Kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến:

Gặp người đã chia sẻ nắm cơm với Thủ tướng Hunsen

Gặp người đã chia sẻ nắm cơm với Thủ tướng Hunsen
TP - Đó là cụ Nguyễn Bắc, năm nay vừa bước vào tuổi 85 - người nắm cương vị Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội liên tục trong 25 năm, từ 1954 đến 1979.
Gặp người đã chia sẻ nắm cơm với Thủ tướng Hunsen ảnh 1
Cụ Nguyễn Bắc  Ảnh: Phạm Yên

Cụ sinh năm 1922 trong một gia đình nhà nho tại Kinh Môn (Hải Dương). Dù nhà nghèo nhưng cha mẹ vẫn tần tảo, chắt bóp để cho con trai theo học tại Hải Phòng, rồi sau học trường Bưởi và trường Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội.

Sớm được giác ngộ cách mạng, chàng trai Nguyễn Bắc đã rất hăng say tham gia các phong trào do Việt Minh khởi xướng. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Nguyễn Bắc được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của huyện Kinh Môn (Hải Dương), rồi sau đó được điều về công tác tại Sở Thông tin Việt Bắc.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trung ương đã chọn Nguyễn Bắc về hoạt động trong nội thành Hà Nội khi đó đang là vùng tạm chiếm. Nhiệm vụ của Nguyễn Bắc là xây dựng các cơ sở bí mật để dần cảm hóa và tập hợp tầng lớp trí thức ở Hà Nội lúc đó tham gia ủng hộ kháng chiến.

Trong suốt 9 năm kháng chiến, một mình vừa phải kiếm việc làm nuôi thân, vừa hoạt động, Nguyễn Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Lôi cuốn được những trí thức tên tuổi lớn của Hà Nội lúc đó góp công, góp sức cho cuộc kháng chiến trường kỳ như các vị: Hoàng Xuân Hãn (Toán học, Sử học), Phạm Khắc Quảng (Bác sĩ chuyên khoa lao), Đặng Văn Chung (Thạc sĩ), Đinh Văn Thắng (Bác sĩ phụ sản), Võ Tấn (chuyên gia đầu ngành về Tai- Mũi- Họng), Vũ Văn Hiền (Luật sư nổi tiếng tài ba), Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Huy Mẫn đều là các thân sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ…

Tiếng vang đầu tiên là “Bản kiến nghị đòi lập lại hòa bình ở Đông Dương”: Giữa lúc ta đang mở nhiều chiến dịch quân sự tiêu diệt sinh lực địch, Thành ủy Hà Nội đã giao cho Nguyễn Bắc nhiệm vụ mở cuộc vận động lấy chữ ký của các nhà trí thức nổi tiếng ở Hà Nội đòi chấm dứt chiến tranh.

Nguyễn Bắc liền nghĩ đến nhân vật đầu tiên là cụ Trần Văn Lai (Bác sĩ)- người đã từng phá tượng Paul Bert (viên Toàn quyền Đông Dương trước Cách mạng tháng 8/1945). Trước đây Bác sĩ Trần Văn Lai đã từng bị Pháp bắt và đày ở Madagascar.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Trần Trọng Kim đã mời cụ Lai ra làm Đốc lý Hà Nội. Sau khi toàn quốc bùng nổ, cụ ở lại trong thành, không ra khỏi nhà. Người dân có bệnh tật gì đến nhờ, cụ đều chữa giúp không lấy tiền.

Năm 1949 và 1951, khi Bảo Đại ra Hà Nội đều trân trọng mời cụ ra tham chính, nhưng cụ kiên quyết từ chối… Ngay sau khi nghe Nguyễn Bắc trình bày ý định về “Bản kiến nghị…”, cụ Trần Văn Lai lập tức tán thưởng.

Nguyễn Bắc đề nghị viết rằng: “Nous demandons à ce que le gouverment francais et le gouvernement de Resistance aient contact pour négocier la paix en Indochine (Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp và chính phủ kháng chiến thương lượng để giải quyết hòa bình ở Đông Dương).

Suy nghĩ một lúc, cụ bảo viết như thế chưa được, lộ quá, rõ là đừng về phía chính phủ kháng chiến rồi, ta phải tỏ ra “nớt” (Neutre - trung lập - PV) thì kiến nghị mới có giá trị.

Sau đó cụ khuyên nên bàn lại với nhóm luật sư Vũ Văn Hiền, Nguyễn Huy Mẫn, Bùi Tường Chiểu. Luật sư Vũ Văn Hiền trong thời Nhật đã từng làm Bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim, sau ngày 19/12/1946, ông ở lại  Hà Nội và mở Văn phòng Luật sư ở phố Trần Hưng Đạo.

Tối hôm đó, để cắt đuôi mật thám, ông Hiền đã tự lái chiếc Citroen đưa Nguyễn Bắc ra đường Cổ Ngư, tắt máy và thảo luận trong xe ô tô. Sau khi  chuyển ý kiến của cụ Trần Văn Lai tới luật sư Hiền, ông suy nghĩ rất lâu rồi chọn chữ “Les deux adverses” (Hai bên đối phương).

Hai người bàn bạc mãi vẫn thấy chưa ổn  vì vẫn chưa “nớt” lắm. Tối hôm sau,  mọi người lại tụ tập tại nhà bác sĩ Đinh Văn Thắng ở phố Chân Cầm (Lagisquet) gồm Vũ Văn Hiền, Đinh Văn Thắng, Nguyễn Huy Mẫn, Bùi Tường Chiểu, Võ Tấn, Phạm Khắc Quảng…

Các trí thức ngồi bàn luận suốt từ 7giờ tối đến 12 giờ đêm mới tìm ra được một từ hợp lý nhất; nếu dùng chữ “Les deux parties” - “Hai bên”, tức là gạt bọn “quốc gia bù nhìn” ra trong khi trên thực tế “nó” vẫn đang tồn tại; còn nếu dùng chữ “Les trois parties”- “Ba bên” thì vô hình trung là công nhận là chính phủ bù nhìn!?

Cuối cùng, luật sư Vũ Văn Hiền đã đưa ra chữ mà tất cả mọi người đều tán thành đó là: “Les parties” -  “các bên”. Cụ Trần Văn Lai rất mãn ý về chữ này, và cụ đã ký tên ngay trên đầu.

Trong một tuần sau, Nguyễn Bắc đã tập hợp được hơn 100 chữ ký bao gồm luật sư, bác sĩ, các văn nghệ sĩ nổi tiếng, các giáo viên, doanh nhân… “Bản kiến nghị” sau đó đã được Đặng Văn Chung và Vũ Công Hòe đem sang Pháp và đăng trang trọng trên hai tờ báo nổi tiếng tại Paris là Le MondeL’Humanité

Sau khi rút lui khỏi Hà Nội, chính phủ ta gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về kinh tế, tài chính, với khả năng cảm hóa, cộng với lòng yêu nước sẵn có của các nhân sĩ, Nguyễn Bắc cũng đã quyên góp được một khoản tiền khá lớn ủng hộ kháng chiến bằng cách mua công trái kháng chiến.

Ngoài nhân dân và các nhà buôn, thương gia giàu có, các trí thức nổi tiếng như Phạm Khắc Quảng, Vũ Văn Hiền, Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Huy Mẫn, Đinh Văn Thắng, Võ Tấn, Đặng Văn Chung, Vũ Công Hòe, bà Hoàng Xuân Hãn, dược sĩ Luận, Vĩnh đều hết lòng ủng hộ kháng chiến, bằng cách mỗi tháng ủng hộ 500 đồng Đông Dương (Thời giá lúc đó 300 đồng/chỉ vàng) cùng với thuốc men, dụng cụ y tế. Khi Nguyễn Bắc đưa biên lai bằng một tờ giấy pơ-luya bằng bàn tay thì không một ai nhận cả.

Còn một chuyện xôn xao Hà Nội thời đó, ấy là việc địch bắt được một chiến sĩ của ta treo cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa. Chúng quyết định đem ra xử công khai để răn đe.

Được tin đó, Luật sư Vũ Văn Hiền cùng cộng sự đã nhận bào chữa miễn phí cho chiến sĩ dũng cảm ấy. Phiên tòa hôm đó có rất đông bà con tham dự. Sau phần luận tội của công tố viên, luật sư Vũ Văn Hiền đã đĩnh đạc đứng lên chất vấn bồi thẩm đoàn bằng một câu hỏi đầy bất ngờ: “Thưa các vị thẩm phán, ngày 1/6/1946, các vị có đi dự cuộc họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?”.

Do chưa hiểu ý đồ của luật sư, nên mấy vị thẩm phán đành phải trả lời thật:

- Chúng tôi có đi dự!

- Các vị có biểu quyết tán thành Quốc hội đó không ?

- Chúng tôi có đồng ý biểu quyết tán thành!

- Hẳn các vị còn nhớ trong kỳ họp đó, Quốc hội đã thông qua, trong đó có sự tán thành của các vị, chọn Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng. Vậy thì hành động cắm lá cờ đã được các vị công nhận ấy lên Tháp Rùa thì mắc vào tội gì?

Lúc này các vị thẩm phán mới ngã ngửa người song vẫn cố chống chế: “Hành động đó mắc vào tội gây rối trật tự trị an”.

Quay xuống phía bà con tham dự, luật sư tiếp lời: “Tất cả những người dân kéo đến xem lá cờ đỏ sao vàng đều giữ trật tự, không gây náo động, la hét hay làm ảnh hưởng gì tới trị an, trật tự hay giao thông, vậy thì làm sao có thể khép thân chủ của tôi vào tội gây rối trật tự trị an?”.

Tất cả bà con tham dự đều vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng lời luật sư. Và, phiên tòa buộc phải tuyên bố bị cáo vô tội, được thả ngay trước tòa...

Cũng một phần nhờ công lao của Nguyễn Bắc mà dạo Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân ra Hà Nội để vận động các trí thức nhân sĩ tham gia chính phủ Ngô Đình Diệm, đến phút chót cũng chả lôi kéo được ai.

Quá tẽn tò, Trần Lệ Xuân đành phải rước luật sư Trần Văn Trương – chẳng phải ai xa lạ, chính là bố đẻ của mình. Kể từ sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, rất nhiều nhân sĩ, trí thức luôn luôn ủng hộ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, và, từ lúc nào không hay, đã trở thành những người bạn tri kỷ của “ông Việt Minh” Nguyễn Bắc.

Cho đến hôm nay, chỉ còn lác đác vài cụ lưu luyến với trần gian, số đông đã thành người thiên cổ. Cách đây ít lâu, cụ Nguyễn Bắc vào TP HCM, gặp lại bác sĩ Võ Tấn cũng đã ngoài “bát thập”.

Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Võ Tấn đã dành riêng cho bạn cũ một chiếc xe hơi “xịn”, có người lái để đưa bạn cũ tới bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào. Hai vợ chồng Võ Tấn còn mời bằng được Nguyễn Bắc ra Vũng Tàu nghỉ ngơi, tâm sự cả một tuần rồi mới “tha cho” ông bạn già về Hà Nội.

Trước khi giã biệt, Võ Tấn cùng vợ còn nhét vào tay bạn một bọc tiền to “nhờ tiêu hộ”, nhưng Nguyễn Bắc kiên quyết chối từ, chỉ xin nhận hai câu thơ vui do Võ Tấn sáng tác...

Sau trọn 1/4 thế kỷ làm Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, năm 1979, Nguyễn Bắc được tín nhiệm cử đi làm chuyên gia bên đất bạn Campuchia. Vừa từ sân bay về thủ đô Phnôm Pênh, dọc đường, Nguyễn Bắc gặp một người còn trẻ, dáng vẻ gầy gò, nước da xanh tái.

Nguyễn Bắc liền mời người đó lên xe tô tô, lấy từ trong xà cột một nắm cơm do vợ chuẩn bị từ Hà Nội, bẻ đôi đưa cho người khách lạ một nửa. Người đó ăn rất ngon lành và tỏ lời cảm ơn cán bộ Việt Nam.

Kể từ bữa đó, một tình bạn vong niên giữa hai người hai quốc tịch, hơn kém nhau trên dưới hai chục tuổi, ngày càng đậm đà, sâu sắc. Người đó, sau này đã trở thành Thủ tướng Hunsen, nhưng vẫn không bao giờ quên người bạn già Việt Nam.

Sang Việt Nam công tác, ngài Hunsen đã nhờ người tới tận nhà riêng đón Nguyễn Bắc tới khách sạn Tây Hồ để hàn huyên và không quên mang quà từ Campuchia tặng Nguyễn Bắc là cá khô Biển Hồ.

Cách đây không lâu, ngài Hunsen còn nhờ ông Un Tim, Thứ trưởng Bộ VH-TT Campuchia, tới tận nhà riêng Nguyễn Bắc ở Đầm Trấu (Hà Nội), để trao tận tay Giấy mời của ngài Hunsen mời cố nhân sang thăm Campuchia.

MỚI - NÓNG