Quá tải bệnh nhi viêm phổi

Quá tải bệnh nhi viêm phổi
Chưa bao giờ bệnh viện các tuyến lại tăng mạnh nhóm bệnh nhi viêm đường hô hấp như mấy tháng gần đây. Tuy nhiên, nguyên nhân quá tải ở tuyến dưới và tuyến trên dường như không phải là một.

Các bệnh viện đa khoa một số tỉnh lân cận Hà Nội hầu hết đều quá tải. Các bệnh nhi gần như giống nhau, viêm phổi, và hầu như ai cũng đổ lỗi cho thời tiết “giở chứng”.

Chiều ngày 13/4/2005, có mặt tại Khoa Nhi BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình, không khí dường như ngột ngạt hơn với những chiếc giường sắt mỏng đang gánh 2 trẻ nhỏ và 2 người lớn.

BS Nguyễn Thị Thanh Hải, trưởng kíp trực, cho biết cả khoa chỉ có 23 giường, cộng 2 giường sơ sinh nữa là 25. Nhưng 45 bệnh nhi đang nằm trên từng ấy giường, chưa kể cha mẹ chúng.

“Hầu hết các em bị viêm phổi.”, BS Hải cho biết. “Đa số có các triệu chứng ho, sốt cao. Một số trường hợp kèm phát ban, đầy hơi chướng bụng, rối loạn tiêu hoá”. Rất nhiều em viêm phổi nặng, có biểu hiện co thắt, khó thở. Chụp phim cho thấy, phổi có nhiều tổn thương gian ẩm, gian rít. “Năm nào cứ đến thời điểm này, bệnh nhi nhập viện rất đông. Điều trị phải 7 - 10 ngày mới khỏi”, BS Hải nói tiếp.

Khoa Nhi BV Đa khoa tỉnh Hà Tây cũng vậy. Cả khoa 50 giường cáng đáng 55 - 70 bệnh nhi và chủ yếu là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới. BS Tạ Mạnh Hùng nói, “Nguy cơ dịch nhiễm khuẩn đường hô hấp trẻ em năm nay rất lớn”.

Tuyến dưới quá tải, tuyến trên cũng vậy. Tại BV Nhi Trung ương, từ đầu năm cho đến 19/4/2005, hầu như ngày nào cũng có 140 - 150 bệnh nhi viêm phổi điều trị nội trú, thậm chí 160 - 170, trong khi chỉ có 50 giường. “Ngày nào cũng có thêm 20 - 30 bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi”, BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV nói, “Có hôm có giường phải để cho bốn cháu nằm”.

Tại thời tiết hay tại phụ huynh?

Khi được hỏi nguyên nhân, phần lớn các bác sỹ và phụ huynh đều cho rằng tại sự thay đổi của thời tiết. “Năm nào vào thời điểm chuyển mùa, nắng mưa thất thường từ tháng 3 - 4 và từ tháng 9 - 10, mọi người, nhất là trẻ em, đều dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp”, BS Hùng ở BV Hà Tây giải thích, “Có điều năm nay thời tiết có vẻ “khó tính” hơn”.

Nhưng BS Lộc ở BV Nhi Trung ương lại nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan của phụ huynh. “Gia đình chăm sóc không đúng cách khiến trẻ bị nặng thêm, dẫn đến viêm phổi, viêm phổi bội nhiễm”, BS Lộc nói.

Phác đồ điều trị cho trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp là kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giãn khí quản. Trường hợp trẻ có nhiều đờm thì truyền dịch long đờm. 

Thông thường, trẻ bị sổ mũi không được mấy ai quan tâm chữa trị kịp thời. Đến khi cơn viêm lan xuống họng, rồi xuống phổi, trẻ khò khè, bí đường thở, cả nhà lo cuống thì đã muộn. Trẻ em từ sau khi thôi bú mẹ, 6-12 tháng tuổi, gần như phải tự chống chọi với các tác nhân bệnh tật trong tình trạng hệ miễn dịch hầu như không chống đỡ được gì trừ một số loại vaccine tiêm phòng từ bé (tại Việt Nam hiện mới có 6 loại bệnh được tiêm phòng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng).

Chính vì thế, trẻ cực kỳ mẫn cảm với những tác nhân ngoại cảnh, nhất là thời tiết. Tăng số trẻ viêm đường hô hấp là một trong những chỉ số cho thấy sự lơ là của người lớn.

Quá tải tại... “băm sáu”?

Về nguyên nhân quá tải, ngoài mấy lý do “khách quan” nêu trên, nhiều người còn “đổ” cho Nghị định 36/2005/NĐ - CP ban hành trung tuần tháng 3/2005 về khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Kiên trì nhất với quan điểm này là BV Nhi Trung ương với một loạt dẫn chứng mà Tiền Phong phản ánh khá nhiều.

Quan chức ở một số cơ quan khác còn khẳng định hội chứng quá tải bệnh nhi tuyến trung ương cũng lan về tuyến cơ sở. tuy nhiên, các bác sĩ ở địa phương thì khẳng định: “Không hề có chuyện phụ huynh cho trẻ vào viện để hưởng miễn phí. Hầu hết các cháu điều trị ở đây đều bị viêm phổi rất nặng. Hơn nữa chúng tôi vẫn đang làm theo quy chế cũ, chỉ miễn cho những cháu đi đúng tuyến và đủ giấy tờ”. BS Hùng ở Hà Tây cho biết.

BS Hải ở Hoà Bình còn cam đoan quá tải không phải do tâm lý “thích nằm viện để được miễn phí” như tin đồn mà chẳng qua do dịch bệnh năm nay phức tạp hơn mọi năm.

BS Hà Trung Nghĩa, Phó Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình, cũng vậy, “Tâm lý của người Hòa Bình rất ngại đến BV. Bất đắc dĩ họ mới đưa con đến đây, kể cả không mất tiền. Không ai muốn cho con cái nằm viện cả. Thông tin như trên là hoàn toàn không có”.

Và trái với sự căng thẳng của các bác sỹ ở tuyến trung ương, BS Nghĩa lại lạc quan: “Đông thế này chứ đông nữa chúng tôi cũng phục vụ được. Cứ duy trì liên tục 45 - 50 bệnh nhi như hiện nay, tôi không có gì để lo lắng”.

Có những năm Khoa Nhi BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình không đạt chỉ tiêu khám chữa bệnh do “tuyến cơ sở làm tốt công tác tiêm chủng, cộng với sự khắt khe trong tiếp nhận bệnh nhân điều trị”. Năm 2003, mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận từ 10 - 13 bệnh nhi trên tổng số 20 giường.

Thừa giường bệnh, nghĩa là không đạt chi tiêu. Dẫn đến việc khả năng tăng bậc lương cho cán bộ công nhân viên là hết sức khó khăn. Từ năm 2004, do khâu tuyên truyền của BV được thực hiện tốt, dân hiểu chỉ cần đi đúng tuyến và có đủ giấy tờ theo yêu cầu là trẻ dưới 6 tuổi được KCB miễn phí.

Về việc chuyển bệnh nhi lên tuyến trên, BS Nghĩa bảo không phải do “sức hút” của Nghị định 36. “Hầu như tuần nào chúng tôi cũng phải chuyển 6 - 7 ca lên BV Nhi Trung ương nhưng đấy là do chúng tôi không đủ phương tiện, máy móc chữa trị. Cứ động đến mổ xẻ là chúng tôi bó tay."

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.