Sài Gòn mưu sinh đêm

Anh Minh, chị My đến tận bàn chơi đàn khi được yêu cầu. Ảnh: N.B
Anh Minh, chị My đến tận bàn chơi đàn khi được yêu cầu. Ảnh: N.B
TP - Lúc đa số dân Sài Gòn bắt đầu chìm vào giấc ngủ là thời điểm bắt đầu một “ngày” mưu sinh của một số người. Đối với họ, ngày hay đêm không quan trọng, bởi họ cần nhất là một công việc giúp họ ngày hai bữa ăn tằn tiện, vài đồng gom góp gửi về quê phụ giúp gia đình.

Bài I: Nghệ sĩ đường phố

Giữa đường, trước quán nhậu đông đúc, Đức lấy hết sức hét lớn rồi bắt đầu nhai từng cục than, nuốt từng lưỡi dao lam. Ở một góc khác, anh Minh chăm chú kéo đàn với hy vọng được thực khách trong quán nhậu cho vài đồng tiền lẻ.

Những đứa trẻ múa lửa


Sau tiếng “ơi” lớn để gây sự chú ý đối với những thực khách ngồi trong quán nhậu, Lê Hoàng Đức (10 tuổi, quê Tiền Giang) ngậm một miệng xăng đầy, đưa cây đuốc lên ngang miệng. Ngọn lửa bùng lên theo hướng phun xăng của Đức như “rồng phun lửa”. 

Sau màn này, Đức cầm chiếc que một đầu quấn vải tẩm xăng, châm lửa múa vài vòng rồi cho vào miệng nuốt liên tục. 

Hết múa lửa, nuốt lửa, Đức lại nhai dao lam, nhai cục than đang cháy đỏ rực. “Ngậm xăng nhiều quá, có khi bị sặc, xăng trôi vào bụng, không biết làm sao cho hết, em lấy chai nước dốc hết luôn vào họng. Nhiều khi trở về nhà với cái bụng đầy xăng với nước. Lưỡi bỏng rát vì bị than đang cháy đụng phải” - Đức kể.

Sài Gòn mưu sinh đêm ảnh 1 Đức với màn phun lửa

Màn múa lửa của cậu bé mới 10 tuổi khiến nhiều người lớn phải há miệng thán phục. Sau pha biểu diễn, đứa bé cầm cái lon đến từng bàn nhậu xin tiền. Mỗi đêm biểu diễn cật lực, Đức kiếm được hơn một trăm nghìn. 

Có đêm chỉ được vài ba chục, cũng có buổi may mắn, Đức kiếm được gần cả triệu, nhưng hiếm lắm. Cứ thế, Đức ghé các quán nhậu khắp thành phố từ chập tối đến khi không còn quán nào mở cửa, khách đã về hết thì em mới nghỉ. Đồ nghề của Đức chỉ có hai cây đuốc nhỏ, một ít dao lam và vài cục than đựng trong chiếc cặp học sinh đã cũ nát. 

Bố mẹ bỏ em đi từ nhỏ nên nay không nhớ mặt. Hiện em đang sống cùng ông bà ngoại ở một khu trọ tại phường Tân Hưng, quận 7. Ông bà đã già yếu, hằng ngày không lo nổi hai bữa cơm nên em tìm mọi cách để kiếm tiền. Trong một lần sang hàng xóm chơi, Đức gặp một người anh làm nghề xiếc lửa kiếm tiền hằng đêm nên theo học. Đến nay, em đã theo nghề múa lửa được gần hai năm. 

Ở cùng khu trọ với Đức còn có Nguyễn Minh Bon (8 tuổi), bố mẹ cũng đi làm xa. Đêm đêm, Bon đi theo các anh biểu diễn xiếc lửa kiếm tiền. Dù mới 8 tuổi nhưng Bon cũng khá thành thạo các ngón nghề... 

Cứ thế, một đứa trẻ 10 tuổi, một đứa 8 tuổi đêm đêm dẫn nhau đi khắp các con đường của thành phố biểu diễn những pha nguy hiểm kiếm từng đồng bạc lẻ. Bàn tay, lưỡi, miệng các em hằn lên những vết bỏng của than, lửa, những vết cứa của dao lam.

Cũng trong nghề “múa lửa” nhưng hai cô gái 16, 17 tuổi “đầu tư” hơn với một chiếc loa thùng và bịch kẹo. Hằng đêm, Duy (17 tuổi), Vi (16 tuổi) cùng ở quận 7, trên chiếc xe máy cà tàng chạy từ Bình Chánh, Hóc Môn rồi vào khu vực nội thành biểu diễn những màn múa lửa điêu luyện để bán kẹo kéo.

Trong tiếng nhạc sàn được mở hết công suất từ chiếc loa thùng, Duy cầm ba cây đuốc biểu diễn đủ kiểu múa lửa. Cầm những cây đuốc được tẩm xăng cháy bừng bừng, Duy chà vào tay, chân, bụng rồi từ từ cho vào miệng nuốt. 

Màn biểu diễn cuối cùng cũng là màn nguy hiểm nhất là cho cục bông tẩm xăng vào miệng ngậm rồi châm lửa, ngọn lửa cháy bùng lên từ trong miệng của Duy rồi từ từ được thổi ra ngoài. Khi màn biểu diễn của Duy vừa kết thúc, Vi nhanh tay cầm bó kẹo đi đến từng bàn nhậu mời chào khách. Mỗi cây kẹo được bán với giá 5 nghìn đồng.

