“Sa mạc cát” bủa vây đê sông Hồng: Xe quá tải hành hạ mặt đê

Xe quá khổ, quá tải chở cát trên đê sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Văn Giang (Hưng Yên) (ảnh lớn); Hàng loạt điểm đê sông Hồng bị lún, rạn nứt dài hàng km. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Xe quá khổ, quá tải chở cát trên đê sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Văn Giang (Hưng Yên) (ảnh lớn); Hàng loạt điểm đê sông Hồng bị lún, rạn nứt dài hàng km. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
TP - Hàng nghìn lượt xe tải vận chuyển đất, cát xuyên ngày đêm trên đê sông Hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên khiến nhiều điểm mặt đê bị phá nát, xuống cấp nghiêm trọng trong khi lực lượng chức năng địa phương không xử lý.

Nườm nượp ngày đêm

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực đê thuộc địa phận xã Phụng Công (huyện Văn Giang) hằng ngày có hàng trăm xe tải chở đất, cát di chuyển tốc độ cao qua điểm mặt đê bị rạn nứt, lún dài và được cắm biển cảnh báo “khu vực đang theo dõi lún”.

Phần lớn những xe này là xe Howo tải trọng 16-17 tấn nhưng đều chở vật liệu vượt thùng, được phủ kín bạt. Cách đó không xa, tại địa phận xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử (huyện Khoái Châu), hàng chục xe tải lần lượt chở vật liệu từ các “sa mạc” cát ven sông di chuyển lên đê khiến cả các nút giao này mù đặc bụi đất, cát.

Anh Thanh Tùng (27 tuổi, trú xã Dạ Trạch) cho hay, con đường làng dẫn ra đê luôn trong tình trạng hai rãnh xẻ giữa đường và được phủ lớp bụi dày vài cm. Mỗi khi xe tải lên đê, bụi cát mù mịt dài cả chục mét. Khi trời mưa, đường lầy lội khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Cũng theo anh Tùng, không chỉ đường làng bị tàn phá mà mặt đê khu vực anh sống cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều điểm bị rạn nứt, lún 2-3 cm. Dù liên tục được lực lượng chức năng sửa chữa, đắp nhựa đường nhưng vài tháng nứt lại hoàn nứt, lún lại hoàn lún. Các vết nứt kéo dài tạo thành những con “lươn” khổng lồ trên đê khiến người điều khiển phương tiện gặp nguy hiểm.

Biết tình trạng… nhưng…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Quản lý đê điều – Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, trên tuyến đê tả sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên đang bị vi phạm nghiêm trọng. Nguyên nhân trực tiếp là do hàng nghìn chuyến xe quá tải trọng, vượt tiêu chuẩn thiết kế đi trên đê làm rạn nứt, lún nhiều điểm. Trong đó, còn 4 điểm bị rạn nứt nghiêm trọng nhất.

Cụ thể, tại khu vực đê thuộc địa phận các xã Xuân Quan, Phụng Công (huyện Văn Giang) đang có hàng trăm xe quá tải của Cty Việt Hưng vận chuyển đất đá, cát san lấp khu tái định cư xã Phụng Công với khối lượng hàng trăm nghìn m3 làm rạn nứt mặt đê từ Km78-Km79. Tại khu vực đê từ Km101-Km118 (thuộc TP Hưng Yên), cứ khoảng 10 phút xuất hiện một chuyến xe tải chở cát chạy qua khiến đoạn đê này bị lún, rạn nứt kéo dài nhiều km.

Còn đoạn km2-km6 khu vực bến xe Triều Dương và cây xăng Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ) hằng ngày có hàng chục xe quá tải gắn biển số cả trong lẫn ngoài tỉnh quần thảo xuyên đêm. Ngoài ra, nhiều điểm thuộc khu vực giáp ranh giữa huyện Văn Giang và Khoái Châu mặt đê cũng xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Khải, dọc đê sông Hồng qua tỉnh Hưng Yên chỉ dài vài chục km nhưng có tới 59 điểm chứa vật liệu xây dựng, tập kết cát hoạt động và hàng chục lò sản xuất gạch. Mật độ dày điểm tập kết vật liệu như vậy khiến hoạt động vận tải sôi động suốt thời gian qua. Nhiều đơn vị vận tải và chủ bến bãi chất hàng hóa vượt quá tải trọng, cho xe tải hoạt động rầm rộ đặc biệt thời điểm chiều tối và đêm khiến mặt đê bị phá nát.

“Đầu năm nay, UBND tỉnh có chỉ đạo quyết liệt, nhiều lần yêu cầu các địa phương, các ngành GTVT, công an tăng cường xử lý vi phạm, bảo vệ đê. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, ô tô chở vật liệu quá tải trọng 2-3 lần không những giảm mà còn gia tăng khiến hệ thống đê điều bị đe dọa nghiêm trọng. Hoạt động vận tải chưa được xử lý có nguyên nhân sâu xa do một số chính quyền cấp xã, huyện ký hợp đồng cho thuê đất để làm bến bãi chứa vật liệu, cát trái quy định. Trách nhiệm của UBND các xã để xảy ra vi phạm chưa bị xử lý nên tình trạng này còn kéo dài và tồn tại nhiều năm nay”, ông Hồ Trọng Khải nói.

Về câu hỏi, trách nhiệm của Chi cục quản lý đê điều tỉnh Hưng Yên để tồn tại các bến bãi khu vực chân đê, ông Khải cho biết, hầu hết các bến bãi xây dựng ngoài khu vực an toàn hành lang đê điều thuộc chính quyền địa phương quản lý. Duy chỉ có bãi cát thuộc Cty TNHH Phúc Lộc Thịnh tự ý xây dựng bãi cát trong hành lang bảo vệ đê, làm đường vận chuyển cát đen tại Km109, thuộc địa phận xã Mai Động (huyện Kim Động). Đơn vị đã lập biên bản vi phạm và đang đề xuất ra quyết định phạt doanh nghiệp này 33-55 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên – ông Nguyễn Quang Minh cho biết, UBND đã giao Sở TNMT phối hợp Sở GTVT và Sở NN&PTNT phối hợp giải tỏa các vi phạm hành lang đê điều, các bến bãi khai thác, chứa vật liệu trái phép trước ngày 30/4.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.