Người chỉ huy biệt động huyền thoại

Người chỉ huy biệt động huyền thoại
TP - Người chỉ huy cuộc tấn công tết Mậu Thân tại Sài Gòn, người mà chế độ cũ đã treo thưởng 2 triệu USD cho ai bắt và giết được ông, đại tá Nguyễn Đức Hùng (biệt danh Tư Chu) - Anh hùng lực lượng vũ trang, đã ra đi ngày 16- 5 tại TPHCM ở tuổi 86.

> Vĩnh biệt 'ông tướng biệt động'

Di ảnh Đại tá Nguyễn Đức Hùng
Di ảnh Đại tá Nguyễn Đức Hùng.

Ông là nguyên mẫu của nhân vật Tư Chung trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng.

Ông biệt động 2 triệu USD

“Lúc nhỏ gia đình gọi anh là Chớ, lấy tên cúng cơm Nguyễn Đức Hội, vào bộ đội lấy tên Nguyễn Đức Hùng” – Bác Chín, người em út của gia đình 9 anh em, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh nhớ lại: “Anh tôi thứ tư, lúc bé vào Nha Trang sống với chú. Sau khi chú mất, anh tôi lên Sài Gòn, tham gia chống Pháp rồi chống Mỹ”.

Nhiều đơn vị biệt động do Tư Chu chỉ huy đã nhận danh hiệu anh hùng, nhưng bản thân người chỉ huy này mãi đến năm 2011 mới nhận danh hiệu trên giường bệnh.

Sau nhiều năm, ông Hùng về thăm gia đình. Ai nấy đều mừng, nhưng không biết anh làm gì, thấy đeo quân hàm đại úy. Hàng tháng bố mẹ ông vẫn được lĩnh chế độ chính sách.

Tư Chu có người anh vào Vĩnh Long, lập gia đình. Sau khi người anh hi sinh trong một trận chiến đấu với Pháp ở Sài Gòn, bà chị dâu (cũng hoạt động cách mạng) dắt đứa con tên là Hòa, đích tôn, trưởng họ, giao cho Tư Chu để theo làm biệt động.

Anh Hòa nhớ lại: “Mẹ giao tôi cho chú tại Củ Chi năm 1963, tôi mới 14 tuổi. Lúc đó mọi người gọi chú là Lê Minh trưởng ban quân báo Sài Gòn – Gia Định. Chú cho tôi đi học làm quân báo”.

Để hoạt động, vợ chồng Tư Chu phải đem hai đứa con đầu lòng gửi cho người khác nhận làm con nuôi. Đối phương treo thưởng 2 triệu USD cho ai bắt hoặc giết được Tư Chu, mặt khác, chúng truy bắt hai con của ông nhằm gây sức ép tinh thần.

Theo tài liệu của đạo diễn Phong Lan, cơ sở đã liên hệ được với một phóng viên của tờ Washington Post (Mỹ), đăng bài phản ảnh việc bắt trẻ con vô nhân đạo.

Tin tức về hai đứa nhỏ loan khắp nước Mỹ, nhờ đó con của Tư Chu được an toàn. Sau ngày giải phóng, nhà báo Don Luce- người đã viết bài báo ấy, quay lại Việt Nam gặp Tư Chu cùng hai đứa trẻ là “những con tin của chiến tranh” (Washington Post). Ông Tư Chu rất xúc động khi gặp lại ân nhân của gia đình mình.

Câu nói lịch sử

Chuẩn bị cuộc tấn công Mậu Thân 1968 của lực lượng biệt động thành, ông Tư Chu tổ chức mạng lưới hơn 300 người, trong đó có khoảng 100 tay súng tinh nhuệ và dũng cảm.

Chị Trần Thị Lệ Thu là giao liên đặc biệt của ông Tư Chu (lúc đó ông giữ vị trí Phó tư lệnh quân khu Sài Gòn – Gia Định kiêm chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới viếng Tư Chu Ảnh: T.N.A
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới viếng Tư Chu. Ảnh: VnExpress.

Chị nhớ lại: “Ông Tư Chu lên kế hoạch đánh 7 điểm, như dinh tổng thống, đài phát thanh, bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Sau khi nghe báo cáo, ông Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) quyết định phải đánh thêm một cơ sở của Mỹ, ông Tư Chu đã chọn Đại sứ quán Mỹ.

Ông Kiệt dự họp khoảng một tiếng, thời gian còn lại các kế hoạch đều do Biệt động thành chủ động triển khai”.

Đánh vào các địa điểm trọng yếu, mỗi đơn vị biệt động chỉ khoảng vài chục chiến sĩ với vũ khí loại nhẹ, nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các đơn vị chủ lực thì khả năng gặp khó khăn giữa thành phố là rất lớn.

Sáng 17- 5 tại Nhà tang lễ TPHCM, với tư cách cá nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến viếng đại tá Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Chủ tịch nước ghi vào sổ tang: "Tổ quốc mãi mãi ghi công anh với những chiến công xuất sắc trong những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh giữa lòng Sài Gòn - Gia Định.

