Hồi ký của Cựu hoàng Phổ Nghi và những tình tiết chưa từng được công bố

Hồi ký của Cựu hoàng Phổ Nghi và những tình tiết chưa từng được công bố
TP - Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Trung Quốc (qua đời ngày 17/10/1967) có một số phận long đong: Lên ngôi, bị phế rồi lại được quân Nhật đưa lên ngôi, bị lưu đày, ngồi tù, rồi được chính phủ Trung Quốc biệt đãi; có ba vợ nhưng vẫn không có người nối dõi...
Hồi ký của Cựu hoàng Phổ Nghi và những tình tiết chưa từng được công bố ảnh 1 Hồi ký của Cựu hoàng Phổ Nghi và những tình tiết chưa từng được công bố ảnh 2
Phổ Nghi và Lý Thục Hiền Phổ Nghi và Uyển Dung

Ông có một cuốn hồi ký khá nổi tiếng là “Nửa đời trước của tôi” đến nay đã được phát hành tổng cộng khoảng 1 triệu 87 vạn bản sau 22 lần in bằng tiếng Hoa riêng ở Trung Quốc, chưa kể nó được in ở Đài Loan, Hồng Kông và dịch ra một số thứ tiếng khác.

Số phận của tác phẩm này cũng long đong không kém chủ nó, sau hơn 40 năm ra đời, nó luôn bị cắt xén nội dung và tới lần in mới nhất này thì người đọc mới có cơ hội được đọc nguyên bản với mọi tình tiết mà Phổ Nghi đã kể lại để biết được chính xác những gì đã xảy ra trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở Trung Quốc.

Nhà xuất bản Quần chúng của Trung Quốc đã tái bản và phát hành từ cuối tháng 12/2006 cuốn “Nửa đời trước của tôi” của Ái-tân-giác-la Phổ Nghi có bổ sung 16 vạn chữ đã bị lược bỏ trong những lần xuất bản trước đây, nhiều bí mật lịch sử sẽ được làm sáng tỏ, trong đó có chuyện Hoàng hậu Uyển Dung thông dâm với người khác và Phổ Nghi vì ghen tức đã quẳng đứa trẻ được sinh ra bởi cuộc tình ngang trái đó vào lò lửa thiêu chết...

Ông Mạnh Hướng Vinh, người chịu trách nhiệm biên tập cuốn sách này kể với phóng viên: Hồi tháng 3/2004, NXB Quần Chúng trong khi chỉnh lý lại những hồ sơ tài liệu về cuốn hồi ký này đã bất ngờ tìm thấy bản thảo viết lần thứ nhất và lần thứ hai của Phổ Nghi, trong đó có khá nhiều đoạn không được công bố trong lần xuất bản đầu tiên năm 1964. Lần tái bản này, NXB công bố toàn bộ những nội dung bị lược bỏ đó để bạn đọc được biết những gì Phổ Nghi đã kể lại.

Mạnh Hướng Vinh xác nhận: “Đúng là có chuyện Phổ Nghi quẳng con Uyển Dung sinh ra do ngoại tình vào lò lửa. Đó là tình tiết cho chính tay Phổ Nghi viết ra. Ông ta tức tối thiêu chết đứa bé, trong khi đó lại nói dối Uyển Dung là giao nó cho người anh trai của bà nuôi hộ”. Về lý do phải lược bỏ những tình tiết ấy khi xuất bản lần đầu, ông Mạnh nói:

“Khi đó chuyên gia Thiệu Thuẫn phụ trách việc thẩm định bản thảo cho rằng nên cắt bỏ một số tình tiết khiến độc giả không vui nên đã tự lược bỏ chúng. Nay đã qua hơn 40 năm, đã có thể giải mật chúng được rồi!”.

Đây là một đoạn Phổ Nghi kể trong cuốn hồi ký đó.

“Tôi chỉ có thể phát tiết nỗi tức giận lên bà ấy”

Hồi ký của Cựu hoàng Phổ Nghi và những tình tiết chưa từng được công bố ảnh 3
Thục Phi Văn Tú

“Thực ra, chuyện bà ấy (Uyển Dung) hút thuốc phiện là do chủ ý của bố và anh trai, thậm chí trong vấn đề ngoại tình cũng được người anh trai đồng tình, khuyến khích.

