Quẳng gánh lo đi mà… khiêu vũ

Những bước nhảy của họ có thua kém gì cánh trẻ
Những bước nhảy của họ có thua kém gì cánh trẻ
TP - Rồi dập dìu, mùa xuân theo én về… lời ca khúc đặc trưng của điệu valse vang lên từ chiếc đài nhỏ cũng là lúc những mái tóc đã ngả màu dìu nhau nhẹ nhàng lướt đi bỏ lại sau lưng bao bộn bề của cuộc sống. Họ - những con người của tự do, của âm nhạc đang trở thành những vũ công trên đường phố Hà Nội.

Hiện nay, những câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ ngoài trời đang phát triển mạnh và dần trở thành một môn thể dục cho bất kỳ ai. Không đèn laser nhấp nháy, không loa thùng giật ầm ầm… chỉ cần một khuôn viên nhỏ, mặt sân bằng phẳng của vỉa hè hay góc sân chơi cùng chiếc đài nho nhỏ là đủ trở thành một “vũ trường” lý tưởng cho những người yêu thích khiêu vũ thực sự.

Từ thói quen dân dã…

Thay vì đi bộ, chạy thể dục, đánh cầu buổi sáng… nhiều người đã thay đổi các môn thể thao trên bằng khiêu vũ cổ điển. Bác Hồng (nhà ở Kim Mã Thượng) cho biết: Từ ngày về nghỉ hưu, sáng nào hai vợ chồng bác cũng đi bộ tập thể dục dọc đường Liễu Giai.

Một hôm, thấy mấy người mang đài ra vỉa hè trên đường Vạn Bảo bật nhạc khiêu vũ, vốn là người đã biết nhảy thời đang công tác nên hai bác tham gia và nhanh chóng hòa nhập với những người bạn mới.

“Từ ngày tham gia vào CLB này, trừ những hôm trời mưa, còn lại ngày nào chúng tôi cũng đi. Phải hôm trái gió, trở trời, chân đau không nhảy được thì ngồi nghe nhạc cũng thấy thoải mái đầu óc rồi” – bác Hồng thỏa mãn với sở thích của mình.

Ngồi nghỉ trên chiếc ghế nhựa, tranh thủ nhấp một ngụm nước chè pha từ nhà mang đi, cô Nguyễn Hiền (y tá nghỉ hưu) cho biết: Tập khiêu vũ không khó, ai đi qua nếu thích cũng có thể vào tập được. Yêu cầu tối thiểu chỉ là một đôi giày (thường là giày vải, thể thao…), mà thời nay ai chẳng xỏ giày đi tập thể dục. “Đơn giản chỉ là bước chân theo nhịp nhạc thôi mà!” – cô Hiền cười hóm hỉnh rồi lại đứng dậy chuẩn bị cho bài nhạc tiếp theo.

Quẳng gánh lo đi mà… khiêu vũ ảnh 1

Niềm vui đẩy lùi bệnh tật

Với một số người, khiêu vũ đường phố không còn là môn tập thể dục nữa, mà họ coi đó như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu hằng ngày.

Ở Quảng trường Công viên Lê-nin, có cô Tuyết (bác sỹ nghỉ hưu) sáng nào cũng đi xe máy gần chục cây số để đến tập cùng mọi người. Cô Tuyết kể: Trước kia còn đi làm, cô có tham gia tập khiêu vũ ở cơ quan. Đến khi nghỉ hưu, nhiều thời gian hơn nên cô và mấy đồng nghiệp cũ hẹn nhau đi tập thêm buổi sáng.

Do nhà cô ở xa nhất nên sáng nào cô cũng đi xe máy đến tập với mọi người. “Lúc đi sớm thì đường vẫn vắng, đến lúc về thì đã qua giờ tan tầm nên không sợ tắc đường. Mà chịu khó đi xa một tý nhưng có bạn vẫn vui!” – cô Tuyết cho biết thêm.

… Tới vũ công đường phố

Với nhiều người, họ đến với khiêu vũ như một cơ duyên, nhưng rồi họ trở thành những vũ sư, vũ công đường phố từ lúc nào mà chính họ cũng không hay. Họ coi khiêu vũ như môn thể dục hay một hoạt động giao lưu. Họ rủ nhau ra một góc phố nhảy như những vũ công và họ trở thành những vũ sư khi dạy lại cho những người mới.

Ở tuổi này thì đua làm sao được với lớp trẻ. Chỉ cần đơn giản và nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe thôi!”

Bác Hòa, Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ Chi Lăng

Bác Đỗ Hữu Hòa – Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ Chi Lăng (Công viên Lê-nin) đến với khiêu vũ theo một cách khá thú vị. Ngày trước bác cũng tham gia vào CLB như một “lính mới” bình thường, thấy việc dạy “truyền miệng nhanh” không được hiệu quả cho lắm nên bác đăng ký học ở một CLB chuyên nghiệp vào buổi tối.

Sau ba năm “tầm sư học đạo”, đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, bác đã tạo ra được những finger (tổ hợp bước nhảy) đơn giản, nhẹ nhàng nhưng không kém phần mềm mại, uyển chuyển và đặc biệt là phù hợp với độ tuổi của những người như bác. Với những tiêu chí trên, bác quay lại hướng dẫn cho những người “bạn già”. Số người mới tham gia từ đó cũng cứ thế tăng dần.

Hiện nay, vào những ngày đẹp trời, bác Hòa trở thành “vũ sư bất đắc dĩ” của trên dưới năm chục người. “Ở tuổi này thì đua làm sao được với lớp trẻ. Chỉ cần đơn giản và nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe thôi!” – bác Hòa bật mí về thành công trong việc phát triển CLB.

Khác với bác Hòa, cô Hồng Lan – được biết đến như một “nữ vũ sư vỉa hè”. Từ ngày còn là một nhân viên ngân hàng, cô Lan đã là vũ công khá chuyên nghiệp khi là một trong những người đặt nền móng cho dancesport Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, cô nhận được khá nhiều lời mời từ những người quen biết.

“Cứ ở đâu thích là tôi xách đài đến thôi. Vừa có thêm thu nhập mà quan trọng nhất là được giao lưu kết bạn” – cô Lan tươi cười.

Mấy năm trở lại đây cô Lan dạy ở khá nhiều nơi, lúc thì đến một sàn nhảy cổ điển, khi thì ở một công ty nào đó nhưng nhiều nhất vẫn là các… vỉa hè.

Giải thích về việc dạy ở vỉa hè, cô Lan cho biết: Dancesport là khiêu vũ thể thao, mà đã là thể thao thì phải làm quen với việc biểu diễn trước đám đông, kể cả những người mới cũng phải quen với chuyện người đi đường nhìn hay đứng lại xem. Vì những tiêu chí hà khắc đó mà dancesport “lép vế” hơn khiêu vũ cổ điển về số lượng người tham gia.

Tuy nhiên, cô Lan vẫn khá lạc quan: “Tôi muốn dạy một cách chất lượng nên phải những người thực sự có khả năng mới theo được!”. Có lẽ, cũng vì điều đó mà CLB của cô Lan trên vỉa hè đường Vạn Bảo là nơi có thấp thoáng bóng dáng của người trẻ.

Quẳng gánh lo đi mà vui sống

Để được xã hội, đặc biệt là những người lớn tuổi công nhận, đã có khá nhiều minh chứng về lợi ích của khiêu vũ mang lại. Trong đó, hai thành công nhất là chữa bệnh và giảm stress.

Nhìn bác Hòa thoăn thoắn, chân giậm, người lắc lư theo tiếng nhạc la-tinh của điệu chachacha, ít ai biết được bác đã gần 70 tuổi và có tiền sử tim mạch và cao huyết áp.

Trong số những thành viên của CLB, có những người đã từng làm bác sĩ, y tá đều nhận xét là bác Hòa “đá bay” hai bệnh đó từ lúc nào. “Tôi quên hai bệnh đó lâu rồi, chẳng biết nó có còn hay không nữa!?” – bác Hòa cười hồn nhiên khi được hỏi về bệnh tật.

Hiện nay, những người như bác Hòa, cô Lan không phải là hiếm. Vô hình trung, họ trở thành những người “truyền bá” và làm thay đổi nếp nghĩ cho bao người đã từng dị ứng với hai từ “Nhảy Đầm”.

Hay như vợ chồng hai bác Hùng và Tuyến. Ba năm trước, những người hay đi tập thể dục ở Công viên Lê-nin chỉ cần nhìn xa cũng nhận ra hai bác bởi những bước đi nặng nề của tuổi già và bệnh tật.

Ngày đó, bác Hùng bị thoái hóa cột sống nặng, còn bác Tuyến thì bị béo phì. Được mọi người động viên, hai bác quyết định tham gia tập khiêu vũ. Và cho đến ngày nay, vẫn những bước đi chậm rãi nhưng khi nghe tiếng nhạc, dường như hai bác đã trở thành hai người khác với những bước nhảy nhẹ nhàng, nhanh nhẹn hơn rất nhiều.

Anh Minh – chủ nhiệm CLB Khiêu vũ và Yoga Quán Sứ phân tích: Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe, khiêu vũ còn mang lại cho người tập sự tự tin và khả năng biểu diễn trước đám đông. Đấy cũng chính là những khuyết điểm thường thấy của người Việt Nam.

Khiêu vũ đường phố đang trở thành môn thể thao nghệ thuật đặc trưng của những người có thói quen tập thể dục. Những con người đó đã phiêu giữa nhịp sống đô thị.

Hay nói cách khác, những bước nhảy nhẹ nhàng trên nền nhạc du dương đó đang phần nào làm cân bằng cuộc sống căng thẳng, ồn ào, náo nhiệt của Hà Nội.

MỚI - NÓNG