Quản lý xây dựng thiếu “cốt” quy hoạch!

Quản lý xây dựng thiếu “cốt” quy hoạch!
TP - Liên tục trong thời gian qua hàng loạt công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn Hà Nội đã bị phát hiện. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Phạm Gia Yên. 

>> Những cao ốc xây dựng sai phép và không phép

Quản lý xây dựng thiếu “cốt” quy hoạch! ảnh 1
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ông Phạm Gia Yên

Ông Yên nói:

Theo tôi, ngoài việc buông lỏng quản lý của một số cơ quan có trách nhiệm, có liên quan thì vấn đề chính là do chúng ta đang thiếu một “cốt” quy hoạch chi tiết trong xây dựng.

Theo Luật Xây dựng và các nghị định liên quan thì đối với những đồ án quy hoạch đô thị chi tiết 1/2000 phải cần tới 7 bản đồ quy hoạch, nhưng qua kiểm tra hầu hết đều thiếu các bản đồ quan trọng như:

Bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; bản đồ quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (phần san nền thoát nước mưa và khống chế cốt xây dựng); bản đồ chỉ dưới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.

Việc thiếu những bản đồ quan trọng như vậy đã gây khó khăn cho công tác cấp phép xây dựng. Hơn nữa, việc cấp phép xây dựng hiện phải thông qua một cơ quan để thoả thuận về chiều cao công trình, nên nảy sinh ra chuyện công trình xây dựng cao hay thấp là thiếu cơ sở và theo chủ quan của người được cấp và cơ quan thoả thuận kiến trúc gây cản trở cho công tác cấp phép nói riêng và công tác xây dựng đô thị nói chung.

Như vậy, theo ông trách nhiệm này thuộc về ai?

Trước hết trách nhiệm chính này thuộc về cơ quan chủ trì, lập quy hoạch, những người thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh phương án xử lý đối với những công trình xây dựng vi phạm. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này?

Vừa rồi Hà Nội có xử lý tháo dỡ phần sai phép của công trình 221 - 223 Bạch Mai, nhưng việc đó mới thể hiện rằng chúng ta bước đầu thực thi pháp luật và cương quyết trong việc xử lý xây dựng trái phép, sai phép.

Tuy nhiên, Nhà nước đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để cưỡng chế, còn người dân thì mất nhiều tiền vì công trình vi phạm. Song chúng ta vẫn chưa xử lý nghiêm đối với những người có trách nhiệm trong công tác quản lý xây dựng để cho công trình sai phép cứ mọc lên.

Theo tôi việc xử lý một công trình xây dựng vi phạm không hề khó, cái chính là phải xử lý trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra vi phạm. Việc phá dỡ công trình vi phạm cần phải cân nhắc để hạn chế tốn kém tiền của của Nhà nước và nhân dân.

Ví dụ một công trình cho phép xây dựng 10 tầng nhưng hiện nay đã xây dựng lên thành 12,13 tầng, xét về kiến trúc, cảnh quan môi trường phù hợp, đồng thời công trình không lấn chiếm, không có tranh chấp thì vẫn có thể cho tồn tại với điều kiện chủ công trình phải tự bỏ kinh phí để khắc phục vấn đề hạ tầng khu vực lân cận. Nhưng ngược lại, một công trình chỉ cao 2,3 tầng thậm chí là 1 tầng nhưng không phép thì phải kiên quyết phá bỏ.

Còn việc xử lý cán bộ liên quan để xảy ra sai phạm, thưa ông?

Việc xử lý các cơ quan, cán bộ có trách nhiệm liên quan phải tuân thủ theo nguyên tắc ai làm việc gì, trách nhiệm đến đâu thì phải xử lý đến đó. Ví dụ công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn phường mà chính quyền đó không biết hoặc làm ngơ để công trình tự mọc lên thì việc xử lý đối với cán bộ lãnh đạo phường và những người được phân công quản lý trật tự xây dựng đương nhiên phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Trường hợp phường đã có quyết định xử phạt, đình chỉ xây dựng nhưng vượt quá thẩm quyền báo cáo lên quận, nếu quận, huyện làm ngơ thì trách nhiệm phải thuộc về cấp này.

Tương tự cấp thành phố mà làm ngơ, để xảy ra nhiều công trình có quy mô sai phạm thì trách nhiệm cao nhất phải thuộc về người phụ trách. Việc phân rõ trách nhiệm như vậy sẽ xử lý cán bộ mới đảm bảo công bằng và giữ nghiêm kỷ cương.

Hơn nữa, dù trong trường hợp nào thì người ký cấp phép xây dựng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới do buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát quá trình công trình thi công xây dựng của chủ đầu tư dẫn đến việc xây dựng sai phép. 

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tú
Thực hiện

MỚI - NÓNG