Khi tôi hay biết thì đã rất muộn. Lần đi tàu từ Thiên Tân đến Đại Liên, người anh bà ấy vì đánh đổi lợi ích gì đó đã bán em gái mình cho một viên sĩ quan Nhật cùng đi trên tàu.

Năm 1935, khi Uyển Dung đã bụng mang dạ chửa đợi đến ngày lâm bồn thì tôi mới biết chuyện. Tâm trạng của tôi lúc đó rất khó tả. Tôi rất tức giận, nhưng lại không muốn để người Nhật hay biết, nên cách duy nhất là trút giận dữ lên người bà ấy...

Có lẽ cho đến lúc chết Uyển Dung vẫn luôn ngủ mơ và trong giấc mộng ấy, bà mơ thấy con mình vẫn đang sống trên cõi đời này. Bà ấy không biết rằng đứa trẻ vừa sinh ra đã bị quẳng vào lò lửa thiêu chết.

Bà ấy chỉ biết là người anh trai ở ngoài cung đang thay mình nuôi dưỡng con, người anh hàng tháng vẫn được nhận đều đặn từ bà một khoản tiền cấp dưỡng cho con.

Sau “Sự kiện 15/8” thì tôi và bà ấy chia tay nhau. Nghiện ngập nặng, lại thêm sức khoẻ suy yếu vì bệnh tật nên một năm sau thì Uyển Dung qua đời ở Cát Lâm...”.

Cả đời Phổ Nghi có tới 5 vợ. Năm 16 tuổi cưới Hoàng hậu Uyển Dung và  Thục phi Văn Tú; Văn Tú ly hôn khi ông lên Đông Bắc theo Nhật. Người vợ thứ ba là “Tường Quý nhân” Đàm Ngọc Linh cưới thời ngụy Mãn Châu. Sau khi Đàm Ngọc Linh bị hại chết, người Nhật lại giới thiệu và cưới cho Phổ Nghi “Phúc Quý nhân” Lý Ngọc Cầm.

Năm 1945 khi bị bắt trên đường trốn sang Nhật, Phổ Nghi không mang theo Lý Ngọc Cầm. Tuy nhiên bà này vẫn bị đưa về Trung Quốc giam giữ rồi ly hôn năm 1957. Năm 1959, Phổ Nghi được chính phủ Trung Quốc sắp xếp cưới bà Lý Thục Hiền - một y tá đã có một lần hôn nhân thất bại.

Có tới 5 vợ, hàng bầy phi tần cung nữ nhưng Phổ Nghi vẫn không có con. Vậy phải chăng ông có vấn đề về khả năng đàn ông? Trong “Nửa đời trước của tôi”, Phổ Nghi đã không giấu giếm khi kể lại: Ông rất ham sắc dục.

Khi mới hơn 10 tuổi, các thái giám để tránh phải hầu hạ vua, tối nào cũng đẩy các cung nữ vào giường ngủ để hầu ông, có khi 2 - 3 cô một tối, họ quần cho ông mệt lử mới để cho ông ngủ.

“Hôm sau dậy tôi hoa mắt chóng mặt, nhìn mặt trời và mọi thứ đều  ra màu vàng ệch”. Sau này Phổ Nghi hầu như bị liệt dương, phải thường xuyên tiêm các loại thuốc kích thích có tên Trung Quốc là “Tập bảo mạng”, “An lạc căn” vào mới “lâm trận” được. Thời kỳ sống cùng Lý Ngọc Cầm, ước muốn có con của ông rất mạnh mẽ, ông đã dùng mọi thứ thuốc nhưng vẫn không kết quả.

Để đến được với bạn đọc với bản thảo nguyên vẹn lần này. “Nửa đời trước của tôi” đã phải trải qua số phận khá long đong. Bắt đầu được Phổ Nghi viết từ năm 1951, bản thảo cuốn sách được coi như là bản khai báo với chính quyền trên giấy mực. Đến năm 1964 khi được xuất bản chính thức, khi đến được tay người đọc, “Nửa đời trước của tôi” đã có ba dị bản và 9 lần sửa chữa.

“Bản in roneo”: Vào nửa cuối năm 1957, tại Trại giam tù binh Phủ Thuận của Quân khu Thẩm Dương, cuốn sách “Nửa đời trước của tôi” được in roneo và lưu hành trong Trại với tính chất “Bản hối tội” của tù binh Phổ Nghi được hoàn thành sau một năm rưỡi vùi đầu viết ra giấy, dài 20 vạn chữ.

“Bản bìa xám”: Tháng 1 năm 1960, NXB Quần Chúng đem bản roneo nói trên sắp chữ chì rồi in, đóng bìa màu xám nên còn có tên “Bản bìa xám”. Cuốn sách được in và bán hạn chế trong các cơ quan thuộc hệ thống chính pháp và giới sử học.

“Bản thảo lần thứ nhất”: Tháng 5 năm 1961, sau khi thỏa thuận với NXB Quần Chúng, Phổ Nghi đã bắt tay viết lại cuốn sách. Đến tháng 6/1962, thì bản thảo lần đầu hoàn thành, được giao cho các chuyên gia và cơ quan chức năng thẩm định.

“Bản thảo lần thứ hai”: Theo ý kiến tu sửa của các chuyên gia, Phổ Nghi và biên tập viên Lý Văn Đạt đã tiến hành tu chỉnh lại bản thảo lần đầu, đến tháng 10/1962 thì in thành Bản chữ to.

Chính thức xuất bản lần đầu: Năm 1963, sau khi tổng hợp ý kiến các phía liên quan, Lý Văn Đạt tiến hành tu chỉnh, sửa chữa lại bản thảo lần hai, đến tháng 11/1963, sau thêm nhiều lần góp ý sửa chữa, bản thảo được thông qua và đến tháng 3/1964 thì “Nửa đời trước của tôi” được chính thức xuất bản.

Một số nét chính trong tiểu sử Phổ Nghi:

Sinh năm 1905, tháng 11/1908, Phổ Nghi được đặt lên ngôi Hoàng đế nhà Thanh, lấy niên hiệu là Tuyên Thống.

Năm 1912, Dân quốc thành lập, Phổ Nghi bị buộc thoái vị nhưng theo điều kiện ưu đãi thì không phải bỏ đế hiệu, vẫn được ở trong cung cấm.

Ngày 1/7/1917, Phổ Nghi nghe theo lời Trương Huân tuyên bố phục hồi đế chế, khôi phục niên hiệu Tuyên Thống, nhưng chỉ trở lại làm vua được 12 ngày rồi lại phải thoái vị do Trương Huân thất bại.

Năm 1924, Phùng Ngọc Tường gây chính biến ở Bắc Kinh. Phổ Nghi bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành, sau khi lang thang ở một số nơi, Phổ Nghi chạy vào Công sứ quán Nhật.

Tháng 2/1925, người Nhật bí mật đưa Phổ Nghi tới tô giới Nhật ở Thiên Tân để ông ta khôi phục hoạt động. Năm 1931, quân Nhật đưa ông trốn lên Đông Bắc. Tháng 3/1932, ông trở thành người đứng đầu “Mãn Châu quốc”, tháng 3/1934 đổi thành Hoàng đế “Mãn Châu quốc”, cải hiệu thành Khang Đức.

Sau khi Nhật đầu hàng, ngày 17/8/1945, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ trên đường chạy trốn sang Nhật, bị đưa về giam 5 năm trong trại tù binh ở Siberia.

Tháng 8/1950, Phổ Nghi và các tội phạm chiến tranh “Mãn Châu quốc” khác được phía Liên Xô trao cho Trung Quốc, đến tháng 12/1959 thì được tòa án tối cao tuyên bố đặc xá.

Sau khi ra tù, Phổ Nghi được bổ nhiệm làm Ủy viên Ủy ban Văn sử, Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn Trung Quốc (Chính Hiệp); năm 1964 là Ủy viên Chính Hiệp. Ông qua đời ngày 17/10/1967 tại Bắc Kinh vì bệnh.

 Thu Thủy 
 Theo Da Kung Pao

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.