Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 5

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 5
TP - Năm 1995, nghe tin Nhà nước cần cho một dự án lớn, vợ chồng Đại tướng Văn Tiến Dũng chả suy tính gì, xin trao lại ngay cho Nhà nước ngôi biệt thự số 26 Hoàng Diệu rộng trên 3.000m2, có khuôn viên, cây xanh, cổ thụ, vườn hoa, sân bóng.

>> Kỳ 4: “Bắc cô nương” và lá “thư tỏ tình” thời chiến
>> Kỳ 3: Mối tình đầu của hai người “nương nhờ cửa Phật”
>> Kỳ 2: Tình láng giềng giữa gia đình các vị tướng
>> Kỳ 1: “Cô tiên xứ Quảng” và món quà trị giá hàng chục biệt thự

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 5 ảnh 1
Đồng chí Văn Tiến Dũng - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ bị Pháp bắt tháng 8/1944

Tuy đã chính thức thành vợ, thành chồng, nhưng Hoài và Tám đâu có được hưởng “tuần trăng mật”. Họ phải chia tay nhau mỗi người mỗi phương vì ai đều có nhiệm vụ người ấy.

Mấy tháng sau, Tám vừa tham gia học xong một lớp chính trị tập trung còn Hoài cũng vừa kết thúc khóa học quân sự ở chiến khu ATK. Thông qua đường dây liên lạc, hai vợ chồng trẻ hẹn gặp nhau tại bến đò-nơi mới hôm nào họ ngồi chờ đò, cùng che chung một chiếc áo tơi... Đó là ngày không bao giờ phai trong tâm trí người vợ trẻ.

Hôm ấy là một ngày đầu thu 1944. Điều trùng hợp là đêm trước mưa rất to mãi sáng mới tạnh, đường trơn như đổ mỡ. Sắp tới bến đò Tiếu, lòng đang lâng lâng niềm vui sắp được gặp chồng thì bỗng Tám thấy tiếng người chạy xình xịch, gọi nhau í ới. Lát sau lại thấy có tiếng súng nổ. Linh tính mách bảo điều chẳng lành.

Tám nhớ mấy tháng trước, anh Hoài được trang bị một khẩu súng lục kiểu cối xay, anh Trường Chinh lại cho thêm gần hai chục viên đạn. Tiếng súng ấy ắt là của anh Hoài báo động cho Tám biết mà đề phòng. Tám bèn cải trang, trà trộn vào đám bà con đang nghìn nghịt sân đình làng Sen Hồ để xem mặt người cộng sản trẻ kiên cường. Tám không dám để chồng nhìn thấy mặt. Anh bị bọn địch trói chặt giữa sân đình.

Tám đau đớn quá tưởng ngất đi ngay, cổ tắc lại, tim như ngừng đập. Tay đã thủ sẵn con dao trong thắt lưng, có lúc Tám định xông ra liều mạng với bọn giặc, nhưng nhớ lời anh Trường Chinh dạy, trong bất kỳ tình huống nào, người cộng sản cũng phải hết sức bình tĩnh sáng suốt...

Nghĩ đến đó, Tám đành cắn răng nhìn bọn giặc áp giải chồng lên phủ. Trời đã xế chiều. Tám một mình đau đớn trở lại bến đò Tiếu, vừa đi vừa thầm khóc một mình...

Hôm sau, Tám đổ bệnh, sốt li bì. Đêm nằm một mình, vừa sốt, vừa đói, nghe tiếng ếch kêu bên bờ ao, nỗi nhớ chồng lại trào lên, nhất là khi nghe tin chồng bị giặc tra tấn rất dã man, Tám lại nằm khóc một mình cho tới sáng.

3 giờ sáng ngày 27/12/1944, Hoài đã dũng cảm vượt ngục. Chỉ ít ngày sau, Tòa án thực dân ở Bắc Ninh đã kết án tử hình vắng mặt người cộng sản này. Tin Hoài đã trốn thoát khỏi nhà tù Bắc Ninh đã làm cho Tám như người chết sống lại. Lúc này địch lùng sục rất gắt gao, Trung ương ra lệnh phải tuyệt đối giữ bí mật cho Hoài không để tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả vợ. Biết vậy, nhưng nỗi nhớ, thương chồng quá lớn, Tám bèn lần mò được tới cơ sở bí mật đang nuôi dưỡng chồng.

Vừa gặp, Tám đã òa khóc, thương chồng quá, trông anh chỉ còn da bọc xương, hai mắt sâu hoắm như hai lỗ đáo, bọn địch đánh anh tàn ác tới mức tay khoèo, lưỡi bị chấn thương chỉ bập bẹ được đôi ba câu; khắp mình, đầu tóc đầy chấy rận; nhiều rận đến mức tắm cho chồng xong, Tám thấy trong chậu nước nổi lềnh bềnh toàn những rận là rận.

Xong xuôi, vừa dìu chồng lên giường trò chuyện được mấy câu thì nghe tin anh Nguyễn Lương Bằng tới, Tám sợ quá liền chui tọt vào gầm giường nằm im thin thít.

Sau khi đưa thuốc men và hỏi han sức khỏe Hoài, anh Nguyễn Lương Bằng liền gõ gõ vào đầu giường bảo: “Thôi, cô Bắc ra đi, không ai kỷ luật cô vì “tội” thương chồng đâu, nhưng phải hết sức đề cao cảnh giác, bởi bọn giặc đang điên cuồng lùng bắt anh Hoài khắp nơi đấy, chúng treo giải thưởng cao lắm...”.

