Quảng Nam, Đà Nẵng - Khốc liệt cơn bão số 1

Quảng Nam, Đà Nẵng - Khốc liệt cơn bão số 1
TPCN - 14 giờ ngày 19/5, phóng viên TPCN có mặt tại nhà anh Ngô Văn Sửu (tổ 21, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê – TP. Đà Nẵng). Mấy chục con người gương mặt phờ phạc đang ngồi khắp nhà, tập trung vào chiếc Icom nghe tin từ các tàu cứu hộ báo về.
Quảng Nam, Đà Nẵng - Khốc liệt cơn bão số 1 ảnh 1
Mấy chục gương mặt phờ phạc đang ngồi chờ tin từ tàu cứu hộ báo về

Đó là chủ tàu, là cha mẹ, vợ con của những người đang mất tích trên biển sau cơn bão số 1.

Đến 14 giờ 45 phút, con số báo về qua máy Icom (máy liên lạc vô tuyến) là đã vớt được 20 xác. “Gặp là vớt đó thôi, đâu đã biết đâu là người của tàu nào” – anh Sửu buồn rầu.

Chiếc tàu DNA 90351 của anh cùng hàng chục tàu khác giờ này đang quần quật cứu hộ giữa biển khơi. Chủ tàu DNA 90079 Ngô Tấn Nhất (trú ở tổ 30, Thanh Khê Đông) ngồi bệt giữa nhà, mặt thất thần.

158 thuyền viên mất tích

Điện khẩn của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) thành phố Đà Nẵng gởi Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo PCLB TW, Trung tâm TKCN hàng hải khu vực I, II... thông báo: Hiện nay (lúc 9 giờ sáng ngày 19/5/2006), theo thông báo bằng điện đài của các tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng vẫn còn hoạt động trên biển Đông, đã có 3 tàu đánh cá bị chìm và 8 tàu đánh cá với 158 thuyền viên bị mất tích trên vùng biển đông bắc, do ảnh hưởng của cơn bão số 1.

                                         Theo VNN

Tin chính thức báo về, tàu của anh đã bị chìm cùng với 22 thuyền viên, trong đó chỉ có 2 người tên là Trần Văn Thạnh và Trần Công Nhanh (quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) là sống sót.

Trong số 20 nạn nhân còn lại (hiện chưa biết sống chết thế nào), đã có 18 người chủ yếu quê ở Bình Minh, Thăng Bình. Anh Nhất cho biết, hiện chiếc tàu DNA 90093 của cha anh là ông Ngô Văn Chiếu giờ vẫn chưa biết số phận ra sao.

Nhìn sang tờ giấy nhằng nhịt chữ trên tay ông Phạm Tấn Cư – Chủ tịch Hội nông dân quận Thanh Khê đang ngồi bên cạnh, chúng tôi ghi được những dòng chữ đau lòng về ngư dân hai phường Thanh Khê Đông và Xuân Hà: Tàu DNA 90321 của ông Phạm Văn ý - chìm; tàu DNA 90053 của chị Lê Thị Huệ – chìm; tàu DNA 90199 của ông Phạm Văn Xinh – chìm; tàu DNA 90321 của ông Lê Văn Đường – chìm  ...

Quảng Nam, Đà Nẵng - Khốc liệt cơn bão số 1 ảnh 2
Người thân đang tập trung tại nhà anh Ngô Văn Sửu để chờ tin qua máy Icom                  

Trên mỗi tàu như vậy đều có từ 19 đến 22 lao động, riêng tàu của chị Huệ có tới 32 thuyền viên. Ngoài ra, cả hai phường hiện còn trên 20 tàu mất liên lạc.

Chúng tôi gặp anh Võ Duy Nhất – thuyền trưởng tàu DNA 90007 (trú ở phường Thanh Khê Đông) - người vừa cùng 26 thuyền viên kịp thoát về từ bão.

“Tàu của tôi cách tâm bão cả trăm cây số, vậy mà gió đã giật trên cấp 10. Tôi buộc phải vứt bỏ toàn bộ 23 chiếc thuyền thúng và chặt bỏ giàn (phơi mực) để ghìm tàu lại mới thoát được vào bờ” - Anh Nhất bùi ngùi cho biết.     

Nhà anh Đỗ Văn Đường (tổ 35, phường Thanh Khê Đông) chật kín người thân, hàng xóm sang động viên, chia sẻ. Vợ anh Đường là chị Nguyễn Thị Thanh.

