Rừng thuốc nam giữa Trường Sơn của người Mã Liềng

Từ bao đời nay, cuộc sống của người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) luôn gắn liền với rừng. Họ hòa mình vào từng gốc cây, ngọn cỏ… và cũng chính từ đó mà cây thuốc nam đi vào đời sống của người Mã Liềng.

Trước đây, người Mã Liềng thường sống len lỏi theo từng gia đình trong rừng sâu trên dãy Trường Sơn bằng việc săn bắt, hái lượm. Nhưng từ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, người Mã Liềng được vận động về định canh, định cư ở các bản Kè, Cáo, Chuối… Hiện nay, cộng đồng người Mã Liềng đã có hơn 100 hộ với gần 500 khẩu.

Rừng thuốc nam giữa Trường Sơn của người Mã Liềng ảnh 1

Một góc bản Kè của người Mã Liềng ở Lâm Hóa

Ngàn loài kỳ hoa, dị thảo trong rừng sâu

Khi chưa về định cư ở bản, cuộc sống người Mã Liềng phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Sinh ra từ rừng, lớn lên nhờ rừng, điều kiện sống đã đòi hỏi người Mã Liềng phải thích nghi trong môi trường tự nhiên đầy khắc nghiệt. Bởi thế, những lúc ốm đau, bệnh tật hay đi rừng bị ngã, bị rắn cắn phải tự tay chữa trị. Mà thuốc chữa trị cũng nằm trong lòng mẹ thiên nhiên.

Bởi vậy cây thuốc nam dần đi vào đời sống của người Mã Liềng và những kinh nghiệm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên một nguồn tri thức bản địa trong cộng đồng. Thế nhưng, cùng với cuộc sống bấp bênh, khai thác tài nguyên rừng đắp đổi qua ngày, những nguồn tri thức bản địa đó bị vùi lấp và thay vào đó là những bản năng sinh tồn với tự nhiên.

Những năm gần đây, nhờ sự trợ giúp từ các chương trình dự án của Nhà nước, người Mã Liềng làm quen dần với cuộc sống hiện đại, họ vẫn sống nhờ rừng nhưng theo một cách chủ động và làm chủ rừng. Đời sống ngày càng đi lên, tạo điều kiện đánh thức vốn tri thức bản địa vốn có bấy lâu nay.

Vào bản Kè, những ngôi nhà sàn đặc trưng của bà con dân tộc miền núi nằm thấp thoáng dần hiện ra sau những hàng cây. Dạo một vòng quanh bản, một điều đặc biệt là hầu hết quanh các vườn nhà đều trồng các loại cây thuốc trị các bệnh thông dụng như ngải cứu, tía tô, cam thảo đất…

Tìm nhà già làng Cao Ké, đúng lúc ông đang chuẩn bị lên rừng hái thuốc. Ông bảo: “Đứa cháu gái ngủ dậy kêu đau bụng, miềng đi hái ít cây thuốc về giã cho nó uống”. Trò chuyện một lúc, chúng tôi theo chân già Cao Ké vào rừng lấy thuốc.

Rừng thuốc nam giữa Trường Sơn của người Mã Liềng ảnh 2

Trò chuyện cùng phóng viên, già Cao Ké cũng không nhớ nỗi mình đã cứu sống bao nhiêu người. Già chỉ biết ai bị nạn đều tìm đến

Già Cao Ké năm nay đã hơn 80 mùa rẫy, nhưng vẫn khỏe lắm, mỗi bước chân tuy không còn được thoăn thoắt như thời trai trẻ nhưng chậm rãi, chắc nịch. Vừa đi, ông vừa chỉ vào các loài cây mọc le te bên đường và nói về công dụng từng loại. Ông kể, trong bản có nhiều trường hợp nhờ ông lấy thuốc nam chữa trị mà thoát chết. Có lần bà Cao Thị Ban ở trong bản ra suối lấy nước bị rắn độc cắn, đưa đi bệnh viện sợ chất độc phát tác sẽ không kịp. Ông chạy vào rừng hái một nắm thuốc nam về đắp vào vết cắn, phần giã cho uống hai ngày liên tục thì khỏe hẳn… Tưởng chừng như mọi loài cây, ngọn cỏ ở đây đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. 

Lên đến đỉnh, già Ké chỉ tay về những cánh rừng trùng điệp trên dãy Trường Sơn và nói rừng thuốc nam của người Mã Liềng là đây.

Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, già Cao Ké bình thản nói: “Tổ tiên người Mã Liềng từ bao đời nay cư trú trong các cánh rừng này. Sống giữa rừng, thế hệ cha ông đi trước đã biết dùng những cây thuốc nam trong rừng để chữa bệnh tật, trị rắn cắn…. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bà con đã no cái bụng, làm chủ rừng, làm chủ cuộc sống. Những bài thuốc nam này sẽ được truyền lại cho con cháu người Mã Liềng để nâng cao cuộc sống”.

Rừng thuốc nam giữa Trường Sơn của người Mã Liềng ảnh 3

Mệ Lan đau ốm mấy ngày nay và đang nằm chờ thuốc nam của già Ké

Gìn giữ cho muôn đời sau

Cũng như bao cộng đồng dân tộc thiểu số khác, trước đây người Mã Liềng cũng có nhiều tập tục rất lạc hậu. Chuyện đau ốm phải ôm lễ đến đến nhờ các thầy mo, thầy lang cúng bái không phải là hiếm. Và mỗi lần như vậy thường rất tốn kém, nhà không có cũng phải đi vay mượn mà lo liệu. Bởi vậy cuộc sống của bà con vốn đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn.

Chị Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo cho biết, trước đây người Mã Liềng mỗi lần ốm đau, bà con thường nằm ở nhà, lâu ngày bệnh thêm nặng mới làm lễ mời thầy mo về nhà cúng bái. Nhưng hiện nay, với sự hòa nhập cùng cuộc sống hiện đại, những hủ tục của người Mã Liềng đã dân lùi sâu vào dĩ vãng thay vào đó là những kiến thức, hiểu biết có tính khoa học. Chị Lâm cũng cho biết, những bệnh thông thường đều có thể dùng thuốc nam để chữa trị nếu như biết dùng đúng cây, đúng cách. Còn những bệnh nặng hoặc liên quan đến mổ xẻ thì phải tới trạm xá để khám và được điều trị kịp thời. Trong nhiều trường hợp, phải kết hợp giữa thuốc tây và thuốc nam mới trị dứt bệnh được.

Rừng thuốc nam giữa Trường Sơn của người Mã Liềng ảnh 4

Già Cao Ké đang nói về cây thuốc chữa chứng bệnh đau bụng

Anh Phạm Văn Ba, ở bản Kè chia sẻ: “Cây thuốc nam tốt lắm, hôm bữa con gái miềng bị lên cơn sốt cả đêm, nhờ đắp thuốc nam mà khỏi ngay đó. Bữa nay, mỗi lần vào rừng gặp cây gì biết miềng đều hái đem về trồng gần nhà cho dễ lấy khi cần”.

Nhiều người Mã Liềng bị ốm đau nhưng nhờ có những bài thuốc nam hữu ích mà lành bệnh nên mới ngộ ra được lợi ích từ cây thuốc nam. Bởi vậy, hầu hết quanh vườn các gia đình ở ba bản Kè, Cáo, Chuối đều có trồng nhiều loại cây thuốc nam thông dụng trị các bệnh mà bà con hay mắc phải như đau bụng, kiết lị, cảm hàn, đau đầu… Để thuận lợi cho việc chữa trị, bà con ở các bản cũng tự xây dựng cho mình một mô hình vườn thuốc nam, theo đó mỗi thành viên trong bản khi đi rừng gặp bất kì loại cây nào có thể chữa bệnh đều chiết, hái đem về trồng. Vườn được già làng coi giữ và chăm sóc, những ai cần có thể đến lấy, không cần phải vào rừng.

Rừng thuốc nam giữa Trường Sơn của người Mã Liềng ảnh 5

Một buổi học hỏi, trao đổi kiến thức về cây thuốc nam giữa các cộng đồng người ở Quảng Bình ngay trong rừng

Rừng thuốc nam giữa Trường Sơn của người Mã Liềng ảnh 6

Sau khi trao đổi, họ ghi những loại thuốc vào sổ sách để lưu giữ

Không những thế, người Mã Liềng còn thường xuyên học hỏi, giao lưu với những cộng đồng sống lân cận khác như người Rục, người Mày, người Sách, người A Rem để bổ sung tri thức về cây thuốc nam cho mình.

Với người Mã Liềng, rừng là văn hóa, là không gian sinh tồn. Họ hòa mình vào thiên nhiên với từng gốc cây, ngọn cỏ, và cây thuốc nam đi vào đời sống của người Mã Liềng như minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Trong mối quan hệ ấy, người Mã Liềng hiểu hơn ai hết những giá trị mà rừng mang lại, với họ việc bảo vệ rừng cũng là duy trì, phát triển và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cho muôn đời sau.

Theo Đặng Tài - Xuân Phú

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG