Đền, chùa - hậu trường chuyện thu chi

Hàng nghìn người chen nhau chờ làm lễ giải sao tại chùa Phúc Khánh
Hàng nghìn người chen nhau chờ làm lễ giải sao tại chùa Phúc Khánh
TP - Đời sống kinh tế khá giả, dịp lễ, tết đầu năm, con nhang đệ tử đến cửa chùa không chỉ mang theo sự thành tâm, mà kéo theo lễ vật, tiền âm, tiền dương... Đáp lại sự thành kính ấy, nhà chùa ngày càng mở ra nhiều dịch vụ, từ cầu an, giải hạn, thờ vong... Nhờ những dịch vụ ấy, cùng tiền công đức, có những ngôi chùa thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

>> Giảm đốt vàng, mã bằng cách đánh thuế cao

Hàng nghìn người chen nhau chờ làm lễ giải sao tại chùa Phúc Khánh
Hàng nghìn người chen nhau chờ làm lễ giải sao tại chùa Phúc Khánh.

Thu tiền tỷ từ cầu an, giải hạn

Lâu nay, chùa Phúc Khánh (gần Ngã Tư Sở, Hà Nội) là địa chỉ tin cậy cho những con nhang đệ tử bị coi mang sao xấu đến để hóa giải những điều không may và cầu bình an trong một năm. Hàng nghìn người xếp hàng, chờ đăng kí, đóng tiền là cảnh dễ bắt gặp tại chùa Phúc Khánh trong những ngày đầu năm.

Do giá cả mọi thứ đều tăng nên tiền cúng giải sao, cầu an năm nay cũng tăng 30% so với năm ngoái. Giải sao đầu năm là: 100.000 đồng/người, cầu an: 100.000 đồng/hộ; còn giải sao cả năm là: 700.000 đồng/người, cầu an: 400.000 đồng/hộ.

Đứng chờ nửa tiếng chị Nguyễn Thị Minh Thu (Chùa Láng, Đống Đa) mới tới lượt nộp tiền. Tổng cộng số tiền chị phải nộp cho nhà chùa là 1.500.000 đồng để giải sao, cầu an cho cả gia đình. Chị cho biết: “Năm nào phải sao xấu thì tôi phải chủ động đi lễ nhờ thầy cúng giải sao. Năm nay giải sao tại chùa Phúc Khánh đông quá tôi sợ người ta ghi nhầm tên tuổi nên tôi cũng đã đăng ký cúng thêm mấy chùa nữa cho chắc. Tốn chục triệu giải sao mà tai qua nạn khỏi thì cũng đáng”.

Thầy Thích Thanh Quyết - Trụ trì chùa Phúc Khánh cho biết: “Năm nay số lượng người đăng kí giải sao, cầu an tại chùa khoảng 23 vạn người, tăng 5% so với năm ngoái. Số sớ được viết cân lên cũng phải được con số hàng tạ”. Thông thường, người đến cầu an sẽ giải hạn luôn. Bởi theo giới thiệu của người giúp nhà chùa thu tiền, thì phải làm đồng thời cầu an và giải hạn luôn mới nghiệm. Nếu tính toán, với 23 vạn người, chỉ riêng thu từ tiền cầu an, giải hạn, đã lên đến khoảng 4-5 tỷ đồng.

Ngày 15 tháng giêng, chùa giải sao Thái Bạch, khuôn viên chùa chật hẹp, chỉ vài ngàn người tìm được chỗ ngồi, dù đã ngồi tràn ra cả đường Tây Sơn. Lịch làm lễ giải sao bắt đầu từ lúc 19 giờ nhưng mới 17 giờ, trong chùa đã không còn chỗ trống. Những ai đến sau 17 giờ thì chỉ còn cách chọn cho mình một chỗ ngồi, đứng ở ngoài đường và theo dõi khóa lễ qua loa phóng thanh.

Chị Nguyễn Thị Anh (Đông Anh, Hà Nội) phải dậy từ 4 giờ sáng, đi hơn 30 cây số từ nhà tới chùa Phúc Khánh để có một chỗ ngồi trước ban Tam Bảo.

Chị tâm sự: “Năm nay cả tôi và con gái đều sao Thái Bạch nên ngay từ rằm tháng Chạp tôi đã phải lên tận chùa Phúc Khánh xin lãm lễ giải sao. Tổng số tiền làm lễ của hai mẹ con tôi gần 2.000.000 đồng. Đầu năm tôi đã phải đi mấy chùa làm lễ rồi. Mất gần chục triệu vào giải sao nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Cứ nghe trong làng nói đâu có thầy tốt, chùa thiêng là tôi tới đặt lễ. Hạn cả năm nên dù chùa cách nhà hàng trăm cây số và tốn bao nhiêu tiền tôi cũng theo”.

