Xăng và máu

Xăng và máu
TP - Có một đường Hồ Chí Minh trong lòng đất chạy từ Lạng Sơn tới Đông Nam Bộ. Ấy là đường ống xăng dầu đã vượt qua năm ngàn cây số dưới sự đánh phá tàn khốc đến mức hủy diệt của không lực Hoa Kỳ, để tiếp xăng cho các đoàn xe trên đường Hồ Chí Minh và đưa nguồn năng lượng quý giá này vào tận miền Nam.

Huyền thoại của huyền thoại

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã thốt lên: “Nếu đường mòn Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống dẫn dầu là huyền thoại của huyền thoại đó”.

Theo ông Đồng Sỹ Nguyên, “đường ống xăng dầu là một kỳ tích, phía địch không phát hiện, phía ta ít người biết, thỏa mãn tối đa cho vận tải và cơ động binh chủng kỹ thuật quy mô lớn, kịp thời phục vụ cho thần tốc Tổng tấn công nổi dậy Xuân 1975…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Từ tháng 8 - 1968 đến tháng 12 - 1974, đã xây dựng, bảo vệ vận hành thông suốt tuyến đường ống xăng dầu dài 5.000km và hệ thống kho xăng dầu gần 3 vạn tấn từ biên giới phía Bắc của Tổ quốc xuyên dọc Trường Sơn vào đến Bù Gia Mập tỉnh Phước Long, miền Đông Nam Bộ.

Với tuyến đường ống lịch sử này, bộ đội xăng dầu đã đảm bảo cung cấp xăng dầu kịp thời, đầy đủ cho chiến trường trong mọi tình huống, góp phần làm thất bại mọi âm mưu của Mỹ - Ngụy đánh phá ngày đêm hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn”.

Tầm quan trọng sống còn của đường ống xăng dầu trong kháng chiến chống Mỹ đã thể hiện ngay khi… chưa có đường ống này.

Kiệu xăng, cõng xăng, gùi xăng

Cuối năm 1967 kẻ địch đánh phá ngày càng ác liệt, đặc biệt là các kho nhiên liệu trên tuyến Trường Sơn.

Đế quốc Mỹ chuyển việc ngăn chặn cho miền Nam theo quy mô và chiến thuật mới, tập trung lực lượng hòng băm nát “cán xoong” dài chưa đầy 200km từ vĩ tuyến 19 trở vào.

Chỉ riêng tháng 3 - 1968, không quân Mỹ đã đánh phá trên 5.000 vụ, tháng 4 lên tới 7.000 vụ.

Tháng 7 năm 1968, không quân Mỹ mở chiến dịch “Sấm rền 57” vào khu vực Nam khu 4, kết hợp với chiến dịch “Hổ thép” ném bom dữ dội trên đất Lào hòng bóp nghẹt các yết hầu trên đường chi viện, tạo nên “Tam giác lửa” Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm…

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại: “Đoàn 559 có trên 2.000 xe vận tải nhưng còn rất ít xăng cho cơ giới hoạt động, kế hoạch vận tải cho mùa khô có nguy cơ bị trì hoãn. Có lúc cả ngàn xe vận tải nằm chờ. Thiếu xăng nên đạn, lương thực, quân nhu không vào được chiến trường. Thiếu gạo, thiếu muối, khẩu phần ăn của chiến sỹ chỉ còn 4 lạng gạo/ngày”.

Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu xây dựng giai đoạn 1968-1975
Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu xây dựng giai đoạn 1968-1975.

Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, hậu phương lớn đã quyết tâm bằng mọi giá đưa xăng dầu vượt Trường Sơn giao cho đoàn 559. Nhưng cái giá đưa xăng dầu lên phía trước được đo đếm bằng mồ hôi và máu của nhiều chiến sỹ.

Trên tuyến Binh trạm 12 từ km 468 đến ngã ba Khe Ve là một hiểm địa, trọng điểm đánh phá của địch. Hố bom chồng lên hố bom. Bom nghiền đất thành bột, đất đá từ trên núi đổ xuống gặp nước tạo thành một đoạn đường bùn lầy dày hàng mét, xe không qua được.

Công binh phải dùng mìn định hướng, bộc phá nhằm thổi bay bùn đất, tốn hàng tấn thuốc nổ, mà xe vẫn không qua được bãi lầy.

Binh trạm áp dụng biện pháp “kiệu xăng”: cứ 4 người một nhóm khiêng phuy xăng 100 lít qua bãi lầy. Làm như vậy ròng rã hai ngày mới giao đủ hai xe xăng cho đoàn 559. Nhưng một chiến sỹ trượt chân ngã xuống vực, hai chiến sỹ vướng mìn hy sinh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân ta ở miền Nam đã chuyển sang đợt 3, đòi hỏi chi viện hết sức khẩn cấp.

Trong khi xăng dầu vẫn bị tắc nghẽn. Binh trạm 12 đành áp dụng biện pháp gùi xăng. Toàn binh trạm đã dùng 4.000m nylon bọc xăng đựng vào ba lô cõng qua trọng điểm.

Qua một ngày vượt bom đạn địch, 500 người đeo ba lô lội bì bõm trong bùn lầy mới giao được hai chuyến xăng dầu cho kho tiếp nhận. Nhưng nylon và ba lô đều bị xăng ngấm qua.

Có 40 chiến sỹ cả trai lẫn gái bị bỏng, lưng phồng rộp. Những người say xăng bắt đầu bước đi lảo đảo. Một số người gục ngã giữa đường, cả túi nylon bục vỡ, xăng tưới đẫm lên người họ.

Có hai trường hợp ngã giữa dốc, xăng tưới lên toàn thân, không có nước dội ngay, ngấm vào người lâu quá, đã hy sinh. “Giá đắt quá, ta phải tìm cách khác” - Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm thốt lên.

Máu trên suối và xăng trong ống bương

Một kế hoạch độc đáo đưa xăng tránh trọng điểm đã được đề xuất. Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm và kỹ sư Lưu Vĩnh Cường đã chỉ đạo bộ đội tận dụng mọi thứ gọi là “ống” như ống cao su, ống nước, hàn tôn thành ống và cả ống bương, nối lại thành một tuyến đường ống có một không hai trong lịch sử vận chuyển xăng dầu của nước ta và chắc của cả thế giới.

Xăng được bơm từ chân đèo lên đến đỉnh, vào một “kho trung chuyển” gồm một số phuy 200 lít nối nhau. Từ đỉnh, xăng theo đường ống xuống chân đèo. Ống trên đoạn này chủ yếu là ống bương, chỗ nối với nhau được buộc bằng săm ô tô.

Đoạn đường ống độc đáo đó đã tồn tại hai tháng liền, đưa được 150 tấn xăng vượt qua trọng điểm. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, xăng ngấm làm ống bương co ngót, đoạn nối bằng cao su không kín nên xăng chảy nhiều và hiệu quả không cao.

Cũng trong thời gian này, Binh trạm 14 không thể đưa hàng và xăng vào chiến trường. Cửa khẩu Trà Am mỗi ngày hứng 30-40 trận bom khiến giao thông tê liệt. Binh trạm đã kết các phuy xăng thành bè để thả trôi xuôi sông Nậy, ngược sông Son.

Bè xăng trúng thủy lôi, xăng và máu chiến sỹ loang khắp sông, ba ngày vẫn chưa tìm hết thi hài liệt sỹ. Các tổ chuyển tải được lập để kéo từng phuy xăng ngược suối Trà Ang.

20 phuy xăng được kéo qua trọng điểm nhưng có tới 9 chiến sỹ hy sinh. 30 phuy xăng tới đích nhưng 29 chiến sỹ ngã xuống lòng khe. Nước suối Trà Ang lại hòa máu và xăng.

Những khó khăn thật sự đã ngăn cản chuyển xăng cho đoàn 559. Nguồn xăng cạn đến mức chỉ dành cho cấp cứu hoặc trường hợp đặc biệt có lệnh của trung đoàn trưởng, binh trạm trưởng trở lên.

Cần dát vàng cũng không tiếc

Năm 1967, trong chuyến sang Liên Xô, ông Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã thấy quân đội Liên Xô trang bị cho cấp quân đoàn bộ đường ống dã chiến loại có đường kính 100mm, mỗi bộ dài 100 km và 12 bơm đẩy. Ông Thiện đặt vấn đề xin viện trợ và được bạn đồng ý.

Ngày 12 - 4 - 1968, Tổng cục Hậu cần cho thành lập đơn vị mang tên Công trường Thủy lợi 01 (vì công việc rất giống với công tác dùng đường ống để tưới nước cho đồng ruộng, chỉ khác “nước” bấy giờ là xăng).

Đến ngày 29 - 4, Công trường thủy lợi 01 được điều về khu vực Nghệ An và mang tên Công trường 18, với nhiệm vụ xây dựng hệ thống ống dẫn xăng dầu đầu tiên.

Khi giao nhiệm vụ, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần có câu nói nổi tiếng: “Nếu cần dát vàng để các đồng chí làm được tuyến đường ống này thì Tổng cục cũng không tiếc”.

Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Phải đảm bảo xăng dầu cho đoàn 559 hoạt động. Đồng ý với phương án của các anh, trước mắt làm đường ống vượt các trọng điểm đánh phá, nhưng sau đó phải làm đường ống vượt Trường Sơn, càng sâu càng tốt”.

Đại tá Phan Tử Quang (nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội) vẫn nhớ thời khắc được giao nhiệm vụ lịch sử đó: “Khi các xe chở xăng không vượt qua được “tam giác lửa” để chuyển cho đoàn 559, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện cử tôi sang báo cáo tình hình với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng chỉ thị: “Phải đảm bảo xăng dầu cho đoàn 559 hoạt động. Đồng ý với phương án của các anh, trước mắt làm đường ống vượt các trọng điểm đánh phá, nhưng sau đó phải làm đường ống vượt Trường Sơn, càng sâu càng tốt”.

Ngày 17 - 5 - 1968, đội khảo sát do thiếu úy Hoàng Ngọc Minh lên đường. Trên đường làm nhiệm vụ từ Thiệu Dương - Thanh Hóa qua dốc Bò Lăn vào Nam Đàn, đội khảo sát bị trúng bom. Một chiến sỹ bị thương, máu của anh đã thấm lên tấm bản đồ phác thảo hướng tuyến.

Thiếu úy Minh đưa tấm bản đồ thấm máu lên, nói với các kỹ sư là sinh viên mới ra trường: “Máu của đồng đội chúng ta đã thấm lên tấm bản đồ này, phía trước còn nhiều khó khăn, ác liệt hơn, nhưng chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm vượt qua mọi gian khổ hy sinh để đưa dòng xăng ra mặt trận”.

Đến giữa tháng 6, tuyến đường ống từ Thiệu Dương đến Nga Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã được khảo sát xong. Tổng cục Hậu cần quyết chọn đoạn Nam Thanh - Nga Lộc dài 42km, vượt qua “tam giác lửa” Vinh - Nam Đàn- Linh Cảm, làm tuyến đầu tiên, lấy mật danh là X42.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.