Đệ nhất Kỳ Kê

Đệ nhất Kỳ Kê
TP - Gắn liền với nghề làm tranh nổi tiếng nhưng việc nuôi và gìn giữ giống gà Hồ quý hiếm ở làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) ít người biết đến.
Người chăn nuôi luôn coi gà Hồ như một báu vật
Người chăn nuôi luôn coi gà Hồ như một báu vật. Ảnh: Nguyễn Trường.
 

Thi hoa hậu gà Hồ

78 tuổi, ông Khúc Đình Tính (thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) có đến 50 năm gắn bó với bao nhiêu lứa gà Hồ mà ông không nhớ nổi. Ông nói vanh vách những đặc điểm, những món ăn khoái khẩu, những bệnh thường gặp, những cá tính… của gà Hồ với một vẻ đam mê hiếm thấy. Đối với ông, gà Hồ vượt lên trên những giá trị vật chất tầm thường để trở thành một biểu tượng văn hóa, biểu tượng tâm linh của người Đông Hồ.

Nói đến tranh làng Hồ là phải nói đến gà Hồ và ngược lại. Nghèo đến đâu, trong mâm cỗ cúng tổ tiên của mỗi gia đình trong làng, nhất là những gia đình đứng hàng trưởng vào những ngày Tết phải có một con gà Hồ được luộc chín, da vàng ươm, đầu nghển cao ngạo nghễ…

Và cũng duy nhất ở đất nước ta, có một cuộc thi hoa hậu… gà được tổ chức vào ngày 10-2 âm lịch hàng năm. Tại cuộc thi ấy, người ta cũng tổ chức kiểm tra số đo các vòng ngực, lườn, tính chiều cao, cân nặng, so sánh dáng đi, bình phẩm tiếng gáy, tìm ra những cô gà, chú gà Hồ hội đủ các yếu tố to, khỏe, đẹp… để trao giải thưởng.

Điều dễ nhận thấy nhất của gà Hồ đó là trọng lượng vượt trội so với giống gà bình thường. Trung bình, một chú gà Hồ trưởng thành có thể nặng đến 6-7 kg. Tuy nhiên, những đặc điểm khác của gà Hồ so với các giống gà to được biết đến nhiều như Đông Cảo, gà lai, gà chọi… thì không phải ai cũng biết.

Với hơn 50 năm gắn bó với nghiệp nuôi gà Hồ, ông Tính cho rằng đối với gà trống phải hội đủ các đặc điểm về hình thức: Mã lĩnh (lông đen toàn thân), đầu gộc (đầu to như nắm tay), mào sít (mào như con chim sít), chân cao, da đỗ nành (vảy ở chân như những hạt đậu nành), mình trường, đuôi nơm (đuôi xòe ra như chiếc nơm úp cá, lông đều nhau) và lườn bắp chuối (lườn gà như hình bắp chuối, không phải hình lưỡi mác như gà thường).

Đặc biệt, yếu tố da đỗ nành rất quan trọng bởi được dùng để phân biệt với giống gà Đông Cảo vốn cũng có nhiều đặc điểm giống gà Hồ nhưng chân gà Đông Cảo có hai vạch màu đỏ ở chân.

Đối với gà mái cũng phải bảo đảm các yếu tố như gà trống, chỉ có điều khác là màu sắc phải là loại mã thó (lông trăng trắng, phơn phớt như màu đất thó), đầu, chân đều nhỏ hơn gà trống. Gà mái khi đẻ nhiều thì có yếm, tức là có thêm lớp da nữa, màu đỏ au kéo từ cổ xuống tới diều.

Trọng lượng gà mái thường nhỏ hơn gà trống khoảng 1-2 kg. Một đặc điểm nữa để phân biệt gà Hồ đó là diều của loại gà này đều cân chính giữa và luôn được phủ một lớp lông kín. Mỗi lứa đẻ của gà Hồ đạt khoảng 10-12 trứng, to gấp rưỡi so với trứng gà thường và có hình dáng tròn đều.

Một cặp gà Hồ
Một cặp gà Hồ. Ảnh: Internet.
 

Nghề chơi lắm công phu…

Gà Hồ thuộc giống gà rất kén ăn và khả năng kháng bệnh kém. Chính vì vậy, để chăm sóc, nuôi dưỡng cho những chú gà Hồ đòi hỏi một sự kỳ công hiếm thấy. Ngoài việc không bao giờ được cho chúng ăn các loại thức ăn tạp, cám công nghiệp, công đoạn chế biến thức ăn cho loại gà này cũng khá cầu kỳ.

Món ăn thông dụng của gà Hồ là thóc và ngô. Tuy nhiên, trước khi cho ăn, thóc phải ngâm bằng nước ấm từ tối hôm trước nhằm làm giảm độ cứng của vỏ thóc, đỡ hại dạ dày gà. Ngô cũng phải ngâm nước, tốt nhất là xay ra để hòa với cám từ gạo giã ra.

Nhiều người cẩn thận còn thường xuyên đi bắt ốc, ếch, nhái, cào cào, châu chấu về cải thiện bữa ăn đồng thời tăng giá trị dinh dưỡng cho gà Hồ. Do gà Hồ rất nhạy cảm với thời tiết nên việc xem dự báo thời tiết là việc thường ngày của mỗi người nuôi gà.

Nuôi gà đẻ là giai đoạn khó nhất trong quá trình chăm sóc gà Hồ. Trước khi gà đẻ, người nuôi phải cho ăn thật nhiều và không bao giờ nuôi chung gà trống và gà mái trong cùng một chuồng. Khoảng 2-3 tiếng trước khi làm thủ tục tác hợp cho hai con gà, những người nuôi mới thả gà trống ra. Đạp mái xong, lại phải lùa ngay gà trống vào để không đạp con gà mái khác. Đối với con gà mái to, người nuôi còn phải đan cũi, làm ổ bằng đệm rơm để gà trống đỡ phải… đuổi và bảo đảm chất lượng cuộc mây mưa.

Chăm sóc và bảo vệ gà như thế nên tỷ lệ nở của trứng gà Hồ luôn đạt từ 90% trở lên đồng thời bảo đảm gà Hồ không hề bị lai tạp với các giống gà khác. Bởi là giống gà to, di chuyển chậm chạp và hơi vụng về nên suốt trong quá trình ấp, người nuôi gà phải thường xuyên chú ý để không cho gà mẹ giẵm vào trứng gây vỡ.

Đến ngày nở, người nuôi phải bóc lớp vỏ trứng để những con gà yếu có thể ra được. Sau đó, trong vòng một tuần, gà con được cho ăn vừng nhằm tạo lớp dầu trong dạ dày để dễ tiêu hóa. Một tháng đầu tiếp theo, gà được nuôi bằng tấm gạo (hoặc gạo giã nhỏ) ngâm kỹ.

“Với chế độ chăn nuôi tỉ mỉ, nhiêu khê thế nên rất ít người có đủ thời gian, sự kiên trì để chăn nuôi. Điều đó lý giải vì sao giống gà này khó có thể nhân rộng được” - Ông Nguyễn Thế Trà, thôn Lạc Thổ cho biết.

Nhằm tạo điều kiện cho các gia đình nuôi gà Hồ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, đẩy mạnh phong trào nuôi gà Hồ cũng như gìn giữ hồn cốt làng Hồ, Hội gà Hồ làng Lạc Thổ đã được thành lập từ 20 năm trước đây. Hiện nay, tổ đã có gần 20 thành viên với hàng trăm con gà Hồ được chăm chút cẩn thận mỗi ngày bởi bàn tay và sự cẩn trọng của mỗi tổ viên.

Không chỉ là hàng cao giá

Thịt gà Hồ được cho là thơm, ngon nổi tiếng, từng là đặc sản tiến vua ngày xưa. Nhưng kinh nghiệm của người Lạc Thổ cho thấy, không phải cứ thấy gà to là có thể làm thịt được. Nếu như có trọng lượng dưới 3kg, chú gà đó vẫn được coi là trẻ con, thịt nhão không ngon.

Gà Hồ chỉ thực sự thơm, ngon đúng vị khi đã trưởng thành, đủ lông đủ cánh (tức là khoảng 4kg trở lên với gà trống, 3 kg với gà mái). Gà Hồ thường được dùng làm quà biếu sang trọng nên trong những năm gần đây giá thường rất cao. Hiện nay, giá trung bình gà Hồ bán tại chuồng khoảng 300-400 nghìn đồng/kg, một con gà có giá đến hơn một triệu đồng nhưng luôn trong tình trạng cầu lớn hơn cung.

Nhưng, người dân Lạc Thổ không chỉ nuôi gà Hồ để bán bởi có bán được giá cao như thế cũng vẫn… lỗ bởi công sức, chi phí bỏ ra khá lớn, thời gian thu hoạch một lứa gà lại được tính bằng năm. Người Lạc Thổ nuôi gà Hồ một cách kỳ công như thế một phần là nhằm gìn giữ lại một nguồn gen quý hiếm cho quốc gia. Biết được đây là giống gà quý, từ năm 1989 đến nay, Viện chăn nuôi quốc gia đã thực hiện hỗ trợ một phần thức ăn và thuốc phòng, chữa bệnh cho gà Hồ.

Thực ra, số tiền để hỗ trợ không nhiều (khoảng 5 triệu đồng/năm), nhưng đó là động lực để người dân Lạc Thổ tiếp tục nuôi dưỡng thú chơi gà Hồ đã tồn tại từ bao nhiêu năm nay. “Phải thực sự có tâm mới có thể nuôi được gà Hồ, chứ chỉ nghĩ đến vật chất chắc chắn giống gà Hồ thuần chủng đã mất từ lâu” - Ông Trà cho biết.

Theo TSKH Lê Thị Thúy, người phụ trách phòng thí nghiệm công nghệ gen động vật của Viện Chăn nuôi quốc gia, chủ trì đề tài “Bảo tồn giống gà Hồ” thì gà Hồ là số 1 trong hơn 20 loại gia cầm quí hiếm nhất của Việt Nam, hiện đang được bảo tồn nguồn gen bằng hai phương pháp: cất giữ mẫu gen và bảo tồn tại nông trại. Đây là giống gà cực hiếm, có số lượng rất ít. Nếu không giữ tốt sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng, mất nguồn gen quí của quốc gia.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.