Hồn đá ở Sa Thầy

A Huynh và bộ đàn đá 11 phiến do anh sáng tạo
A Huynh và bộ đàn đá 11 phiến do anh sáng tạo
TP - Khi đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Sa Thầy biểu diễn đàn đá, những nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian ở Kon Tum sửng sốt. Lần đầu tiên đàn đá xuất hiện ở Bắc Tây Nguyên. Sau khi khảo sát người ta ngạc nhiên chứng kiến cả kho nguyên liệu vô tận, những hòn đá phát ra âm thanh kỳ diệu.
A Huynh và bộ đàn đá 11 phiến do anh sáng tạo
A Huynh và bộ đàn đá 11 phiến do anh sáng tạo.

Phát lộ đàn đá bắc Tây Nguyên

Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt-Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Kon Tum không giấu vẻ hồ hởi khi kể với chúng tôi lần đầu tiên ông chứng kiến đàn đá xuất hiện ở bắc Tây Nguyên.

Tháng 2-2010, tỉnh Kon Tum tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh, ông được phân công làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Khi nghệ nhân A Huynh của đoàn Sa Thầy mang tiết mục đàn đá ra biểu diễn, ông xúc động, sửng sốt.

Nén lòng bởi những tình cảm nghề nghiệp, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở hội diễn nghệ thuật đề xuất Sở Văn hoá Thể thao-Du lịch Kon Tum thành lập tổ liên ngành về làng Plei Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy quê hương của chàng trai trẻ A Huynh khảo sát đàn đá.

A Huynh gần 30 tuổi đi bộ đội về, mải làm ăn chưa lập gia đình sớm như ông bà ngày trước. A Huynh tâm sự với chúng tôi: Năm 2002 đi bộ đội, thấy anh em đồng chí chơi ghi -ta thích quá, nhờ họ chỉ cho. Học lóm trong lính từ đó. Ra quân, trở về địa phương, Huynh mày mò chế tác một số nhạc cụ dân tộc Ba Na mình như đàn Tơ Rưng, Ting Ning đàn đá…

Đàn đá của A Huynh đến với anh khá dày công, khi A Huynh ngăn dòng suối Ya Lân lấy nước làm thủy điện nhỏ bất ngờ anh nhặt một số viên đá gõ vào nhau nghe chúng phát ra những âm thanh kỳ lạ, có đủ các cung bậc trầm bổng khác thường.

A Huynh nhớ lại, ngày xửa ngày xưa ông bà cha mẹ có kể về kỹ năng đuổi chim đuổi chuột của đồng bào Ba Na trên các nương rẫy bằng việc làm những chiếc đàn nước, lấy những thanh đá, có âm vang xa cho chúng va vào nhau, người địa phương gọi là đá biết nói.

A Huynh chọn những phiến đá đẹp biết nói gom hàng trăm viên bỏ dưới bóng cây trên rẫy. Những lúc nghỉ ngơi, Huynh chọn ra những thanh có cung bậc rõ các nốt đồ, rê, mi, pha, sol, la… gõ hát nghêu ngao cho đỡ buồn nơi nương xa rẫy vắng.

Đàn đá của A Huynh âm thầm biểu diễn vài năm trên nương cho đến một ngày cuối năm 2009, Bí thư thị trấn Sa Thầy biết Huynh có năng khiếu văn nghệ đã về Plei Chốt tìm anh nhờ tổ chức Đội văn nghệ quần chúng thị trấn đi dự liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn huyện.

Tiết mục đàn đá độc đáo của A Huynh gõ bài: Dân công Ba Na tiếp lương tải đạn và bài Ru em-dân ca Ba Na đã chinh phục Ban giám khảo hội diễn từ huyện đến tỉnh.

Đá biết nói đang đợi người

Thanh âm của đàn đá được GS-TS Trần Văn Khê ca ngợi là “biểu hiện tâm tư hệt như con người”. Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Người xưa quan niệm âm thanh của đàn đá như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Đàn đá đã được giới thiệu ở trong và ngoài nước. 

Bộ đàn đá đầu tiên xuất hiện ở nước ta được Georges Condominas tìm thấy ở Ndut Liêng Krak (Ma Đ’Răk, Đăk Lăk) năm 1949. Đến nay, cả nước có gần chục địa phương tìm được khoảng 200 thanh đàn đá rải rác ở Đăk Lăk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng Bình Phước và Phú Yên. Mỗi bộ đàn này có từ 3 đến 15 thanh. Tất cả đều phân bố ở nam Tây Nguyên và nam Trung bộ.

Đàn đá phát hiện được hầu hết đều do người thời trước chế tác. Các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại núi Dốc Gạo, thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, Khánh Sơn, Khánh Hoà đã tìm ra nhiều dấu tích người xưa chế tác đàn đá tại đây đã đi đến nhận định: Những dấu hiệu chế tác đàn đá tại chỗ chứng tỏ những cư dân từ xưa ở nơi này, dân tộc Raglai, là những người chủ thực sự của những bộ đàn đá.

Nhận định này đồng nghĩa với việc cho rằng hầu hết đàn đá đều xuất phát từ Khánh Sơn, bởi bán kính những đàn đá phát hiện đều ở quanh khu vực này. Do vậy, đến nay tìm ra được đá biết nói ở Ya Lân, Sa Thầy, Kon Tum đã đảo lộn nhận định của các nhà chuyên môn về lịch sử đàn đá.

Nhóm khảo sát đàn đá ở Sa Thầy bước đầu đưa ra nhận định: pô thâu nhe (Đá biết nói-theo tiếng người Ba Na) do A Huynh tìm ra ở suối Ya Lân, Plei Chốt là những thanh đá chưa có sự gia cố của con người, tất cả là những thanh đá thô, phiến lớn nhất 24 kg, nhỏ chỉ nặng hơn 1kg được chia tách theo cung bậc trầm bổng của từng viên ghép nên thành bộ đàn đá.

Sở VHTTDL Kon Tum đã gửi công văn lên Bộ VHTTDL và Bộ đã yêu cầu Viện Âm nhạc phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum khảo cứu, làm rõ, song đến nay vẫn chưa triển khai được.

Ông Phạm Cao Đạt cho rằng với tư cách là một người nghiên cứu văn hoá bắc Tây Nguyên ông rất tự hào khi Kon Tum phát hiện ra đàn đá. Cho đến nay Tây Nguyên có 4 hiện tượng văn hóa nổi bật là: Cồng chiêng, đàn đá, sử thi, và nhà rông (nhà sinh hoạt cộng đồng). Cả 4 loại hình này ở Kon Tum đều rất phong phú đặc biệt là việc phát hiện ra sử thi và đàn đá ở bắc Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG