Quản lý hay bỏ mặc?

Ngành y đề nghị tăng giá 350 dịch vụ y tế
Ngành y đề nghị tăng giá 350 dịch vụ y tế
TP - Dư luận nóng lên vì đề xuất tăng phí của khoảng 400 dịch vụ y tế. Biểu phí chính thức được công bố từ 15 năm trước đến nay trên danh nghĩa vẫn có hiệu lực, dù không còn ăn nhập gì với cuộc sống thực.

>> Dự thảo tăng viện phí: Bộ Y tế thừa nhận chưa nghiên cứu kỹ

Ngành y đề nghị tăng giá 350 dịch vụ y tế
Ngành y đề nghị tăng giá 350 dịch vụ y tế . Ảnh: T.L

Người ủng hộ đề xuất thì so sánh phí khám bệnh từ 500 đồng đến 3.000 đồng/lượt với phí giữ xe, tiền giường 10.000 đồng/người/ngày làm sao bệnh viện chịu nổi.

Người phản đối thì lớn tiếng phí tăng 7-10 lần khiến "dân không chịu nổi", "bệnh nhân oằn vai", có loại phí "tăng 70 lần".

Xem ra chẳng mấy ai xem xét một cách khách quan, đưa ra các luận cứ phần nào thuyết phục cho sự ủng hộ hay phản đối, đa phần chỉ dựa vào cảm tính, thông tin chưa chính xác hay các lập luận đôi khi mang tính mị dân.

Những người phải đi khám bệnh thì đã thấy các bệnh viện xé rào từ lâu rồi. Làm gì còn phí khám bệnh bằng phí giữ xe máy. Phí đã tăng lên 20.000-30.000 đồng/lượt (tăng từ 10 đến 20 lần) từ lâu rồi. Tiền giường cũng đâu còn 10.000 đồng. Phí chạy thận nhân tạo, theo quy định năm 1995, là 150.000 - 300.000 đồng; thực tế, người ta đã thu 400.000 - 750.000 đồng rồi (trong khi dự thảo đưa lên mức 300.000 đồng).

Tại sao suốt 15 năm (chí ít qua ba đời bộ trưởng), những chuyện bất hợp lý như vậy không được hiệu chỉnh kịp thời và cứ để tích tụ đến lúc quy định chẳng ăn nhập gì với thực tiễn thì mới chạy theo cuộc sống và phần nào hợp thức hóa những chuyện xé rào?

Có thể thấy quá trình lập chính sách, hiệu chỉnh chính sách, truyền thông về chính sách còn quá nhiều vấn đề.

Tương tự như vậy với các chủ trương tăng học phí, quản lý giá thuốc và giá sữa. Các bên liên quan không làm đúng chức năng của mình, hay làm theo phương pháp không có mấy cơ sở.

Thay vì phải mặc cả, lại trở nên lép vế

Phí nếu không thu đủ thì các cơ sở cung cấp dịch vụ (bên cung) sẽ không thể hoạt động nổi, họ sẽ biến báo và đấy là một nguyên nhân thúc đẩy tăng cường văn hóa phong bì, hủy hoại đạo đức.

Cả bảo hiểm y tế lẫn các cơ quan nhà nước cứ nghĩ họ tiêu tiền của nhà nước để bao cấp, chăm lo cho bệnh nhân. Toàn bộ số tiền đó là do dân góp, sẽ phải trả bằng thuế hay bảo hiểm y tế của mình. Không có chuyện nhờ ơn bất cứ ai ở đây! 

Phí quá thấp, thu không đủ bù chi, không phát triển được cơ sở vật chất cũng như đời sống của hệ thống y tế. Phí quá cao thì bảo hiểm y tế nhanh chóng vỡ quỹ.

Và còn quá nhiều vấn đề đặc biệt của khu vực y tế mà giới chuyên gia không lạ và phải có cách giải quyết phù hợp. Rất tiếc chính sách đã không dựa vào những nghiên cứu thực tiễn và học thuật một cách thấu đáo.

Nói cách khác, dự thảo chính sách về điều chỉnh viện phí chưa được chuẩn bị một cách khoa học và có luận cứ xác đáng, cũng không được trình bày một cách thuyết phục để nhân dân hiểu mà thực ra chỉ là hợp thức hóa sự xé rào đã phổ biến từ lâu rồi, nhưng vẫn gây bức xúc trong dư luận.

Việc tính đúng, đủ các loại phí là việc nên làm và phải làm. Tuy nhiên, thế nào là đúng và đủ thì phải thảo luận, phải mặc cả với nhà cung cấp dịch vụ và người mua dịch vụ. Nhưng vị thế của người mua dịch vụ (bệnh nhân) luôn bị lép vế so với người bán. Chính vì thế mới cần sự can thiệp của nhà nước.

Người đại diện cho các bệnh nhân lép vế, người trả tiền một phần cho dịch vụ, tức là bảo hiểm y tế, phải đứng về bên mua để đàm phán với các bệnh viện xem họ bán dịch vụ ra sao, với điều kiện và chất lượng thế nào để, trên cơ sở đó, mặc cả mức phí cho từng loại dịch vụ.

Kết quả của quá trình đàm phán đó phải lấy lợi ích mà nhân dân (những người khỏe đóng bảo hiểm y tế và những người yếu hưởng các dịch vụ y tế bằng một phần tiền của những người đã đóng bảo hiểm, nhưng chưa cần đến dịch vụ y tế) được hưởng thụ làm thước đo.

Đáng tiếc, cả bảo hiểm y tế lẫn các cơ quan nhà nước cứ nghĩ họ tiêu tiền của nhà nước để bao cấp, chăm lo cho bệnh nhân. Toàn bộ số tiền đó là do dân góp, sẽ phải trả bằng thuế hay bảo hiểm y tế của mình. Không có chuyện nhờ ơn bất cứ ai ở đây! Không rõ Bảo hiểm y tế có làm những việc của mình như đàm phán, giám sát chất lượng, mặc cả phí, chi trả thay cho nhân dân hay không?

Kiềm chế các khuyết tật

Nhiệm vụ của nhà nước là làm sao khiến cho việc đóng góp, phân bổ nguồn lực đó hiệu quả nhất, công bằng nhất.

Trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và một số lĩnh vực khác (có độc quyền hay có ảnh hưởng đến số đông như thuốc men, sữa, môi trường, v.v…), thị trường có nhiều khuyết tật và, vì thế, cần sự can thiệp của nhà nước. Phó mặc cho thị trường hoành hành trong lĩnh vực này (cũng như đối với học phí, giá sữa, giá thuốc) là việc làm vô trách nhiệm.

Rất đáng tiếc, đấy lại là tình hình hiện nay trong nền kinh tế của chúng ta: Các khuyết tật thị trường cùng các khuyết tật của nhà nước đều phổ biến (chứ không phải nhà nước kiềm chế các khuyết tật thị trường và thị trường giảm thiểu các khuyết tật nhà nước).

Đã đến lúc, cần nghiêm túc xác định rõ nhiệm vụ của nhà nước và của mỗi cơ quan (như bảo hiểm y tế, các nhà cung cấp dịch vụ y tế), xem xét các khuyết tật thị trường, các khuyến khích đối với các bên, ra các quy chế phù hợp sao cho những ưu điểm của thị trường được phát huy và sự can thiệp của nhà nước để hạn chế các khuyết tật thị trường, để tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.