Quảng Nam muốn mời tư vấn độc lập

Quảng Nam muốn mời tư vấn độc lập
TP - Lãnh đạo EVN cho biết: Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về kỹ thuật nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí. Trước mắt, vẫn tiếp tục khoan các lỗ bơm hóa chất vào để thu hồi nước rò rỉ.

Vụ “Đập thủy điện trên 700 triệu m3 rò rỉ”:

Quảng Nam muốn mời tư vấn độc lập

>Cần khẩn trương xử lý vết nứt
>Dân lo vỡ đập, kỹ sư nói bình thường

Ngày 20-3, ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn đầu đoàn chuyên gia về thủy điện của EVN đã vào Quảng Nam khảo sát, đánh giá và họp khẩn cấp với BQL Dự án thủy điện 3, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để giải quyết vụ việc rò rỉ nước.

Ngày 20–3, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), cho biết: “Sáng cùng ngày, lãnh đạo huyện đã có buổi làm việc lần thứ 3 với BQL Dự án Thủy điện 3 liên quan vụ rò rỉ nước ở đập chính nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Toàn, Phó trưởng BQL chỉ trình bày lại nội dung bản văn bản (số 169/BC-DATD3) đã gửi tỉnh và huyện từ chiều ngày 19-3. “Thông tin BQL đưa ra là một chiều, nên chúng tôi chưa tin tưởng, an tâm được”, ông Phong nói.

Đi kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó ban chỉ huy PCLB tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Cty Thủy điện Sông Tranh và xem bản vẽ hoàn công công trình. Ông Trần Văn Hải - Giám đốc Cty cho biết, hiện tượng trên bắt đầu xuất hiện từ ngày 5-2-2012 sau khi Tổng Cty xây dựng thủy lợi 4 - đơn vị thi công - trám bịt các dòng thấm chảy vào đường hầm kiểm tra nằm trong thân đập. Các dòng thấm này chảy ra phía hạ lưu qua các khe nhiệt, chứ không phải chảy qua các khe nứt phát sinh trên thân đập”.

Tiếp tục khoan bê tông bơm keo vào thân đập
Tiếp tục khoan bê tông bơm keo vào thân đập .

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng BCH PCLB Quảng Nam khẳng định: “BQL dự án nói thế thì chúng tôi nghe thế. Liệu các dòng chảy xuất hiện trên thân đập trong thời gian qua, có xuất phát từ các khe nhiệt hay không chúng tôi không đủ trình độ để khẳng định. Nhưng nếu nước chảy từ các vết nứt thì đây là vấn đề cực kì nghiêm trọng”. Theo ông Tuấn, trong tất các công trình đập thủy điện lớn trên địa bàn như A Vương, Đăk Mi 4... thì đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng rò rỉ nước từ thân đập.

Ngày 20–3, tỉnh Quảng Nam, BCH PCLB tỉnh đã có công văn đề nghị BQL dự án Thủy điện 3, Cty thủy điện Sông Tranh 2 khẩn trương mời các chuyên gia của các đơn vị tư vấn độc lập, phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế công trình (Cty CP tư vấn xây dựng Điện 1) và đơn vị thi công khẩn trương kiểm tra, khảo sát và quan trắc bằng các thiết bị hiện đại đối với hạng mục đập chính, đưa ra chính xác nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật khắc phục về tình hình rò rỉ nước qua đập chính. Đồng thời bố trí, tăng cường cán bộ kỹ thuật kiểm tra diễn biến lưu lượng nước thấm qua đập, những vấn đề không bình thường của công trình, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND và Ban chỉ huy PCLB tỉnh. Sau khi có kết luận cuối cùng, cần xử lý, khắc phục tình hình rò rỉ nước và các nguy cơ tiềm ẩn khác của đập chính, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và nhân dân vùng hạ du.

EVN họp kín với nhà máy Sông Tranh 2

Hôm qua, đoàn chuyên gia thủy điện của EVN do ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn đầu đã thị sát các khe nứt nhiệt trên toàn bờ đập chính, đồng thời kiểm tra kết cấu bê tông bên trong đường hầm chạy dọc thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Tất cả các phóng viên đã không được phép tiếp cận đường hầm này. Một cuộc họp kín diễn ra ngay sau đó tại Ban điều hành nhà máy thủy điện. Nội dung cuộc họp không được tiết lộ sau khi nó kết thúc.

Phải xử lý xong trước mùa mưa lũ

Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết: Công trình Thủy điện Sông Tranh 2, chưa được nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Mới chỉ nghiệm thu tích nước. Lúc nghiệm thu thì nước còn thấp, chưa có biểu hiện gì cả. Tích nước xong phải vào quan trắc xem khả năng chịu đựng của đập thế nào. Thấm là một nội dung của quan trắc.

Nay nước bị rò rỉ, như vậy là sau khi tích nước lên cao có hiện tượng thấm, quá tải, nên phải vào thực địa xem, cần thiết phải xử lý. Chúng tôi đã chỉ đạo, nếu cần thiết thì phải xả nước, xử lý triệt để xong trước mùa lũ tới để bảo đảm an toàn. Nếu chưa xử lý xong thì không được đóng cống, mà mở cho nước chảy. Thông tin cụ thể phải chờ đoàn chuyên gia vào đó xem xét tình hình cụ thể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG