QH sẽ có cơ quan giám sát việc phát hiện, xử lý tham nhũng

QH sẽ có cơ quan giám sát việc phát hiện, xử lý tham nhũng
Phiên họp chiều nay ( 3/5), UBTV Quốc hội đề nghị thành lập UB Tư pháp có nhiệm vụ giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, góp phần quan trọng trong việc đưa Luật phòng, chống tham nhũng vào cuộc sống.
QH sẽ có cơ quan giám sát việc phát hiện, xử lý tham nhũng ảnh 1

Khi Luật phòng, chống tham nhũng vào cuộc sống người dân và công luận sẽ có thêm một vũ khí sắc bén trong "cuộc chiến" cam go này. Trong ảnh : Các phóng viên đưa tin về vụ nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến bị bắt tại nhà riêng vì liên quan tới vụ tiêu cực PMU18. Ảnh : TPO

Chiều nay, UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, trong đó thành lập thêm 4 uỷ ban mới được tách ra từ Uỷ ban pháp luật và Uỷ ban kinh tế và ngân sách.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thành lập mới Ủy ban pháp luật và Ủy ban tư pháp trên tinh thần phân định lại nhiệm vụ của Ủy ban pháp luật hiện nay và bổ sung theo tinh thần của Nghị quyết 08, 48, 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Vũ Đức Khiển cho rằng: Thực tế hoạt động vừa qua cho thấy, khối lượng công việc mà Ủy ban pháp luật phải đảm nhiệm rất lớn do lĩnh vực hoạt động rộng.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, giám sát hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách, Ủy ban pháp luật còn có nhiệm vụ đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong khi đó lĩnh vực giám sát, nhất là giám sát hoạt động tư pháp có khối lượng công việc ngày càng tăng, phức tạp đòi hỏi phải có sự giám sát hiệu quả hơn.

Đặc biệt đối với Luật phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đã giao thêm cho Ủy ban này nhiệm vụ giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Do vậy, công việc của Ủy ban pháp luật đang trong tình trạng "quá tải".

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhằm tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nên việc thành lập mới Ủy ban tư pháp là cần thiết.

Ủy ban tư pháp sẽ thực hiện việc thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án và về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp. Ủy ban này tập trung đảm nhiệm việc giám sát hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án bao gồm cả nhiệm vụ giám sát việc thực hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua.

Trong thảo luận cũng có ý kiến đề nghị thành lập mới Ủy ban giám sát tư pháp (hoặc Ủy ban giám sát tư pháp và phòng, chống tham nhũng) để giám sát các hoạt động liên quan đến quá trình điều ra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Giám sát việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng nhằm tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan tư pháp, phục vụ thiết thực cho công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đã xác định cần được đẩy mạnh và tiến hành kiên quyết hơn nữa. Tuy nhiên, phương án này đã có ý kiến cho rằng có nhược điểm là tách rời giữa công tác giám sát với việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

TTXVN

MỚI - NÓNG