“Phù thủy” hóa giải cơn đau

BS Bùi Văn Giang (thứ 2 phải sang) trao đổi với đồng nghiệp.
BS Bùi Văn Giang (thứ 2 phải sang) trao đổi với đồng nghiệp.
TP - Lặng thầm và tận hiến, họ đã làm nên bao điều kì diệu. Nụ cười lạc quan, ánh mắt tin yêu của những người bệnh là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời họ. Chắt chiu mọi cơ hội để tự tin khẳng định những thành công. Tôi muốn nói về một người trong số họ.

Lá thư đặc biệt

“Hôm nay tôi đến thăm mẹ tôi. Bà rất vui, lúc nào cũng thường trực nụ cười trên môi. Bà chỉ cho tôi thấy bây giờ bà đã có thể tự mình dậy được mà không cần ai giúp đỡ. Bà vui như một đứa trẻ biết đi những bước đi đầu tiên vậy. Chúng tôi đã phải kiềm chế niềm vui đó của bà và nói bà hết sức thận trọng, như lời bác sĩ đã dặn (không được ngồi dậy sớm- PV).

Quả thực trước đó tôi hoàn toàn không trông đợi vào sự thay đổi tích cực nhanh chóng và triệt để như vậy. Tôi nghĩ rằng đó là may mắn lớn mà ông đã đem lại. Tôi không biết liệu chúng ta có thể làm điều đó ở Pháp được không. Dù sao một lần nữa cũng rất cảm ơn ông từ đáy lòng…”.

Lá thư viết bằng tiếng Pháp với những dòng chữ ngắn gọn nhưng chất chứa niềm vui, lòng biết ơn khiến người nhận thư không khỏi bồi hồi xúc động. Ai là người đã may mắn nhận được lá thư tri ân chan chứa tình cảm đó? Người ấy đã làm gì để khiến họ trở nên hồn nhiên và yêu tha thiết cuộc sống đến vậy? Điều kỳ diệu nào đã đến với gia đình người phụ nữ mang lại niềm hạnh phúc vô biên nhường ấy?

“Phù thủy” hóa giải cơn đau ảnh 1

BS Giang chụp ảnh kỷ niệm với BN Lợi và con trai của bà sau ca can thiệp.

Người tận tâm

Anh có đôi mắt sáng, nụ cười hiền và cách nói chuyện cuốn hút. Những chia sẻ của anh về nghề khúc chiết, mạch lạc, nhưng khi được hỏi về những thành công mà nhiều đồng nghiệp hay nhắc tới anh lại trở nên suy tư. Với anh, thất bại mới là điều đáng nói và đáng nhớ trong hơn 20 năm làm nghề, khiến anh phải dày công suy nghĩ và tìm cách khắc phục.

Nỗ lực học, đam mê công việc, anh tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội rồi học tiếp bác sĩ nội trú chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh (ĐH Y Hà Nội) và thực hành tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, BV Bạch Mai. Tiếp đó, anh 2 lần nhận được học bổng của Chính phủ Pháp trong thời gian 2 năm (1997-1998 và 2001-2002) dành cho bác sĩ nội trú. 

Anh tâm sự: “Thời gian học ở Pháp rất có ý nghĩa trong việc mở rộng tầm nhìn và thực hành trên người bệnh”. Anh là bác sĩ, TS. Bùi Văn Giang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh (Trường ĐH Y).

Tôi lần giở những bức ảnh chụp người phụ nữ Việt kiều Pháp có mái tóc bạc trắng nằm trên cáng khi xuống sân bay Nội Bài đến những tấm hình khi bác sĩ Giang chuẩn bị thực hiện thủ thuật cho bà. Gương mặt trong ảnh toát lên vẻ đau đớn và mệt mỏi. 

Tôi khựng lại nơi tấm ảnh cuối cùng chụp bà ngồi giữa bác sĩ Giang và con trai bà, Minh Đức-người đã viết thư cho anh. Không ai khác, chính bác sĩ Giang đã mang lại nụ cười mãn nguyện đó khi giải cứu bà khỏi những nỗi đau tưởng chừng không lối thoát.

Bà Lợi bị xẹp thân đốt sống sau một tai nạn, không thể ngồi dậy được. Bên Pháp, các bác sĩ chỉ cho uống thuốc giảm đau nên bệnh tình không đỡ. TS Bùi Văn Giang được mời đến cùng hội chẩn với các bác sĩ BV Hữu Nghị Việt –Xô. Bác sĩ Giang quyết định dùng kỹ thuật Bơm xi măng tạo hình đốt sống. 

Bệnh nhân nằm trên máy chụp mạch, bác sĩ cắm kim vào đốt sống và từ từ bơm xi măng dạng keo vào. Sau 15 phút xi măng đông cứng khiến cột sống vững chãi trở lại, bệnh nhân có thể ngồi dậy ngay mà không còn đau đớn. Nhớ lại phút giây đó, bà Lợi cười giòn tan bảo: “Tôi như được sinh ra lần thứ 2”.

Bệnh nhân Chu Minh Tuấn chia sẻ: “Đã 3 năm rồi ăn với tôi chỉ để duy trì sự sống, vì những cơn đau như dội nước sôi vào miệng làm cho tôi kinh sợ đến cái điều tối thiểu nhất là uống nước. 

Tôi đi tìm mua một khẩu súng ngắn với 2 viên đạn, nhất định là hai viên để khi bóp cò vào miệng nếu đạn hỏng thì còn viên nữa. Nhưng không ai chịu bán súng cho tôi và họ bảo tôi bị điên”. Thế rồi run rủi sao Tuấn gặp được bác sĩ Giang và cơn đau được hóa giải.

“Phù thủy” hóa giải cơn đau ảnh 2

BS Giang thực hiện can thiệp cho bệnh nhân.

Với cây kim là trợ thủ đắc lực, bác sĩ Giang đã điều trị giảm đau cho hàng chục bệnh nhân ung thư bằng phương pháp diệt hạch thân tạng, đồng thời thực hiện kỹ thuật tiêm thẩm phân dây thần kinh Arnold điều trị cho những bệnh nhân bị đau nửa đầu và hàng loạt bệnh nhân bị đau dây thần kinh số 5. 

Anh chia sẻ: “Khó khăn nhất khi thực hiện thủ thuật là phải kiểm soát đầu kim. Kim phải vào đúng vị trí hạch cần diệt không sai một milimet nào. Ngoài ra khi chọc kim phải tránh tối đa tổn thương các tạng xung quanh.

Đây là kỹ thuật được thực hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm nay nhưng số bác sĩ thực hiện thành thạo rất ít. Tôi may mắn được GS Nguyễn Thường Xuân và GS Bruno Kastler người Pháp truyền dạy những kỹ thuật này”.

Khi nút mạch hoặc thực hiện thủ thuật bằng cây kim, anh giống như một nghệ sĩ xiếc, một tay đua địa hình mạo hiểm nhưng cẩn trọng và chính xác tuyệt đối trong từng động tác. Nhiều lần trong các cuộc đua ấy anh đã giành Cúp vàng khi khắc chế thành công những cơn đau của người bệnh. Nhờ anh, nhiều người suýt tự sát vì quá đớn đau, đã may mắn hồi sinh.

“Phù thủy” hóa giải cơn đau ảnh 3

BS Giang và GS Ber Bruno Kastler.

Trăn trở

Có thể sẽ không có một bác sĩ Bùi Văn Giang giỏi nghề và tận tâm với bệnh nhân nếu không có những lần cậu bé ấy theo chân mẹ đến nơi làm việc ở BV Phụ sản T.Ư gần 40 năm về trước. Hình ảnh những bác sĩ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng ân cần bên bệnh nhân ăn sâu vào tiềm thức Giang. Rồi những lần ốm đau liên miên khiến cậu bé ôm mộng lớn lên trở thành bác sĩ.

Từ Pháp trở về nước, Giang làm tại khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV Bạch Mai). Gắn bó với nơi này 11 năm, đội ngũ giáo sư, bác sĩ rất mạnh nhưng anh quyết định xin lãnh đạo cho chuyển sang làm việc tại BV Saint Paul.

Đề nghị của Giang lúc đó thực sự gây sốc cho các thầy đã dạy và đang cùng công tác với anh. GS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai từng chia sẻ, việc Giang xin chuyển viện khiến ông thấy bất ngờ vì Bạch Mai là BV hạng đặc biệt, nơi làm việc đáng mơ ước của bất kỳ bác sĩ trẻ nào. Giang nhớ lại: “Lúc đó tôi có nói với thầy rằng “phân ly để xã hội phát triển”. Rất vui vì thầy hiểu và tạo điều kiện cho tôi chuyển đổi công tác”.

Trở đi trở lại trong câu chuyện với tôi, anh luôn đau đáu và trăn trở về công tác đào tạo thế hệ trẻ. Quyết định chuyển công tác về BV Saint Paul, một BV tuyến dưới, nhân lực và trang thiết bị y tế lúc bấy giờ còn hạn chế nhưng Giang không nản lòng. 

Thâm tâm anh luôn nghĩ, những bác sĩ có chuyên môn tốt cần được chia về cho các cơ sở y tế tuyến dưới để gây dựng và phát triển lớn mạnh thêm, dành cơ hội tại những BV lớn cho các bác sĩ trẻ để họ nâng cao tay nghề. 

Chính tấm lòng đó khiến hình ảnh thầy giáo Bùi Văn Giang trong mắt sinh viên các khóa của trường Đại học Y lúc nào cũng đẹp và đáng trân trọng.

Vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng những gì anh trăn trở cho thấy ở con người này âm thầm chảy không thôi khát khao thay đổi, sáng tạo. Tôi chợt hiểu vì sao bác sĩ Giang cần mẫn với cây kim và đi theo tiếng gọi từ những cơn đau. 

Có những người sinh ra gắn liền với định mệnh nghề nghiệp. Mà khi đã như thế, họ sẵn sàng xả thân vì đam mê và tình yêu nghề, sẵn sàng đánh đổi tất cả để dệt ước mơ tận hiến… 

Những bệnh nhân bị đau đớn triền miên, với họ không phải sống mà là tồn tại. Nhiều người trong số đó được người mệnh danh là “Bàn tay Vàng” giải thoát khỏi những ám ảnh khủng khiếp. TS Bùi Văn Giang được biết đến với đôi bàn tay khéo léo trong việc thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, rất khó như nút mạch; giảm đau, đặc biệt là giảm đau cột sống và giảm đau trong điều trị ung thư.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.