Trích đoạn chuyện đánh - đàm Ba Lê

Trích đoạn chuyện đánh - đàm Ba Lê
TP - Đã chẵn 40 năm Hội nghị Paris- cuộc đàm phán Paris, một Hội nghị dài nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, 4 năm 8 tháng 14 ngày. Thiên hạ chưa dứt luận bàn, vẫn tiếp tục viết về sự kiện đỉnh cao ngoại giao của nước Nam. Hình như chưa nhiều lắm về các góc khuất của cuộc đàm phán, chả hạn chuyện về những người thư ký, phiên dịch?

Bộ Ngoại giao có hai ông Lưu Văn Lợi. Một ông Lợi nguyên là Cố vấn Pháp lý của Đoàn Đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris. Sau này là Bộ trưởng, Trưởng Ban Biên giới Chính phủ. Còn một Lưu Văn Lợi khác...

Ông Lưu Văn Lợi
Ông Lưu Văn Lợi.

“Cậu đi với tôi!”

Hơi bị hiếm trong trật tuổi cao, ông đã mấy lần bị tai biến nhưng ở tuổi 81, ông đi lại vẫn lanh lẹ. Quý nhất, vẫn mẫn tiệp. Ông biên ra giấy cho tôi cái meo và dặn nếu có viết lách gì thì meo trước cho ông coi. Người này khác thấy hơi ngài ngại nhưng với ông thì thấy chả thể khác? Ông vốn cẩn trọng.

Ông có những mấy cái nguyên. Nguyên thư ký riêng của Cố vấn Lê Đức Thọ, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Ngoại giao. Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô.

Cái duyên lọt vào mắt xanh ông Cố vấn Lê Đức Thọ có lẽ là lần ông Cố vấn từ Paris qua Matxcơva ngày 2-6-1968. Chàng trai Lưu Văn Lợi khi ấy là tùy viên Phòng văn hóa báo chí sứ quán có nhiệm vụ làm tin nhanh để phục vụ cho công việc của ông cố vấn.

Có lẽ ông cố vấn đã chóng bắt khả năng bén nhạy tình hình cùng là năng lực phân tích tổng hợp sự kiện và cả khả năng ngoại ngữ của chàng trai Lưu Văn Lợi, nên đã quyết và nói luôn ngày mai cậu đi với tôi sang Paris...

Đi với tôi không phải một vài ngày, mấy tháng, ít năm mà một lèo... 18 năm!

Chẳng hề vơi vợi mờ nhòe những ấn tượng cuộc hòa đàm đã hằn đậm vào tâm khảm của một người từng can dự. Ông cười rất vui rằng, hình như con Tạo vốn trớ trêu nhưng hữu tình khi để cặp Lê Đức Thọ- Kissinger gặp nhau? Các phiên họp riêng giữa Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và Kissinger, cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon, đều rơi vào những thời điểm dài dặc.

Có ngày làm việc đến 13 tiếng, lấn sang cả đêm. Trưởng đoàn Xuân Thủy khi ấy tuổi 58. Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1911, lúc ấy hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger gần một giáp (12 tuổi).

Kissinger tóc đen nhức, lực lưỡng cao to cứ như một đô vật! Nhưng tương phản với vóc dáng, Kít có số má mánh lới, xiên xẹo. Khởi đầu các cuộc gặp riêng thì cứ làm như vô tình lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia. Và cứ nhè vào lúc chiều hay gần tối ( những thời điểm bất lợi cho nhịp độ sinh học của tuổi già) mới đưa việc chính ra tranh cãi. Hình như Kissinger chắc mẩm cái ông già Á Đông kia đã lử khử, nên cũng dễ rằm cũng ừ mà mười tư cũng gật.

Nhưng ông Kít hơi bị nhầm! Đàm phán càng kéo dài và càng khuya khoắt, ông Thọ càng tỉnh và thậm chí có lúc diễn thuyết dai dẳng làm cho Kissinger sau này phải bộc bạch trong hồi ký “Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng một con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật.

Có những lúc ông ấy nói cả giờ, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại...”.

Đồng chí Lê Đức Thọ với anh em thư ký, bác sĩ và phục vụ (ông Lưu Văn Lợi ngồi thứ hai trái sang)
Đồng chí Lê Đức Thọ với anh em thư ký, bác sĩ và phục vụ (ông Lưu Văn Lợi ngồi thứ hai trái sang).

Năm 1972 là giai đoạn đi vào thương lượng cụ thể. Hồi đó lập trường của hai bên khác nhau lắm, Mỹ muốn rút nhưng muốn giữ nguyên chế độ Thiệu - Kỳ, mà lại không công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN.

Lúc bấy giờ đã đi vào thảo luận về hiệp định rồi, hôm trước vừa thỏa thuận như thế nhưng hôm sau họ lại lật phắt lại.

Mỹ luôn luôn lấy cớ rằng chính quyền Sài Gòn không chấp nhận. Ở nhà, đồng chí Lê Duẩn đã dặn đồng chí Lê Đức Thọ: Anh sang bây giờ anh sẽ là tư lệnh ở mặt trận ngoại giao, làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là “Mỹ rút, quân ta ở lại”.

Tháng 10-1972, tưởng đàm phán xong rồi, Tổng thống Nixon đã gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói rằng hiệp định đã có thể hoàn chỉnh, rồi Kissinger cũng huênh hoang nói rằng không còn điểm bất đồng gì lớn nữa.

Đã thỏa thuận là tháng 10 Kissinger sẽ sang Hà Nội ký tắt, rồi sau đó về Paris ký chính thức.

Mỹ đã nhượng bộ không đòi quân Bắc VN rút, chỉ yêu cầu có một số biểu hiện, thí dụ như hồi hương một ít, hay di chuyển quân, tượng trưng cũng được, để máy bay chụp ảnh, chứng minh cho dư luận Mỹ biết rằng cũng đòi được quân Bắc VN rút lui(!)

Ngạo mạn. Tráo trở. Lật lọng... Có lẽ ông Thọ quá rành tố chất của đối phương nên những cuộc gặp đầu tháng 12-1972, sau thời điểm R. Nixon trúng cử Tổng thống, tưởng muốn yêu sách cùng những làm mình làm mẩy gì cũng được, Kissinger đã bất ngờ rũ rối các thỏa thuận tháng 10, làm xộc xệch Hiệp định đã sơ thảo.

Đòi sửa hơn 60 điểm mấu chốt cốt yếu... Cố vấn Lê Đức Thọ và các thành viên phái đoàn ta vẫn điềm tĩnh.

Mỹ chỉ thua sau khi dùng B52 ném bom Hà Nội và chỉ thua trên bầu trời Hà Nội... Lời dặn của Bác năm 1967 có lẽ thời điểm này chợt thoắt trở lại buốt nhói trong tâm trí mọi người? Nhưng biết làm sao. Cố vấn Lê Đức Thọ cùng tùy tùng lặng lẽ ra máy bay...

Chuyến bay buồn

Động cơ chiếc Il-18 không như những lần đưa mọi người vào cảm giác chập chờn thiêm thiếp mà lần này ai cũng chong chong bồn chồn như có chi đó lây lan tâm trạng với ông Cố vấn? Paris nối Hà Nội bằng chuyên cơ Il-18 hoặc Il-62 của Liên Xô, nhanh thì 2,3 ngày đêm.

Chậm thì 4 ngày đêm theo lộ trình Paris - Maxcơva - Bắc Kinh - Hà Nội hoặc Maxcơva - Tasken - Cancutta - Hà Nội.

Nhưng lần này thì chưa đến hai ngày hai đêm. ( bây giờ loại Boeing hiện đại cho phép chế độ bay trực chỉ non - stop chỉ hơn 12 tiếng đồng hồ).

Khi tổ lái báo máy bay đã vào không phận miền Bắc, ông Cố vấn rời chỗ ngồi bước ra nói chuyện thân mật cùng tổ lái và mấy nhân viên phục vụ. Sau khi thăm hỏi nơi sơ tán của gia đình anh chị em, cái câu mà ông thấy là lạ, ông Cố vấn nói như thúc giục như một tiếng thở dài: Các cháu nói với gia đình nếu có điều kiện sơ tán càng xa Hà Nội càng tốt...

Xe chở ông cố vấn nhích chậm qua cầu Long Biên. Chốc chốc lại phải tránh những đoàn xe quân sự ngất nghểu dắt pháo phòng không. Vẻ như không khí trận mạc đã lẩn khuất đâu đây? Cây cầu năm lụt 1971, thày trò từ Paris về gặp trận bão lớn.

Đến giữa cầu phải chờ xe, ông bước xuống bất ngờ khuỵu người xuống vì sức gió. Chuyến này trở về không có bão nhưng ai cũng cuồn cuộn trong lòng một điềm triệu chi đó chẳng lành khi ngó những trận địa pháo 12,7ly và 14,5 ly đặt lển nghển trên thành cầu.

Khi ấy ông đâu biết phía mạn Chèm và quanh Hà Nội những trận địa SAM-2 cũng đã giăng... Hà Nội đã phòng bị trước những tráo trở, lật lọng!

Về đến nhà ông cố vấn ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân đã hơn 6 giờ chiều. Đang lúi húi xếp tài liệu vào tủ sắt, định bụng xin phép tranh thủ về nơi vợ con sơ tán thì ông Cố vấn bước vào nói với anh em phục vụ thư ký phiên dịch đêm nay các cậu ở lại đây.

Thế nào chúng cũng giở trò... Khoảng non 2 tiếng sau, căn hầm ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân chung chiêng vì những đợt bom B52 uỵch xuống Hà Nội.

...Ông cố vấn vẫn gượng dậy làm việc sau hai ngày liên tục sốt cao. Trước ông là một bức điện. Của Kissinger hối thúc Hà Nội nối lại đàm phán. Trước đó đã có tín hiệu tương tự nhưng dễ gì Hà Nội khuất phục trước sự tráo trở lật lọng. Bom đang xé toang không gian Hà Nội lại giở trò khiêu khích ép Hà Nội ngồi vào bàn Hội nghị? Nhưng càng lao đầu vào chiến dịch bạo tàn Linebacker-2 hủy diệt Hà Nội thì con số máy bay B52 bị quật rụng càng nhiều.

Sau đêm 26-12, tình thế cuộc chiến đã khác. Cục diện đã thay đổi. Ông Cố vấn vừa trở về từ hầm ngầm Điện Kính Thiên sau một cuộc họp trọng. Bộ Chính trị đã quyết định ngồi vào bàn Hội nghị nhưng không có bất kỳ sự nhượng bộ nào trên cơ sở bản Hiệp định như đã thỏa thuận hồi tháng 10-1972.

Ông Lợi phải trực tiếp và gặp mời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm đến gấp theo lệnh của ông cố vấn. Khi ông Đinh Nho Liêm tới, ông Cố vấn kéo ngay vào việc.

Mãi hồi lâu khi Thứ trưởng Liêm ra về, ông cố vấn còn dặn đi dặn lại không ghi chép, không mang theo tài liệu. Chỉ được ghi nhớ trong đầu.

Cậu phải bay trước sang Paris truyền đạt báo cáo lại với anh Xuân Thủy, chị Bình, anh Thạch cùng các anh các chị bên đó quan điểm của Bộ Chính trị... Đoàn ta sẽ sang sau…

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG