Chèo thuyền đi học… trên núi

Chèo thuyền đi học… trên núi
TP - Là xã miền núi, nhưng nhiều năm qua, gần 100 học sinh của trường THCS xã Xuân Thái, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) hàng ngày phải đến trường trên những chiếc thuyền nan mỏng manh, không có phao cứu sinh.
Chèo thuyền đi học… trên núi ảnh 1
Mong thủy thần không làm tắt nụ cười

Nhọc nhằn đường đến trường

Sau cơn mưa phùn dai dẳng, con đường đất đỏ, độc đạo từ trung tâm huyện miền núi Như Thanh vào xã Xuân Thái dài gần 20 km trở nên vô cùng khó đi.

Đánh vật hơn 3 tiếng đồng hồ, qua 3 khe nước chúng tôi mới vào đến trường THCS Xuân Thái. Đúng lúc vào giờ đến trường học buổi chiều. Từ một “bến đỗ” cạnh trung tâm xã Xuân Thái, chúng tôi “nhắm mắt làm liều” xin sang trường trên chiếc thuyền nan nhỏ của các em học sinh.

Những tay chèo thuyền “nhí” sống ở miền núi thành thục chèo lái thuyền ngược sóng nước. Thỉnh thoảng, em Lương Thị Dung (học sinh lớp 8B) ngừng mái chèo, lấy vạt áo trước ngực lau mồ hôi, hổn hển: “Hôm nay ngược gió nên chèo thuyền đi chậm quá!”.

Tôi gật đầu, không nói chuyện vì sợ các em mất tập trung chèo thuyền, nhỡ may xảy ra chuyện xấu. Gió thổi, chiếc thuyền cứ chao đảo như thử sức chèo của các em.

Đi được một mé nước, hàng chục chiếc thuyền tản mát từ các hướng tập trung về “bến đỗ” trước cổng trường. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã vượt qua khoảng 2 km trên hồ Sông Mực. Dung nói: “So với các bạn thì chặng đường em phải đi học bằng thuyền là ngắn nhất”.

Nhìn khuôn mặt đen sạm, dè dặt của em Lương Thị Nguyệt (dân tộc Thái, học sinh lớp 8B) ở bản Ao Ràng - một trong những học sinh có 5 năm liên tục gắn bó với chiếc thuyền đến trường, tôi thật cảm phục lòng ham học của em.

Nguyệt tâm sự: “Hôm nào cũng vậy, em phải đi học từ lúc tờ mờ sáng cùng hai bạn nữa trên chiếc thuyền nan này. Chúng em thay nhau chèo lái. Nhà còn có 2 em là Lương Thị Nga (lớp 7B) và Lương Thị Kiều (lớp 5A) cũng đi học bằng thuyền vào buổi chiều. Nhiều hôm thời tiết xấu, đang chèo thuyền giữa hồ, gặp mưa giông, chúng em đành phải tấp vào bờ trú ẩn, nên bị muộn học”.

Sau vài phút, hàng chục chiếc thuyền nan nhỏ được úp xuống thứ tự ven bờ trước cổng trường THCS Xuân Thái.

Những chiếc thuyền nan này do tự tay các ông bố, bà mẹ kiếm vật liệu trên rừng về đan cho các con đi học. Phụ huynh của em Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Chúng tôi đan thuyền cho các con đến trường theo kinh nghiệm thôi, chứ không biết phải làm thế nào cho đúng tiêu chuẩn. Cứ vài ba năm thì phải làm lại thuyền một lần”. Bố mẹ các em đều lo lắng, nhưng vì nuôi cái chữ đành phải vất vả, thậm chí mạo hiểm như vậy.

Xuân Thái là xã miền núi nghèo, phần lớn diện tích rừng thuộc quản lý của Vườn quốc gia Bến En. Toàn xã có 3.618 nhân khẩu (716 hộ). Hiện 72 ha  lúa nước của xã bị thu hẹp khi mực nước hồ Sông Mực dâng lên.

Toàn xã có 5/12 bản thiếu đất sản xuất. Nguồn sống chủ yếu của người dân nơi này là trồng cây keo, kiếm măng, kiếm củi trên rừng bán lấy tiền đong gạo. Một số hộ thì đánh bắt cá ven hồ để sinh sống. Học sinh trường THCS Xuân Thái ở khu vực xa nhất cách trường khoảng 15 km, phần lớn tập trung ven hồ Sông Mực.

Vào mùa khô, hàng chục học sinh phải đi học bằng thuyền nan. Có em vừa phải đi bộ đường rừng, vừa phải đi thuyền mới đến được lớp học. Mùa mưa bão, nước hồ dâng lên làm ngập đường giao thông liên bản, nên số học sinh đi học bằng thuyền tăng lên.

Hiện nay, huyện Như Thanh đang được đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện Sông Mực ở bến Mẫy, nên phải chặn hệ thống cửa xả của hồ, làm nước dâng cao. Mực nước của hồ hiện đang ở mức cốt 33, mà theo thiết kế công trình này là mực nước phải nâng lên mức cốt 37.

Đây là nguyên nhân khiến mực nước dâng lên, làm ngập diện tích trồng lúa và nhà của người dân. Trong năm 2006, hàng chục hộ gia đình ở Xuân Thái bị ngập nước phải bỏ nhà tự di chuyển lên vùng cao hơn. Vì vậy, đường đến trường học chữ của các em học sinh nơi đây đã và đang gặp muôn vàn khó khăn.

Còn đó những nỗi lo

Ông Đinh Văn Nhất, Hiệu trưởng trường THCS Xuân Thái cho biết: “Trường tôi có gần 100 học sinh ở các bản: Đồng Lườn, Bái Đình, Ba Bái, Đầm Lau, Làng Lúng... thường xuyên đi học bằng thuyền. Mùa mưa bão, hàng chục học sinh ở các bản: Làng Mó, Làng Quảng phải nghỉ học cả tuần, bởi vì hai khe nước lớn cắt đôi đường đến lớp, không thể đi bộ qua được.

Khó khăn về kinh tế và đường giao thông là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh phải bỏ học.

Em Nguyễn Tiến Minh (lớp 6B), ở bản Đồng Lườn bộc bạch: “Nhiều hôm vừa tan học, trời đổ mưa lớn, chúng em không thể chèo thuyền về, đành phải đợi cho mưa nhỏ mới trở về nhà khi trời đã tối. Ngồi trên thuyền, người thì chèo, người thì dùng tay tát nước mưa để thuyền khỏi chìm...".

Còn em Nguyễn Thị Tuyết (lớp 8A), cho biết: “Do đi học bằng thuyền, nên hôm nào ở lại học buổi chiều thì các em mang theo cơm trưa luôn. Những bạn ở xa trường khoảng 15 km đường rừng, nên đi tắt bằng thuyền thì giảm được gần 7km. Mùa đông lạnh giá, đi học bằng thuyền thật vất vả trăm bề”.

Ông Chu Đình Toán, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái lo lắng: “Mực nước sâu nhất ở khu vực hồ các em thường xuyên đi học qua đến hơn chục mét. Do địa phương không có kinh phí trang bị phao cứu sinh, nên chúng tôi chỉ biết cùng nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn các em phải cẩn thận khi chèo thuyền qua hồ. Nhưng những tai nạn rủi ro, bất cẩn khi các em chèo thuyền có thể xảy ra mà không lường trước được”.

Trường THCS Xuân Thái vừa nhận được thông tin UBND huyện Như Thanh đang có kế hoạch xây dựng một khu bán trú cho các em học sinh không phải chèo thuyền đến lớp.

Tuy nhiên, theo ông Nhất thì dự án này vẫn còn nằm trên... giấy, không biết đến bao giờ mới khởi công xây dựng. Và rồi hàng ngày các ông bố, bà mẹ của gần 100 học sinh nơi đây lên đồi trồng ngô, sắn vẫn canh cánh nỗi lo khi con em của họ đang đến trường trên những chiếc thuyền nan mỏng manh, không một chiếc phao cứu sinh.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.