Quốc lộ bị bóp méo vì vướng nhà thờ họ

Nhà thờ họ Đặng đang án ngữ trên hành lang ATGT đường bộ.
Nhà thờ họ Đặng đang án ngữ trên hành lang ATGT đường bộ.
TP - Nằm trong diện phải di dời vì hành lang ATGT nhưng chưa thực hiện, nhà thờ họ Đặng ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh còn khiến dự án mở rộng tuyến QL8B nối QL1A đến Nghi Xuân  bị thắt nút cổ chai, đến nay chưa thể bàn giao vì liên quan di tích lịch sử cấp tỉnh…

Nhà thờ dòng họ Đặng của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng từ lâu. Dự án mở rộng QL8B được triển khai, nhà thờ này nằm trong diện phải di dời, nhưng vì nhiều lý do tế nhị, tuyến đường hoàn thành, nhà thờ vẫn nằm trong hành lang ATGT đường bộ.

Chiều 15/2, làm việc với phóng viên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, phân trần: “Thực ra, vấn đề nhà thờ họ Đặng chưa thể di dời khiến con đường chưa đầy đủ mà các báo phản ánh không có vấn đề gì lớn lắm. Trước khi thực hiện dự án QL8B (UBND huyện làm chủ đầu tư), địa phương đã có nhiều cuộc họp bàn với Sở Văn hóa Hà Tĩnh (đơn vị quản lý di tích) về việc di dời di tích này, nhưng vẫn chưa thể thống nhất được vì có nhiều ý kiến chưa đồng nhất trong dòng họ Đặng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà địa phương sẽ dừng lại cho qua, địa phương đang tiếp tục tìm cách tháo gỡ, và sẽ được giải quyết sớm”.

Từ năm 1995, thực hiện Nghị định 36 về giải tỏa hành lang ATGT, chính quyền, nhân dân đã tự nguyện lùi công trình, nhà ở về phía sau để nhường đất cho công trình công cộng. Vị trí nhà thờ họ Đặng nằm trên hành lang ATGT cũng được vận động giải tỏa. Đến năm 2010, dự án nâng cấp, mở rộng QL8B giai đoạn 1 được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai.

Thực tế tại khu nhà thờ, điểm lấn ra QL8B nhiều nhất là 1,7m, rộng chừng 4m, còn vỉa hè và hành lang nằm hoàn toàn trên phần đất của nhà thờ, diện tích khoảng 30m2. “Năm 2015, do chưa thống nhất được phương án di dời di tích nhà thờ họ Đặng, nên chủ đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng QL8B và nhà thầu đành tự điều chỉnh thiết kế ở đoạn này cho kịp hoàn thành tuyến đường trước dịp kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du”, ông Nam giải thích.

 Đại diện cử tri ở khối 3, thị trấn Nghi Xuân cho hay, người dân đã thực hiện chủ trương và di dời nhà ở theo đúng mốc chỉ giới; nay đường đã làm xong mà vẫn vướng nhà thờ họ Đặng nên tuyến đường trở nên xấu.

Thẩm quyền thuộc về cấp trên

Ông Phạm Tuấn Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Nghi Xuân, cho biết, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp huyện, cử tri cũng đề xuất cần sớm giải tỏa nhà thờ. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết thuộc về cấp trên.

Theo ông Nam, nhà thờ họ Đặng được tôn tạo lại từ năm 1943, về sau phục vụ nhu cầu xã hội hóa, con đường được mở rộng dần thì sân và diện tích nhà thờ bị thu hẹp. Năm 2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và khi tuyến đường hình thành ảnh hưởng nhà thờ nên câu chuyện nhà thờ họ Đặng từ đây còn phải phụ thuộc Luật Di tích nên địa phương không thể tự quyết.

Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận, việc chưa di dời được nhà thờ họ Đặng đã làm cho mỹ quan con đường chưa đẹp, thực hiện các thủ tục khác cũng chưa thể đầy đủ, đến nay, đường vẫn chưa thể bàn giao được. Chủ tịch huyện Nghi Xuân cũng xác nhận, nhà thờ họ Đặng đúng là nhà thờ họ của những người đang làm lãnh đạo cao trong tỉnh và cho biết, đến nay, tuyệt nhiên “lãnh đạo cấp trên” không có bất cứ động thái nào chỉ đạo về vấn đề này. Theo ông Nam, UBND huyện Nghi Xuân đang thực hiện những biện pháp khác, tìm cách tháo gỡ để giải quyết thực trạng để không ảnh hưởng yếu tố tâm linh, không vi phạm hành lang ATGT quốc gia.

MỚI - NÓNG