'Phù thủy' âm thanh

Trong phòng thu là những lúc nghệ sĩ Mạnh Kiên thăng hoa cùng... “đồng nát”. Ảnh: Nhã Khanh
Trong phòng thu là những lúc nghệ sĩ Mạnh Kiên thăng hoa cùng... “đồng nát”. Ảnh: Nhã Khanh
TP - Trong căn phòng 20m vuông lổn nhổn đồ đạc, người đàn ông ngồi giữa nhà. Ông bắt đầu cầm một cành cây múa may, miết miết 2 cái dao cùn vào nhau, rồi dẫm chân liên hồi. Đang cúi xuống hôn hít, liếm láp bàn tay chợt quay lên vả vào đùi đôm đốp và đập vỡ những món đồ xung quanh... Người đàn ông này có “vấn đề”? Không, ông chỉ đang sáng tạo. Ông là nghệ sĩ tiếng động Mạnh Kiên.

“Chơi” với đồng nát

Bới đống “đồng nát”, ông lôi lên đôi dép cũ bằng da của Pháp, đã rách nát há mõm, nhưng ông vẫn giữ vì “da nó đẹp lắm, tạo tiếng bước chân rất đầm”. Đôi dép đó theo ông đã 47 năm, từ những ngày ông bắt đầu gắn bó với cái nghề đặc biệt này.

Rồi ông hỉ hả khoe với tôi cái vali to hú hụ đồ nghề mà ông tích cóp gần 50 năm qua. Rặt những chổi cùn rế rách, điện thoại hỏng, dép đứt quai, tiền giả, bát đĩa mẻ... Một khối “tài sản” mà bất cứ tên trộm nào cũng phải... khóc thét nếu vớ phải. Thế nhưng, vào tay Mạnh Kiên, nó lại trở thành một “cuộc chơi” sáng tạo không giới hạn. Đó là tiếng chổi quét sân, tiếng gõ cửa, tiếng cót két cầu thang, tiếng ngựa phi nước đại, tiếng nổ bom đạn chiến tranh... Cả những âm thanh nhỏ, đặc thù như tiếng mở ví, tiếng rút thẻ, tiếng sột soạt của quần áo chạm vào cũng được ông thể hiện một cách tinh tế.

Tôi hỏi sao không dùng kho âm thanh có sẵn cho đỡ vất vả, Mạnh Kiên cười bảo: “Hollywood và các nước có nền điện ảnh phát triển thì người ta vẫn làm thế này cô ơi! Kể cả thu thanh đồng bộ thì cũng chỉ thu được tiếng thoại của nhân vật, những âm thanh như tiếng bước chân hoặc tiếng động khi quay toàn cảnh thì mic sẽ không bắt được hết tiếng. Bởi vậy, dù hiện đại đến mấy cũng không thể bỏ qua khâu làm âm thanh tiếng động”.

Mạnh Kiên lại xòe ra cho tôi xem một bản ghi chép dài dằng dặc. “Bản sớ” này là tất cả những cảnh quay cần lồng tiếng được ông đánh dấu chi tiết, rõ ràng. Công việc của những người làm âm thanh tiếng động trong phim như ông luôn thầm lặng và đơn độc. Sau khi phim hoàn tất, ông sẽ phải xem đi xem lại hàng chục lần, ghi chép những cảnh quay cần lồng tiếng và chuẩn bị những vật dụng cần thiết. Lần nào vào phòng thu cũng vali, túi xách lỉnh kỉnh. Ở đó, mình ông với căn phòng, đống đạo cụ thân thiết và thế giới của âm thanh. Một bộ phim 100 phút thường ông sẽ mất 2 ngày 2 đêm miệt mài trong phòng thu mới làm xong.

Người làm tiếng động được ví như người chơi nhạc, tạo nên âm điệu trầm bổng cho bộ phim. Thậm chí nghệ sĩ tiếng động còn “khủng” hơn nhạc sĩ khi vừa tự chế ra “đàn” vừa “chơi nhạc”.

Cùng là tiếng bước chân nhưng người béo đi khác người gầy. Đi trên mặt đường bê tông khác đi trên đường đất. Tiếng vó ngựa của binh lính khác tiếng vó ngựa của tướng quân. Có khi lồng được 20s hình ảnh bước chân, nghệ sĩ Mạnh Kiên phải thay đến 5 đôi giày khác nhau. Hay như để quay cảnh một đơn vị công an luyện côn nhị khúc, ông phải lấy gậy tự đập vào người mình. Phim nào có nhiều cảnh đập vỡ thủy tinh, ông lại biết ý nhét thêm vào vali cuộn bông băng, thuốc đỏ để tự sơ cứu khi bị chảy máu, đứt tay.

Gần 50 năm qua, cái “kho báu” của ông vẫn cứ ngày một đầy lên, vì như đã thành thói quen, đi đâu Mạnh Kiên cũng quan sát, nhặt nhạnh những món đồ hữu ích. Ông khoe, sướng nhất là dù đã nghỉ hưu nhưng Hãng phim truyện Việt Nam vẫn ưu ái dành riêng cho Mạnh Kiên mấy cái nhà kho để ông thoải mái trữ... “rác”.

“Chạnh lòng lắm chứ!”

15 tuổi bén duyên với cái nghề ít người chọn, Mạnh Kiên là 1 trong 3 người sáng lập ra Bộ phận tiếng động nhân tạo đầu tiên của Việt Nam (cùng với Minh Tâm và Ngô Nam).

Thầm lặng sau màn hình nhưng Mạnh Kiên cũng giống như diễn viên, đôi khi phải tự cấu véo, tự tát vào mình, cũng phải còng lưng gánh gạch đá, nhảy xuống hố đào hang hay nhảy xuống bể nước lạnh... để tạo nên âm thanh như mong muốn. 

Trong phim “Mê thảo thời vang bóng” (đạo diễn Việt Linh) có cảnh cận người đàn ông làm tình với bức tượng gỗ trên sập lim. Hoàn toàn là tiếng thở, tiếng da thịt cọ vào gỗ. Phải làm thế nào để vừa lột tả chân thực nhưng vẫn tinh tế, không bị thô thiển. Cả ê-kip lo lắng sợ Mạnh Kiên sẽ “bí”. Ông nghĩ một lát rồi quây vải kín mít và độc diễn bên trong. Không ai biết ông đã làm gì nhưng sau đó, bộ phim đạt giải Bông Hồng Vàng tại Liên hoan phim ở Ý năm 2003, và phân cảnh nhạy cảm nhất đã nhận được đánh giá rất cao từ ban giám khảo. Sau này, Mạnh Kiên mới tiết lộ, lúc đó ông đã lột hết quần áo, chỉ mặc độc chiếc quần đùi, tự bôi nước lên người và... lăn khúc gỗ lên khắp cơ thể. 

Ông bảo, làm tiếng động trong phim, “khoai” nhất là phim chiến tranh. “Có lần làm phim về chiến dịch Điện Biên Phủ, đến cảnh quân ta đào hầm dưới đất còn giặc Pháp đứng ở trên lắng nghe. Phải tạo ra âm thanh sao cho lúc nghe rõ lúc lại thoang thoảng, vừa thực lại vừa ảo. Tôi đã đào một cái hố rộng, bốc hết đất rồi mua 8 bao tải đất thịt, trộn với cát, đổ vào, rồi nhảy xuống đào hùng hục, để ra cho được tiếng âm trong lòng đất”- Mạnh Kiên cười nhớ lại.

Trong phim “Mùi cỏ cháy”, để tạo nên âm thanh quả bom B52 nổ dưới sông, ông phải sử dụng bể nước to 3 khối rồi úp ngược cái chậu và đập mạnh xuống nước. Hoặc để dựng tiếng bom nổ trên mặt đất thì căng mạnh tấm vải trước mic, âm thanh thu được cũng khá hiệu quả.

Cái nghề tưởng là đơn giản nhưng có làm mới biết khó, bởi sự sáng tạo không có giới hạn. Ông vẫn thường dặn học trò đừng bao giờ nói “không” với đạo diễn, âm thanh nào, khó mấy cũng phải tìm tòi ra. “Khi làm tiếng động, người nghệ sĩ luôn phải đặt mình vào cảm xúc của nhân vật và tiết tấu của phim. Cái nghề này chẳng ai dạy, chẳng có giáo trình, chủ yếu truyền nghề và tự rèn luyện để tích cóp kinh nghiệm. Thế nên, muốn theo nghề phải kiên nhẫn, chịu khó”- Ông Kiên chia sẻ.

Trong suốt buổi nói chuyện, thỉnh thoảng, ông dừng lại ôm bụng. Cách đây 5 năm, Mạnh Kiên đã phải cắt đi 4/5 dạ dày và hiện tại, vết đau đang tái lại. “Người ta đang nghi tôi bị ung thư. Cuộc sống bây giờ cũng ngắn ngủi lắm! Thời gian qua chứng kiến nhiều đồng nghiệp ra đi, điều làm tôi trăn trở nhất lúc này là tìm được người kế nghiệp, để tôi yên tâm giao lại cái vali đồ nghề này”- Nghệ sĩ già trầm lắng.

Hiện, ông vẫn đang hướng dẫn, dìu dắt một vài người. Nhiều người đến nhưng chỉ một thời gian sau đã phải bỏ cuộc. Thu nhập của người làm âm thanh tiếng động thuộc hàng thấp nhất trong đoàn làm phim. Có phim chỉ nhận được mấy trăm nghìn catxe.

Ông bảo, cũng chạnh lòng lắm, tiếng động là một phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm điện ảnh nhưng tại các giải thưởng, các lễ vinh danh, lĩnh vực này chưa bao giờ được xướng tên. Công việc vất vả, đòi hỏi sự tập trung chính xác và cả nhạy cảm, tinh tế cao độ nhưng chưa được coi trọng. Ông và đồng nghiệp của mình, dù đã dành trọn cuộc đời cống hiến vẫn chưa bao giờ được xét tặng bất kỳ danh hiệu nào.

Cống hiến trọn đời cho nghệ thuật dù chưa bao giờ được nhìn nhận, nhưng người nghệ sĩ vẫn nặng lòng: “Mấy năm nay thấy mệt lắm rồi, sức khỏe không còn như trước. Nhiều lần muốn nghỉ lắm nhưng thôi lại cố, đôi khi nghĩ không làm thì không biết có ai sẽ làm...!”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.