Chị Anh cho biết thêm, đang dự tính mời thầy giỏi về nhà cúng cho chắc ăn. Chi phí giải sao ở nhà thường đắt gấp 3 đến 4 lần so với số tiền làm lễ ở chùa. “Mời thầy về cúng ở nhà không sợ đọc sai tên, bỏ sót tên người nhà mình mà thầy cúng cũng cẩn thận hơn” - chị Anh nói.

Những ai tình duyên lận đận chắc hẳn không ít lần đến chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) để cầu duyên. Là ngôi chùa không lại không có sư nên chùa Hà chịu sự quản lý của Ban quản lý và phường Dịch Vọng. Như nhiều chùa nổi tiếng khác quanh Hà Nội, đầu năm, hàng nghìn du khách gần xa tới lễ mỗi ngày. Ngày rằm Tháng giêng lượng khách tăng gấp hai, ba lần so với ngày thường. Sau khi làm lễ xong, nhiều người đã tìm tới bàn công đức cho nhà chùa.

Theo người ghi công đức tại chùa Hà cho biết: “Một ngày chúng tôi ghi công đức cho hàng nghìn du khách. Có những người công đức hàng chục triệu đồng, người ít thì 50.000 đồng, 100.000 đồng”. Theo quan sát của PV, trong một buổi sáng có khoảng 500 du khách tới bàn công đức xếp hàng ghi tên, nộp tiền tại chùa Hà.

“Các tháng trong năm thì chỉ có ngày rằm và mùng một mới có khách ghi công đức. Chỉ có duy nhất tháng giêng là ngày nào số người ghi công đức cũng đông và tấp nập. Có những ngày đông khách, nhà chùa thu được hàng trăm triệu tiền công đức” - người ghi công đức tại chùa Hà nói.

Vòng qua Phủ Tây Hồ vào đầu giờ chiều, lượng khách về chùa ngày một đông không kém gì chùa Hà. Theo Ban quản lý phủ Tây Hồ, từ ngày mùng 1 tết đến rằm tháng giêng, mỗi ngày Phủ đón 10.000 lượt khách đến lễ. Qua rằm tháng giêng thì chủ yếu đón khách các tỉnh, lượng khách có giảm không bằng đầu năm nhưng trung bình cũng có từ 1.000 - 2.000 khách tới lễ.

Ông Trương Công Đức - Trưởng Ban quản lý Phủ Tây Hồ cho biết: “Năm ngoái tổng số tiền của du khách thập phương công đức cho Phủ 3 tỷ tiền mặt và hiện vật gồm: một chiếc chuông đồng trị giá 2 tỷ và trâu đồng giá vài trăm triệu. Năm nay, từ đầu tháng giêng chúng tôi đã thu được gần 2 tỷ tiền công đức của mọi người. Ngày mùng 1 tết, số tiền chẵn 500.000 đồng lên tới 200 triệu đồng”.

Du khách làm lễ tại Đền Quán Thánh
Du khách làm lễ tại Đền Quán Thánh.

Chuyện chi tiêu

Hiện Nhà nước không quản việc thu chi của chùa, cũng chưa có quy định việc thu chi ra sao, nên mỗi nơi một khác. Như ở chùa Phúc Khánh, trong những lần cầu kinh cầu an, giải hạn cho con nhang, phật tử, Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Trụ trì cũng không giấu giếm.

Thông thường, những khoản thu trên, cùng tiền công đức của khách thập phương, sau khi chi cho việc sắm lễ vật cúng tế, thường được dùng vào việc phúc, hoặc chi tu sửa chùa, xây dựng chùa mới. Ví như cách đây vài năm, Hoà thượng Thích Thanh Quyết đúc cả ngôi chùa đồng ở chùa Yên Tử (Hoà thượng Thích Thanh Quyết đồng thời trụ trì chùa này).

Mới đây, thầy lại chi tiền đúc tượng Thánh Gióng ở Sóc Sơn, cũng tốn kém nhiều tỷ đồng.... Trong lễ cầu an, giải hạn đầu xuân năm nay, thầy Quyết tâm sự: “Có nhà hảo tâm còn công đức tới 30 tỷ đồng. Tiền công đức thì mình lại dùng vào việc phúc đức thôi”.