Khi nghe tin tàu của gia đình mất tích, chị đã nằm liệt trên võng mấy ngày hôm nay, cố gượng dậy với đôi mắt đỏ hoe: “Bây giờ chẳng biết chồng và em ruột sống chết ra sao, 19 anh em trên tàu đều là bà con họ hàng cả”.

Bé Đỗ Thị Thu Tuyết, con anh Đường khóc nức nở: “Mấy ngày nay con chẳng tâm trạng nào mà học hành cả, cứ ngồi ăn cơm là hình ảnh cha con lại chập chờn. Mong sao cha vẫn bình yên”.

Quảng Nam, Đà Nẵng - Khốc liệt cơn bão số 1 ảnh 3
Chị Lê Thị Huệ (áo đen ngoài cùng) đang tuyệt vọng lắng nghe tin tức

Gia đình chị Thanh có 2 tàu đang bị mất tích do ảnh hưởng của bão số 1. Toàn bộ 51 thuyền viên trên cả 2 tàu hiện giờ không biết số phận ra sao. Không khí trong gia đình chị Lê Thị Huệ (tổ 4, phường Thanh Khê Đông) còn nặng nề, tang tóc hơn.

Chị Huệ ngồi phòng ngoài, ngước đôi mắt vô hồn như chẳng hề thấy ai. Chị là một gương mặt điển hình nông dân sản xuất giỏi được UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen.

Bây giờ, nhà có 4 tàu công suất lớn ra khơi câu mực thì 1 chiếc đã chìm, 3 chiếc còn lại mất tích. Tàu DNA 90053 bị chìm do anh Nguyễn Út Thanh – chồng chị Huệ làm chủ với 32 thuyền viên, chủ yếu là anh em bà con, hàng xóm.

Nhà chị Huệ là nơi duy nhất có máy Icom làm phương tiện liên lạc giữa tàu với gia đình. Bên kia đầu dây, ngoài khơi mịt mù tôi nghe câu được, câu chăng những giọng nói run rẩy, hối hả nghẹn ngào : “Đã vớt được mấy anh em rồi, nguy hiểm lắm ... Nói to lên, không nghe gì cả... Có 4 anh em chết rồi”.

Không khí căng thẳng, nặng nề bao trùm trong căn phòng nhỏ có mấy chục chị em phụ nữ đang ngồi ngóng tin người thân. Có người đưa tay quệt nước mắt và bên cạnh là những tiếng nấc nghẹn ngào.

Bà Lê Thị Phắc – mẹ anh Thanh, lẩm bẩm: “Nhờ trời cho chúng nó được cứu thoát ...”.

Tại làng biển xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), ông Trương Công Hùng, Chủ tịch xã Bình Minh cho biết giờ này địa phương đang trong “cơn bão” chưa từng có trong đời đi biển, khi tin báo về có tới trên 45 người làng làm công cho các tàu của Đà Nẵng bị mất tích, và con số này có lẽ chưa dừng lại. 

Tính ra, mỗi gia đình đi biển ở đây có ít nhất 1 người chưa biết sống chết ra sao. Rất nhiều gia đình có 2-3 người mất tích, như ông Võ Quang và 2 người con trai, ông Trần Khắc Chỉ và 2 con trai, 3 cha con ông Trần Văn Cương ... Thiên tai khắc nghiệt đang làm tê liệt nhiều gia đình, khó khăn sẽ chồng chất trên miền quê nghèo khó.

 Trần Tuấn – Nam Cường- Chiêu Tranh

Các tàu bị nạn khi đánh bắt cá đã vào tránh bão ở khu vực biển Đài Loan

Nhưng cơn bão Chanchu sau khi đổ bộ vào vùng Quảng Đông (Trung Quốc) đã bất ngờ quay trở lại khi các tàu ngư dân đang chuẩn bị ra khơi từ vùng tránh bão khiến họ trở tay không kịp.

Lực lượng cứu hộ tại chỗ (gồm 12 tàu của Đài Loan và các tàu của Đà Nẵng) đã vớt được 70 người. Trong đó 24 người đã chết, 9 người bị thương nặng... Cả 24 thi thể và số người bị thương hiện đang được đưa vào bờ.

Ban Chỉ huy PCLB & TKCN TP Đà Nẵng cùng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (tại Đà Nẵng) hiện đang tích cực tìm kiếm cứu hộ số nạn nhân đang còn trôi dạt trên biển.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.