Tháng 3/1945, lúc Hoài vừa kịp bình phục thì Tám lại nhận một nhiệm vụ khác. Đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ vào Nam, bắt liên lạc với xứ ủy Nam Kỳ và đưa một số tài liệu của Trung ương vào trong đó. Trước Tổng khởi nghĩa, Tám đã hoàn thành trót lọt 3 chuyến vào Nam ra Bắc, trong đó, lần cuối, Tám vinh dự là người cầm “mật lệnh” Tổng khởi nghĩa trao cho các đồng chí trong Sài Gòn...

*  *  *

Đang dang dở câu chuyện thì bỗng có một vị khách không mời mà tới bấm chuông inh ỏi. Đó là một người đàn ông ngoài tứ tuần, cũng mặc áo lính, vừa vào nhà, anh ta thao thao bất tuyệt rằng bố anh ta sinh năm 1930, từng là “thầy dạy” của Đại tướng Văn Tiến Dũng... Cuối cùng, anh ta ngỏ ý xin cụ bà xác nhận cho anh ta đòi lại nhà 26 Hoàng Diệu. Dù biết là người không bình thường, song cụ bà vẫn ôn tồn giải thích, chỉ dẫn nơi anh ta cần phải tới, cho cả số điện thoại nhà riêng...

Trở lại với nhà báo, cụ bà giải thích: “Ngôi biệt thự 26 Hoàng Diệu ngày trước là gia đình bác ở từ bốn chục năm nay. Ngôi biệt thự này trước nguyên là của viên phó cao ủy Pháp, rộng trên 3.000m2, có khuôn viên, cây xanh, cổ thụ, vườn hoa, sân bóng. Năm 1995, nghe tin Nhà nước cần cho một dự án lớn, vợ chồng bác chả suy tính gì cả, xin trao lại ngay cho Nhà nước.

Sau đấy, được Nhà nước cấp cho 250m2 nơi bác cháu ta ngồi đây, hồi đó vốn là một cái ao. Lúc đầu cấp trên cho 200 triệu đồng để xây, sau thấy hoàn cảnh khó khăn, lại trợ cấp thêm cho 100 triệu đồng nữa. Bác trai bảo “giao toàn quyền” cho bác xây dựng, muốn làm thế nào cũng được, nhưng phải liệu cơm mà gắp mắm.

Cùng với sự gom góp của con cái, họ hàng, anh em bạn bè trợ giúp thêm, vừa làm vừa chờ vay tiền, mãi 3 năm sau mới hoàn tất. Bác dọn dẹp, kê đồ đạc đâu ra đấy, chọn đúng ngày sinh nhật lần thứ 82 (2/5/1999) của bác trai thì sang “mời ông lão” về ở. Về nhà mới, bác trai tỏ ra phấn khởi và mãn nguyện lắm.

Dạo Hà Nội “sốt đất”, có rất nhiều người tới “gạ” mua, có người trả tới 22 cây vàng/m2, nhưng hai bác kiên quyết từ chối. Đây là đất của Đảng, Nhà nước cấp cho, hai bác sẽ sống ở đây đến hết đời...”.

Nhìn ánh nắng thu trên mái tóc bạc như cước của nữ lão thành cách mạng đã 61 năm tuổi Đảng, chúng tôi tràn đầy niềm kính phục, quý trọng. Cụ bà kể lại rằng, suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hai vợ chồng mấy khi được gần nhau.

Cụ cười bảo: “Kỷ niệm và cũng là những món quà của mỗi lần về thăm là những đứa con, duy nhất vậy thôi”. Sáu lần “về thăm” ấy là sáu lần sinh nở. Người con gái đầu lòng sinh ra đúng lúc gian nan nhất, thiếu thốn đủ thứ, nên đã lìa đời từ lúc còn thơ, và đó cũng là lần sinh duy nhất được hộ sinh giúp đỡ đẻ; còn lại 5 người con sau (2 trai, 3 gái) đều một mình tự sinh, tự đỡ, tự cắt rốn, chăm sóc cho con và tự chăm sóc mình.

Khi biết mình đã tới kỳ sinh nở, người vợ trẻ chuẩn bị sẵn các đồ vật cần thiết như kéo, tã, giấy bản, nước sôi... lót dưới tấm ni-lông trải chăn lên rồi lấy gối đệm sau lưng. Khi sinh xong, bà chỉ nhắm mắt nghỉ một chút rồi lấy giấy bản thấm sạch cho con và thao tác tất tật những gì cần làm... Vậy mà mẹ vẫn “tròn”, cả năm con không những “vuông vắn” mà đều khỏe mạnh, khôn, ngoan, lớn lên đều tham gia trong quân ngũ...

Năm 2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng từ trần; liên tiếp sau đó, hai người con trai cũng lần lượt theo cha ra đi vào cõi vĩnh hằng. Các con gái ở xa. Ai cũng tưởng rằng cụ bà sẽ gục ngã trước nỗi đau quá lớn này. Song, cụ đã trụ vững và trong buổi chiều thu hôm nay, khi hồi tưởng lại những chặng đường đã qua, dẫu cho thi thoảng nước mắt tràn mi, chúng tôi vẫn thấy lấp lánh niềm tin vào cuộc sống ở lão phu nhân này.

Kỳ 6: Vị Đại tướng không có nhà riêng

MỚI - NÓNG