“Sa mạc cát” bủa vây đê sông Hồng

Hình ảnh tàu khai thác cát trên sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Kim Động (Hưng Yên). Ảnh: N.H.
Hình ảnh tàu khai thác cát trên sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Kim Động (Hưng Yên). Ảnh: N.H.
TP - 20 ngày sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án để kịp thời phát hiện xử lý hoạt động khai thác cát trái phép, cát tặc trên sông Hồng, tại đoạn sông qua địa phận tỉnh Hưng Yên cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động.

Rầm rộ ngày đêm

Theo ghi nhận của Tiền Phong, hằng ngày dọc bờ sông Hồng đoạn qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, TP Hưng Yên vẫn xuất hiện hàng chục tàu đủ loại từ công suất vừa và nhỏ vài chục tấn đến tàu công suất lớn hàng trăm tấn vẫn ngang nhiên hút cát giữa sông, quanh khu vực các mỏ được cấp phép hoạt động.

Điểm nóng nhất là tại khu vực cầu Yên Lệnh (TP Hưng Yên), với hàng loạt tàu hút cát ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng không bị lực lượng chức năng xử lý. Cách đó vài cây số, khúc sông thuộc địa phận hai xã Đức Hợp, Mai Động (huyện Kim Động) luôn có từ 5-7 tàu khai thác liên tục.

Thậm chí, nhiều tàu vừa hút vừa bán cát trên sông, một số tàu nhỏ hút ven bờ rồi bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu xây dựng tại địa phương. Ngoài ra, nhiều tàu cát tại các khúc sông thuộc địa phận xã Đại Tập, Tân Châu, Tứ Dân (huyện Khoái Châu); xã Thắng Lợi (huyện Văn Giang) cũng hoạt động tấp nập.

Ông L. (trú tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động) cho hay, từ nhiều năm nay người dân ven sông mặc định sống chung với hoạt động khai thác cát. Ông L. cho biết, 4 doanh nghiệp được cấp phép (gồm Cty CP Vân Đức, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Cty Phúc Lộc Thịnh, Cty Nam Sơn) hoạt động quanh bãi bồi giữa 2 xã.

Nhưng, để tận thu lợi nhuận, chủ các doanh nghiệp thuê hoặc bán lại mỏ cho chủ tàu cát hút sau đó mua lại tập kết trên bờ, bãi bồi để bán cho các đơn vị xây dựng có nhu cầu. Việc này dẫn đến tình trạng quá nhiều tàu hút cát triền miên, vượt phạm vi mỏ cấp phép khiến nhiều khu vực bờ kè, bãi bồi sạt lở. “Dù hoa màu của nhiều hộ bị hà bá nuốt chửng nhưng không dám ý kiến bởi họ sợ bị kẻ xấu trả thù, đe dọa”, ông L. nói.

Ông N.T.Q (55 tuổi) một người khai thác cát kể, ông cùng người thân đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua một tàu hút tải trọng 600 tấn để làm ăn từ nhiều năm nay. Do không đủ khả năng xin giấy phép khai thác, hằng ngày ông phải mua điểm khai thác của một doanh nghiệp tại địa phương với giá 15.000 đồng/m3.

Sau khi khai thác từ dưới lòng sông, ông vận chuyển tới bãi tập kết và bán lại cho chính doanh nghiệp này với giá 25.000 đồng/m3. Nếu hoạt động hết công suất, ban ngày tàu ông có thể hút 2 chuyến với khoảng 12.000m3 cát đen.

“Không chỉ tôi mà nhiều người ở địa phương có điều kiện đầu tư mua thuyền hút đều có thể mua điểm khai thác cát của doanh nghiệp để hút cát. Do đó, xuất hiện tình trạng cạnh tranh giữa các tàu, hoạt động vượt vi phạm mỏ khai thác”, ông N.T.Q nói.

Khó quản lý, xử phạt

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, xung quanh các tụ điểm khai thác khoáng sản trên sông Hồng, hàng chục điểm tập kết cát mọc lên dọc bờ đê như sa mạc. Trong đó, những bãi tập kết cát tại các xã Phú Thượng (Kim Động), Tân Châu và Tứ Dân (huyện Khoái Châu) cát rộng vài hécta, cao 4-5m chỉ cách chân đê 30-50m. Hoạt động vận tải cát xuyên ngày đêm phá nát đường làng khiến cuộc sống của người dân ảnh hưởng, đảo lộn.

Ông Thành (trú tại xã Tứ Dân) cho hay, khu dân cư ven đê nơi ông sống khốn khổ vì những sa mạc cát. “Ô tô ra vào núi cát liên tục khiến tuyến đường duy nhất ra bến đò luôn trong tình trạng kẹt cứng và ngập trong bụi đất khiến hộ nào cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. Cứ ra đường là sợ, có đội mũ, đeo khẩu trang kín mít nhưng mỗi lần xe tải qua bụi lại mù mịt, không thể di chuyển”, ông Thành nói.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 12/4, Phó trưởng phòng Khoáng sản  - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Nguyễn Quang Hưng cho biết, giai đoạn 2013-2014 Sở cấp 10 giấy phép phép hoạt động khai thác cho 10 doanh nghiệp với công suất từ 45-470 m3/năm trong 5 năm.

Tuy nhiên tới nay, thực tế chỉ còn 3 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, trong đó 2 mỏ thuộc địa phận xã Đức Hợp và Mai Động (huyện Kim Động) và 1 mỏ tại xã Đại Tập (huyện Khoái Châu). Một số mỏ cát thuộc địa phận xã Thắng Lợi, Tứ Dân đã cấp phép nhưng doanh nghiệp đăng ký không hoạt động.

Ông Hưng thừa nhận, cát tặc vẫn là vấn đề nhức nhối và còn tồn tại trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Trong đó, “điểm đen” tại khu vực chưa được cấp phép như xã Phú Thịnh (huyện Kim Động); xã Chí Tân, Dạ Trạch (huyện Khoái Châu) nhưng nhiều tàu vẫn khai thác.

Ngoài ra, tại khu vực các mỏ được cấp phép nhưng nhiều đơn vị vi phạm quy định về khai thác khoảng sản như vượt phạm vi cho phép, quá năng suất khai thác được cấp phép, vi phạm độ sâu… Về phản ánh “cát tặc” lộng hành xuyên ngày đêm quanh cầu Yên Lệnh (TP Hưng Yên), vị phó trưởng phòng giải thích các tàu cát này đăng ký hoạt động tại tỉnh Hà Nam và khai thác khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh nên khó kiểm soát…

Ông Nguyễn Quang Hưng thừa nhận, cát tặc vẫn là vấn đề nhức nhối và còn tồn tại trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Trong đó, “điểm đen” tại khu vực chưa được cấp phép như xã Phú Thịnh (huyện Kim Động); xã Chí Tân, Dạ Trạch (huyện Khoái Châu) nhưng nhiều tàu vẫn khai thác.

MỚI - NÓNG