Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Quy rõ trách nhiệm cá nhân

Quy rõ trách nhiệm cá nhân
Nhiều ý kiến đề nghị cần phải tính các chi phí hoạt động của công chức vào lương. Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội Hồ Đức Việt còn khẳng định: “Nếu làm như vậy, tôi sẽ đi làm bằng xe đạp”.

Không nên để “hòa cả làng”

“Như lễ hội Đền Hùng hôm nay tuy cần thiết nhưng cũng lãng phí hàng chục tỷ đồng. Còn chai nước này (dùng cho các đại biểu dự họp-PV) còn đắt hơn cả rượu cũng rất lãng phí”- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tráng A Pao đã nêu những ví dụ rất thời sự để góp ý vào dự thảo luật.

Tuy khẳng định dự thảo đã nêu rõ được các biểu hiện lãng phí chủ yếu, nhưng ông Tráng A Pao vẫn muốn cần phải tiếp tục làm rõ các định mức, tiêu chuẩn bởi đó chính là cái gốc của việc thực hành tiết kiệm. “Như trụ sở làm việc, phải quy định rõ phòng làm việc của thủ trưởng bao nhiêu mét vuông, của chuyên viên là bao nhiêu.

Nhà công vụ cũng vậy, ai có công nhiều thì nên tặng, ai phải đóng tiền. Cứ như hiện nay anh nào chạy giỏi có khi được cấp đến hai, ba cái. Như thế là thế nào?” - Ông Pao cật vấn. Theo ông Pao, sau khi đã có định mức, tiêu chuẩn phù hợp nên công khai để toàn dân biết, đồng thời việc xử lý vi phạm cũng phải nghiêm  túc và công khai. “Bởi lẽ người tiết kiệm không những không được thưởng, chỉ có chịu khổ thôi.

Những người không tiết kiệm như dùng 800 chiếc xe công mua vượt tiêu chuẩn cũng không bị xử lý thì cuối cùng cũng “hòa cả làng”, không ai bảo được ai và đương nhiên là không thể thực hành tiết kiệm”- Ông Pao quả quyết.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định: “Dự án luật phải bắt đầu từ tiêu chuẩn, định mức phù hợp với thực tiễn”. “Người tâm huyết nhìn vào chỗ nào cũng thấy xót xa nhưng cũng có những người nói rằng tiền Nhà nước cho xài tội gì không xài”- Bà Hoài Thu nói thẳng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cũng đồng tình với quan điểm này đồng thời bổ sung: “Dự thảo luật quy định 9 lĩnh vực phải công khai, đề cập như vậy là rất hay. Lâu nay ta quy định đoàn thể, mặt trận và nhân dân giám sát những họ có biết đâu mà giám sát. Nay công khai họ sẽ có cơ sở để giám sát” - Phó Chủ tịch nói.

Những lĩnh vực phải công khai để giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

1. Kinh phí, vốn ngân sách Nhà nước cấp;

2. Các quỹ có nguồn từ ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn đóng góp của nhân dân;

3. Tài sản Nhà nước trong các cơ quan, tổ chức;

4. Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội;

5. Quy hoạch phát triển ngành, vùng;

6. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

7. Quy hoạch, kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư;

8. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng;

9. Các lĩnh vực khác theo quy định của Chính phủ.

Khoán vào lương: Tôi sẽ đi xe đạp đi làm

Dự thảo luật đưa vào cơ chế khoán chi hành chính. Nhiều đại biểu đánh giá cao cách đề cập này phải khẳng định đó là một trong những giải pháp căn cơ cho việc thực hành tiết kiệm. “Nếu khoán các chi phí khác vào lương, tôi sẽ đi xe đạp đi làm, chỉ cần đi sớm một chút”- Chủ nhiệm ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội Hồ Đức Việt tuyên bố.

Ông Việt nói thêm: “Mình là người của dân mà đi đâu cũng sợ, cũng phải đi ô tô. Bộ trưởng mà không dám ra hàng cắt tóc, không dám ra  hàng phở ăn, cái gì cũng gọi về nhà hết thì có mà chết”.

Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá- Giáo dục- Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan bổ sung: “Các nước bộ trưởng đi bộ trên đường là rất bình thường”.

Bà Tâm Đan cũng nêu ví dụ khá phổ biến rằng một cán bộ cấp chủ nhiệm (tương đương bộ trưởng) đã được Nhà nước lo chi phí cho ba loại điện thoại gồm di động, nhà riêng, cơ quan. Theo bà Tâm Đan ai mẫn cán lắm thì cứ gọi ba máy đó cũng thừa sức điều hành công việc.

Thế nhưng khi chưa có cơ chế khoán, có những máy điện thoại mỗi tháng chi đến hàng vài triệu đồng. “Từ ngày có khoán là các chi phí giảm hẳn. Vì thế, những khoản chi cho hoạt động của công chức nên đưa vào tiền lương và luật này phải đi theo hướng đó. Tôi nghĩ, công chức từ bộ trưởng trở xuống là có thể khoán vào tiền lương hết”- Bà Tâm Đan đề nghị.

Đề nghị quy rõ tránh nhiệm cá nhân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho hay điểm mới của dự án luật này so với pháp lệnh trước đây là lấy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực Nhà nước làm trọng tâm, từ đó mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, theo ông Sinh Hùng, đối tượng áp dụng của Luật cũng được mở rộng. “Đối với các đối tượng thuộc khu vực Nhà nước liên quan trực tiếp đến quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước sẽ có những quy định bắt buộc phải thực hiện hoặc nghiêm cấm không được thực hiện, đi liền với đó là các chế tài xử lý vi phạm” - Bộ trưởng nói.

Tuy đồng tình với cách đặt vấn đề đó, nhưng trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên vẫn đề nghị Ban soạn thảo cần làm làm rõ thêm các nội dung gồm: Phân định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là tránh nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo việc quản lý, sử dụng ngân sách có hiệu quả tiết kiệm; việc ban hành và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong từng lĩnh vực phải kịp thời, rõ ràng, cụ thể và phù hợp với thực tiễn; cụ thể hoá các quy định về công khai, minh bạch đối với từng lĩnh vực để làm cơ sở cho việc giám sát của cộng đồng và răn đe đối với các chủ thể dễ mắc sai phạm; khuyến khích các chủ thể tiết kiệm bằng cơ chế khoán, tự chủ tài chính và cơ chế thưởng, phạt rõ ràng; xử lý nghiêm các chủ thể có hành vi vi phạm.

Ủy ban TVQH nhất trí đưa dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra thảo luận tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XI tới đây. 

MỚI - NÓNG