Giữa đại ngàn có làng… sợ rượu

Giữa đại ngàn có làng… sợ rượu
TP - Làng Boa ở thôn 5 xã Trà Giáp (Bắc Trà My, Quảng Nam) nằm giữa bát ngát núi rừng Trường Sơn nổi danh vì… không uống rượu. 80 hộ dân Ca Dong ở đây tuyệt nhiên không uống rượu, thậm chí sợ rượu, khác hẳn với những cư dân sống giữa núi rừng.

> Còn nhiều 'đấu sĩ' rượu
> “Đấu” rượu, một người chết, một người nhập viện

“Cán bộ mang rượu lên là không được rồi!”

Mất hơn nửa ngày đường từ thị trấn Trà My chúng tôi mới có mặt ở làng Boa khi mặt trời đã đứng bóng, chân tay mỏi rã rời. Thấy khách lạ, chị Hoa chủ quán tạp hóa đầu làng lên tiếng với giọng không mấy mặn mà: “Phu vàng à?”.

Ở nơi hoang vu, hẻo lánh này nạn “vàng tặc” đang hoành hành, làm xáo trộn cuộc sống của người dân bản địa. Biết chúng tôi không phải dân làm vàng, chị Hoa phân trần: “Mấy năm lại đây, phu vàng vào đây nhiều lắm, chủ yếu người phía Bắc. Đám phu vàng lên đây rượu chè quá, dân làng không ưa. Dân làng Boa không làm vàng mà chỉ làm rẫy, làm lúa nước thôi”.

Cánh đồng làng Boa xanh mượt giữa núi rừng. Hơn 12ha lúa nước là thành quả của công cuộc khai hoang của người dân làng Boa từ khi di dời từ rừng sâu ra đây. Lúa gạo dân làng làm ra đã đủ ăn, nhiều vụ mùa bội thu còn dư ra để bán.

Trước, người dân làng Boa sống rải rác ở vùng núi thuộc đồi Ông Trĩ, cách vị trí hiện tại gần chục km đường rừng. Đứng trước nguy cơ sạt lở, được chính quyền địa phương vận động, năm 2005 người dân làng Boa di dời ra đây, ổn định cuộc sống bên dòng suối Boa. Tên suối được lấy đặt cho tên làng.

Chị Hoa vốn quê ở vùng đồng bằng huyện Đại Lộc lên đây đã gần 20 năm, buôn bán nhỏ lẻ từ khi làng Boa còn ở trong rừng sâu. Chị kể rằng: Người làng Boa từ bao đời nay không uống rượu.

Nhà chị cũng nấu rượu, nhưng chỉ để phục vụ cho người dân thôn 4 bên cạnh, công nhân mở đường và mấy năm lại đây là cho phu vàng, thỉnh thoảng có thêm vài anh “lâm tặc” trên đường vào rừng ghé quán mà thôi.

Người làng Boa không uống rượu. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, kể cả lãnh đạo xã Trà Giáp và huyện Bắc Trà My bởi người dân tộc Cor và Ca Dong sống ở vùng núi Trà My vốn nổi tiếng uống rượu khỏe.

Vào làng Boa, tôi đến nhà già Nguyễn Văn Hai ở nóc ông Hai và như một phép thử, đó là không quên mang theo một chai rượu nhỏ. Làng Boa có 8 nóc, mỗi nóc đều lấy tên người lớn tuổi nhất để đặt. Già Hai năm nay đã 73 tuổi, là bệnh binh.

Thời trai trẻ già Hai gia nhập bộ đội chiến đấu ở vùng Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam). Xuất ngũ già Hai về lại làng. Ngôi nhà sàn của già tươm tất và sạch đẹp. Cả nhà già đang quây quần bên rổ cau trầu, miệng ai cũng đỏ chót vì nhai trầu. Người dân tộc Ca Dong ở đây có tục ăn trầu từ xa xưa.

Tôi đưa chai rượu ra, ý định mời già Hai nhưng liền bị già xua tay chối đây đẩy: “Già không uống. Mấy đứa này cũng không uống đâu. Cán bộ dưới xuôi mang rượu lên là không được rồi!”. Rồi già Hai kể rằng: Từ nhỏ tới giờ già không biết uống rượu mà chỉ biết ăn trầu. Dân làng Boa hầu hết không ai uống rượu. Già Hai có 8 người con, 4 trai 4 gái, thì tất thảy đều giống già là không ai uống rượu.

Anh Nguyễn Thái Bàng (39 tuổi) con trai già Hai là Bí thư chi bộ thôn. Anh Bàng kể rằng: Mỗi lần có công chuyện ra Ủy ban xã họp hành, có tổ chức ăn uống anh Bàng và cán bộ thôn đều từ chối chuyện rượu bia.

“Nhiều anh em người làng khác nài ép mình uống, mình nhất quyết từ chối. Không uống là không uống. Ai cho mình miếng trầu thì mình thích lắm!”. Cả gia đình già Hai quây quần bên rổ cau trầu, loáng cái đã hết sạch, miệng ai cũng đỏ chót.

Nhìn dân làng Boa say mê ăn trầu, chợt nhớ đến làng Nước Ka trước cũng thuộc xã Trà Giáp, sau khi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 ngập nước được dời lên xã Trà Bui, cùng huyện, cách làng Boa cũng không xa. Dân làng Nước Ka nổi tiếng là làng đàn ông nhai trầu, nhưng lại dùng trầu làm… mồi uống rượu!

Không uống rượu mới lấy được vợ làng Boa

Vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Thiện – Nguyễn Thị Râu. “Chồng không uống rượu mình sướng cái thân” chị Râu nói
Vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Thiện – Nguyễn Thị Râu. “Chồng không uống rượu mình sướng cái thân” chị Râu nói.
 

Hỏi già Hai vì sao không uống rượu? Già giải thích rằng: Từ thửa còn ở trong rừng sâu, dân làng Boa đã biết trồng lúa nước, làm ra hạt lúa khó khăn và cực nhọc nên dân làng rất mực quý trọng.

Hàng năm, khi hạt lúa đã đầy chum, đầy kho dân làng làm lễ mừng lúa mới để tạ ơn trời đất. Nhưng không như những bản làng khác, lễ mừng lúa mới người dân làng Boa không ủ rượu cần, không ăn nhậu tưng bừng mà thay vào đó là những lễ vật đơn giản với mâm cau, nắm lá trầu hái từ rừng, con gà, lợn nuôi dân làng nuôi được.

“Người dân làng Boa tâm niệm rằng: Mình không uống rượu thì không được cúng thần linh rượu. Cúng bằng lễ vật đơn sơ mộc mạc nhưng quan trọng là tấm lòng tôn kính, biết ơn. Tết nhất, cưới xin người dân làng Boa đều không dùng rượu. Không uống rượu nên người làng Boa ai cũng đẹp. Trai gái làng Boa đẹp nhất vùng này đấy” - già Hai hóm hỉnh

 Mấy anh về xuôi nói với cán bộ, lãnh đạo bớt ăn nhậu, dành tiền làm đường cho dân” 

Cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Thiện và Lê Thị Râu vừa cưới nhau được 3 tháng. Cả hai đều sinh ra và lớn lên ở làng Boa. Yêu nhau rồi nên nghĩa vợ chồng từ miếng cau, lá trầu trao tay. Đám cưới đôi bạn trẻ tổ chức đơn sơ, không có rượu bia nhưng dân làng ai cũng vui vẻ.

“Chồng không rượu chè mình sướng cái thân. Chị em làng bên nhiều người phải ghen tị, nhiều người muốn được làm dâu làng này lắm đó”, chị Râu cười nói.

Bởi thế, hầu hết thiếu nữ làng Boa ít lấy chồng làng khác bởi sợ chịu cảnh chồng rượu chè vào là gây gổ đánh đập vợ con. Và ngược lại, nhiều trai làng từ các làng khác tới tán tỉnh gái làng Boa nếu có rượu chè đều không được làm rể.

Nhiều chàng trai gia đình khá giả, chum ché đầy nhà vào làng Boa tìm vợ nhưng không được gái làng Boa bằng lòng chỉ vì biết uống rượu hay say nhè. “Muốn làm rể làng Boa, lấy vợ làng Boa phải không uống rượu. Rượu chè say xỉn đập đánh vợ con là điều cấm kỵ ở đây”, già Hai cho biết.

Anh Bàng là Bí thư chi bộ thôn nên hàng ngày ngoài việc công cán việc thôn còn lo chuyện vận động người dân tu chí làm ăn, không rượu chè, nhất là thanh niên trai trẻ.

“Bây giờ công nhân, phu vàng vào đây, nhiều người rủ rê trai làng ăn nhậu. Thôn và các già làng quy định với nhau rằng nhà nào để con cái nhậu nhẹt, phá phách sẽ bị phạt. Xử phạt bằng lợn gà, thóc. Lợn gà thóc xử phạt sẽ để dành cấp lại cho những gia đình nghèo khó”, anh Bằng cho biết.

Ghé nhà già làng Nguyễn Văn Đông ở nóc ông Đông lúc xế chiều. Già Đông vừa đi rẫy về. Năm nay, tuy đã 76 tuổi nhưng hàng ngày già Đông vẫn lên rừng chặt củi, đi rẫy không thua trai làng.

Già Đông cười khà, vỗ ngực nói: “Già tuy già thật nhưng đám trẻ tụi bây theo không kịp đâu. Từ trai trẻ tới giờ già không biết đến rượu, bia thì càng không. Cái thứ độc địa đó, uống vào là thành ma quỷ hết. Tụi bây muốn khỏe như già thì đừng uống rượu”.

Anh Sỹ con trai già Đông tiếp lời: “Già không uống rượu, con cháu trong nhà không ai dám uống hết”. Những người con của già Đông ai cũng vạm vỡ, khỏe mạnh giống già.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.