Riêng chung của Hữu Mai

Riêng chung của Hữu Mai
TP - Ngoài những tiểu thuyết, những tác phẩm thể hiện chiến dịch Điện Biên Phủ và hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai vẫn mong mỏi viết một cuốn tiểu thuyết mà ông khát vọng suốt cả cuộc đời.

> Kỳ 1: Những đêm sông Thao, sông Lô

Từ phải sang: Nhà văn Hữu Mai, Trung tướng Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Phạm Chi Nhân và một cán bộ văn phòng giúp việc cho Đại tướng. Ảnh: T.L
Từ phải sang: Nhà văn Hữu Mai, Trung tướng Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Phạm Chi Nhân và một cán bộ văn phòng giúp việc cho Đại tướng. Ảnh: T.L.

1. Ngày hòa bình, chúng tôi mới gặp lại nhau ở Hà Nội. Các chiến sĩ Văn nghệ Quân đội tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ thế hệ anh, được cử làm lãnh đạo các đoàn văn công quân đội.

Nhà thơ Chính Hữu, nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác… lần lượt trở thành lãnh đạo đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Nhà văn Hữu Mai trở thành đoàn trưởng Đoàn văn công Quân Tiên Phong 308. Văn công quân đội đi đến đâu cũng được yêu mến. Bộ đội và người dân ùn ùn đi nghe văn công hát “Giải phóng Điện Biên”, “Hò kéo pháo”, quan họ Bắc Ninh và múa Sạp.

Mỗi lần văn công 308 biểu diễn, anh đều báo cho tôi đến xem. Anh phơn phớt má phấn môi son lên sân khấu chào khán giả trước và sau buổi diễn.

Một hai năm sau đó, anh được cử tham gia cải cách ruộng đất, rồi chia tay Đại đoàn 308 để tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một tờ tạp chí văn chương rất có uy tín, đông đảo bạn đọc mến mộ.

Tiểu thuyết đầu tay của anh “Những ngày bão táp” ra đời.

Anh là một chiến sĩ văn nghệ, có kỷ luật, thông hiểu, thấm nhuần đường lối tuyên truyền văn nghệ của Đảng và Chính phủ trong từng giai đoạn cách mạng, thế mà, anh đã viết những chuyện động trời về những sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất.

Cán bộ cải cách trấn áp, ép buộc, độc đoán. Người dân bị oan ức, một số người bị quy là địa chủ cường hào đại gian đại ác, trước đó từng là những cán bộ có công trong kháng chiến, điển hình là bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên từng nuôi cả đại đội lính 308 ở trang trại của mình.

Nhưng anh vẫn thoát khỏi “lưới trời”, bởi những điều anh viết là sự thật, có chừng mực, được người đọc hoan nghênh. Điều quan trọng là nó hợp lòng dân và một phần ý Đảng lúc ấy.

Tưởng sau đó, anh sẽ “rút kinh nghiệm”. Dè đâu, anh lại viết truyện ngắn “Mất hết”, nói về một cán bộ quân đội khi vào thành phố “đứng gác dưới ánh đèn nê-ông” đã dính phải “viên đạn bọc đường”. Dư luận xôn xao, nhiều người nghĩ lần này chắc anh sẽ “mất hết”. Thế mà “lại được cho qua”.

“Cao điểm cuối cùng” - tiểu thuyết anh viết về Điện Biên Phủ, mở ra con đường sáng tác tiềm năng và đầy triển vọng. Cho đến truyện ngắn “Người chữa đồng hồ ở Đường hầm số 1” thì tôi bàng hoàng, hình như tôi đã gặp anh ta và hình như đã có một lần nào đấy, anh ta đã chữa đồng hồ cho tôi thì phải.

Năm 1964, anh được Tổng cục Chính trị cử tới giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại một vài kỷ niệm về Điện Biên Phủ để in vào cuốn hồi ức được xuất bản nhân dịp 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cái duyên nợ mà sau này anh gọi là “thể hiện”, sau này nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “mối duyên nợ văn chương đầy hứa hẹn” giữa Đại tướng và anh.

Từ đấy, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Từ nhân dân mà ra” đã xen kẽ với “Vùng trời”, “Dải đất hẹp”, “Đất nước”, “Ông Cố vấn” và gần hết cả một “Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”… lần lượt ra mắt bạn đọc trong nước và thế giới, càng tạo nên tên tuổi lừng lẫy của Đại tướng, gắn liền với Việt Nam. Cái tên nhà văn Hữu Mai được biết đến, ở khắp nơi.

2. Trước khi bước vào cõi thiên thu, anh còn cố viết cho xong một tiểu thuyết lịch sử “Không phải huyền thoại” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh không được nhìn thấy cuốn tiểu thuyết cuối cùng này. Sách in xong, vợ anh, chị Bích Thu, đã mang sách đến tận nhà riêng tặng Đại tướng.

Anh kể: “Gần đây, Trần Đăng Khoa cũng nói: “Chú cứ thể hiện. Thể hiện gì mà thể hiện mãi thế, sao chú không viết cho riêng mình đi”. Anh mơ màng nhìn qua cửa sổ. Một vòm cây xanh, một khoảng trời xanh. Anh chỉ ra cửa sổ: “Cuốn tiểu thuyết cả đời anh khát vọng, còn ở phía ấy! Tổng kết cả cuộc chiến tranh là công việc hết sức lớn lao, nhất là anh lại chọn cách viết tiểu thuyết sử thi. Chưa làm được, còn những lý do khác nữa thì không ngờ Đại tướng lại giao cho nhiệm vụ này. Anh thấy thích hợp. Ngoài những lần Đại tướng đề nghị, cũng có lần anh đề xuất và Đại tướng thấy thích hợp…”.

Một lần, tôi đến thăm anh ở Khu tập thể Nam Đồng thì gặp anh đang tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh chỉ vào tôi, nói với Đại tướng: “Đây là cậu Tần, em tôi, làm việc ở đài truyền hình”.

Đại tướng vui vẻ bắt tay tôi. Còn tôi, tự nhiên thấy rất bâng khuâng. Tôi nói: “Anh dành nhiều thời gian của đời mình cho công việc “thể hiện” kia cũng là rất tốt. Dù sao thì đấy vẫn là của chung. Còn của riêng anh? Anh vẫn dự định viết một cuốn tiểu thuyết dài về cuộc chiến tranh mà anh từng mơ ước cơ mà”.

Anh im lặng hồi lâu, lặng lẽ hút gần hết điếu thuốc rồi nói: “Em chưa hiểu hết hai chữ “thể hiện” này đâu. Có được hai chữ này không dễ dàng. Một số người giúp việc Đại tướng không đồng ý hai chữ này.

Đại tướng lắng nghe anh và họ rồi giơ một ngón tay lên, nói dứt khoát: “Tôi đồng ý”. “Thể hiện” không phải là ghi, bởi vì ghi thế nào cho đủ, kể thế nào cho xiết. Chỉ “thể hiện”, mới có sự chủ động, bổ sung và sáng tạo từ hai phía. Chẳng hạn hôm nay, Đại tướng trao đổi với anh về vài sự kiện mà anh đã viết trong cuốn Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”.

Anh nói thêm: “Không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một lần, trong lúc làm việc có ý kiến khác nhau, tranh luận không kết quả, anh đã chủ động đứng lên xin phép ra về. Mấy ngày sau, Đại tướng bình tĩnh lại gọi điện cho anh…”.

Mãi về sau, anh kể: “Gần đây, Trần Đăng Khoa cũng nói với anh một câu tương tự như em hồi trước: “Chú cứ thể hiện, thể hiện gì mà thể hiện mãi thế, sao chú không viết cho riêng mình đi”.

Nói xong, anh mơ màng nhìn qua cửa sổ. Một vòm cây xanh, một khoảng trời xanh ở phía gần xa trước mặt. Anh chỉ ra cửa sổ: “Cuốn tiểu thuyết cả đời anh khát vọng, còn ở phía ấy! Tổng kết cả cuộc chiến tranh là công việc hết sức lớn lao, nhất là anh lại chọn cách viết tiểu thuyết sử thi. Chưa làm được, còn những lý do khác nữa thì không ngờ Đại tướng lại giao cho nhiệm vụ này. Anh thấy thích hợp. Ngoài những lần Đại tướng đề nghị, cũng có lần anh đề xuất và Đại tướng thấy
thích hợp…”.

3. Mối duyên nợ văn chương giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai là như thế. Tôi ngẫm mãi lời Đức Phật dạy: “Người ta sống trên đời ở trong trời đất, mọi sự là tùy duyên”.

Thế thì nhà văn Hữu Mai đã có một mối duyên thật đẹp và đặc biệt trong sáng, hữu ích cho đời. Còn chữ nợ sau chữ duyên kia? Bằng cuộc đời mình và những việc đã làm, anh cũng đã trả hết nợ, trả đầy đủ và vượt trội là đằng khác các thứ nợ đời nợ người, mặc dù, nói cho ngay thẳng, anh không mắc những món nợ ấy. Chỉ còn nợ mình, một khát vọng cháy bỏng của chính anh là chưa trả hết được.

Duyên chỉ đến thế, đành thế! Nhớ câu nói của họa sĩ Tô Ngọc Vân: “Bọn nghệ sĩ chúng tôi cứ thế mà đi, chưa hề tưởng mình đã đến… Quan niệm sáng tác là lẽ sống, sáng tác là sự cần sống của mình. Còn câu chuyện huy chương, phỏng có trọng lượng gì”.

Nhà văn Hữu Mai đi xa thế gian đã năm năm. Chúng tôi vẫn ngồi nói với nhau về anh, về Cao điểm cuối cùng anh đã đi qua và những gì anh để lại.

Hà Nội 12 - 7 -2012

(63 năm sau ngày gặp nhà văn Hữu Mai ở bến Bình Ca - tỉnh Tuyên Quang)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG