Sau chiến dịch đòi lại vỉa hè: Nguy cơ tái lấn chiếm

Sau chiến dịch đòi lại vỉa hè: Nguy cơ tái lấn chiếm
TP - Báo cáo của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, sau hơn một tháng ra quân “đòi lại vỉa hè”, vẫn tồn tại tình trạng tái lấn chiếm ở một số tuyến phố sau 19h. Một số cơ quan nhà nước còn để xe sai quy định...

Tái chiếm vỉa hè về đêm

Báo cáo của quận Hoàn Kiếm cho biết, trong chiến dịch ra quân đòi vỉa hè và xử lý vi phạm trật tự đô thị, các lực lượng đã xử lý 1.025 trường hợp với số tiền phạt trên 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tháo dỡ 337 mái che, mái vẩy, phá dỡ hơn 300 bục, bệ, cầu dắt xe lấn chiếm vỉa hè. Nhìn lại 1 tháng sau ra quân, báo cáo đánh giá, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, trông giữ phương tiện. Nhiều chợ cóc, chợ tạm đã được xử lý, giảm số vụ vi phạm tại các địa điểm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có một số vi phạm như tình trạng lấn chiếm còn diễn ra ở một số tuyến phố sau 19h. Một số cơ quan nhà nước còn để xe sai quy định.

Ghi nhận của PV cho thấy, ở nhiều tuyến phố khu vực phố cổ như Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Hàng Đào… vỉa hè đã thực sự phong quang, không còn cảnh các vỉa hè bị lấn chiếm bán hàng. Khách du lịch có thể thoải mái tản bộ trên đường phố. Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND phường Hàng Đào cho biết, ngoài việc kiểm tra thường xuyên, chống tái lấn chiếm vỉa hè, phường còn tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh sống nhờ vỉa hè. Lãnh đạo phường tổ chức họp mặt tổ dân phố, đồng thuận việc nhường mặt ngõ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động kinh doanh có vất vả hơn, nhưng đa số người dân đã có nhận thức trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Tuy vậy, ở một số phường, việc kiểm tra xử lý vẫn chưa đồng bộ khiến bộ mặt đô thị vẫn nhếch nhác. Đơn cử như tại đường Chương Dương Độ, Bạch Đằng (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm), chỉ 6 giờ tối, hàng loạt hàng quán tiếp tục bày bán tràn ra vỉa hè. Thậm chí, quán bia trên đường Chương Dương Độ mà báo Tiền Phong đã từng phản ánh vẫn tiếp tục cho khách ngồi trên vỉa hè, xe để xuống đường, chắn cả lòng đường của người dân. Cách đó không xa, vườn hoa tại ngã 3 phố Phan Huy Chú -  Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm), ngã 3 Phạm Ngọc Thạch – Kim Liên mới (Đống Đa)…  cũng là những địa điểm bị biến thành nơi đỗ xe của các nhà hàng quanh đó.

Hàng rong tái xuất               

Ngày 10/4, ghi nhận của Tiền Phong tại nhiều tuyến đường, khu vực ở quận 1 (TPHCM) vẫn còn tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè như ở các tuyến đường Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình…

Những tuyến đường này xuất hiện nhiều người tụ tập mua bán hàng rong trên vỉa hè, nhất là vào các giờ cao điểm như buổi sáng và trưa. Ngoài hàng rong ăn uống, người dân còn buôn bán các loại mũ bảo hiểm, mắt kính, quần áo,…

Ghi nhận chiều 10/4, các gian hàng này nối liền nhau trên đường Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình,…dù phía trên là băng rôn của chính quyền treo tuyên truyền lập lại trật tự lòng lề đường từ nhiều ngày qua.

Trong khi đó, ở khu chợ Tôn Thất Đạm, chợ trên đường Cô Bắc, Cô Giang,…cũng chiếm hết lòng đường, người đi bộ và xe cộ phải di chuyển “né” nhau. Các khu chợ tự phát xung quanh hai khu vực này cũng mọc lên như nấm sau mưa. Đặc biệt, dưới cầu Ông Lãnh người dân bày bán các loại rau củ quả chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Vào giờ cao điểm, di chuyển qua khu vực này rất khó khăn.

Theo Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 (TPHCM), sau 3 tháng thực hiện “chiến dịch đòi lại vỉa hè”, quận 1 đã xử phạt gần 3.000 trường hợp vi phạm với số tiền nộp phạt gần 1,4 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG