Sẵn sàng chịu đánh giá tín nhiệm

Sẵn sàng chịu đánh giá tín nhiệm
TP - Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: “Nếu sau 2 năm lãnh đạo mà phiếu tín nhiệm quá thấp thì phải thôi chức. Thậm chí 1 năm tín nhiệm quá thấp thì cũng có thể thay... Đương nhiên tôi cũng phải thực hiện và sẵn sàng”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:

> Thay cán bộ không đợi tuổi, không chờ nhiệm kỳ

Sẵn sàng chịu đánh giá tín nhiệm

Ông Nghị cho rằng, hiện nay có tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận lãnh đạo, đảng viên các cấp. Nhiều cán bộ chuộng hình thức, sử dụng lãng phí tài sản công. “Dịp lên Tây Bắc vừa qua, mặc dù đã dặn trước song có tỉnh vẫn có khẩu hiệu chào mừng, tôi phải ngồi chờ ở phòng khách đến khi tháo gỡ mới vào làm việc”, ông Nghị cho biết.

Việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh cán bộ sẽ được Hà Nội chú trọng những điểm nào, thưa ông?

Có nhiều điểm mới, tôi chỉ nói vào một điểm thôi. Đó là hằng năm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chức danh cán bộ bầu cử trong Đảng, chính quyền, trong bộ máy Nhà nước. Trước kia chúng ta 5 năm một lần tiến hành bầu cử, giờ hằng năm chúng ta lấy phiếu tín nhiệm. Nếu như ai mà không đáp ứng được yêu cầu công việc nhiều lắm là sau 2 năm phải thay.

Dù ai muốn né tránh, không muốn bị đánh giá, tham gia vào quá trình đánh giá ấy thì lần này cũng sẽ phải bị đánh giá và được đánh giá. Nghĩa là mình được đánh giá về người khác và người khác cũng được đánh giá về mình. Đấy là một trong những điểm mới mà không có việc phải chờ sau 5 năm nhiệm kỳ bầu rồi mới thay mà nhiều lắm là sau 2 năm. Thậm chí 1 năm tín nhiệm quá thấp, năng lực không làm được việc thì cũng có thể thay.

Bản thân ông có sẵn sàng thực hiện không?

Đương nhiên là tôi cũng phải thực hiện và sẵn sàng.

Hà Nội sẽ thực hiện việc đánh giá tín nhiệm thế nào để khách quan, hiệu quả, thưa ông?

Trong kế hoạch triển khai của T.Ư đã nói về việc này rất rõ. Với tinh thần như vậy Hà Nội sẽ mở rộng hơn nữa đối tượng được tham gia đánh giá, tức là nhiều người hơn nữa được tham gia đánh giá. Theo cơ chế mới, nhiều người cùng đánh giá một người thì khách quan hơn, ai mà né tránh không tham gia thì cũng bị đánh giá.

Ông có nghĩ việc lấy phiếu tín nhiệm, sàng lọc cán bộ sẽ hình thành một đội ngũ lãnh đạo mới?

Khi trình bày Nghị quyết này ở hội trường tôi cũng đã nói cần phải khắc phục cả hai khuynh hướng suy nghĩ không đúng. Một là thiếu tự tin, chưa làm đã nghĩ không làm được đâu và chắc làm không được. Nhưng mà cũng tránh khuynh hướng thứ hai, đây là việc làm chỉ một lần là xong. Việc xây dựng Đảng là công việc thường xuyên, liên tục lâu dài mà cứ mỗi lần làm nó sẽ được từng bước, từng bước. Rồi có khi sau làm lần này nó sẽ xuất hiện những việc khác và mình sẽ làm tiếp nữa.

Cụ thể việc đánh giá cán bộ, trước kia mình chưa đánh giá mà sau 5 năm mới đánh giá được một lần thì người cán bộ có thể nói là 3 năm đầu rất thờ ơ, chủ quan rồi đến năm cuối cùng mới cố gắng, đi vận động có phiếu. Nhưng giờ mỗi năm đánh giá một lần thì không lẽ ông cứ đi chạy suốt, né tránh suốt à. Chỉ riêng việc này thôi đã có tác dụng tích cực và việc lấy phiếu tín nhiệm phải tiến hành thường xuyên mới có hiệu quả đánh giá cán bộ.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG