Gian nan hồ sơ đáo Paris

Phái đoàn bảo vệ Di sản Thành Hồ sau thời điểm đăng quang ở UNESCO Paris. Đứng thứ tư từ trái sang là ông Vương Văn Việt
Phái đoàn bảo vệ Di sản Thành Hồ sau thời điểm đăng quang ở UNESCO Paris. Đứng thứ tư từ trái sang là ông Vương Văn Việt
TP - Dằng dặc hơn 600 năm, chính sử cùng dã sử dường như chẳng tiếc lời ong ve thậm chí nặng nề với nhà Hồ (một triều đại vỏn vẹn 7 năm) cùng những cải cách kinh tế, xã hội của Hồ Quý Ly. Hình như Hồ Quý Ly đã tự chia cho mình cái thì tương lai bất an ấy, trong trước tác hiếm hoi còn sót lại, bài Cảm hoài, ông hạ câu kết thế này Đãi giá tu tri ngọc phỉ khinh (nên biết ngọc còn đợi giá chứ không phải bị xem rẻ đâu).

> Phú Yên: Công bố kết quả khảo cổ mới nhất về thành Hồ và thành An Thổ

Hóa ra tác giả Thành Hồ quả có duyên với hậu thế? Sau những cân nhắc săm soi, di tích Thành Hồ - viên ngọc của Hồ Quý Ly đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa nhân loại!

Từ mùa xuân năm 2006 đã có hẳn một Ủy ban để xúc tiến công việc chuẩn bị hồ sơ Thành nhà Hồ để mang sang Paris trình UNESCO!

Thành viên của phái đoàn bảo vệ Di sản Thành Hồ, cái tên tôi tạm gọi thế, là những ông như Vương Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Quốc Hùng - Cục Phó Cục di sản Bộ VHTT&DL, TS Đỗ Quang Trọng – GĐ Trung tâm bảo vệ Di sản Thành Hồ, mấy chuyên gia Viện Khảo cổ, Ủy ban UNESCO Việt Nam. Lại cả các ông Lê Kinh Tài – Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Văn Quảng - Đại sứ Việt Nam tại UNESCO...

Sôi động lobby

Ngồi chuyện với ông Việt cũng thú vị. Hóa ra người ta gợi ý Thanh Hóa mang đi không phải một hồ sơ Thành Hồ mà cả Hang Con Moong (dịp khác tôi sẽ nói kỹ về cái hang tiền sử độc đáo này ở huyện miền rừng Thạch Thành, Thanh Hóa) để đệ trình Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO xét công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh quyết định chọn Thành Nhà Hồ và kỳ công chuẩn bị hồ sơ này để trình với Ủy ban này trước.

Tôi có gặp ông Phạm Sanh Châu mùa xuân năm ngoái, trong lần ông đưa một phái đoàn ngoại giao gồm 15 nước và các chuyên gia quốc tế gồm nhiều lĩnh vực trực tiếp tham quan Thành Hồ.

Trước câu hỏi vẻ hơi bị sốt ruột rằng “liệu Thành Hồ có lọt vào cuộc bình chọn sắp tới?”, ông Châu chỉ cười vẻ điềm tĩnh. Khi ấy, tôi có cảm giác quan chức xứ Thanh như đang tập sự cho một thứ tờ tợ như lobby (vận động hành lang) vậy! Lobby? Tại sao không?

Đầu tiên là tổ chức hội thảo quốc tế về Thành Hồ ngay tại Thanh Hóa. Kế đó là sáng kiến của ông Phạm Sanh Châu kéo những yếu nhân ngoại giao đang quan tâm về tận Thành Hồ để tham quan coi xét.

Một cơ may khác tại Paris, tháng 5-2011, trước khi diễn ra kỳ họp 35 của Ủy ban di sản thế giới, Phái đoàn Việt Nam đã cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dự Hội nghị Đại hội đồng của Ủy ban UNESCO.

Đó chính là cơ hội để tiếp cận với các phái đoàn ngoại giao, với 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới và đại sứ các nước tại UNESCO, để đưa hồ sơ và trao đổi làm rõ những điểm bị cho là chưa thuyết phục trong hồ sơ di sản Thành nhà Hồ.

Rồi cận thời điểm UNESCO xét, năm 2010, không phải ngẫu nhiên mà ông Phó Chủ tịch Thanh Hóa có mặt trong phái đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp 34 của Uỷ ban Di sản thế giới tại thủ đô Brazil về việc công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản UNESCO. Tại đây, ông Việt đã có nhiều cơ hội để tiến hành cái công đoạn vận động sự ủng hộ.

Kiện tài liệu lạc sang Hồng Kông

Sau 6 năm khởi dựng, với sự nỗ lực rất cao của các nhà khoa học như các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Tiêu, các giáo sư, chuyên gia ở Viện Khảo cổ, Cục Di sản văn hóa và Ủy ban UNESCO, sau nhiều hội thảo khoa học, làm việc với Hội đồng khoa học di sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu lịch sử... và sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài như Úc, Anh, Nhật, hồ sơ Thành Hồ đã được xây dựng theo đúng yêu cầu của Ủy ban Di sản thế giới.

Hồ sơ đã được các chuyên gia của Hội đồng thẩm định ICOMOS (một tổ chức phi chính phủ quốc tế nghề nghiệp làm việc vì sự bảo tồn gìn giữ các công trình và di tích lịch sử trên thế giới) thông qua thực địa. Hồ sơ gửi đi đúng hẹn và đã được bổ sung và hoàn thiện.

Cũng cần nói thêm, trong công đoạn bổ sung, hoàn thiện ấy đã xảy ra một trục trặc. Có một kiện hàng gửi đề địa chỉ UNESCO đã không đến được nơi cần đến mà lạc sang ... Hồng Kông! Mà trong đó chứa những thứ không thể thiếu trong hàng chục kilogam tài liệu cấu thành nên hồ sơ Thành Hồ, đó là những bản đồ, hình vẽ. May mà vẫn còn thời gian để xoay xỏa khắc phục.

Khuyến nghị 241

Cổng Thành nhà Hồ
Cổng Thành nhà Hồ.
 

Tưởng đã sắp xoa tay thở nhẹ bởi công tác chuẩn bị đã được coi là chu đáo thì đùng cái, tin không lành từ UNESCO báo về. Đó là khuyến nghị 241 nói rằng Hồ sơ Thành Hồ chỉ được xếp ở loại “Phải hoãn lại để năm sau” (différer).

Trong tiêu chí về hồ sơ di sản văn hóa thế giới thì UNESCO phân ra 4 loại: Thứ nhất là ghi danh ngay; Thứ hai là cho bổ sung hồ sơ; Thứ ba là hoãn xem xét; Và thứ tư là trả hồ sơ. Hồ sơ di sản Thành nhà được Ủy ban di sản thế giới đánh giá vào loại thứ 3: Hoãn xem xét.

Khuyến nghị 241 đánh giá hồ sơ khoa học của di sản Thành nhà Hồ có chất lượng, nhưng soi vào các tiêu chí của UNESCO thì chưa thật thỏa mãn!

Ông Việt bộc bạch rằng Thanh Hoá và “phái đoàn bảo vệ Di sản Thành Hồ” hơi bị choáng.

“Nhưng bình tĩnh coi xét lại, chúng tôi đã tập trung các nhà khoa học, cùng với sự tư vấn của chuyên gia người Pháp để giải trình rõ những nội dung mà khuyến nghị 241 nêu ra. Đồng thời, Phái đoàn đã cùng Đại sứ Việt Nam tại UNESCO thực hiện vận động đề cử theo tinh thần hết sức tích cực và thuyết phục, phải làm sao cho các chuyên gia quốc tế, các nhà ngoại giao, đặc biệt là 21 nước trong Ủy ban di sản thế giới thấy rằng, Thành nhà Hồ hoàn toàn xứng đáng trở thành di sản văn hóa của thế giới” - ông Việt kể.

Khôn ngoan ra cửa quan mới biết. Cửa quan đây là diễn đàn quốc tế, là UNESCO. Nhiều thành viên trong phái đoàn bảo vệ Di sản Thành Hồ, đặc biệt là các quan chức xứ Thanh cứng cáp, chững chạc lên nhiều qua những chuyến vận động, thuyết phục.

Ông Việt thao thao thuật chuyện ông Nga ủng hộ mình thế nào, anh Pháp đồng thuận ra sao, rồi quan điểm của các ông Brazil, Ai Cập, các nước trong khối Ả Rập. Lại cả ý tứ của Estonia, Thụy Sĩ, Úc nữa. Ông Phó đoàn Thụy Điển lấy vợ Việt Nam, chuyện đó cũng phải biết để mà lấy phiếu.

60 phút cho 6 năm

Những gì đến đã phải đến. 13 giờ (giờ Paris) ngày 27 tháng 6 năm 2011. Hà Nội lúc này là 4 giờ chiều cùng ngày. Thời gian tranh biện chỉ hơn một giờ dồng hồ.

60 phút cho 6 năm. Hồ sơ khoa học Thành Hồ đã đạt được sự đồng thuận cao trong Hội đồng di sản. Ông Việt cũng trích hẳn cho tôi ý kiến phát biểu của Trưởng đoàn Ai Cập: “Tôi là một nhà khảo cổ học đã nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này và đã đi rất nhiều nước trên thế giới.

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về hồ sơ di sản Thành nhà Hồ của Việt Nam và so sánh với những thành cổ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới của đất nước chúng tôi.

Tôi nhận thấy rằng, Thành nhà Hồ không chỉ là tòa thành tiêu biểu ở khu vực Đông Nam Á mà hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa thế giới”.

Sau phát biểu đầy sức thuyết phục và có trọng lượng rất cao này của Trưởng đoàn Ai Cập, Đại sứ Barbados chủ trì phiên họp đã yêu cầu dừng tranh luận để thông qua nghị quyết.

20/21 quốc gia trong Ủy ban Di sản tham gia bỏ phiếu (Thái Lan do bất đồng với UNESCO về việc tranh chấp ngôi Đền Prech Vihia với Campuchia đã rời Hội nghị từ mấy ngày trước) đều đồng thuận.

“Khi nghị quyết được thông qua với tiếng búa được gõ lên thì tôi thấy cổ mình hơi nghèn nghẹn và nước mắt dàn ra lúc nào không biết!” - Ông Việt kể về thời khắc ấy.

Đón xem kỳ 2 trên Tiền Phong thứ hai, ra ngày 11-6-2012

 Chúng tôi có cơ may tiếp cận tiếp xúc với đại diện những nước có nhiều di sản. Ta phải học họ cách bảo vệ những tiêu chí của UNESCO đề ra liên quan chặt chẽ với việc gìn giữ di sản Thành Hồ. Đó là một thách thức lớn. Mừng, may và bây giờ là lo... 

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.