Ra quân kiểm tra tốn hàng trăm triệu vẫn để lọt cây xăng lậu

Một trạm kinh doanh xăng dầu lậu trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cạnh sân bay Nội Bài mới ngừng hoạt động gần đây. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Một trạm kinh doanh xăng dầu lậu trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cạnh sân bay Nội Bài mới ngừng hoạt động gần đây. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Đội liên ngành, quản lý thị trường ra quân rình rang, tốn kém, nhưng vẫn để “lọt lưới” cây xăng lậu.

Kiểm tra 1 đợt tốn gần 200 triệu đồng

Hằng năm, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) vẫn mở các đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Trong đó có đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập nhằm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng xăng dầu và khí lỏng lưu thông trên thị trường Hà Nội. Điển hình, như tổ liên ngành (thành lập theo Quyết định số 73/QĐ-BCĐ 389/TP) 26 người kiểm tra hầu hết các địa bàn quận, huyện, thị xã ở Hà Nội. Tổng chi phí cho đợt kiểm tra 50 ngày hết 194 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí của BCĐ 389 Hà Nội. Trong đó, tiền uống nước hết 39 triệu đồng; tiền bồi dưỡng ngoài giờ 65 triệu đồng; kinh phí xăng dầu ô tô, tuyên truyền 50 triệu đồng; giám định chất lượng, vận chuyển, xác minh hóa đơn 40 triệu đồng.

Theo báo cáo của Chi cục QLTT Hà Nội, từ ngày 20/12/2016 đến 24/5/2017, kiểm tra 61 vụ, trong đó xử lý 21 vụ vi phạm, không xử lý 29 vụ, đang xử lý 11 vụ. Số tiền xử phạt hành chính 365,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu 2 cột đo xăng dầu (1 vòi cấp phát), trị giá 31 triệu đồng.

Cuối tháng 3/2017, sau nhiều ngày điều tra, PV Tiền Phong đã lật tẩy 2 cây xăng lậu ngụy trang trong bãi trông giữ ô tô ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy) và xã Thanh Liệt (Thanh Trì). Điều nguy hiểm là, những cây xăng này nằm cạnh trường học và cơ quan công quyền. Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thật lạ, trong báo cáo số 1733 của Sở Công Thương Hà Nội gửi UBND TP ngày 14/4, sở này chỉ kiểm tra, xử lý 2 địa điểm kinh doanh xăng dầu trái phép ở địa chỉ báo Tiền Phong phát hiện. Và sau đó, sở cho hay: “Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Chi cục QLTT Hà Nội ngày 7/4/2017, từ ngày 29/3 đến 14/4/2017, các đội QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các trạm xăng dầu tự phát hoạt động trái phép; chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào”.

Lãnh đạo “né” trách nhiệm?

Sau đó báo chí vào cuộc và tiếp tục phát hiện thêm 1 cây dầu trái phép nằm dưới đường điện cao thế. Tiếp nhận thông tin từ báo chí, cơ quan chức năng mới kiểm tra và chính cơ quan quản lý thị trường thông báo có vi phạm, chủ cơ sở phải phủ bạt.

Trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường ở đâu? Ông Trần Việt Hùng, Chi cục phó QLTT Hà Nội cho hay: “Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Các địa điểm kinh doanh xăng dầu trái phép mà báo nêu chủ yếu nằm trong các khu đất dự án được quây tôn. Còn những điểm kinh doanh công khai đã bị xử lý trước đó”. Tuy nhiên, khi được hỏi về điểm kinh doanh xăng dầu mới đây ở Long Biên, người này cho biết đang đề nghị đội QLTT số 16 trực tiếp quản lý địa bàn báo cáo.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng cho hay: “Báo cáo mới đây là sau khi phát hiện 3 vị trí trên và tại thời điểm báo cáo chưa phát hiện thêm trường hợp nào. Việc quản lý địa bàn thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương, muốn làm rõ thêm đề nghị phóng viên liên hệ với địa phương”.   

Sau loạt bài “Những cây xăng ẩn mình chờ cháy”, nhiều bạn đọc đã liên tục thông báo về những cây xăng dầu có dấu hiệu bảo kê hoặc làm ngơ của cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương?

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.