Ở đền cơ chế chi tiêu cũng khác. Theo ông Trương Công Đức, Trưởng ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ, việc quản lý di tích này hoàn toàn thuộc Ban quản lý chứ không do Phường, Quận hay cấp nhà nước nào khác. Mỗi ngày thu được bao nhiêu tiền công đức, giọt dầu thì đều có kế toán vào sổ sách. Hằng ngày, Ban quản lý phân công người thu và quản lý số tiền đó.

Ngoài ra còn có người giám sát mọi việc thu chi để tránh thất thoát số tiền này. Nếu cần chi cái gì thì đều phải có phiếu chi đoàng hoàng. “Năm 2010, Phủ chúng tôi chi 1/3 tổng số tiền công đức vào việc giúp đỡ các tổ chức xã hội như: Hội người mù, người già cô đơn, trẻ em mồ côi. Còn lại chúng tôi gửi Ngân hàng để tu sửa di tích” - Ông Đức nói.

Không giống như Phủ Tây Hồ, Đền Quán Thánh là di tích cấp quốc gia thuộc quản lý quận Ba Đình. Tiền thu di tích bao gồm: tiền bán vé tham quan di tích, tiền công đức, tiền thu các loại dịch vụ của di tích. Mọi khoản thu đều phải nộp trên phòng Văn hóa quận Ba Đình.

Bà Trần Lệ Thúy - Ban quản lý Đền Quán Thánh cho biết: “Năm 2010 vừa qua quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đã tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí đầu tư gần 14 tỷ đồng trong đó chủ yếu là tiền công đức. Các hạng mục chính được tôn tạo gồm: hạ giải toàn bộ mái đền chính, lợp lại bằng ngói mũi hài phục chế, đắp lại các con giống, hoa văn trên mái; thay mới hệ thống cửa đi, cửa hồi; tu bổ lại mái, đắp chữ, câu đối của nghi môn; cải tạo lại cảnh quan sân vườn...”.

Theo một người bảo vệ khu di tích đền Quán Thánh cho biết, nếu công đức bằng hiện vật thì có giấy chứng nhận của phòng Văn hóa quận, tiền công đức thì được ghi vào sổ. Tất cả đều nộp cho Ban quản lý quận nhưng “công đức trao tay” thì quận không thể quản lý hết.

Còn, cụ Đoàn Văn Cự - Ban quản lý chùa Hà cho biết: “Tiền công đức tại Chùa được chúng tôi nộp cho phường một nửa, còn một nửa giữ lại chi tiêu mọi việc trong chùa. Năm vừa qua, nhà chùa chúng tôi thu được gần một tỷ tiền công đức và tiền giọt dầu. Vì sợ trộm cắp nên hằng tháng chúng tôi mang tiền vào ngân hàng gửi cho an toàn”.

Cụ Cự cũng cho biết thêm, khi có nhu cầu sửa chữa chùa thì chỉ có thể lấy số tiền công đức đã được gửi ngân hàng chứ khó có thể xin được Phường tài trợ. Nguyên nhân chính vẫn là Phường chỉ chi cho những công trình lớn vượt ngoài khả năng của chùa. Đến nay số tiền chùa chia cho Phường vẫn chưa có sự đầu tư nào vào nhà chùa.

Quản hay không?

Báo Pháp luật&Xã hội, dẫn lời Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, khi ông phát biểu tổng kết công tác năm 2009, cho rằng, cần có thông tư về sử dụng tiền công đức... Nhưng đến nay điều đó chưa thành hiện thực; mỗi nơi vẫn làm một kiểu. Nhiều nhà chùa vẫn tự thu chi tiền công đức của khách thập phương. Và con số cụ thể bao nhiêu thì chỉ có nhà chùa, ban quản lý đền, phủ nắm rõ.

Nhiều người tỏ ra lo lắng với cách tự quản lý thu chi của chùa, đền, phủ. Sự không rõ ràng, minh bạch thu chi của nhiều nơi đã tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng số tiền công đức vào mục đích cá nhân. Nhiều chuyên gia nghiên cứu quản lý đền, chùa cho rằng: “Nên áp dụng cách quản lý đền, chùa, phủ vào cách quản lý của di tích văn hóa cấp quốc gia. Tất cả thống nhất như nhau sẽ tránh thất thoát tiền công đức”.

Thầy Thích Đạo Minh - trụ trì chùa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) nói: “Các chùa đều không đồng nhất, có chùa lớn, chùa nhỏ. Những chùa bình thường chưa được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, xếp hạng văn hóa thì rất ít khách tới thăm. Nếu không phải dịp lễ tết hay lễ hội thì thường thu rất ít mà nhà chùa chủ yếu sống bằng tiền công đức của chúng sinh”.

Theo thầy Minh thì chỉ có những chùa được nhà nước đầu tư mới thu hút được nhiều khách nên phường, quận quản lý là chuyện bình thường. Nhưng tốt nhất nên trao trả quyền quản lý cho đúng ngành, đúng chức năng thì mới không bị kẻ xấu lợi dụng.

Thầy cho biết thêm: “Chi phí cho một ngày, một tháng trong chùa cũng lên tới vài triệu. Ngoài ra tiền công đức được dùng chủ yếu vào việc tôn tạo lại nhà chùa và từ thiện. Nếu còn dư thừa thì nhà chùa tự khắc đem nộp cho cơ quan chức năng. Tất cả phục vụ cho chúng sinh”.

“Người dân chủ yếu tin vào cửa phật, nhà chùa mà người đại diện cho nhà chùa là sư. Không thể áp dụng cách quản lý Đền của Nhà nước vào quản lý Chùa được. Nếu nhà nước vào quản lý thì cũng chẳng sao nhưng tôi sợ nhất là gây những hiệu ứng, phản tác dụng với niềm tin của phật tử.

Có thể nhà nước quản lý sẽ thu được mấy đồng nhưng mất quá nhiều. Nếu nhà nước có quản lý chỉ quản lý được tiền giọt dầu, cái đó rất ít so với số tiền công đức mà người dân góp”- Thầy Thích Thanh Quyết quả quyết.

Còn hòa thượng Thích Quảng Tuệ - Chùa Quán Sứ bày tỏ: “Mục đích số tiền công đức của thập phương nhằm xây dựng, tu bổ lại nhà chùa và làm việc thiện. Không thể đồng nhất cách quản lý đền, phủ hiện nay vào quản lý chùa được. Thử hỏi một năm, số tiền công đức được gửi lên trên thì có bao nhiêu tiền được rót xuống cho những nơi đó để xây dựng hay là vẫn tự chùa phải bỏ tiền ra làm những việc đó”.

Đừng làm biến tướng lễ cúng sao, cầu an, giải hạn

Các nhà sư đều cho rằng, mục đích lớn nhất của cúng giải sao, cầu an là mang lại lợi ích về tinh thần cho chúng sinh. Nhưng ngày nay quá nhiều người sa đà vào những thủ tục rườm rà, tốn kém mà vẫn không giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Trước đây, việc cúng sao giải hạn diễn ra trong các đạo quán của Lão giáo và trong dân gian. Về sau tục này được “phương tiện” đưa vào một số chùa, thường diễn ra từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng.

Thầy Thích Đạo Minh - Trụ trì chùa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) phân tích: “Vấn đề cúng sao giải hạn cũng không biết xuất xứ từ đâu nhưng đến nay nó vẫn tồn tại. Đây là một phong tục đẹp trong tín ngưỡng tâm linh của nhân dân ta. Cổ nhân đã nói, tâm là quan trọng nhất. Mình thành tâm thì giải quyết được vấn đề tinh thần. Thành tất ứng, cảm tất thông.

Cúng giải sao góp một phần nào đó tâm lý của chúng sinh. Khi tâm lý đã giải được thì trong cuộc sống của người ta sẽ thanh thản hơn. Vì vậy nhà chùa cũng như chúng sinh đừng bày quá nhiều trò, rắc rối làm biến tướng lễ cúng sao”.

Còn hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong kinh Phật không đề cập đến việc cúng sao có thể giải được hạn, không có thần thánh nào gây vận hạn cho con người cả, tất cả là do con người tạo ra, gieo nhân nào thì gặt quả nấy, muốn được phúc thì phải làm phúc chứ không thể xin mà được.

Tiền công đức của nhà chùa ít hay nhiều phụ thuộc vào nhà sư. Uy tín của nhà sư đại diện cho uy tín của nhà chùa. Nhà sư uy tín thì sẽ có nhiều người muốn đến công đức tại nhà chùa hơn.

Trước khi tôi về làm trụ trì tại chùa Phúc Khánh thì tiền công đức tại chùa rất ít nhưng khi tôi về làm trụ trì thì ngay lập tức có người đến công đức tại đây hàng chục tỷ đồng. Với chùa nào cũng vậy, khi nhận được công đức nhiều thì làm việc thiện nhiều.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.