Quỹ bảo hiểm y tế sắp vỡ

Lạm dụng thuốc, nhiều loại dịch vụ y tế tăng giá khiến quỹ BHYT rơi vào bội chi Ảnh: L.N
Lạm dụng thuốc, nhiều loại dịch vụ y tế tăng giá khiến quỹ BHYT rơi vào bội chi Ảnh: L.N
TP - Tính đến tháng 6-2012, TPHCM có hơn 4,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, nguy cơ vỡ quỹ BHYT đang hiện hữu từng ngày.

> Lại lo vỡ quỹ Bảo hiểm Y tế

Lạm dụng thuốc, nhiều loại dịch vụ y tế tăng giá khiến quỹ BHYT rơi vào bội chi Ảnh: L.N
Lạm dụng thuốc, nhiều loại dịch vụ y tế tăng giá khiến quỹ BHYT rơi vào bội chi.  Ảnh: L.N.

Vung tay quá trán

Ông Sang dẫn chứng, chỉ trong quý I- 2012 bộ phận BHYT đã thanh toán cho 3,1 triệu lượt người khám, điều trị bệnh với số tiền 1.314,3 tỷ đồng. “Trong khi tổng kết năm 2011, BHYT chỉ thanh toán cho hơn 10 triệu lượt người với 3.234 tỷ đồng. Quỹ BHYT đang trong tình trạng báo động đỏ”- ông Sang nói.

Theo ông Sang, số người tham gia BHYT tự nguyện tăng lên nhưng những đối tượng này là người đang có bệnh mới mua thẻ. Đó là chưa kể, tình trạng bội chi quỹ BHYT trầm trọng hơn khi có hơn 400 dịch vụ y tế tăng giá và gần 1.000 loại phẫu thuật, thủ thuật trong điều trị cũng tăng giá gấp đôi so với trước đây.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM thừa nhận, chưa có việc tăng chính thức nhưng thực tế nhiều dịch vụ y tế cũng đã tăng giá lâu nay. Và nếu tăng lên mức kịch trần như một số tỉnh vừa đề xuất, không chỉ bảo hiểm lâm nguy mà người bệnh cũng khó thở.

Trao đổi với PV Tiền Phong hôm 12-7, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, gánh nặng bội chi xuất hiện khi mở rộng thanh toán thêm 25 loại thuốc chống ung thư, thuốc miễn dịch bắt đầu từ đầu năm 2012.

“Việc mở rộng các loại thuốc đặc trị giúp nhiều cho người bệnh nhưng tình trạng này khiến quỹ bảo hiểm khó kham nổi”- bác sĩ Huyền nói.

Theo bác sĩ Huyền, tiền thuốc vẫn là gánh nặng thực sự. Lấy một ví dụ đơn giản: Một bệnh nhân bị ung thư thận tiến triển phải dùng thuốc Nexava viên uống theo phác đồ , tiêu tốn khoảng 130 triệu đồng/tháng. Vì vậy không có bảo hiểm, người bệnh khó mà gồng gánh nổi chi phí.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, nếu không có BHYT chia sẻ, rất nhiều người bệnh lâm vào tình cảnh sống dở chết dở.

“Đơn cử như điều trị ung thư phổi hay tụy, phải dùng thuốc Tarceva, mỗi tháng bệnh nhân tốn khoảng 40 triệu đồng. Trước thuốc này ngoài danh mục chi trả nhưng nay BHYT chi trả nên bệnh nhân giảm gánh nặng đi một phần”- bác sĩ Minh cho biết.

Nhiều loại thuốc đắt tiền điều trị bệnh tay chân miệng, vốn ngoài danh mục nay cũng được BHYT chi trả hay thuốc Immune Globulin điều trị các bệnh viêm dây thần kinh, tổng chi phí điều trị một tuần hơn 200 triệu đồng/người nên mỗi lần thanh toán thì bảo hiểm nặng vai.

Giám sát việc kê toa

Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền cho biết, với đà sử dụng thuốc quá tay, lạm dụng nhiều dịch vụ chụp chiếu cộng với các dịch vụ y tế tăng giá, quỹ BHYT khó trụ nổi. “Tới đây bảo hiểm xã hội sẽ tham gia hội đồng xét duyệt thuốc của bệnh viện để đàm phán giá thuốc, tư vấn chọn các loại thuốc có giá hợp lý”.

Xác định thuốc chiếm 60% tổng chi phí khám, điều trị là gánh nặng gây “bục” quỹ, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa có công văn yêu cầu các bệnh viện cân đối lại toa thuốc và siết kê toa.

Do vậy, nhiều bệnh viện tại TPHCM trong thời gian qua đã bắt đầu siết kê toa theo những gì mà bảo hiểm xã hội đề nghị. Mặc dù hạn chế phần nào việc kê toa tràn lan nhưng theo các bệnh nhân, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng do nhiều loại thuốc đã bị cắt giảm.

Tuy nhiên, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền cho rằng việc làm này là cần thiết và không thể vì siết mà quyền lợi của bệnh nhân bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi yêu cầu các bệnh viện nên xem lại việc kê toa, tránh việc dùng những loại thuốc không cần thiết, gây lãng phí. Bởi lâu nay, nhiều nơi bác sĩ kê toa thả cửa. Có nhiều loại thuốc cùng chủng loại, tác dụng và chất lượng điều trị nhưng vẫn kê thuốc giá cao”- bác sĩ Huyền nói.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng đã có công văn thông báo sẽ không thanh toán theo chế độ BHXH 5 loại thuốc Glutathion tiêm, Glucosamine uống, Gingkobiloba uống, Arginin uống và L-Ornithin-L-Aspartat tiêm nếu chúng được kê toa với chức năng bổ trợ thông thường.

“Vừa qua chúng tôi phát hiện hàng loạt toa thuốc kê tràn lan các loại thuốc này với chức năng như là một loại thuốc bổ, không đúng theo đăng ký và chỉ định điều trị từ Cục Quản lý Dược”- bác sĩ Huyền nói.

“Nếu chỉ định không đúng trong điều trị, phía BHYT sẽ không chi trả”- bác sĩ Huyền khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG