Gia tộc đại dương

Gia tộc đại dương
TP - Ông cố nội họ Hồ làm thuyền trưởng, rồi đến đời ông nội, cũng là tài công, khi thuyền trưởng Hồ Văn Lời giải nghệ, truyền nghề cho 2 con trai Minh và Tân. Từ thủa hàn vi đến lúc phát, chưa bao giờ cha con ông Hồ Văn Lời nợ ngân hàng một đồng…

>Khát vọng ngư dân Việt
>Những ngư dân thi sĩ

Gia tộc đại dương

Cựu thuyền trưởng Hồ Văn Lời (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê – Đà Nẵng) năm nay trên 70, vẫn còn quắc thước khỏe mạnh, cười sảng khoái: Chẳng phải giỏi giang gì, sống lâu lên lão làng thôi. Đi biển miết nên tích được kinh nghiệm. Nhưng vẫn phải công nhận một điều tui học được nhiều ở cha mình, sau này truyền lại cho lớp trẻ. 

Chúng nó giỏi hơn mình, đơn giản là hồi xưa biển hiền lắm, không hung dữ như bây giờ, vậy mà chuyến nào chúng nó đi cũng trót lọt, êm ái. Nghề biển không nói trước được điều chi. Đại dương bao la, phúc họa khôn lường, tiến ra biển với cái tâm sáng, một lòng hướng thiện thì họa tan phúc tới”.

Ông Lời sinh ra trong gia đình nghề biển, 10 tuổi lên tàu nấu ăn, học hết ngón nghề làm thuyền trưởng từ cha. Đến tuổi, ông đi bộ đội, chiến đấu khắp các chiến trường, giải ngũ lại trở về với biển. Trong lớp thuyền trưởng… U70 ở Đà Nẵng bây giờ ngày ngày cầm chõng tre ra biển Xuân Hà nằm đón gió biển, ông Lời có lẽ là người mãn nguyện nhất khi có 2 con trai nối nghiệp. 

Nhà ông Lời, trong mọi sinh hoạt, từ bữa ăn, hội họp gia đình, câu chuyện luôn xoay quanh biển cả. Thật đơn giản, biển là dòng chảy trôi qua từ thế hệ này đến thế hệ khác trong gia tộc họ Hồ. 

Con tàu đầu tiên của gia đình ông là ĐNa 1142, chỉ chạy với 33 mã lực nhưng chèo chống cả một đại gia đình đi từ nghèo khó lên tầng lớp trung lưu tận bây giờ. Ông Lời nói, nghề biển mà không nợ nần ngân hàng, đủ sống, đủ sức giữ nghề, trả lương bạn thuyền là điều ông kiêu hãnh nhất.

Ông Hồ Văn Lời có 5 người con, 1 cô con gái đầu lấy chồng, làm hậu cần nghề biển trên bờ. Hai người con trai, một cậu cả, một cậu út cũng chung tay giúp sức cho hậu cần biển. Còn lại, Hồ Văn Minh (sinh năm 1975) và Hồ Văn Tân (sinh năm 1977) cầm chịch 2 con tàu ra khơi.

Từ đời ông nội đến nay, đại gia đình họ Hồ một lòng trung thành với lưới cản, chưa bao giờ bỏ qua nghề khác, có thể trúng mánh hơn như câu mực, giã cào, lưới vây chứ chưa nói đến chuyện bán tàu, bỏ nghề. Từ còn tàu ĐNa 1142 nhỏ bé, dần dần, gia đình ông Lời nâng đời, sắm được cặp đôi tàu mỗi chiếc 410 mã lực, giao cho hai anh em cùng đi. 

Thuyền trưởng Hồ Văn Minh (tàu ĐNa 90106), giải thích: "Trong mấy nghề biển, lưới cản là nghề ổn định nhất, một năm thường đi hơn 10 chuyến, trung bình một chuyến 7–10 tấn. Không lời nhiều nhưng luôn có. Còn lưới vây hoặc giã cào, câu mực, trúng thì lớn, nhưng lỗ cũng tới nơi luôn. Làm lưới cản xác định tính kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc, dẫu nguy hiểm bội phần”. Tàu anh Minh vừa trở về từ chuyến biển không may mắn. 

Khi trú tránh cơn gió mùa ở Hoàng Sa, tàu ĐNa 90106 bị va vào bãi cạn, hư hỏng nặng. “Đó là một bài học nhớ đời, đáng lẽ mình phải là người cầm lái, nhưng lúc đó buồn ngủ quá, nhờ lái phụ cầm giúp, xảy ra chuyện liền” - Minh kể. Tàu bị nạn, anh lập tức bỏ thêm 350 triệu đầu tư nâng cấp máy, tân trang lại toàn bộ để tiếp sức cho những chuyến biển dài hơi sắp tới.

Thuyền trưởng Hồ Văn Minh trên con tàu ĐNa 90106 đang sửa chữa để ra khơi Ảnh: Bảo Lam
Thuyền trưởng Hồ Văn Minh trên con tàu ĐNa 90106 đang sửa chữa để ra khơi Ảnh: Bảo Lam.

23 tuổi đã là thuyền trưởng

Theo xác nhận của Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà, ông Nguyễn Văn Còn A, thì Hồ Văn Tân (1977) chính là thuyền trưởng trẻ nhất Đà Nẵng. “Nhưng hắn trẻ hay già không quan trọng, cái chính ở Tân là bản lĩnh tuyệt vời của một thuyền trưởng trẻ tuổi. Ở tuổi của Tân mà nó xử lý tình huống như những sói biển đích thực, chuyện hiếm” - ông Còn A nhận xét.

Chiều đầu tháng 4-2012, Hồ Văn Tân cùng 11 thuyền viên trên tàu ĐNa 90341 chuẩn bị nhổ neo rời biển Xuân Hà, thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa. Trên tàu, lương thực, xăng dầu, thuốc men đã chuẩn bị đầy đủ. 11 thuyền viên có người trẻ, người bằng tuổi Tân, nhưng đa phần lớn hơn anh, vậy mà ai nấy răm rắp nghe sự sắp đặt của thuyền trưởng trẻ tuổi. 

Thấy tôi thắc mắc khi Tân đang lúi húi sửa lại bình ắc quy, anh thủng thẳng, tự tin: “Làm thuyền trưởng cái chi cũng phải biết, không biết thì gắng mà học. Máy móc có khi dùng toàn tiếng Tây, tiếng Tàu, tui một chữ bẻ đôi không biết, nhưng khoản sửa máy, mấy ông kỹ sư đôi khi còn theo không kịp”. 

Tân học hết lớp 7 thì nghỉ bởi quá nghèo, 14 tuổi theo cha lên thuyền. Đến năm 23 tuổi được chính thức chỉ huy con tàu ĐNa 90341. Đó có vẻ là một sự ưu ái của cha anh - ông Hồ Văn Lời, bởi người anh là Hồ Văn Minh vẫn phải trị tàu ĐNa 1142. Phải một năm sau, gia đình mới bán tàu nhỏ, sắm thêm ĐNa 90106 cho Minh.

Tân tự nhận, anh trai mình giỏi hơn nhưng lại khá hiền. “Phải rắn hơn, quyết đoán hơn nữa. Làm thuyền trưởng tất nhiên phải lắng nghe ý kiến anh em, nhưng tự mình quyết mới chính xác. Mình chịu trách nhiệm cơ mà”. Tân kể từ ngày bỏ học lên tàu phụ việc, anh được cha cầm tay chỉ việc, phân tích từng hướng gió, ngửi được… mùi bão. 

Theo anh, kinh nghiệm mấy chục năm đương đầu với sóng gió đem lại cho anh một giác quan thứ 6 - đó là những dự cảm hiểm nguy. “Có nhiều khi mình quyết mà không hiểu được, chỉ tin vào cảm giác, may mắn toàn đúng cả”.

Thực ra thuyền trưởng trẻ tuổi nhất Đà Nẵng từng bỏ nghiệp biển, cãi lời cha, lên Tây Nguyên trồng cà phê, rồi quay về Đà Nẵng làm thợ tiện. Cuối cùng vẫn không thoát được nghiệp đi biển. 

Anh trải lòng: Vì sao tôi là thuyền trưởng trẻ tuổi nhất ? Bởi sau tôi, chúng nó lên bờ cả rồi. Đứa nào trẻ cũng muốn kiếm cái nghề nhàn hạ, ai lại lao vào nơi sóng dữ thế này.

Tàu chuẩn bị nhổ neo, mâm cúng bày sẵn, như một thông lệ không bao giờ thiếu, người thuyền trưởng phải cúi lạy tổ tiên, cầu xin biển phù hộ chuyến đi an lành… Thuyền viên Phan Văn Thanh (tổ 26 Xuân Hà) bơi thúng đưa tôi trở lại bờ. 

Anh này lớn hơn thuyền trưởng Tân 2 tuổi, thâm niên đi biển cũng nhiều hơn, từng ăn cơm Trung Quốc ở Hoàng Sa, vẫn giọng kính nể: Quả Tân có hơi liều, nhưng cái liều của nó chính xác. Anh em phục sát đất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG