Sản phụ gánh chịu hậu quả vì tắc trách y tế

Vợ chồng sản phụ Hoàng Thị Phương.
Vợ chồng sản phụ Hoàng Thị Phương.
TP - Phải chăng vì sự tắc trách của các bác sỹ trong việc thăm khám chẩn đoán sớm, và tiên lượng hộ sinh cho sản phụ, mà gần đây một bà mẹ ở Gia Lai đã sinh ra một đứa con đa dị tật, một bà mẹ ở Đắk Lắk mất cả 2 bé song sinh.

Mất cả 2 con đầu lòng

Chị Hoàng Thị Phương (SN 1998, trú tại xã Cư K’lông, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết: chị bị đau bụng, ngực và ho nhiều vào cuối thai kỳ nên gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng nhập viện từ ngày 29/3. 

Sau bảy ngày chị nằm tại khoa Ngoại - Sản, dù đau và ho rất nhiều, ngày 5/4, chị ho ra máu, gia đình chị năn nỉ xin bác sĩ cho chuyển viện nhưng bác sĩ bảo xe của bệnh viện đã đi hết nên phải chờ. Gia đình phải gọi xe ngoài lên bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng cho biết: Ngày 29/3, sản phụ Phương tới bệnh viện khám thai chứ không phải khám bệnh. Siêu âm cho thấy sản phụ mang song thai, một thai thuận và một thai ngược. 

Ngày 5/4, người nhà báo sản phụ ho khạc đờm ra máu, xin chuyển viện. Sau khi hội chẩn, bệnh viện đồng ý cho chuyển viện nhưng vì cả 2 xe của bệnh viện đều đi vắng, chồng chị Phương đã thuê xe ngoài. Bác sĩ trưởng khoa Sản cho rằng tình trạng sản phụ chưa nghiêm trọng nên không cử bác sĩ đi kèm khi chị Phương chuyển viện.

Bệnh án của sản phụ Phương tại BV đa khoa Thiện Hạnh ghi: Sản phụ khó thở dữ dội, nhịp thở nhanh 30 lần/phút, tím tái. Chẩn đoán suy tim, phù phổi cấp, song thai con so 37 tuần chuyển dạ, thai suy. Sau khi giải thích cho gia đình tình trạng sản phụ rất nguy cấp, bệnh viện đã mổ lấy thai.

Theo bác sĩ Lê Đăng Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh kiêm trưởng khoa gây mê, hồi sức: “Sản phụ bị phù phổi cấp, trước đó đã thiếu ô xy nên khi chúng tôi mổ lấy thai, dù rất nỗ lực cũng chỉ cứu được mẹ, không thể cứu hai bé”.

“Nếu được chuyển viện sớm, hoặc trong quá trình di chuyển có y, bác sĩ với các máy móc và bình ô xy hỗ trợ thì có lẽ tôi đã không mất cả hai con”- chị Phương khóc, kể.

Sinh con đa dị tật

Theo phản ánh của chị Trần Thị Phước Lộc (sinh năm 1988, trú phường Thắng Lợi, thành phố PLeiku, Gia Lai): chị mang thai đứa con đầu lòng đến tháng thứ 3 thì bắt đầu siêu âm tại phòng khám Thảo Nguyên (47 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, thành phố PLeiku). 

Trong các lần khám định kỳ, vợ chồng bác sĩ Lê Trọng Nguyên-Trần Thị Thảo chủ phòng mạch đều ghi tình trạng thai nhi phát triển bình thường. Khi thai được hơn 22 và 32 tuần tuổi, chị làm dịch vụ siêu âm màu để kiểm tra tình trạng thai nhi và xác định dị tật, bác sỹ vẫn nói chưa thấy bất thường. 

Đến ngày 20/3/2016, chị Lộc chuyển dạ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Nhìn bé trai vừa chào đời, đôi bên họ hàng như chết lặng khi thấy khuôn mặt cháu dị dạng, không có tai, không có xương hàm phải, bị hở hàm ếch, hở vòm họng rộng, không thể tự bú…

Kết quả điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho thấy bé bị viêm phổi nặng, loạn sản phổi, suy dinh dưỡng nặng, tật đầu nhỏ, bất thường não bẩm sinh, hội chứng Treacher chollins. Quá bức xúc vì nhiều lần không liên lạc được với bác sỹ Thảo, chị Lộc đã đưa sự việc lên trang facebook cá nhân, nhiều phụ nữ từng đến phòng khám Thảo Nguyên để theo dõi thai kỳ đã bức xúc bình luận, chia sẻ.

Bác sĩ Bạch Anh Hùng, phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: Bác sỹ Trần Thị Thảo hiện là phó khoa Sản bệnh viện này. Vụ việc xảy ra ngoài khuôn viên bệnh viện và ngoài giờ hành chính nên bệnh viện không thể can thiệp. Theo BS Hùng, người dân đã cất công đi theo dõi thai kỳ thì phải được biết kết quả dù là không như mong muốn.

Người nhà chị Phương cho biết, bệnh viện đã cử người đem đến nhà 30 triệu đồng xin đừng khiếu nại. Vợ chồng chị Phương dù gia cảnh rất nghèo khó nhưng cương quyết không nhận tiền, chỉ muốn các cơ quan chức năng điều tra làm rõ việc điều trị của các bác sĩ bệnh viện này đã sai sót, tắc trách như thế nào, để ngăn ngừa những cái chết oan uổng tương tự trong sản khoa.

MỚI - NÓNG