Diễn đàn Kiểm soát tài sản quan chức, cách nào?

Quan liêm thời nào cũng có

Quan liêm thời nào cũng có
TP - Trao đổi với Tiền Phong về hình ảnh quan liêm xưa và nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Cha ông ta thường nói, làm quan phải lo trước cái lo của dân, hưởng cái vui sau cái vui của dân”.

Ông Lê Như Tiến cho biết, dư luận rất bất bình về hiện tượng có những vị quan chức không có tài năng gì, thậm chí yếu kém, nhưng do giữ vị trí quan trọng, mà giàu nhanh bất minh; thậm chí họ kéo bè cánh để tiêu cực, nhũng nhiễu.

Hình ảnh một ông quan ngày xưa dám dâng sớ đòi chém nịnh thần, dám trả mũ từ quan, sống đời thanh bạch, hay một vị quan liêm chính, vô tư dường như chỉ còn thấy có trong sử sách?

Các cụ ta vẫn nói đến hình ảnh của vị quan thanh liêm – tức là quan sống thanh bần, liêm chính, liêm khiết, trong sạch. Những vị quan thanh liêm thì luôn sống trong lòng nhân dân. Bác Hồ cũng nói, muốn làm cán bộ tốt phải là người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Ý nghĩa câu nói của Bác ai cũng rõ rồi. Nhưng tại sao lời răn dạy của người xưa và của Bác Hồ để lại mà nhiều người không học tập được?

 Tất nhiên ngày nay chúng ta cũng có không ít quan thanh liêm. Chúng ta không nên xóa nhòa ranh giới, vơ đũa cả nắm. Phải nói rằng quan thanh liêm, người vì dân vì nước, hy sinh quyền lợi của mình ngày nay cũng rất nhiều. Các cụ đã dạy “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc”, tức là làm quan phải lo trước cái lo của dân, hưởng cái vui sau cái vui của dân. 

“Phải kiểm soát, kiểm tra, giám sát quyền lực, kiểm soát tài sản của cán bộ. Buông lỏng kiểm tra, giám sát, dễ dãi trong bổ nhiệm - đó vừa là nguyên nhân đưa đến cán bộ thoái hóa biến chất mà cũng là những vấn đề cơ bản nhất cần phải giải quyết” .

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến

Tôi tự hỏi, những người ấy, có phải đang ít dần đi trong dòng chảy hiện đại hôm nay. Tại sao ngày nay, chúng ta lại tạo ra một lớp cán bộ không làm được như vậy, nếu không nói là không ít người - mà Đảng ta chỉ rõ đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Bộ phận không nhỏ nghĩa là lớn. Cái lớn đó bên cạnh đại bộ phận cán bộ của chúng ta là tốt, cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Tức là cái xấu không còn cá biệt nữa, cho nên phải gọi đó là quốc nạn.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ biến chất mang tính thời sự, gây bức xúc dư luận. Ví như vụ Vinashin thời gian qua, vụ Dương Chí Dũng/Vinalines mới đây, hay dư luận về khối tài sản kếch xù của một vị quan chức vừa về nghỉ. Vì sao ít thấy hình ảnh về quan thanh liêm?

Quan liêm thời nào cũng có ảnh 1 Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến

Có những người phải nói là không có tài năng gì cả, nhưng vì lên được một vị trí nào đó, có chức quyền, thậm chí ở vị trí có thể chi phối được như chi phối kinh tế nắm giữ cơ chế “xin – cho”. Anh có thể chi phối, cho dự án, cho về mặt tài chính, cho về mặt đất đai và anh có thể cho được về mặt quyền lực, tức là anh đứng ở những vị trí mà anh có thể ban phát quyền lợi cho người khác được. 

Khi đó, anh sẽ cho ngân sách, cho đầu tư thông qua các dự án, có dự án lên tới triệu đô anh ký xoẹt cái là xong, hay anh ký cấp đất đai hàng chục, hàng trăm ha. Do những kẽ hở trong quản lý nhà nước, đã tạo điều kiện cho những người đó, khi có chức có quyền thì mặc sức quyết định, từ việc ban phát chức vụ cấp này lên chức kia cao hơn, thậm chí là chức cao hơn nữa để anh có thể lộng hành.

Đấy là những khâu còn khiếm khuyết trong công tác cán bộ, đề bạt bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Cái này chính là nguyên nhân rất quan trọng để xảy ra tình trạng hiện nay, cho nên rất khó tìm thấy hình ảnh của quan thanh liêm.

Kiểm soát quyền lực

Vậy theo ông để ngăn ngừa quan tham, làm trong sạch bộ máy cần phải quan tâm đến những vấn đề gì?

Hiện nay, chúng ta chưa có một cơ chế để kiểm soát quyền lực hiệu quả. Khi có quyền lực mà không bị kiểm soát bởi các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân dân, cử tri không kiểm soát được thì người có quyền dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền và thao túng quyền lực.

Khi mà chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực, còn “xin – cho” và còn bổ nhiệm cán bộ không căn cứ theo tài năng, đức độ, chỉ đưa người ta lên vị trí quyền lực bằng những thứ, những điều kiện là “tiền tệ/quan hệ/hậu duệ/đồ đệ, thậm chí ngoại lệ rồi cuối cùng mới đến trí tuệ”, sẽ không bao giờ có thể tìm được người vừa có tài vừa có đức.

Trong thực tế có nhiều vụ việc như Vinashin, Vinalines hay những vụ việc lũng đoạn tín dụng ngân hàng vừa qua cho thấy quyền lực đã bị thao túng, làm thất thoát, thiệt hại đến cả nghìn tỷ đồng của nhà nước. Nhiều vụ việc khác trong đó hàng trăm ha đất và rất nhiều tài sản khác bị chiếm đoạt làm thất thoát, lãng phí. Người ta có thể cho tặng, biếu nhau vài cái nhà, vài cái ô tô là bình thường, trong khi cán bộ công chức của ta tiết kiệm cả đời người cũng khó mà có được. Cho nên phải kiểm soát quyền lực.

Thứ hai là phải xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Vì đằng sau “xin - cho” là lợi ích qua lại “tôi cho anh cái này thì anh trả cho tôi cái khác”. Nhân dân vẫn nói “ông biếu chân giò bà thò chai rượu”. Người ta thường không ai cho không ai cái gì bao giờ. Khi ký quyết định cho ai cái gì đó, người ta thường nghĩ đến quyền lợi của người ta là gì. Cho nên người ta bất chấp để làm.

Chọn người thực đức, thực tài

Vì không có tài, đức mà ở vị trí có quyền lực cao thì người ta mặc sức thao túng. Nên chọn cán bộ như thế nào?

Tôi rất ủng hộ một số cơ quan nhà nước tổ chức thi tuyển cán bộ, như vừa rồi Bộ Giao thông - Vận tải thi tuyển Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Rồi Đà Nẵng, hay một số địa phương có thi tuyển lãnh đạo các sở. Có thi tuyển mới thấy được tài năng, đức độ của anh thế nào. Nhưng chủ yếu phải thi bằng cách đưa ra những bài học thực tiễn, không phải ngồi trong phòng để kiểm tra xem anh có bao nhiêu bằng cấp.

Ở Việt Nam, có bao nhiêu bằng họ cũng mua được hết, bằng tiến sĩ, ngoại ngữ, tin học họ cũng mua được huống chi những bằng khác. Cho nên nếu đóng cửa xem có bao nhiêu bằng thôi, thì có thể chỉ tuyển được những cán bộ công chức rởm, không có thực tài. Nếu muốn chọn thực tài, phải đưa ra những đề án giải quyết vấn đề bức xúc của ngành.

Nhưng quan trọng hơn là xử lý vi phạm phải nghiêm minh. Đừng xử lý nội bộ, điều chuyển công tác đến vị trí cao hơn.

Để bớt đi những quan tham, ông có cho rằng cần đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức, cải cách chế độ lương để người ta đủ sống, yên tâm cống hiến để không dám, không cần và không muốn tham nhũng?

Cái đó cũng quan trọng nhưng chỉ là một phần vấn đề. Những vụ tham nhũng lớn trong thời gian qua, không phải do người ta thiếu thốn mà chính lại là những người rất giàu có. Họ giàu có tới mức mà tiền, tài sản đến mức gọi là khủng. Rõ ràng những người đã mắc vào tham nhũng lòng tham vô đáy, bao nhiêu đối với họ không đủ. 

Họ có biệt thự nọ, biệt thự kia, thay hết ô tô này ô tô khác, tiền gửi trong các nhà băng trong nước, ngoài nước, con cái đi du học ở Mỹ và các nước châu Âu, gia đình rất giàu có. Nhưng vì sao họ vẫn tham nhũng, bởi vì lòng tham của họ không có giới hạn. Họ không có điểm dừng.

Cho nên, bên cạnh cải cách chế độ lương để cán bộ yên tâm cống hiến, phải kiểm soát, kiểm tra, giám sát quyền lực, kiểm soát tài sản của cán bộ. Buông lỏng kiểm tra, giám sát, dễ dãi trong bổ nhiệm - đó vừa là nguyên nhân đưa đến cán bộ thoái hóa biến chất mà cũng là những giải pháp cơ bản nhất cần phải giải quyết.

Cảm ơn ông!

Kỳ 1: Công khai, minh bạch trước khi bổ nhiệm

MỚI - NÓNG