Nam Ninh, chiều mồng Hai tháng Chín

Nam Ninh, chiều mồng Hai tháng Chín
TP - Chiều Mồng Hai tháng Chín, chiều của ngày Tết Độc lập. Trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến tham dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh- Đầu tư và Thương mại Trung Quốc ASEAN- Trung Quốc lần thứ 10 tại Nam Ninh, tôi đang ngồi đợi cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sắp diễn ra...

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cùng xây dựng lòng tin và quyết tâm chính trị (*)
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nam Ninh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Thủ tướng lý Khắc Cường
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Phía Trung Quốc dành Biệt thự số 5 sang trọng trong một khách sạn kiêm resort mênh mông của Nam Ninh cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cứ tưởng Thủ tướng ta sẽ tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngay tại biệt thự số 5 như vừa mới tiếp các khách trước đó, những lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoa, Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Trần Vũ, Chủ tịch Vân Nam Lý Kỷ Hằng rồi Thủ tướng Campuchia Hunsen. Nhưng không phải, lễ tân Trung Quốc báo cho cánh báo chí tháp tùng rời trước sang một địa điểm khác. Hóa ra Lệ Viên Sơn Trang có một khu sang trọng, tên là Phòng khánh tiết Trung tâm Hội nghị Quốc tế, gồm những khu biệt thự thâm thấp xung quanh cảnh trí u nhã ngó sang một hồ nước rộng, mát xanh ven bờ liễu rủ. Và kìa, những bầy thiên nga trắng có điểm những con đen tuyền đủng đỉnh sang trọng đang dập dềnh trên hồ. Lạ là cái giống thiên nga ấy, đen chơi cặp với đen, trắng đi với trắng. Ngó hồi lâu cấm thấy có lộn chung bao giờ?

Dự cuộc gặp, phía Việt Nam có mặt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, người vừa 3 ngày trước bận rộn với nhịp độ công việc khá căng tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc ở Bắc Kinh. Bên lề hội nghị, ông và người đồng nhiệm Vương Nghị đã có cuộc gặp khẳng định chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc. Và chỉ ít ngày nữa trong tháng 9 này, ông sẽ dự một sự kiện hệ trọng tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc. Đó là Hội nghị cấp cao (SOM) với việc tham vấn chính thức đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Có một lúc rỗi, tôi thấy Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đang chuyện trò thân mật với mấy nhân viên của tòa biệt thự này. Thì ra mấy năm trước, ông đã từng ở đây nên họ còn nhớ ông. Khi ấy ông Đam đang là Chủ tịch Quảng Ninh dẫn đầu Đoàn đại biểu của tỉnh sang Quảng Tây làm việc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Những năm trị nhậm ở vùng đất Quảng Ninh, ông Đam như một gạch nối bạn bè. đầu tư làm ăn giữa Hạ Long- Nam Ninh và cả Chính phủ trung ương Bắc Kinh nữa. Còn kia là ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đương nhiệm Phạm Minh Chính. Năm ngoái ông Chính lại cũng phụ trách một đoàn công tác của Quảng Ninh sang Quảng Tây bàn việc làm ăn. Thời điểm hai ông sang Quảng Tây, ông Chủ tịch Quảng Tây Trần Vũ đang là phó chủ tịch tỉnh. Cái bắt tay thân ái cùng sự cả cười vừa nãy đã nói lên nhiều điều.

Hội đàm giữa Thủ tướng lý Khắc Cường và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Hội đàm giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thấp thoáng cái dáng quen thuộc của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Dự án đường cao tốc Bắc Luân - Móng Cái - Hạ Long nối với cả Hà Nội hình như ông Đam, ông Chính từng dậm dạp phác thảo những nét cơ bản với Quảng Tây, có lẽ lần đi này ông Thăng có trách nhiệm cụ thể chi tiết hơn với bạn?

Như các cuộc gặp trọng khác, cánh báo chí sau khi ghi hình ra ngoài đợi cuộc gặp kết thúc.

Ngồi ở địa phương Nam Ninh để bàn những việc trọng tầm khoát đạt của quốc gia và cao hơn, khu vực cùng quốc tế. Trong số tất cả các kỳ Hội chợ Triển lãm ASEAN- Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Thương mại ASEAN- Trung Quốc, Việt Nam luôn dự ở cấp Phó Thủ tướng trở lên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tham dự ba lần trên cương vị Thủ tướng các năm 2006, 2007, và 2012 và một lần trên cương vị Phó Thủ tướng thường trực năm 2005.

