Nhớ tiếng khèn trên đỉnh Suối Giàng

Nhớ tiếng khèn trên đỉnh Suối Giàng
TP - Người Mông ở tít đỉnh những ngọn núi quanh năm mây phủ. Ta chỉ gặp khi họ “hạ sơn”, phụ nữ váy xòe hoa văn sặc sỡ, đàn ông co chân múa khèn, rồi uống rượu ngô nhắm với thắng cố, say mềm thì nắm đuôi ngựa mà về lại núi... Nếu không có chuyến “phượt” Tây Bắc ghé thăm bản Suối Giàng 1.400m so với mực nước biển, hiểu biết về người Mông của tôi chỉ dừng lại thế.

> Một thoáng phiên chợ vùng cao
> Đàn sáo đại ngàn

...Giáp Tết rét đậm. Gió núi lùa mây mù qua vách gỗ, ngón tay buốt như kim châm. Bên bếp lửa, Tuân và Xá ở thôn Giàng B - một trong tám thôn xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) - kể chúng tôi nghe tục “bắt vợ” của người Mông. “Mình phải yêu người con gái, người con gái cũng phải yêu mình, khi đó mới bắt về làm vợ”, Tuân kể.

“Buổi tối, mình đến nhà người yêu, gọi ra ngõ tâm sự. Rồi bắt đưa về nhà mình, thành vợ, thành chồng”. “Trước khi đi bắt vợ, có nói cho bố mẹ biết không?”. “Phải nói chứ. Nhưng chỉ nói cho bố mẹ mình thôi, không nói cho bố mẹ người yêu đâu.

Bắt vợ xong, sáng hôm sau, một người trong họ nhà mình mới đến nhà gái, thông báo: Con gái bác có nơi có chốn rồi, nhà tôi đã đón về rồi. Ba ngày sau hôm bắt vợ thì nhà trai đến nhà gái làm lễ ăn hỏi. Lễ cưới thì tùy điều kiện, năm năm, mười năm sau làm cũng được”. “Đêm bắt vợ về có được ngủ với vợ không?”. “Hôm đó nó phải ngủ với mẹ chồng. Mình chỉ được ngủ với nó sau lễ ăn hỏi thôi”.

Giàng Thị Xá nói “Rét lắm, cười không đẹp đâu”
Giàng Thị Xá nói “Rét lắm, cười không đẹp đâu”.

Người Mông chăm chỉ, khéo trồng ngô, giỏi nuôi ngựa. Riêng người Mông ở Suối Giàng còn giỏi hái chè, sao chè, chính là giống chè Shan Tuyết lừng danh.

Tuân - Xá được ông bà ngoại chia 1.000m2 vườn với khoảng 800 gốc chè trăm năm tuổi. Trước đây, vợ chồng Tuân có trồng lúa, ngô, sắn, giờ chỉ tập trung vào chè. Không chỉ hái chè, sao chè nhà mình, hai vợ chồng còn thu mua chè nhà khác, sao và đóng gói, bán cho khách du lịch.

“Cái đêm Xá bị Tuân bắt đưa đi, bố mẹ Xá có lo không?”. Cặp má ửng hồng, Xá thành thật: “Lo chứ. Lo con gái mình còn nhỏ, đã biết làm dâu nhà người ta chưa. Thương con, nhớ con nữa, từ bé đến lúc đó nó ở với mình mà”. “Nhưng cũng mừng vì con gái đã có nơi có chốn, đúng không?”. “Đúng rồi. Mừng lắm. Nhưng mà cũng nhớ lắm”.

Xá đeo gùi, trèo lên hái cây chè cổ thụ trước nhà để tôi chụp ảnh. Tự tin nghiêng đầu, vuốt tóc. Bảo “Cười đi”. Đáp “Rét lắm, cười không đẹp đâu”. Nói xong thì cười tươi rói.

Chủ tịch xã Sổng A Nủ có họ với Xá. Nhà ông Nủ đúng kiểu truyền thống Mông, ba gian hai chái, mái lợp ván pơ - mu, trước nhà vươn gốc mận cổ thụ e ấp vài nụ hoa trắng muốt. Chúng tôi vào nhà lúc mọi người đang quây quần bếp lửa.

Phụ nữ, con gái, ai cũng cầm trên tay vuông vải để thêu. Pha trà Shan Tuyết mời khách, ông Nủ kể: “Trước đây, người Suối Giàng trồng cây lanh, tự dệt vải. Nay vẫn tự mình thêu mình may quần áo, nhưng vải thì mua của Trung Quốc”.

Phong tục Mông, trai gái đám hỏi, đám cưới, cụ già trăm tuổi, trẻ con đón Tết, phải có quần áo mới. “Không có áo mới váy mới, trẻ con nó bảo không phải Tết!”.

Ông Nủ cho biết thêm, Tết của người Mông đến sớm, từ tháng Mười Một âm lịch. Những năm gần đây, người Suối Giàng chuyển dần sang đón Tết cổ truyền của người Kinh. Đêm Ba Mươi, cúng một con gà trống trên bàn thờ gia tiên.

Mùng Một, mùng Hai, mùng Ba, người ta đến nhà nhau chúc Tết, rượu say la đà từ sáng đến tối. Ở trung tâm xã tổ chức nhiều trò chơi: Ném pao, đánh cù, múa khèn, đẩy gậy, đua ngựa, bắn nỏ...

Thấy chiếc khèn treo vách gỗ, tôi hỏi “Bác biết múa khèn không?”. “Không biết múa khèn thì làm sao bắt được vợ”. Ông Nủ đứng ngay dậy, cầm lấy cây khèn. Dường như không phải cây khèn, mà chính ngôi nhà lợp ván pơ - mu ngả màu lam nhạt này, vang lên những giai điệu dân ca Mông tình tứ, quyến luyến. Những âm thanh của mây ngàn, gió núi...

Vợ ông Nủ ngừng tay thêu, mắt long lanh. Hỏi khi bị “bắt” làm vợ, người con gái có chống cự không, bà cười: “Cũng phải kéo lại chứ. Con trai có yêu mình nó mới bắt mình. Nhưng mình không giằng kéo lại một đoạn, người ta bảo là mình đi theo trai”.

Bản của Tuân, bản của ông Nủ, không nhà nào còn khung cửi dệt vải. Tôi sang bản Pang Cáng, bản văn hóa của xã, được Nhà nước tài trợ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống. Đường vào bản đổ bê tông, ô tô đi được. Bản có trạm xá, trường mẫu giáo, mái ngói. Nhà văn hóa khang trang, mái ván pơ - mu. Điện lưới về khắp bản. Tuy nhiên, dân bản cho biết Pang Cáng không nhà nào còn giữ khung cửi.

Có chuyện khó nói, nhưng là chuyện nghiêm túc nên xin kể. Trong bản Pang Cáng ở những chỗ dễ thấy chòi lên ngôi nhà nhỏ xíu cao lêu đêu, mái lợp ván pơ - mu, bốn bề trống tênh. Mạnh dạn hỏi ông Vàng A Khai đang ngồi trước thềm nhà, được ông bật mí. Hóa ra đó là... WC, cấp trên xây cho từ năm 2010 nhưng chưa hoàn tất, nói kiểu người Kinh là “chưa bàn giao”, nên gia đình ông Khai và nhiều nhà chưa sử dụng. Hỏi ai nghĩ ra kiểu dáng và vị trí đặt cái nhà này, ông Khai cười “Cái này thì mình chịu, không biết đâu”.

“Ngày em mới lên đây, dân bản còn trồng nhiều cây lanh lắm. Phụ nữ ai cũng biết dệt vải, thêu thùa. Giờ thì không ai dệt nữa, bởi rất tốn công, trong khi vải Trung Quốc sẵn và rẻ. Người ta mua vải về để thêu thôi” - cô giáo người xuôi Trần Thị Hường, lên Suối Giàng đã 20 năm, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học phổ thông dân tộc bán trú Suối Giàng kể.

Theo cô giáo Hường, nếu không giúp người Mông ở đây dệt lại vải, chỉ dăm năm nữa, đồng bào sẽ quên mất cách dệt vải truyền thống.

Ngoài dạy chữ Việt, cô giáo Hường là một trong hai giáo viên của trường dạy thêm cho các em chữ Mông. Tên sách giáo khoa “HMÔNGZ NTƠƯR”, lớp Ba học tập một, lớp Bốn học tập hai. Ngoài cuốn sách này, sách tham khảo (tập hợp những câu chuyện cổ hoặc những bài viết về phong tục tập quán của người Mông) hầu như không có.

Hỏi trẻ em ở đây có hát được dân ca Mông không, cô Hường cho biết “Các em không biết hát dân ca dân tộc mình, nhưng nhiều em hát được một số bài hát bằng tiếng Mông Lào hoặc Mông Trung Quốc. Chắc các em nghe qua radio”. Được đề nghị hát một bài bằng tiếng Mông, cô Hường e thẹn: “Em biết hát mỗi bài Người Mèo ơn Đảng”. Rồi cất tiếng hát. Giai điệu quen thuộc, nghe như có tiếng khèn quyện theo...

Lúc uống rượu ngâm hoa cây Tỏa Dương ở nhà Tuân - Xá (Tuân bảo một người uống hai người vui đấy), hai vợ chồng khoe ăn Tết xong sẽ dựng nhà mới, gỗ ván đã chuẩn bị đủ.

Sẽ là một ngôi nhà sàn khang trang, mái lợp tôn, vách có nhiều cửa kính giúp ngăn gió mùa Đông. Nhà mới phục vụ khách du lịch ăn nghỉ, kết hợp “show room” bán chè Shan Tuyết.

Nâng chén chúc mừng cặp vợ chồng Mông biết làm kinh tế, trong bụng vẫn thầm ao ước... Giá như tại mảnh vườn tuyệt đẹp của họ với những cây pơ - mu xanh mướt trầm ngâm bên những cây chè Shan Tuyết trăm tuổi, sẽ là căn nhà ba gian hai chái, mái lợp ván pơ - mu.

Trong nhà có khung cửi, nơi Xá tự tay dệt vải và dạy con gái mình những đường thêu đầu tiên. Còn trên vách có cây khèn của Tuân. Sau khi mời khách uống rượu Tỏa Dương, Tuân sẽ đứng lên, cầm lấy cây khèn...

Ai chưa lên đây chưa biết, tiếng khèn người Mông ở Suối Giàng lạ lắm. Có lẽ không ở đâu nghe được tiếng khèn như vậy. Nó như chè Shan Tuyết, pha với nước suối vùng này. Khi uống chỉ cảm nhận được một phần. Phần còn lại cứ quyến luyến vấn vương mãi như mây trên đỉnh núi.

Ai chưa lên đây chưa biết, tiếng khèn người Mông ở Suối Giàng lạ lắm. Có lẽ không ở đâu nghe được tiếng khèn như vậy. ­­

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG