TP Hồ Chí Minh:

Rau, củ, quả có 'chứng minh thư'

Người dân “soi” rau bằng điện thoại.
Người dân “soi” rau bằng điện thoại.
TP - Ngày 18/1, TPHCM chính thức đưa chương trình truy xuất nguồn gốc rau sạch bằng điện thoại thông minh (smartphone) đến tay người tiêu dùng. Như vậy sau thịt heo, rau củ quả cũng bắt đầu có “chứng minh thư”.

Người dân hào hứng

Tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu (Q. Phú Nhuận), nhiều bà nội trợ mua hàng đã biết sử dụng ứng dụng để “soi” nguồn gốc thực phẩm. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng internet, cài đặt ứng dụng Zalo hoặc có chương trình quét mã QR, đưa đến gần con tem trên sản phẩm và chụp hình.Chỉ trong tích tắc, những thông tin về tên người trồng, địa chỉ, ngày bón phân, các loại phân đã dùng, thời gian cách ly… tất tần tật đều công khai. Bà Hải Yến (60 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) bất ngờ: “Hay thật, như thế này thì mình có thể yên tâm được phần nào khi mua rau về dùng cho cả nhà”.

Đề án truy xuất nguồn gốc rau do Sở NN&PTNT TPHCM phối hợp cùng Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao (DAA) khởi động chương trình từ tháng 5/2016. Đơn vị làm thí điểm là HTX Phú Lộc, Phước An và Cty CP Kỹ thuật Việt - Veetek Farm, nhiều loại rau sạch như cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống, khổ qua, dưa leo, bồ ngót... được truy xuất với gần 100 hộ nông dân tham gia. Trong quá trình canh tác, các thông tin như nơi sản xuất, thời gian gieo trồng, bón phân, phun thuốc, nơi sơ chế, đóng gói... đều được ghi lại để đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc mà DAA xây dựng. Những thông tin trên sẽ được mã hóa bằng mã QR, được in ra và dán trên mỗi bó rau. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại di động, quét mã QR để biết rằng bó rau họ đang mua được canh tác và quản lý như thế nào. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý dựa vào quản lý chất lượng rau trên địa bàn thành phố.

Chị Đặng Thị Minh (xã Hưng Long, H.Bình Chánh) có sản phẩm rau bán theo chương trình truy xuất nguồn gốc rau, chị Minh cho biết, ruộng rau này đạt chuẩn VietGAP. Theo chị, để trồng rau quả theo chương trình truy xuất thì từ khâu chọn đất, giống, phun thuốc, thu hoạch đều phải được giám sát chặt chẽ. “Lơ mơ mà làm trật là nguyên liếp rau không đạt chuẩn, HTX cắt hợp đồng thu mua là... ăn không hết rau” - chị Minh nói.

Sau nhiều năm “theo đuổi” rau VietGAP, ông Nguyễn Văn Hai (H.Củ Chi) cũng đang hồ hởi với việc truy xuất nguồn gốc. Lật trang nhật ký ghi chép đồng ruộng với nhiều mục khác nhau, ông Hai cho biết so với trước đây việc truy xuất nguồn gốc rau củ khắt khe hơn nhiều lần. Thậm chí người thu hoạch phải ghi rõ tình trạng sức khỏe, ngày giờ thu hoạch. “Nếu triển khai truy xuất nguồn gốc rau quả được người tiêu dùng đón nhận, thì tôi có thể mở rộng diện tích trồng rau là chuyện trong nay mai. Tham gia truy xuất, tôi minh bạch được việc trồng trọt của mình. Ai làm sai khâu nào cần trị ngay khâu đó” - ông Hai bày tỏ.

Sẽ nhân rộng mô hình

Trong ngày đầu thí điểm, rau truy xuất nguồn gốc đã được bán ở 33 điểm siêu thị Co.op Mart và hệ thống siêu thị BigC, Aeon, Lotte. Loay hoay một hồi vẫn không thể truy xuất được rau, ông Vũ Văn Tài (cán bộ về hưu, ngụ Q.3) thất vọng: “Nhiêu khê quá, nào là điện thoại phải có wifi, 3G, có Zalo hoặc chương trình quét mã QR… Chưa kể mạng yếu, không thể truy xuất được. Nhiều siêu thị đã có máy truy xuất thịt, nhưng lại không thể truy xuất rau. Sao không lắp một loại máy có thể truy xuất tất cả các loại mã vạch để khỏi lãng phí”.

Truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong quản lý và kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cũng như cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Mỗi năm TPHCM tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn rau, trong đó có khoảng 240.000 tấn (24%) là rau sản xuất trên địa bàn thành phố, còn lại lấy từ các địa phương khác. Để minh bạch sản phẩm, bảo đảm không có sự trộn hàng hoặc làm ăn gian dối, Sở NN&PTNT TPHCM sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, lấy mẫu kiểm tra đột xuất, đồng thời kiểm tra nhanh các lô hàng. Tuy nhiên, căn cơ nhất vẫn là kiểm soát quy trình sản xuất rau sạch bền vững. Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành số hóa vùng rau, truy xuất vùng trồng rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM: “Thời gian qua, thông tin về mất an toàn thực phẩm làm người tiêu dùng lo lắng, không biết đâu là sản phẩm an toàn để mua. Việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc như một công cụ giúp người dân yên tâm hơn trong lựa chọn thực phẩm cho gia đình”.

“Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được thành phố và người dân quan tâm đặc biệt. Vì vậy, không chỉ các siêu thị mới ứng dụng truy xuất nguồn gốc rau thịt mà thành phố sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình ra nhiều ngành hàng, nhiều địa phương để bà con ở đâu cũng được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn”- Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.