“Mình đàn, hát khản cả giọng nhưng nhiều người không hiểu cứ nghĩ mình đi xin rồi xúc phạm, có khi ép uống bia rồi cầm tiền nhét vào những nơi nhạy cảm như bo cho tiếp viên trong sàn nhảy”.

Chị My kể
Nhờ những màn biểu diễn bốc lửa và nguy hiểm đó mà khách hàng cũng thấy thích thú hơn, mua kẹo nhiều hơn.
“Thấy bọn em biểu diễn đẹp mắt và cũng nguy hiểm nên nhiều người thích, cây kẹo bán giá 5 nghìn nhưng nhiều khi khách hào phóng cho thêm. Có đêm hai chị em cũng kiếm được 500 nghìn. Mỗi đêm đi một quận, huyện khác để khách không nhàm chán nên hầu như tất cả quán nhậu, con đường bọn em đều thuộc hết”, Vi nói.

Khắp người Duy và Vi là những vết bỏng, nhất là vùng bụng, cánh tay. Nhiều hôm do mua phải bông gòn non hay quấn bông vào cây không chặt, còn nhiều sợi tua ra nên khi múa, xát lửa vào bụng những sợi bông này cháy bám vào da. 

“Bọn em bị bỏng như cơm bữa. Nguy hiểm nhất là lúc ngậm xăng để đốt trong miệng, không may xăng tuột xuống họng là bị bỏng lưỡi liền”, Duy nói.

Vi kể: “Lắm khi trở về nhà hai chị em ôm mặt khóc vì bị khách say xỉn sờ mó lung tung. Những lúc đó em chỉ muốn tát vào mặt họ nhưng mình làm cái nghề này mà, sống dựa vào quán nhậu, khách nhậu nên đành cố mà chịu”. 

Sài Gòn mưu sinh đêm ảnh 2 Màn múa lửa của Duy - Vi với hi vọng bán được nhiều kẹo

Đời đàn thuê

Với cây violon và cây guitar, hằng đêm anh Nguyễn Hòa Minh (42 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cùng chị Bích My (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cùng nhau đến các quán nhậu trong thành phố dạo nhạc phục vụ khách. Phần thưởng của họ là những bông hoa nhựa được cắm những tờ 5 nghìn, 10 nghìn, thậm chí chỉ 1 -2 nghìn đồng.

Cứ thế, hết quán này đến quán khác, vừa đàn vừa hát từ lúc trời nhá nhem tối đến khi đường hết người hoặc giọng khản đặc, không hát được nữa hai người mới trở về, tự thưởng bằng tô hủ tiếu gõ.

Anh Minh (chơi đàn violon) từng học qua trường nhạc. Thấy một người cô bỏ cây đàn violon hư nên lượm lại tự sửa rồi tự học chơi luôn. Trải qua nhiều nghề nhưng vẫn không đủ sống. Trong một lần xem truyền hình thấy nước ngoài chơi đàn đường phố thấy hay, anh chơi thử. 

Thấy thu nhập đều đều nên gắn bó với nghề. Sau này anh rủ thêm người bạn học đi chung, nương tựa nhau kiếm sống. “Chạy xe vòng quanh thành phố, dọc hai bên bờ kè. Cứ thấy quán nào đông là mình ghé vào đàn. Có lúc người ta không thích dòng nhạc mình chơi hoặc âm thanh chiếc loa của mình lớn quá làm phiền, mình đi nơi khác”, anh Minh nói.

Đã có chồng và con hơn 3 tuổi nhưng công việc bình thường không đủ sống, nghe anh Minh nói đi chơi đàn đường phố thu nhập đều hơn, chị My gửi con cho bà ngoại rồi chạy xe từ Tân Phú lên quận 3 cùng người bạn đàn rong ruổi khắp thành phố kiếm cơm. “Đàn ông đi còn đỡ chứ phụ nữ mà một mình chạy trên đường đêm cũng sợ. Một phần vì đam mê âm nhạc, một phần vì mưu sinh nên mình cũng phải chấp nhận”, chị My nói.

Tuy thế, nhiều đêm vừa đàn vừa hát đến khản cả giọng nhưng hai người chỉ kiếm được mấy chục ngàn, thậm chí có buổi về tay trắng. Hôm nào trời mưa thì đành ở nhà. “Nhưng có hôm khách nghe rồi xin số điện thoại, hôm sau mời đến nhà chơi, thù lao thường cao hơn”.

Chị My bảo: “Mình đàn, hát khản cả giọng nhưng nhiều người không hiểu cứ nghĩ mình đi xin rồi xúc phạm, có khi ép uống bia rồi cầm tiền nhét vào những nơi nhạy cảm như bo cho tiếp viên trong sàn nhảy”.

Để tạo sự thích thú và mới lạ cho khách, anh Minh nghĩ ra những phong cách biểu diễn lạ để thu hút sự chú ý với hi vọng kiếm thêm tiền bo. “Mình vừa đi xe đạp một bánh hoặc nằm trên một thanh sắt nhọn chơi đàn. Nhiều lần nằm lên thanh sắt chơi đàn, xong không thể tự đứng dậy được, phải nhờ người đỡ lên”, anh Minh bảo. 

MỚI - NÓNG