Đảng và Nhà nước ta mãi mãi ghi nhớ công lao anh đã đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vĩnh biệt anh Tư".

“Các đội đánh đài phát thanh và đội đánh Đại sứ quán đứng lên xin bộc phá, nếu không thắng được, sẽ đánh bom cảm tử, phá hỏng cơ sở của địch và hy sinh chứ không để bị bắt. Anh Tư Chu đồng ý. Đây là tình huống mới, nhưng cũng là nguyện vọng của anh em” - Người liên lạc viên bùi ngùi nhớ lại.

Đêm giao thừa Mậu Thân, ông Tư Chu ngồi tại quán phở Bình, ngay trung tâm thành phố, chỉ huy chiến đấu. Một tình huống mới phát sinh vô cùng cấp bách: “Đêm ấy, không hiểu sao, biệt động thành chúng tôi không thể liên lạc được với các lực lượng bộ đội chủ lực” – chị Thu nhớ lại.

Liên lạc đột nhiên mất hoàn toàn với các lực lượng hợp đồng tác chiến. Giao thừa, giờ nổ súng đang đến gần. Họ chỉ còn đường dây liên lạc duy nhất, đó là cái đài phát sóng từ Hà Nội.

Chị Thu kể: “Sau khi nghe lời thơ chúc Tết của Bác: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!, đồng chí Tư Chu là chỉ huy lực lượng biệt động Sài Gòn đã hạ một mệnh lệnh, một câu quyết tâm. Câu nói đó nguyên văn là: Biệt động thành có bao nhiêu đánh bấy nhiêu”.

Hai giờ đồng hồ sau, các chiến sĩ biệt động thành đã làm nổ tung thành phố Sài Gòn và làm rung chuyển cả thế giới. Anh Hòa, người cháu ruột của ông Tư Chu chiến đấu ở đội 5. Đội này đánh chiếm dinh tổng thống.

Phim Biệt động Sài Gòn, nhân vật nam chính được xây dựng từ nguyên mẫu Tư Chu.
Phim Biệt động Sài Gòn, nhân vật nam chính được xây dựng từ nguyên mẫu Tư Chu.

Anh Hòa kể: “Chúng tôi gồm 15 người, đi xe tải nhỏ và xe máy xông đánh thẳng vào cổng dinh phía chợ Bến Thành. Địch rất đông, chiến đấu ác liệt. 8 anh em hy sinh. Sau hai ngày chiến đấu, chúng tôi hết đạn, rút đi trên các nóc nhà gần chợ Bến Thành và bị bắt”.

Năm 1970, tạp chí Life đã cho đăng loạt ảnh của nhà báo Don Luce phê phán nhà giam “Chuồng cọp” tại nhà tù Côn Đảo, gây chấn động thế giới. Nhân vật bị giam cầm trong một bức ảnh chính là anh Hòa. Anh bị địch tra tấn vô cùng dã man.

Đội số 4, chiếm đài phát thanh, chiến đấu giữa vòng vây ba ngày, rồi nổ bộc phá. Hầu hết các chiến sĩ hy sinh. Đội số 11, gồm 17 biệt động, tấn công vào Đại sứ quán Mỹ. Địch hoàn toàn bất ngờ, vội di tản đại sứ bằng xe bọc thép. Sau khi 16 chiến sĩ hy sinh, đội trưởng Ngô Thành Vân đã cho nổ bộc phá. Ông bị vùi trong đống đổ nát, bị thương nặng và bị bắt. Đội số 3 đánh chiếm Bộ tư lệnh hải quân, cũng hy sinh hầu hết…

Trăn trở về đồng đội

Sau Tết Mậu Thân, các cơ sở bị khủng bố khốc liệt, Tư Chu vẫn quyết trụ lại nội thành để chỉ huy lực lượng. Một lần chị Thu thấy anh Tư Chu khóc tại cơ sở cầu Bình Tiên. “Anh nói anh em chỉ mong gặp anh em trong ngày chiến thắng để tay bắt mặt mừng”.

Chị Thu, liên lạc viên của Tư Chu
Chị Thu, liên lạc viên của Tư Chu.

Nhận xét về anh Tư, chị Thu nói: “Anh là người chỉ huy hết lòng vì anh em. Không giống trong phim là người có mối tình trắc ẩn, ngoài đời Tư Chu sống rất trong sáng, giản dị”.

Nhiều đơn vị biệt động do Tư Chu chỉ huy đã nhận danh hiệu anh hùng, nhưng bản thân người chỉ huy này mãi đến năm 2011 mới nhận danh hiệu trên giường bệnh.

Ra đi sau một thời gian bệnh tật, điều người chỉ huy biệt động còn trăn trở vẫn là về đồng đội. Đứng bên quan tài chồng, chị Tư Nhỏ vợ anh nói: “Trước lúc mất, chồng tôi bảo phải cố gắng sống, để xác nhận cho những trường hợp anh em bị lãng quên và xin chính sách hỗ trợ cho người còn gặp nhiều khó khăn. Chồng tôi luôn là con người như thế”.

5- 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG