Nhớ một thời tuổi trẻ

Nhớ một thời tuổi trẻ
TP - Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tiền Phong đăng bài viết về một nhà thơ, một nhà báo, một cán bộ Đoàn trong những năm tháng gian khổ nhất.

>> Thanh niên là lớp người đặc biệt

Nhà thơ Phan Cung Việt năm 1975
Nhà thơ Phan Cung Việt năm 1975.

Mỗi lần sang đàm đạo văn chương với nhà thơ Phan Cung Việt, tôi lại đứng lặng trước bức tượng bán thân màu trắng. Tượng một người mẹ. Mẹ nhà thơ Phan Cung Việt. Dưới bức tượng là bàn viết. Treo trên tường cạnh bàn viết là một cái vỏ sò tuyệt đẹp với hai câu thơ tôi đã thuộc lòng: Con đi qua cuộc đời khó nhọc/ Không ai thương những kẻ yếu hèn.

Mãi sau này mới biết, đó là hai câu thơ trong bài thơ Mẹ của Phan Cung Việt được làm từ năm 1991.

Người mẹ có một vị trí đặc biệt trong thơ Phan Cung Việt. Nhiều nhà thơ viết về mẹ và đã có nhiều bài thơ hay. Với Phan Cung Việt không chỉ là thơ. Là một điều gì đó thật thiêng liêng mà gần gũi, mà sâu lắng... Anh nói tại lúc nhỏ anh hay đau yếu nên tình cảm mẹ dành cho anh đặc biệt chăng?

Như anh đã viết: Thủa sinh một đàn con/ Mẹ thương nhất đứa nào yếu nhất. Rồi anh lại trầm ngâm. Hình như không chỉ thế.Và thậm chí không phải thế. Đứa con nào trong cuộc đời chẳng qua ốm yếu, khổ đau. Có một điều gì đó mà chính anh cũng không hiểu nổi. Như là linh cảm, như là có từ lúc sinh ra trong máu thịt mình rồi. Thơ sinh ra từ linh cảm, từ trong máu thịt mới thực sự rung động lòng người: Có em để có nơi đến/ Có mẹ, để có nơi về/ Nhưng về... mẹ không còn nữa/ Đến thì chỉ có trăng khuya.

Phan Cung Việt là một nhà thơ sống tình cảm. Tình cảm gia đình, bạn bè, anh em, đồng nghiệp... Anh tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi học cùng khoa, cùng trường, sau anh bốn năm. Nhưng, anh về báo Tiền Phong trước tôi 8 năm, vì sau khi tốt nghiệp, tôi còn đi bộ đội.

Năm 1975, sau khi giải phóng niềm Nam, tôi được ra quân, về báo Tiền Phong. Lần đầu tiên đến tòa soạn nộp hồ sơ, một đồng chí lãnh đạo hỏi tôi có biết ai ở báo không? Tôi bảo: Chỉ biết nhà thơ Phan Cung Việt. Anh ấy cười: Phan Cung Việt vừa ngồi ở đây mà! Là chúng tôi đang ngồi ở phòng thường trực của báo. Tôi đỏ mặt.

Thực ra, tôi chỉ biết tên anh chứ lúc bấy giờ chưa hề biết mặt. Biết tên vì anh đã có thơ đăng trên các báo và tạp chí, vì những ngày ở trong quân ngũ, tôi cũng đã đọc thơ anh, nghe bài hát phổ nhạc từ thơ anh. Với những sinh viên yêu thơ như tôi, ngày ấy, anh đã là một nhà thơ nổi tiếng.

Rồi những ngày về báo Tiền Phong, cùng ăn cơm tập thể, ngủ trên bàn làm việc, vật lộn với những khó khăn của một thời mà ta hay gọi là quan liêu, bao cấp. Sau này, khi viết tiểu thuyết, tôi mạn phép đã lấy những câu thơ của anh làm câu thơ của nhân vật mình: Đời anh quá nửa nằm bàn/ Nằm bàn, thì có mắc màn được đâu.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn thuộc lòng những câu thơ của Phan Cung Việt mà không biết ở bài nào, tập nào của anh. Cũng có thể đó là những câu thơ anh làm tặng bạn bè, em út... Rồi đọc cho tôi nghe.

...Nhìn bông lúa ngược mà thương/ Hám chi phòng lạnh, cửa gương nhà người.../ ...Mỗi lần có cháu vào thăm/ Tưởng như cả phố Chân Cầm vào theo/ Sáng ra, vòi nước trong veo...

Một thời khổ vì cơ chế, không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, mà còn khốn khổ vì nhiều thứ. Những người yêu thơ, làm thơ như chúng tôi khi đi làm báo bị coi là hâm, là không bình thường, là lơ tơ mơ, là tiểu tư sản!

Chúng tôi cựa quậy trong cái cơ chế chật hẹp đó như con chim cựa quậy trong lồng. Không phải là người của cơ chế nên luôn luôn bị cơ chế hành! Sau này, nhà thơ Hữu Thỉnh có một câu thơ rất hay Trái tim cồng kềnh, thơ phú đa mang.

Nhà thơ Phan Cung Việt trong hình dung của tôi cũng là người như thế.

Hôm kia, tôi nói với anh rằng, dạo đó tôi chỉ mong ước người ta cho mượn cái gầm cầu thang cơ quan để chui vào đó mà trú thân chứ quanh năm nằm trên bàn làm việc khổ lắm. Phan Cung Việt bảo: Sao ông nghĩ giống tôi ngày ấy thế! Bây giờ nhà thơ Phan Cung Việt không những có nhà để ở, mà còn có phòng văn riêng, có nhà cho thuê... Có nhiều tài sản nhưng anh vẫn sống giản dị như xưa.

Trước đây, tôi chỉ gặp anh ở cơ quan, nay thường gặp anh trong căn nhà dựng tạm trên mảnh đất chờ bán. Nói là tạm nhưng cũng phòng máy lạnh, cũng những giá đầy sách, có giàn hoa trước cửa, có chiếc bình nhỏ nuôi những con cá Thia, một loại cá ở Hà Tĩnh quê anh.

Anh thường ngồi viết dưới bức tượng bán thân của người mẹ. Viết trong mùi hương thơm của các loài hoa. Hoa đỏ, nhầm áo em, anh gửi cho tôi những câu thơ như thế. Mở mail tôi lại thấy thơ anh. Tinh tế.

Anh làm thơ như chơi. Đúng hơn, không phải làm thơ, mà những tứ thơ bất ngờ thăng hoa, bất ngờ xuất hiện... Triết lý sâu xa ẩn trong những câu thơ thật giản dị: Tôi muốn chọn con đường không có bụi/ Tức là con đường chỉ của riêng tôi/ Mà không biết những dấu chân trong mộng/ Cũng đủ tung lên bụi bặm rồi!

Phan Cung Việt viết nhiều, viết khỏe. Anh đã có nhiều tập thơ xuất bản như: Gió giữa hai người, Trăng khuya, Mẹ. Em và..., Tiều phu thơ... Còn có cả một trường ca. Người ta viết về thơ anh, bình thơ anh cũng nhiều. Nhà báo Dương Quang Minh ra hai tập sách viết về thơ anh. Trong bài viết này, tôi chưa thể đi sâu về thơ anh. Tôi muốn viết đôi điều về cuộc đời anh. Một nhà thơ, một nhà văn, một nhà báo, một cán bộ Đoàn.

Tôi thường nói với nhiều phóng viên trẻ ở báo Tiền Phong rằng: Bây giờ các bạn thấy Phan Cung Việt ra vào tòa soạn lặng lẽ, như là một người chỉ biết có thơ. Thực ra, Phan Cung Việt không chỉ là nhà thơ. Anh còn là một nhà báo theo nghĩa đúng nhất của từ này. Anh đã viết hàng trăm bài báo với ngòi bút sắc sảo, có uy tín. Anh cũng là một cán bộ Đoàn năng động, nhiều năm làm bí thư Đoàn thanh niên cơ quan báo Tiền Phong.

Anh từng là phóng viên chiến trường, ngồi trong hầm, dưới mưa bom ở Quảng Trị để viết phóng sự. Ở báo Tiền Phong, có nhiều người đã trở thành nhà thơ, nhà văn có uy tín như Bùi Ngọc Tấn, Lý Biên Cương, Lê Minh Khuê, Sơn Tùng, Phan Cung Việt...

Khi tôi ngồi viết bài này, nhà văn Sơn Tùng, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ về phẩm giá và nhân cách, cũng là một cán bộ Đoàn dũng cảm, đang nằm cấp cứu trong bệnh viện Bạch Mai. Anh từng là Trưởng ban Nông nghiệp của báo Tiền Phong. Anh đi chiến trường với tư cách là cán bộ Đoàn, phóng viên của báo, bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ. Anh đã góp một phần xương máu của mình cùng hàng vạn chiến sỹ để làm nên độc lập, thống nhất, hòa bình hôm nay.

Hồi trước, khi nhà thơ Phan Cung Việt đưa tôi truyện ngắn Em lên xe hoa để đăng trên tờ Người Đẹp Việt Nam, đọc xong, tôi sững người. Hay quá! Thực lòng, trước đó tôi cũng không coi trọng các truyện ngắn của anh nên ít đọc.

Anh đã có một tuyển tập truyện ngắn xuất bản và nhiều tập truyện ngắn chọn lọc. Nhân vật trong truyện của anh là những người ta gặp hằng ngày. Một chú tiểu, một anh lái xe, một người họa sỹ... Anh lấy nguyên mẫu những người đã sống với anh.

Có lần, anh bảo sẽ cho ra mắt bạn đọc một tập sách viết về cơ quan mình. Tôi tâm sự: Chúng ta là những nhà văn, quyết không viết để ám chỉ ai, vì văn chương ám chỉ không phải là văn chương đích thực. Nếu chẳng may có ai đó nhận ra mình trong tác phẩm thì đó cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Văn xuôi của Phan Cung Việt giàu chất thơ, mới mẻ, sống động.

Truyện của anh mở một lối riêng, không giống ai.

Không để chứng minh, hay minh họa cho một cái gì cả, điều mà văn chương ở ta hay mắc phải. Nhiều khi triết lý sâu xa nằm trong ý tứ tưởng như rất đơn giản, nhẹ nhàng.

Quan niệm văn chương của anh có điểm giống tôi ở chỗ: không nghĩ đến đề tài này, đề tài khác, chủ nghĩa này, chủ nghĩa khác. Văn chương là văn chương. Đọc tuyển tập truyện ngắn của anh, tôi tự tin hơn khi ngồi viết văn xuôi. Chính anh và nhà văn Lê Minh Khuê đã động viên tôi rất nhiều khi viết tiểu thuyết Xuyên Cẩm, Thổ Địa Cõi Ta Bà.

Bây giờ, tôi thấy anh như trẻ ra. Vẫn cái cốt cách tự tin, hài hước, dí dỏm và có lúc cũng bốc đồng. Trông anh ung dung, thư thái như chẳng lo nghĩ việc gì! Một mình một cõi văn chương, chẳng ai quấy rầy, làm phiền...

Anh có nhiều bạn, anh không hề phân biệt ai là người của cơ chế, người của quan trường, người tân tiến hay thủ cựu!

Tôi đã gặp trong đời nhiều người sống chết vì thơ, vì văn chương, trong đó có hai người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc là cố nhà thơ Trinh Đường và nhà thơ Phan Cung Việt. Một người đã về cõi tiên. Một người đang vui vẻ với cõi trần.

Đàm đạo về hạnh phúc, có người bảo tôi: Bây giờ người ta thực dụng lắm!

Có người còn định nghĩa hạnh phúc là những gì làm thỏa mãn cái mồm, cái mũi, cái tai, cái mắt... Chứ ai lại như các ông, lơ mơ thơ phú văn chương suốt ngày...

Cũng phải! Trừ những người lấy cái gọi là văn chương để khoe mẽ còn những nhà văn, nhà thơ đích thực, họ tìm niềm vui, hạnh phúc trong sáng tạo. Mà sáng tạo là thứ khổ ải và không phải với ai, không phải lúc nào cũng thành công.

Bởi vậy, phải tìm một công việc phù hợp, chính đáng ngoài văn chương để làm, để sống cho đàng hoàng, mạnh mẽ. Bởi vì, như nhà thơ Phan Cung Việt đã viết:

Con đi qua cuộc đời khó nhọc/ Không ai thương những kẻ yếu hèn!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.