Rủi ro đời thợ lặn- Bài cuối: Tương lai mù mịt

Phu lặn gỡ dây hơi chuẩn bị lặn xuống đáy biển.
Phu lặn gỡ dây hơi chuẩn bị lặn xuống đáy biển.
TP - Phu lặn gọi công việc của mình là “đổi bát máu lấy bát cơm”, vì nhiều người đã tử nạn hoặc bại liệt. Không ít phu lặn bỏ nghề, nhưng không tìm được việc phù hợp để nuôi sống gia đình.

Tôi có mặt tại căn nhà cấp 4 liêu xiêu dựa vào lưng núi của cựu thợ lặn Nguyễn Văn Thắng (62 tuổi, thị trấn Cô Tô, Quảng Ninh) vào ngày gió nam, biển động, các con ông quây quần về thăm cha mẹ. Ông Thắng quê Nam Định, ra đảo lập nghiệp hơn 30 năm, cả 4 con trai của ông đều theo nghề lặn. Con trai đầu Nguyễn Văn Tuấn (31 tuổi) theo nghề lặn được 15 năm. Ngày thường, anh Tuấn đi lặn cá ngoài Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), cả tháng mới về thăm nhà. Khi tôi đến, anh vừa về sau hơn 2 tháng điều trị chấn thương ở khắp các bệnh viện Hải Phòng, Quảng Ninh do bị áp suất từ độ sâu đáy biển.

Bát máu - bát cơm

“Mỗi lần hạ độ sâu khoảng 50cm, chưa quen hạ áp suất, máu mũi, máu tai phụt đỏ kính bơi. Xác định theo nghề này là bát máu đổi lấy bát cơm. Cá tôm ngày càng khan hiếm, càng phải đi xa, lặn sâu thêm, mỗi lần lặn sâu là mỗi lần đổ máu”.

Phu lặn 

Nguyễn Văn Tuấn

Đưa bàn tay chai sần, đầy vết sẹo nứt toác (do va phải đá ngầm khi lặn cá) quệt vội những giọt mồ hôi rịn đầy trên trán vì cơn đau, anh Tuấn ngậm ngùi: “Khi học lặn, mỗi lần hạ độ sâu khoảng 50cm, chưa quen hạ áp suất, máu mũi, máu tai phụt đỏ kính bơi. Xác định theo nghề này là bát máu đổi lấy bát cơm. Bắt được con cá, con ốc không phải dễ dàng. Cá tôm ngày càng khan hiếm, càng phải đi xa, lặn sâu thêm, mỗi lần lặn sâu là mỗi lần đổ máu”. Nguy hiểm hơn, máy lặn đều là đồ cũ tái chế, hoặc hàng nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc không được kiểm định chất lượng, trong khi phu lặn ngày càng xuống sâu dưới đáy biển. Rủi ro hỏng máy, đứt, rò rỉ dây hơi ngày càng nhiều. “Biết là nguy hiểm nhưng máy lặn “xịn” cả trăm triệu, chúng tôi không đủ tiền để mua. Nghề lặn đang bị cấm nữa, mua máy rẻ nếu có bị bắt cũng đỡ tiếc, máy “xịn” nếu bị bắt, lại thêm đống nợ nần”, phu lặn Nguyễn Văn Ngọc nói.

Rủi ro đời thợ lặn- Bài cuối: Tương lai mù mịt ảnh 1Nhiều phu lặn tử nạn vì nút thắt dây đai chì quá chặt, không rút được chiếc đũa ra ngoài
Chỉ một số ít phu lặn đủ tiền đóng thuyền ra khơi, chủ yếu làm công cho chủ thuyền. Tiền đóng một thuyền nhỏ (chứa 4 người) khoảng 250 triệu đồng, máy lặn khoảng 30 triệu đồng/chiếc, quần áo người nhái 5 triệu đồng/bộ. Hải sản bắt được sẽ được chia cho chủ thuyền và phu lặn làm công theo tỷ lệ 60/40. Chủ thuyền lo toàn bộ chi phí xăng dầu, sửa chữa máy móc, thức ăn trong những ngày trên biển. Nếu may mắn, một chuyến ra khơi có thể thu vài chục triệu đồng; trừ chi phí, mỗi phu lặn được 300-500 nghìn đồng/ngày công. Nhưng có ngày về tay trắng, chủ thuyền phải bù lỗ. “Xảy ra tai nạn chết người, tùy theo khả năng, chủ thuyền hỗ trợ gia đình một phần lo mai táng. Thợ lặn coi nhau như anh em trong nhà, đùm bọc, cưu mang lẫn nhau nên không bao giờ có chuyện bắt đền”, phu lặn Nguyễn Văn Ngọc trải lòng. Làm việc trong môi trường thay đổi áp suất liên tục, mỗi năm phu lặn phải dành dụm tiền về Viện Y học Hải quân Hải Phòng giảm áp bằng máy ít nhất 4 lần. Mỗi tiếng giảm áp giá 200 nghìn đồng. 

Dưới đáy biển, muôn vàn hiểm nguy rình rập, phu lặn mất mạng như chơi. Phu lặn Trần Văn Sơn (35 tuổi, thị trấn Cô Tô) tử nạn năm 2013 vì máy nén hơi bị hỏng. Người canh trên thuyền chờ mãi không thấy anh nổi lên, đành kéo dây hơi lên. Phu lặn đi cùng gỡ mãi mới được chiếc đũa chốt dây đai chì bên hông anh Sơn. “Tôi đoán khi máy nén hơi bị hỏng, anh Sơn cố nổi lên nhưng nút thắt chiếc đũa bị vướng, không gỡ được đai chì. Đai chì nặng không nổi lên được, hết dưỡng khí, áp suất đè nén khiến Sơn bỏ mạng dưới đáy biển”, phu lặn Nguyễn Văn Tuấn, người chứng kiến cái chết của anh Sơn, kể lại. Có trường hợp hết dưỡng khí, phu lặn vứt bỏ đai chì, đồ đạc để nổi lên mặt biển, nhưng ngược dòng chảy, không thể tự bơi về thuyền. Người canh gác không để ý, chiếc thuyền khác chạy qua cắt đứt dây hơi, phu lặn trôi luôn theo dòng nước, chết mất xác.

Phu lặn sò thường làm việc ở độ sâu 15-20m, nên nhiều người chủ quan. Bốn dây hơi thả xuống cho 4 thợ lặn đi tìm sò. Lúc cần nổi lên, nước sâu, lạnh, đai chì, túi sò nặng, phu lặn không thể tự bơi lên, đành giật dây đánh tín hiệu. Sương mù giăng kín, dây hơi màu giống nhau nên có khi người canh gác trên tàu thấy ông này giật kêu cứu thì kéo nhầm ông kia. Ông cần được kéo lên mà không lên được cuối cùng chết vì hết dưỡng khí, ông bị kéo nhầm cũng tử vong hoặc liệt người vì chưa kịp giảm áp. Hai anh em ruột Lê Văn Lâm và Lê Văn Oanh (thị trấn Cô Tô) từng giàu lên nhờ lặn bắt cá, sò. Tai nạn xảy ra, tiền của theo thuốc thang đi hết, anh Lâm bị liệt một chân. Không lặn được nữa, anh chuyển sang lái tàu đưa anh em, bạn bè đi lặn kiếm sống. Trong một chuyến ra khơi, chính tay anh Lâm đón em trai từ đáy biển, bất lực nhìn em chết không lời trăn trối. “Thằng Oanh chết khi mới hơn 30 tuổi, để lại vợ con bơ vơ. Hôm đó, nó xuống gần 40m, dây hơi bị thủng, nên không đủ dưỡng khí. Ngoi lên mặt nước không giảm áp kịp thời, bị liệt não, nó chết luôn trên thuyền. Giá như tôi không đưa nó ra biển, dù nghèo khó, nhưng nó vẫn được sống, nhìn con cái trưởng thành”, anh Lâm quay đi gạt dòng nước mắt khi kể về người em xấu số.

Trong xóm anh Lâm, có anh Đ. (xin giấu tên) bị tàn phế từ biển trở về, người vợ chê chồng bệnh tật, bỏ đi biền biệt. Phải ngồi xe lăn, anh Đ. sống chật vật. Theo năm tháng, danh sách phu lặn bỏ xác ở ngư trường cứ dài ra, từ đảo Cô Tô sang đảo Thanh Lân bên cạnh; có tháng họ nhận xác 2 người từ biển về… “Mỗi năm đến Tết, thợ lặn ở Cô Tô tập trung quyên góp tiền tùy theo khả năng mỗi người để mua quà sưởi ấm những thợ lặn thiếu may mắn”, phu lặn Lê Văn Đức chia sẻ. Theo thống kê của Công an huyện Cô Tô, mỗi năm có 1-3 vụ tai nạn chết người khi đánh bắt trên biển, trong đó chủ yếu là người làm nghề thợ lặn.

Tàn phá môi trường biển

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, quần đảo Cô Tô đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ công nhận thành lập khu bảo tồn sinh thái biển, nên nghề lặn dưới mọi hình thức để khai thác thủy sản tự nhiên đều bị cấm. Ông Vũ Đức Lợi, Chánh Văn phòng UBND huyện Cô Tô, đánh giá nghề lặn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên. Ngoài dụng cụ đánh bắt thô sơ, thợ lặn còn dùng thuốc cá, máy sục khí tàn phá đáy biển. “Nghề lặn cực kỳ nguy hiểm cho cả tính mạng con người và môi trường. Thợ lặn xuống rất sâu đáy biển, khi thấy đàn cá vào hang, dùng khẩu súng bắn một viên thuốc cá. Cả đại dương mênh mông mà cá bị lờ đờ, thợ lặn bắt lên thả vào trong thuyền, một lúc sau tỉnh lại. Thuốc này độc lắm, có người không biết, đặt nhầm vào đầu lưỡi chết ngay, không kịp cấp cứu. Huyện đang cấm quyết liệt nghề lặn, nhưng người dân vẫn lén lút ra khơi đi lặn”, ông Lợi nói.

Một số thợ lặn dùng máy sục áp suất lớn đánh tan các lớp san hô dưới đáy biển khiến cá, ốc, tôm không chịu được phải nổi lên. Ông Lê Văn Thái (60 tuổi, thị trấn Cô Tô), một trong những người đầu tiên ra Cô Tô sinh sống, cho biết: “Trước đây, khi đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy những rạn san hô tuyệt đẹp dưới biển. Nhưng con người khai thác nhiều quá, san hô không còn, cá tôm ngày càng khan hiếm”. Thượng úy Nguyễn Đức Thọ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Tô, cho biết, hằng năm, đồn kiểm tra, xử phạt ngư dân sử dụng máy sục đánh bắt cá. Năm 2014, đồn bắt được 13 vụ, 7 tàu thuyền với 26 ngư dân, tịch thu máy sục, xử phạt hơn 70 triệu đồng. Kể từ đầu năm 2015, bắt được 2 vụ, 2 tàu thuyền với 4 ngư dân, xử phạt 14 triệu đồng.

Tìm lối thoát

Phu lặn Phạm Văn Thành (xã Đồng Tiến, Cô Tô) bỏ nghề lặn, đầu tư hơn 20 triệu đồng mở dịch vụ karaoke, được một năm thì ế khách vì các nhà khác cạnh tranh, phải thuê đất trồng na, táo, sắn, ngô… nhưng thu hoạch ít ỏi, cuối cùng đành quay về kiếp phu lặn. “Tôi vay tiền mua bộ tivi, loa thùng phục vụ karaoke, tiền thu về chưa bao nhiêu thì lỗi thời, không còn khách đành xếp xó, ôm thêm đống nợ nần. Trồng cây ăn quả không hợp chất đất, còi cọc, không phát triển được. Tôi đành đi lặn kiếm tiền nuôi mẹ già, vợ và 3 con nhỏ”, anh Thành ngậm ngùi.

Rủi ro đời thợ lặn- Bài cuối: Tương lai mù mịt ảnh 2 Máy nén khí đều là đồ cũ tái chế, hoặc hàng nhập lậu Trung Quốc
Sau khi cấm nghề lặn, UBND huyện Cô Tô đưa ra giải pháp giúp thợ lặn chuyển đổi nghề nghiệp. HĐND huyện đề nghị HĐND tỉnh Quảng Ninh có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển nghề theo hướng vươn khơi xa theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, xét các quy định của nghị định, cả huyện Cô Tô chỉ có một gia đình đủ điều kiện vay vốn, nên việc chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ rất khó khăn. “Số hộ ngư dân không đủ điều kiện đóng tàu ra khơi xa chiếm phần lớn, chính quyền huyện đưa ra giải pháp cải hoán tàu thuyền nhỏ (đưa đi đăng ký đăng kiểm); kết hợp đánh bắt ven bờ và đưa đón khách du lịch ra các đảo xung quanh như Cô Tô con, Thanh Lân… Hướng dẫn ngư dân làm dịch vụ như homestay, một ngày làm ngư dân cho khách du lịch cùng đi câu cá trên biển”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, có hơn 10 gia đình làm tốt việc chuyển đổi nghề lặn. Tuy nhiên, thời gian làm du lịch của Cô Tô chủ yếu trong 3 tháng hè nên hiệu quả chưa cao. Công an huyện đang đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách nước ngoài vào Cô Tô, để phát triển thêm du lịch vào mùa đông. Hết mùa du lịch, huyện khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi trên đảo.

MỚI - NÓNG