Tôi không rành trong thông lệ ngoại giao, nhưng có lẽ những cuộc gặp bên lề hình như mang lại những hiệu ứng bất ngờ? Trong phạm vi Hội chợ, Hội nghị Nam Ninh này, 9 lần Hội chợ trước cùng không ít những lần gặp bên lề của lãnh đạo Việt - Trung đều mang lại kết quả tốt lành.

Và hình như lãnh đạo hai bên cùng quen người thuộc việc? Nhớ lần thăm chính thức 2008, tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường mời cơm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Năm ngoái tại Hội chợ này, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình lúc đó cũng đã hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...

Đối diện với họ là trọng trách tạo nên và củng cố hòa bình hữu nghị là gìn giữ sự yên hàn trường tồn. Các cuộc gặp song phương bên lề nào cũng phải coi mục đích ấy là tối thượng là bất biến? Hồi nãy, tôi nhớ lại những sải chân mau mắn của Thủ tướng Hunsen đến bên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... Ông ngỏ lời xin lỗi do trục trặc gì đó nên đến muộn. Và hai cánh tay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang dang ra cùng cái ôm siết thân mật của dạng quen người thuộc việc ấy. Chắc mọi người hẳn nhớ, năm 1979, những vòng tay của lương dân Việt đã chìa, đã dang ra với nhân dân đất nước Chùa Tháp trong họa diệt chủng Polpot. Mà ơn sinh tử ấy, Thủ tướng Hunsen rất nhiều lần dõng dạc cùng bàn dân thiên hạ là không được phép quên!

Sau khi chúc mừng thắng lợi của đảng CPC với kết quả bầu cử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói luôn đại ý, thời giờ không có nhiều, xin đề nghị chúng ta dùng tiếng Việt để bàn được nhiều việc hơn? Thủ tướng Hunsen cười hướng về phía đoàn tùy tùng dịch lại ý ấy như xin ý kiến! Tôi để ý thấy các vị đều cười gật đầu...

Trong chương trình, quy định cho mỗi cuộc gặp chỉ 30 phút nhưng cả 2 cuộc với Thủ tướng Hunsen và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều ... phá lệ! (Hồi tối, trước cuộc chiêu đãi của Thủ tướng Lý Khắc Cường với các Trưởng đoàn ASEAN, Thủ tướng Hunsen còn trò chuyện thêm hơn 40 phút với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).

Còn cuộc gặp của hai Thủ tướng Trung Quốc, Việt Nam kéo dài hơn 20 phút so với dự kiến. Có lẽ, tính chất mức độ và cả thời gian nữa của cuộc gặp mà ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được thông báo là thay cụm từ cuộc gặp thành cuộc hội đàm!

Tần suất xuất hiện cụm từ hai bên trong Hội đàm thì nhiều. Để ý rào rào dưới ngón tay của người chịu trách nhiệm ghi biên bản thì có mấy cái hai bên thế này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Việt Nam nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước không ngừng đi vào chiều sâu.

Hai bên nhất trí cho rằng cần cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định tại biển Đông, kiểm soát tốt tình hình trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai bên cần tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận Việt Nam - Trung Quốc về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Hai bên sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả các cơ chế đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng và giữa cơ quan quản lý ngư nghiệp hai nước như đã thỏa thuận, góp phần kịp thời xử lý ổn thỏa những vấn đề nảy sinh nhất là vấn đề tàu cá, ngư dân.

Tại hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trân trọng mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sớm sang thăm Việt Nam. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vui vẻ nhận lời.

Ngổn ngang chuyện cũ mới khi đi dọc sông Ung Châu thao thiết dòng chảy qua thành Nam Ninh.

Chợt nhớ thêm vị cựu Thủ tướng Trung Hoa Ôn Gia Bảo. Năm 2004 ông đã có sáng kiến để ASEAN và Trung Quốc ngồi lại với nhau mỗi năm một lần Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh. Thêm thân gần và hùng mạnh hay khác đi? Có lẽ đòi hỏi sự gắng gỏi của tất cả 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Không phải mỗi năm một lần vào cữ cuối năm mới tụ họp cùng xôm tụ mà là sự nỗ lực hiệp tâm hợp sức thường nhật?

Và cả sự kiềm chế nhịn nhường?

Nam Ninh đêm 2/9/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.