Rà soát lại toàn bộ thiết bị y tế nhập khẩu

TP - Liên quan các lô hàng thiết bị y tế (TBYT) hết hạn sử dụng vừa được phát hiện nhập vào Việt Nam, phía Hải quan cho biết sẽ đề xuất rà soát toàn bộ các lô hàng TBYT nhập khẩu trong 5 năm trở lại đây.

Kiểm tra toàn bộ TBYT trong 5 năm

Như đã phản ánh, từ 16/12/2013 đến 3/1/2014, Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc (Cục Chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) đã phá nhiều vụ nhập khẩu TBYT quá đát.

Điển hình như các vụ Cty TNHH Kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân, Cty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A (cùng ở đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội). Cục Chống buôn lậu cũng phát hiện 2 container TBYT quá đát được nhập vào Cảng Hải Phòng. Điều đáng nói, toàn bộ các lô hàng trên đều được đơn vị nhập khẩu khai báo mới 100% và được thông quan qua luồng xanh (không cần kiểm tra chi tiết).

Đơn cử, Cty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A khai báo máy xét nghiệm sinh hóa tự động Hitachi 917 (cùng các thiết bị đi kèm) mới 100%, nhưng qua kiểm tra phát hiện đây là lô hàng đã qua sử dụng, sản xuất từ năm 1997, được Cty Diamon có địa chỉ tại Mỹ “tút tát” lại.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc, khẳng định, kết quả giám định ban đầu cho thấy toàn bộ số TBYT quá đát nhập khẩu bị phát hiện trong thời gian vừa qua đều có xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico, đã bị các nước thải loại do không còn giá trị sử dụng.

Ông Phạm Văn Minh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc cho biết sẽ đề xuất việc thanh kiểm tra tất cả các đơn hàng của các đơn vị nhập khẩu TBYT trong 5 năm trở lại đây và đề nghị Bộ Tài chính đưa TBYT vào dạng mặt hàng trọng điểm trong quản lý rủi ro.

Ai kiểm soát chất lượng TBYT nhập khẩu?

Ngay sau khi báo chí thông tin về sự việc, ngày 7/1 Bộ Y tế đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan cho rằng: Doanh nghiệp nhập TBYT phải thực hiện đúng các quy định hiện hành và phải chịu trách nhiệm về số lượng, trị giá và chất lượng các mặt hàng theo giấy phép đã được cấp và quy định của pháp luật.

“Việc này họ bán đi đâu, chứ có bán ở Hà Nội đâu. Các đơn vị công lập đều phải đấu thầu, có cả hội đồng đánh giá, còn các đơn vị tư nhân thì họ phải mua thiết bị mới là đương nhiên rồi. Vừa qua, chúng tôi kiểm tra 15 đơn vị y tế công lập, chưa có trường hợp nào sử dụng TBYT như trên cả”.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) nói: “Việc Cty Bảo Trân nhập TBYT đã qua sử dụng, chúng tôi đang chỉ đạo cán bộ kiểm tra, rà soát lại quy trình thẩm định của hội đồng thẩm định để tìm ra thiếu sót, sai phạm; sai ở đâu, mức độ thế nào sẽ xử lý theo quy định. Có những vụ qua quá trình thẩm định hồ sơ cũng phát hiện được, nhưng khi họ làm giả hồ sơ thì chịu”. Theo quy định, đơn vị nhập khẩu chỉ cần một người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, khi có đủ hồ sơ theo yêu cầu thì phải cấp giấy phép cho họ.

Ông Tuấn cho biết thêm, trước đây, chúng tôi cấp phép theo Thông tư 08 thì rất cụ thể chi tiết, nhưng giờ theo Thông tư 24 thì đơn giản hơn, chỉ bao gồm đơn xin nhập khẩu; giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất; giấy phép lưu hành sản phẩm; giấy ủy quyền của nhà sản xuất; các tài liệu kỹ thuật liên quan đến thiết bị.

Sắp tới, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký trên mạng internet thì sẽ càng khó phát hiện, xử lý.

“Đối với các đơn vị công, họ thực hiện theo quy định về quản lý khấu hao sản phẩm, còn tư nhân thì thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc kiểm định TBYT là do Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Tử Hiếu, chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết thêm, trường hợp những nhà sản xuất TBYT từ năm 1997, 1998 nhưng họ lưu kho còn mới, đảm bảo quy định, Vụ chỉ duyệt hồ sơ, nếu là mới 100% thì bắt buộc phải cấp giấy phép cho họ.

“Việc này cũng giống như những người sưu tầm loa đài cổ ấy. Không căn cứ vào năm sản xuất mà chỉ cần chứng minh hàng mới 100% là được” - ông Hiếu nói.

Chưa phát hiện TBYT quá đát ở Hà Nội

Về việc thanh kiểm tra TBYT, trao đổi với PV, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế nói đã phân quyền cho các địa phương. “Nếu đồng chí có hồ sơ hoặc phát hiện vụ việc thì gửi đến cơ quan, tôi sẽ cho người xử lý” - ông Chính nói.

Còn ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định, tất cả hồ sơ TBYT đều đã được thẩm định rồi mới đưa vào sử dụng. Hằng năm các đơn vị đưa TBYT đi kiểm chuẩn, không đảm bảo thì phải bỏ.

“Các đơn vị sử dụng phải thuê đơn vị kiểm định. Nếu phát hiện không đảm bảo chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động. Với các phòng khám, họ sử dụng thiết bị đơn giản nên không cần kiểm tra. Các phòng khám họ mua máy mới chứ đời nào mua máy cũ”- ông Cường nói.

MỚI - NÓNG