Quản lý nhà công vụ chưa chặt chẽ

Quản lý nhà công vụ chưa chặt chẽ
TP - Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đã đưa ra kết luận tại phiên họp chiều 3/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý cho Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Để khuyến khích phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn dân, toàn xã hội, cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lưu ý đến các định mức khen thưởng đối với những người có thành tích tốt trong việc thực hiện công tác này”

Theo báo cáo do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, năm 2006 các bộ, ngành, địa phương và TCty 91/Tập đoàn, trong đầu tư xây dựng cơ bản đã tiết kiệm được khoảng 776 tỷ đồng thông qua đấu thầu và thẩm định quyết toán. Tuy nhiên, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa được ngăn chặn một các hiệu quả, vì tiết kiệm trong các khâu khác còn hạn chế.

Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, nhà công vụ vẫn còn để xảy ra lãng phí; tình trạng để đất hoang hóa không sử dụng hoặc sử dụng hiệu quả thấp vẫn còn khá phổ biến.

Đáng chú ý là qua triển khai thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, tỉnh Sơn La phát hiện  29.426 m2  đất sử dụng không đúng mục đích; tỉnh Hà Tây phát hiện 93.551 m2 đất để hoang hóa và 1.193.709 m2 đất sử dụng không đúng mục đích; Hà Nội phát hiện hơn 6,3 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích; TPHCM đã có chủ trương thu hồi 390.088 m2 đất do vi phạm  về quản lý sử dụng…

Báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của Quốc hội đánh giá: “Việc chấp hành Luật Ngân sách và chính sách của Nhà nước còn chưa nghiêm. Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thiếu chặt chẽ, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, chất lượng công trình thấp;

Còn quản lý lỏng lẻo trong việc cấp phép xây dựng nên để xảy ra xây dựng trái phép nghiêm trọng ở những thành phố lớn, làm cho việc thi hành pháp luật không nghiêm; công tác giám sát, thanh tra đầu tư chưa thường xuyên, kịp thời nhằm phát hiện, ngăn chặn những tiêu cực, thất thoát trong đầu tư xây dựng và đề xuất các chế tài để xử lý, hạn chế thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý nhà ở công vụ thiếu chặt chẽ, chưa phân cấp quản lý rõ ràng, gây lãng phí lớn.

Việc áp dụng giá thuê nhà ở công vụ chưa thống nhất, đặc biệt là giá thuê các biệt thự công, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Do chế độ quản lý nhà công vụ chưa chặt chẽ, còn chồng chéo nên đã để hiện tượng biến nhà công vụ thành nhà tư, gây lãng phí tài sản Nhà nước. 

MỚI - NÓNG