đin) cho ra nước mắm thượng hạng; cá nhâm cho ra nước mắm loại hai; cá tạp cho nước mắm loại ba. 

Hãng nước mắm Vạn Vân lớn mạnh, chính thức cạnh tranh với các dòng nước mắm của Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Ô, Phú Quốc... Nước mắm Vạn Vân có màu trắng (hơi pha vàng) và nhẹ mùi, phù hợp để làm giò chả hoặc nước dùng phở - những món ăn đặc trưng của miền Bắc. Rồi người dân miền Bắc dần quen dùng nước mắm Vạn Vân trong bữa ăn của mình. Thế nên, mỗi khi nhắc đến gia vị và món ngon nổi tiếng Bắc kỳ, người Hà Nội xưa thường nhắc đến câu ca dao: Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần/ Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.

Là người có đầu óc kinh doanh, doanh nhân Đoàn Đức Ban luôn nghĩ ra những phương thức mới để chiếm lĩnh thị trường. Chủ hãng Vạn Vân nghĩ ra cách đóng chai, dán nhãn vào sản phẩm của mình. Sản phẩm ngon nhất của hãng Vạn Vân được lấy tên Rồng Vàng, với hàm ý đó là nước mắm của đất Thăng Long.

Sau nhãn hiệu Rồng Vàng, hãng Vạn Vân sản xuất hai loại nước mắm khác là Con Hổ Lá Cờ. Đáng chú ý, ngay từ thời đó, cả ba nhãn hiệu trên đều được đăng ký với Nha Kinh tế Hải Phòng để giữ bản quyền. Tên tuổi doanh nhân Đoàn Đức Ban trở nên nổi tiếng, sánh ngang với những nhà tư sản dân tộc thời bấy giờ như chủ hãng sơn Nguyễn Sơn Hà, vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi...

Còn nữa

MỚI - NÓNG