Trắng đêm săn gà lậu

Trắng đêm săn gà lậu
TP - Gà thải loại, siêu rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, và làm thế nào hàng trăm tấn gà có thể lọt vào sâu trong nội địa khiến người chăn nuôi điêu đứng, nguy cơ gây dịch bệnh và tiềm ẩn nỗi lo về sức khỏe người tiêu dùng? Nhiều đêm, phóng viên Tiền Phong có mặt trên Quốc lộ 18 đoạn Móng Cái - Hạ Long đi tìm câu trả lời…

> Chợ đầu mối mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn gà thải lậu

Bến gà lậu nổi tiếng tại phường Hải Hòa, Móng Cái
Bến gà lậu nổi tiếng tại phường Hải Hòa, Móng Cái.

Gà lậu từ Quảng Tây - Trung Quốc, qua sông Ka Long, tập kết ở một nơi được gọi là bến gà. Từ đây gà đi vào Thành phố Móng Cái, lách vào những con đường nhỏ để tránh trạm kiểm soát, và tỏa đi Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… Từ đêm đến 3 giờ sáng, Quốc lộ 18 tấp nập những chuyến ô tô gà lậu.

20 giờ, xe chúng tôi trực chỉ hướng Hạ Long – Móng Cái. Đêm, Quốc lộ 18 vắng xe máy, xe con. Lưu thông trên đường chủ yếu là xe container, xe khách đường dài, xe tải. 22 giờ chúng tôi chỉ cách huyện Tiên Yên khoảng 5-7 km. Xe tải 3-5 tấn thùng kín mít xuất hiện với tần suất mỗi lúc một nhiều.

Xe thùng chở gà là xe tải loại 3-5 tấn có nhiều song sắt và những lồng gà được lèn chặt. Một số xe bạt phủ kín nhưng vẫn chừa ra một chỗ hở cho gà thở.

Cách cầu Ba Chẽ khoảng 3 km, chúng tôi thấy một xe tải mang BKS Hưng Yên phủ bạt rẽ vào dãy nhà có biển sửa chữa ô tô. Nghi là xe chở gà, chúng tôi quay trở lại.

Vào tới sân đã nghe thấy tiếng gà chiêm chiếp phát ra từ chiếc xe. Lập tức có khoảng 5 thanh niên cởi trần lao ra hỏi “Có việc gì?”.

Chiếc xe kia đã cởi xong bạt và quay đầu ra. Chúng tôi xin lỗi vì tưởng đây là điểm dừng chân, lái xe đường dài buồn ngủ quá. Nhanh chóng lái xe ra đường, ánh đèn pin vẫn chỉ thẳng mặt như đe dọa. Chiếc xe tải chở gà, rất nhanh, đã mất dạng…

Cách trung tâm huyện Tiên Yên hơn 10 km, một xe chở gà phóng rất nhanh. Chúng tôi đuổi theo. Chắc chắn, chiếc xe này sẽ dừng tại cầu Ba Chẽ vì có một điểm thu phí đường bộ.

Sau một hồi bám sau lúc gần lúc xa, chúng tôi tăng ga vượt lên vì muốn dừng trước tại chân cầu. Đúng như dự đoán, đến chân cầu, xe này giảm tốc, nhường cho xe đi trước qua trạm…rồi qua cầu trực chỉ TP Hạ Long

Tiếp tục hàng trình tới Móng Cái, chúng tôi liên tục gặp những chiếc xe chở gà lao vun vút theo hướng ngược lại. Hơn 1 giờ sáng, qua địa phận huyện Tiên Yên, chúng tôi vẫn đếm xe gà chạy qua.

Càng về sáng, những chuyến xe gà có giảm đi nhưng vẫn không khó để nhận ra những chiếc xe lồng vẫn âm thầm ngược chiều…

Điểm tập kết không ngờ

Khi lên kế hoạch thực hiện chuyến săn gà đêm, một người dân sành sỏi cho biết, xe chở gà không thể qua được trạm Kiểm soát liên hợp Km 15 - Bến tàu Dân Tiến (TP Móng Cái).

Số gà lọt qua hai cánh gà trạm này chỉ dăm ba chuyến mỗi ngày. Thế thì gà ở đâu mà nườm nượp chảy trên Quốc lộ?

Chở gà vô tư trên đường phố Móng Cái
Chở gà vô tư trên đường phố Móng Cái.

Câu trả lời có ngay tức thì, khi qua trung tâm huyện Hải Hà, tới km 20 - nơi có ngã ba giao cắt đường đi Móng Cái và đường lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà).

5 xe tải chở gà đậu bên đường. Có xe đã đầy thùng gà. Một số xe có vẻ còn đợi hàng. Những người bên xe gà đều chăm chú quan sát cho tới khi chúng tôi đi khuất vào màn đêm.

Một thổ công người Hải Hà cho biết, ngoài đường chính vào cửa khẩu Bắc Phong Sinh, trên cung đường chưa đầy 20 km có hàng chục đường mòn, lối mở thông với địa phận Móng Cái.

Đường này có đoạn chạy trên địa phận Móng Cái. Từ tối hôm trước tới rạng sáng hôm sau, hàng chục xe máy, ô tô chở gà len lỏi trên những con đường này chở gà ra ngã ba xếp lên những ô tô chờ sẵn mà chúng tôi vừa thấy bên đường…

Nơi gà siêu rẻ vượt biên

Chúng tôi tới TP Móng Cái lúc gần 5 giờ sáng. H.- thổ công vùng biên chuyên lái đò trên sông Ka Long cho biết, hầu hết gà lậu từ Trung Quốc là loại gà mái thải loại.

Màu lông nhạt, trắng, thịt bở vì đã được bơm thuốc kích thích đẻ hết trứng. Triệu chứng là gà yếu, lờ đờ như gà bệnh.

Xe gà lậu dừng để mua vé qua cầu Ba Chẽ trong đêm
Xe gà lậu dừng để mua vé qua cầu Ba Chẽ trong đêm.

Dân buôn lậu thường không chở gà vào ban ngày bởi trời nóng gà dễ chết. Xe gà lậu thường chạy từ tối tới 3 giờ sáng là hết. Chạy sớm nhất là xe chở gà về các huyện thuộc Hà Tây cũ vì trời còn tối, nhiều lực lượng bắt giữ đã về nghỉ hoặc nhiều đội CSGT chưa ra đường làm việc.

Tiếp theo mới là các xe gà chở tới Hải Dương, Hưng Yên. Muộn nữa là vào TP Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều…

Khi gà sang tới Việt Nam, lồng gà được xếp lên xe máy chạy thẳng về nơi tập kết có khắp nơi trên thành phố. Sau đó, ô tô chở đến một nơi tập kết khác. Mỗi lần ô tô gà ra đường đều có một xe con đi trước nghe ngóng tình hình. Thấy động, mỗi xe sẽ rẽ vào một ngõ. Thường thường, đó là những con đường mòn đoạn thuộc km 4. Từ đây, đi thẳng tới Bắc Phong Sinh qua những con đường nhỏ. Dân chạy gà không bao giờ qua trạm km 15.

Gà siêu rẻ sang tới Việt Nam có thể sống thêm nhiều ngày nếu thả vào nơi thoáng mát. Tuy nhiên, rất nhiều con gà khi qua biên giới đã chết, và vẫn được thu mua bình thường.

Người Móng Cái ít ăn loại gà này nên chúng chủ yếu được đưa vào sâu hơn. Số ít tiêu thụ được là từ dân cửu vạn, lao động nghèo hoặc hy hữu trà trộn với gà ngon ở chợ.

Tại Móng Cái, với nhiều kilômét đường biên, gà có thể vượt từ Trà Cổ đến khu vực gần thành phố. Hiện nay, gà có thể vượt biên bất kể lúc nào từ sáng tới đêm miễn có nguồn gà. H. bảo đoạn gà vượt sông chủ yếu là những con đường mòn ô tô không vào được.

Để anh bạn đồng nghiệp trông xe, tôi lên xe máy của H. đi tìm nơi gà siêu rẻ sang đất Việt. Đoạn đường vào bến Lục Lầm xuyên qua TP Móng Cái nhỏ hẹp, chỉ đủ hai xe tránh nhau, nhà cửa san sát.

Đi sâu vào bến Lục Lầm, hai bên chỉ toàn những căn nhà lụp xụp dành cho cửu vạn thuê. Tới một ngã ba có một cổng ghi khu 6 phường Hải Hòa đoạn cách bến Lục Lầm 5 km chỉ toàn đồi núi.

Thỉnh thoảng có một con đường nhỏ chỉ đủ xe máy đi vào. H. bảo, song song con đường mình vào là sông Ka Long. Bên kia là TP Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là một trong những điểm gà siêu rẻ sang sông.

Xe máy đi vào một con đường gồ ghề, cây cỏ rậm rạp dày đặc, thông ra sông. H. dừng xe bảo đây là bến Cam, hay gọi là bến gà. Cả đoạn sông sực lên mùi phân gà. Lông gà bay phơ phất dưới chân.

Ở kè sông, vài con gà chết nằm tơ hơ. H. bảo gà vừa được chở đi hết bằng xe máy. Bến này gà về nhiều, cả sáng lẫn chiều. Chỉ chiếc đò đỗ dưới sông, H bảo, đó là phương tiện chuyển gà từ Trung Quốc sang.

Tránh trạm gà như thế nào?

Quay lại TP Móng Cái lúc 9 giờ, trời nắng gắt. H. bảo, nắng thế chắc gà không sang. Thế nhưng, vừa tới cổng khu 2 phường Hải Hòa, một đoàn xe máy khoảng 5 chiếc chở đầy thùng nhựa nhốt gà rỗng phóng vù vù vào con đường chúng tôi vừa ra.

Đấy là dân chạy gà đang đưa lồng vào tập kết để đưa sang Trung Quốc, và người bên ấy sẽ đóng gà vào lồng. Trung bình mỗi thùng gà nhốt được 15-20 con, giá bán từ Trung Quốc 8-10 ngàn đồng/kg.

Dân chạy gà chủ yếu là dân bản địa chở thuê, người ngoài khó tranh giành. Khi gà sang tới Việt Nam, lồng gà được xếp lên xe máy chạy thẳng về nơi tập kết có khắp nơi trên thành phố.

Sau đó, ô tô chở đến một nơi tập kết khác. Mỗi lần ô tô gà ra đường đều có một xe con đi trước nghe ngóng tình hình.

Thấy động, mỗi xe sẽ rẽ vào một ngõ. Thường thường, đó là những con đường mòn đoạn thuộc km 4. Từ đây, đi thẳng tới Bắc Phong Sinh qua những con đường nhỏ.

Dân chạy gà không bao giờ qua trạm km 15 nhưng nhiều người vẫn dùng xe máy chở gà gần tới trạm rồi rẽ vào đường mòn hai bên cánh gà gần đập Tràng Vinh rồi đêm đến dùng bè chở qua sông tập kết…

Bất chợt, một chiếc xe chở đầy gà phóng vọt qua. Tôi bảo H. đuổi theo. Đường đông nhưng chiếc xe gà phóng bạt mạng. H cũng thuộc dân mài đường mà phải vô cùng vất vả mới đuổi được.

Chiếc xe gà vun vút đi lên cầu Hòa Bình, mất dạng… Buổi chiều, quay lại TP Hạ Long, trên đường hàng chục chiếc xe tải chở đầy lồng gà rỗng nườm nượp quay lại TP Móng Cái.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG